Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

(83) Sai lầm của ông Chung: Lợi ích nhóm ở ĐNG ?

Có lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại Giao Đoàn?
Thu Phương - TheLEADER - Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc tham vấn không đúng đối tượng trong điều chỉnh quy hoạch khu đô thi Ngoại Giao Đoàn có thể xem là hành vi gian lận, lừa đảo, mang tính chất đối phó, không đảm bảo khách quan, minh bạch.

Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn
Lợi ích nhóm trong thay đổi quy hoạch
Như thông tin TheLEADER đã đăng tải trong các số trước, theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mới của UBND TP. Hà Nội, nhiều khu đất vốn để xây dựng công trình công cộng cao 7 tầng tại khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đã được điều chỉnh thành cao ốc 12 - 27 tầng.

Đặc biệt, tại buổi đối thoại giữa cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn và chủ đầu tư dự án Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), bà Đỗ Thị Hương Chà, Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo đã thừa nhận rằng: “Tất cả người dân được mời lấy ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị là người dân Tổ dân phố 1, không phải người dân cư trú trong các tòa nhà của Ngoại Giao Đoàn”.

Chính vấn đề tham vấn sai đối tượng trong điều chỉnh quy hoạch này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian gần đây. Về vấn đề này, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, việc tham vấn ý kiến của cư dân khu đô thi Ngoại Giao Đoàn để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch khu Ngoại Giao Đoàn của UBND phường Xuân Tảo và Hancorp có thể xem là hành vi gian lận, lừa đảo, làm hình thức mang tính chất đối phó chứ không phải làm thật, không đảm bảo khách quan, minh bạch.


Luật sư Trương Thanh Đức

Đồng quan điểm, Luật sự Mai Anh Tú, Văn phòng Luật sư H&L và cộng sự cũng cho rằng, có nhiều điều bất thường trong việc lấy ý kiến cư dân sai đối tượng để điều chỉnh quy hoạch tại khu đô thị Ngoại Giao Đoàn. Đặc biệt, không loại trừ có yếu tố lợi ích nhóm, các yếu tố lợi dụng để trục lợi và quan hệ “đổi chác” ở đây.

Điều 8 và 20, Luật Quy hoạch đô thị 2015 quy định: Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch đô thị; Trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch đô thị. Các quy định đều nêu rõ, ý kiến của tổ chức, cá nhân về hoạt động quy hoạch đô thị phải được tổng hợp, nghiên cứu và công khai; phải được các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho tham gia ý kiến; có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trước khi phê duyệt.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 16, Luật Xây dựng 2014, cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng. Ủy ban nhân dân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trong việc lấy ý kiến.

Do đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm, động cơ và mục đích của các bên liên quan trong việc này. Đặc biệt, xem xét trách nhiệm, động cơ và mục đích của UBND phường Xuân Tảo đối với những tài liệu tham vấn cư dân do mình thực hiện có đúng như quy định của các Luật, Điều luật nêu trên và các quy định pháp luật liên quan khác, LS. Mai Anh Tú nhận định.

Khi được hỏi về việc bản quy hoạch được tham vấn ý kiến cư dân sai đối tượng có giá trị pháp lý như thế nào, LS. Trương Thanh Đức cho rằng, việc xin ý kiến cư dân chỉ là phần phụ trong quy trình điều chỉnh quy hoạch dự án, không ảnh hưởng đến tích pháp lý của quy hoạch.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là Hà Nội cứ lấy lý do tăng thêm mật độ để thay đổi quy hoạch quá dễ dàng, đằng sau đó là lợi ích nhóm, "phong bì"... Như các toà nhà cao tầng trong trung tâm thành phố cứ xuất hiện mới, tất cả đều đúng quy hoạch cả đấy nhưng gây hậu hoạ đối với kinh tế xã hội là rất lớn.

Vấn đề chính ở đây là quy hoạch có đảm bảo tính hợp lý hay không và cấp có thẩm quyền nào phê duyệt. Còn nếu quy hoạch đó là hợp lý thì người dân phải chấp nhận, LS. Trương Thanh Đức nhận định.

Người dân có thể khởi kiện vì bị ảnh hưởng quyền lợi

Cũng theo LS. Trương Thanh Đức, về việc này, thứ nhất người dân tại khu đô thị Ngoại Giao Đoàn có thể khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan có thẩm quyền về quyết định điều chỉnh quy hoạch trái pháp luật của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc này khó kiện vì đây là đất công của Nhà nước nên không thể kiện để hủy bỏ quy hoạch.

Thứ hai, người dân có thể khởi kiện ra toà, khiếu nại về hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân theo thủ tục dân sự và tố cáo đối với hành vi sai phạm tại quy hoạch điều chỉnh (nếu có)

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc kiểm tra một cách quyết liệt trong vụ việc này, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho cư dân, LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc lấy ý kiến sai đối tượng cư dân, Luật sự Mai Anh Tú cho rằng, sự vô trách nhiệm, tắc trách của UBND phường Xuân Tảo với người dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn là rất rõ ràng, không thể ngụy biện và chối bỏ.

Theo các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (Điều 36 và 64). Trách nhiệm của UBND phường Xuân Tảo ở đây là đã không thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn quản lý theo quy định; quản lý cư dân trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của UBND phường Xuân Tảo ở đây còn là đã tạo ra những tài liệu không chính xác và sai lệch cho hồ sơ điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại Giao Đoàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt của Chủ đầu tư Hancorp.

Về việc điều trỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại Giao Đoàn, luật sư Tú cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét và xử lý một cách nghiêm túc. Bởi thực tế, vấn đề điều chỉnh quy hoạch tăng mật độ xây dựng tại nhiều khu vực, dự án thời gian vừa qua đã gây ra nhiều hệ lụy và hậu quả không lường hết được trong quản lý trật tư xây dựng đô thị.

http://theleader.vn/co-loi-ich-nhom-trong-dieu-chinh-quy-hoach-khu-do-thi-ngoai-giao-doan-2017102711072837.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét