Milton Friedman là ai?
Lời toà soạn: Milton Friedman (sinh năm 1912, Nobel 1976), người Mỹ, một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong nửa sau của thế kỷ 20, từ trần ngày 16 tháng 11 năm 2006. Để giới thiệu Friedman với bạn đọc, Thời Đại Mới xin dịch bài sau đây của Paul Krugman, một nhà kinh tế ở thế hệ sau Friedman, và tuy không là một đồ đệ của Friedman, đã thẩm định Friedman một cách khá khách quan, chính xác và đầy đủ.1. Lịch sử kinh tế học thế kỷ 20 có chút gì đó giống với lịch sử Cơ-đốc giáo thế kỷ 16. Mãi cho tới khi John Maynard Keynes xuất bản tác phẩm Lý thuyết tổng quát về lao động, lãi suất và tiền tệ vào năm 1936, kinh tế học – ít ra là trong các nước nói tiếng Anh – hoàn toàn bị tư tưởng chính thống về thị trường tự do thống trị. Những tư tưởng khác biệt đôi khi cũng xuất hiện, nhưng luôn bị lấn át. Kinh tế học cổ điển, theo như Keynes viết năm 1936, “thống trị hoàn toàn nước Anh giống hệt như Tòa án Dị giáo thống trị Tây Ban Nha.” Và kinh tế học cổ điển tuyên bố rằng lời giải cho hầu hết các vấn đề là cứ để mặc mọi việc dưới các tác động của cung và cầu.
Nhưng kinh tế học cổ điển đã không có lời giải thích cũng như đưa ra được biện pháp giải quyết cuộc Đại Suy thoái. Đến giữa những năm 30, những thách thức đặt ra với kinh tế học chính thống không còn kìm nén lâu hơn được nữa. Keynes đã đóng vai trò của Martin Luther, mang đến cho những tư tưởng dị biệt sự nghiêm cẩn về mặt học thuật cần thiết để chúng được tôn trọng. Mặc dù Keynes không phải là một người thiên tả – ông xuất hiện để bảo vệ chủ nghĩa tư bản chứ không phải chôn vùi nó – lý thuyết của ông nói rằng không thể trông đợi vào thị trường tự do để cung cấp đầy đủ việc làm, từ đó tạo ra cơ sở mới cho sự can thiệp sâu rộng hơn của chính phủ vào nền kinh tế.
Học thuyết Keynes là một cuộc cải cách lớn lao của kinh tế học. Đương nhiên, nó được tiếp nối bằng một cuộc chống cải cách. Một số nhà kinh tế đã đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế học cổ điển trong giai đoạn từ năm 1950 đến 2000, nhưng không ai có ảnh hưởng như Milton Friedman. Nếu Keynes là Luther, Friedman là thánh Ignatius xứ Loyola, người đã sáng lập ra dòng Tên (Jesuits). Và giống như những tín đồ Jesuits, những người theo chân Friedman đã hành động với cách thức của một đội quân thành tín có kỷ luật, buộc ý tưởng dị biệt của Keynes phải thối lui trên nhiều mặt nhưng không lùi hẳn. Đến cuối thế kỷ trước, kinh tế học cổ điển đã quay trở lại dù không lấy lại hoàn toàn vị trí thống trị trước đây của nó, và Friedman xứng đáng là người có công lớn.
Tôi không muốn đi quá xa trong sự so sánh với tôn giáo. Lý thuyết kinh tế chí ít cũng mong đạt đến tính khoa học chứ không phải là thần học; nó quan tâm đến trần gian chứ không phải thiên đường. Lý thuyết của Keynes lúc đầu thắng thế vì đã làm tốt hơn kinh tế học chính thống cổ điển rất nhiều trong việc nhận biết thế giới xung quanh, và chỉ trích của Friedman với Keynes có tầm ảnh hưởng lớn như thế bởi vì ông đã nhận diện chính xác những điểm yếu của học thuyết Keynes. Và xin nói cho rõ: cho dù tiểu luận này có chỉ ra rằng Friedman đã sai lầm trong vài vấn đề, và đôi lúc dường như thiếu thành thật với người đọc của ông, tôi vẫn coi ông là nhà kinh tế vĩ đại và là con người vĩ đại.
2.
Milton Friedman đã đóng ba vai trò trong đời sống tri thức thế kỷ 20. Một Friedman nhà kinh tế của các nhà kinh tế, người đã viết những phân tích mang tính kỹ thuật và ít nhiều không mang tính chính trị về hành vi của người tiêu dùng và lạm phát. Một Friedman người rao bán chính sách, người đã tham gia vận động cho chính sách trọng tiền trong nhiều thập kỷ – cuối cùng cũng chứng kiến Cục dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương Anh đã làm theo học thuyết của ông vào cuối thập niên 70, rồi từ bỏ một vài năm sau đó vì nó không thể vận hành trơn tru. Cuối cùng, là một Friedman nhà tư tưởng, người truyền bá vĩ đại học thuyết về thị trường tự do.
Con người đó đã đóng cùng lúc tất cả những vai trò trên? Đúng và không. Cả ba vai trò đều in đậm lòng tin của Friedman vào những chân lý kinh điển của các học thuyết kinh tế thị trường tự do. Hơn nữa, sự thành công của Friedman trong vai trò một người quảng bá và tuyên truyền phần nào dựa vào danh tiếng xứng đáng của ông với tư cách một lý thuyết gia kinh tế uyên thâm. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng giữa sự chặt chẽ trong công trình của ông với tư cách một nhà kinh tế học chuyên sâu và sự dễ dãi, đôi lúc đáng ngờ về mặt logic trong những phát biểu của ông với tư cách một trí thức của công luận (public intellectual). Trong khi công trình nghiên cứu lý thuyết của Friedman được hầu hết các kinh tế gia chuyên nghiệp ngưỡng mộ, những phát biểu về chính sách của ông và nhất là hoạt động truyền bá của ông tạo ra nhiều ý kiến ngược chiều. Và phải nói rằng có vài điều đáng bàn về sự trung thực về mặt tri thức khi ông phát biểu trước công chúng.
Nhưng hãy tạm đặt sang một bên những điểm còn hồ nghi, và hãy nói về nhà kinh tế lý thuyết Friedman. Trong gần hai thế kỷ qua, khái niệmHomo economicus (Con người kinh tế) đã chiếm ưu thế trong tư duy kinh tế học. Con người kinh tế giả thiết biết mình muốn gì; sự ưa thích của anh ta có thể được biểu diễn toán học thông qua “hàm lợi ích” (utility function). Và những sự lựa chọn của anh ta được dẫn hướng bởi những tính toán hợp lý về việc làm thế nào tối đa hóa hàm thỏa dụng nói trên: những người tiêu dùng sẽ phải quyết định chọn giữa đồ ăn khô làm từ ngô (cornflakes) và từ lúa mì (shredded wheat) cũng như nhà đầu tư sẽ phải quyết định lựa chọn giữa cổ phiếu và trái phiếu, những quyết định đó được giả thiết trên cơ sở so sánh “lợi ích biên”, hay lợi ích người mua sẽ có thêm được từ việc lấy thêm một lượng nhỏ trong những khả năng sẵn có.
Thật dễ cười nhạo câu chuyện này. Không ai, ngay cả những nhà kinh tế đoạt giải Nobel, thực tình quyết định theo cách đó. Tuy vậy, hầu hết các nhà kinh tế – trong đó có cả tôi – vẫn thấy rằng khái niệm Con người Kinh tế là hữu dụng, với sự chấp nhận rằng anh ta là đại diện lý tưởng cho những gì chúng ta nghĩ đang diễn ra trong thực tế. Con người có những ưa thích, ngay cả nếu những ưa thích đó thực sự không thể biểu diễn bằng một hàm lợi ích chính xác; họ thường có những quyết định hợp lý, ngay cả khi họ không tối đa hóa lợi ích theo nghĩa đen. Bạn có thể thắc mắc, tại sao không biểu diễn con người theo cách họ hành động trong thế giới thực? Câu trả lời là, sự trừu tượng hóa, sự đơn giản hóa có mục đích là cách duy nhất chúng ta có thể áp đặt một thứ trật tự tri thức vào sự phức tạp của đời sống kinh tế. Và giả thiết về hành vi hợp lý là một sự đơn giản hóa đặc biệt hiệu quả.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nên đi xa đến đâu. Keynes đã không tấn công toàn diện vào Con người Kinh tế, nhưng ông thường viện đến lý luận về tâm lý hợp lý hơn là phân tích cẩn thận một người ra quyết định hợp lý sẽ làm gì. Những quyết định kinh doanh do “tâm lý bầy đàn” dẫn hướng, những quyết định của người tiêu dùng tuân theo xu hướng tâm lý sẽ chi tiêu thêm một phần thu nhập tăng lên chứ không phải tất cả, điều đình tiền lương dựa trên cảm giác về sự công bằng, vân vân.
Nhưng giảm nhẹ vai trò của khái niệm Con người Kinh tế đến mức đó có thực sự là một ý tưởng hay? Milton Friedman cho là không khi lập luận trong bài viết “Phương pháp luận kinh tế học thực chứng” vào năm 1953 rằng không nên đánh giá các lý thuyết kinh tế dựa vào khả năng giải thích hợp lý thực tế bằng tâm lý học mà phải đánh giá chúng bằng khả năng dự báo được các hành vi. Và hai thành quả vĩ đại nhất của Friedman trong vai trò là nhà kinh tế lý thuyết phát sinh từ việc ứng dụng giả thuyết về hành vi hợp lý vào các câu hỏi mà các nhà kinh tế khác đã cho rằng không giải quyết được.
Trong cuốn sách năm 1957 của ông, Lý thuyết về hàm tiêu dùng (A Theory of the Consumption Function) – một tựa đề không mấy dễ “nuốt” với số đông, nhưng là một chủ đề quan trọng – Friedman lập luận rằng cách tốt nhất để hiểu các hành vi tiết kiệm và chi tiêu không phải là viện đến việc lý luận lỏng lẻo về tâm lý, như Keynes đã làm, mà tốt hơn là xem xét các cá nhân lên kế hoạch hợp lý để tiêu dùng tài sản của họ như thế nào trong đời. Ý tưởng này không nhất thiết chống lại học thuyết Keynes. Trên thực tế, Franco Modigliani, nhà kinh tế lớn thuộc trường phái Keynes, thực hiện một nghiên cứu tương tự đồng thời và độc lập, cũng đưa ra lập luận tương tự – thậm chí với lối tư duy còn thận trọng hơn về hành vi hợp lý trong công trình với Albert Ando. Nhưng nó đã đánh dấu sự quay trở lại của lối tư duy theo kinh tế học cổ điển – và đã đưa đến kết quả. Không đi vào chi tiết để tránh sa vào mặt kỹ thuật, nhưng có thể nói “giả thiết thu nhập thường trực” (permanent income hypothesis)của Friedman và “mô hình vòng đời” (life cycle model) của Ando và Modigliani đã giải quyết một số nghịch lý hiển nhiên trong mối quan hệ giữa thu nhập và tiêu dùng, và cho đến nay vẫn là cơ sở cho những suy nghĩ của nhà kinh tế về chi tiêu và tiết kiệm.
Công trình của Friedman về hành vi tiêu dùng, chỉ từng đó thôi cũng đã làm nên danh tiếng học thuật của ông. Tuy nhiên, một thành quả khác thậm chí còn lớn hơn là việc ông ứng dụng Con người kinh tế trong lý thuyết để giải thích lạm phát. Năm 1958 nhà kinh tế sinh tại New Zealand A. W. Phillips đã chỉ ra rằng có một tương quan mang tính lịch sử giữa thất nghiệp và lạm phát: tỷ lệ lạm phát cao có liên hệ với tỷ lệ thất nghiệp thấp và ngược lại. Trong một thời gian, các nhà kinh tế đã xem mối quan hệ này là đáng tin cậy và bền vững. Điều đó dẫn đến cuộc thảo luận nghiêm túc về những điểm nào trên “đường cong Phillips” chính phủ nên chọn. Chẳng hạn, nước Mỹ có nên chấp nhận một tỷ lệ lạm phát cao để đạt được tỷ lệ thất nghiệp thấp?
Tuy nhiên, năm 1967, Friedman đã đọc diễn văn chủ tịch trước Hội Kinh tế Mỹ, trong đó ông lập luận rằng mối tương quan giữa lạm phát và thất nghiệp, dù dữ liệu có thể hiện điều đó, cũng không đại diện cho một sự đánh đổi thực sự, ít ra là trong dài hạn. Ông tuyên bố: “Luôn luôn có một sự đánh đổi tạm thời giữa lạm phát và thất nghiệp, nhưng không phải sự đánh đổi lâu dài.” Nói cách khác, nếu các nhà ra chính sách thử giữ tỉ lệ thất nghiệp thấp nhờ vào một chính sách làm cho lạm phát cao lên, họ sẽ chỉ thành công trong ngắn hạn. Theo Friedman, thất nghiệp sau rốt sẽ lại tăng, ngay cả khi lạm phát duy trì ở mức cao. Nói cách khác, nền kinh tế sẽ trải qua thời kỳ mà sau này Paul Samuelson sẽ đặt tên là suy lạm phát ( stagflation).
Friedman đi đến kết luận này như thế nào? (Edmund S. Phelps, người đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2006, đồng thời và độc lập đã đi đến cùng một kết quả.) Cũng như trong công trình nghiên cứu của ông về hành vi tiêu dùng, Friedman đã áp dụng ý tưởng về hành vi hợp lý. Ông lập luận rằng, sau một thời kỳ lạm phát kéo dài, người ta sẽ đưa kỳ vọng về lạm phát trong tương lai vào quyết định của họ, làm vô hiệu hóa bất kỳ hiệu quả tích cực nào của lạm phát đối với việc làm. Chẳng hạn, một lý do lạm phát có thể dẫn đến việc làm cao hơn là do thuê nhiều công nhân sẽ trở nên có lợi hơn khi giá tăng nhanh hơn lương lao động. Nhưng một khi người lao động hiểu rằng sức mua của lương họ sẽ bị giảm vì lạm phát, họ sẽ đòi trước những thỏa thuận lương cao hơn, để cho lương tăng kịp với giá. Kết quả là, sau khi tình trạng lạm phát diễn ra một thời gian, nó sẽ không còn đem lại sức tăng việc làm như ban đầu nữa. Thực tế, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên nếu tình trạng lạm phát diễn ra không như mong đợi.
Vào lúc Friedman và Phelps đưa ra những ý tưởng của họ, Mỹ chưa có nhiều kinh nghiệm về tình trạng lạm phát kéo dài. Nên điều này thực sự có ý nghĩa dự báo hơn là cố gắng giải thích những gì diễn ra trong quá khứ. Tuy thế, tình trạng lạm phát dai dẳng những năm 1970 đã kiểm tra giả thiết của Friedman-Phelps. Đúng thế, tương quan lịch sử giữa lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp bị phá vỡ đúng theo cách mà Friedman và Phelps dự đoán: vào năm 1970, khi tỉ lệ lạm phát tăng đến hai con số, tỷ lệ thất nghiệp lên cao, còn cao hơn cả những năm giá cả ổn định của thập niên 1950 và 1960. Cuối cùng lạm phát được kiểm soát vào những năm 1980, nhưng chỉ sau một thời kỳ nhọc nhằn với tỉ lệ thất nghiệp cực cao, tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái.
Với việc dự đoán trước tình trạng suy lạm phát, Friedman và Phelps đã đạt được một thành tựu lớn lao của kinh tế học thời hậu chiến. Thành tựu này, hơn bất kỳ kết quả nào khác, xác nhận địa vị của Milton Friedman như một nhà kinh tế vĩ đại của các nhà kinh tế, bất kể những gì người ta có thể nghĩ về các vai trò khác của ông.
Một lưu ý thú vị: cho dẫu Friedman đã đạt được những bước tiến vĩ đại trong kinh tế vĩ mô với việc áp dụng khái niệm về cá nhân hành động hợp lý, ông cũng biết đâu là điểm dừng. Thập niên 1970, vài nhà kinh tế đã đẩy những phân tích về lạm phát của Friedman đi xa hơn nữa, lập luận rằng không có sự đánh đổi nào đáng kể giữa lạm phát và thất nghiệp ngay cả trong ngắn hạn, bởi vì người dân sẽ tiên liệu các hành động của chính phủ và dùng tiên liệu đó, cũng như kinh nghiệm quá khứ, vào trong việc thiết lập giá và thương lượng tiền lương. Học thuyết này, được biết đến như “kỳ vọng hợp lý”, lan rộng ra trong giới kinh tế học học thuật. Nhưng Friedman chưa bao giờ thừa nhận điều này. Ý thức thực tế của ông đã cảnh báo rằng điều này đưa ý tưởng về Con người Kinh tế đi quá xa. Và nó cũng đã được chứng minh. Bài thuyết trình của ông vào năm 1967 đã đứng vững qua sự kiểm tra của thời gian, trong khi những quan điểm cực đoan hơn được các nhà lý thuyết về kỳ vọng hợp lý đề xuất về vào thập kỷ 70 và 80 thì không.
3.
“Tất cả mọi thứ nhắc nhở Milton nhớ về cung tiền. Ừ, thì tất cả mọi thứ nhắc tôi nhớ về sex nhưng tôi không đưa nó vào bài viết” – Robert Solow, đại học MIT đã viết như vậy năm 1966. Trong nhiều thập kỷ, trong con mắt của công chúng, hình ảnh và tên tuổi của Milton Friedman được biết đến rộng rãi với những tuyên bố của ông về chính sách tiền tệ và sản phẩm sáng tạo của ông được biết dưới tên gọi học thuyết trọng tiền. Khá là ngạc nhiên khi nhận ra rằng học thuyết trọng tiền hiện nay được nhìn nhận rộng rãi như một sự thất bại, và một vài trong những điều Friedman nói về “tiền” và chính sách tiền tệ – không giống như những gì ông ta nói về tiêu dùng và lạm phát – dường như sai lạc, và có lẽ sai lạc có chủ tâm.
Để hiểu về chủ nghĩa trọng tiền, điều đầu tiên bạn cần biết là từ “tiền” trong ngôn ngữ kinh tế không hẳn mang nghĩa giống như trong tiếng Anh bình thường. Khi các nhà kinh tế nói về cung tiền, họ không nghĩ đến của cải trong nghĩa thông thường. Họ chỉ nghĩ đến những dạng của cải có thể sử dụng ít nhiều trực tiếp để mua một cái gì đó. Tiền lưu thông – những mảnh giấy mầu xanh với hình của những ông tổng thống đã chết in trên đó – là tiền, tài khoản trong ngân hàng mà bạn có thể viết séc cũng là tiền. Nhưng cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản không phải là tiền, bởi vì chúng phải được chuyển đổi thành tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng trước khi có thể sử dụng được để chi trả.
Nếu nguồn cung tiền chỉ bao gồm tiền tệ đang lưu thông, nó sẽ nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ – hay chính xác hơn là của Cục Dự trữ Liên bang (CDTLB), một cơ quan chuyên trách tiền tệ, tương đương Ngân hàng Trung ương ở nhiều nước, là một thể chế phần nào đó tách biệt với chính phủ. Thực tế, nguồn cung tiền cũng bao gồm tiền gửi ngân hàng làm cho thực tại trở nên rắc rối hơn. Ngân hàng Trung ương chỉ trực tiếp kiểm soát “cơ số tiền tệ” (monetary base) – tổng của các loại tiền mặt đang lưu thông, tiền các ngân hàng lưu trữ trong các tầng hầm và tiền của các ngân hàng gửi Cục Dự trữ – nhưng không gồm những khoản tiền mà người dân gửi trong ngân hàng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bình thường, CDTLB kiểm soát trực tiếp cơ số tiền tệ là đủ để mang lại sự kiểm soát có hiệu quả toàn bộ lượng cung tiền.
Trước Keynes, các nhà kinh tế coi việc điều chỉnh cung tiền là một công cụ cơ bản để quản lý kinh tế. Nhưng Keynes lập luận rằng trong điều kiện suy thoái, khi lãi suất rất thấp, thay đổi trong lượng cung tiền có tác động rất nhỏ đến nền kinh tế. Logic của vấn đề như sau: Khi lãi suất là 4 đến 5%, không ai muốn ngồi trên đống tiền mặt nhàn rỗi. Nhưng trong tình trạng giống như năm 1935, khi lãi suất kỳ hạn 3 tháng của các loại trái phiếu của Bộ Tài chính chỉ có 0.14%, có quá ít lợi ích để chấp nhận việc sử dụng đồng tiền rủi ro như thế. Ngân hàng Trung ương có thể kích thích nền kinh tế bằng cách in thêm lượng lớn tiền, nhưng nếu lãi suất đã rất thấp rồi thì tiền mặt có thêm vào có lẽ cũng sẽ héo úa trong nhà băng hay trong chỗ cất giấu của người dân. Do vậy Keynes lập luận rằng chính sách tiền tệ – dựa vào việc thay đổi lượng cung tiền để điều khiển nền kinh tế – sẽ không hiệu quả. Và đó là lý do Keynes và những người tiếp bước ông tin rằng chính sách tài khóa – đặc biệt, một sự gia tăng trong chi tiêu chính phủ – là công cụ thiết yếu để kéo đất nước ra khỏi cuộc Đại Suy thoái.
Tại sao điều này lại quan trọng? Chính sách tiền tệ là sự can thiệp có tính kỹ trị ở mức độ cao, gần như phi chính trị của chính phủ vào nền kinh tế. Nếu Cục dự trữ Liên bang (CDTLB) quyết định gia tăng lượng cung tiền, nó chỉ cần mua lại một số loại trái phiếu chính phủ từ ngân hàng tư nhân, trả tiền mua trái phiếu bằng cách ghi thêm vào cột “có” trong các tài khoản dự trữ của ngân hàng – thực tế, điều duy nhất CDTLB phải làm là in thêm cơ số tiền mặt. Ngược lại, chính sách tài khóa đòi hỏi chính phủ phải can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế, thường theo các phương cách nặng tính toán đánh giá “chủ quan” (value-laden way): nếu các nhà chính trị quyết định phát triển những công trình công cộng để tạo ra việc làm, họ cần quyết định sẽ xây gì và ở đâu. Các nhà kinh tế ủng hộ khuynh hướng thị trường tự do thì thiên về tin tưởng rằng chính sách tiền tệ là tất cả những gì cần đến; còn những người mong muốn vai trò tích cực hơn của chính phủ thì có khuynh hướng tin rằng chính sách tài khóa là thiết yếu.
Tư duy kinh tế học sau thành tựu của cuộc cách mạng học thuyết Keynes – được phản ánh, chẳng hạn trong những ấn bản đầu tiên của cuốn sách giáo khoa kinh điển của Paul Samuelson (Kinh tế học – ND) – đặt ưu tiên cho chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ được đặt sang một bên. Như Friedman nói trong bài thuyết trình năm 1967 của ông trước Hội Kinh tế Mỹ:
Sự chấp nhận rộng rãi các quan điểm [của học thuyết Keynes] trong giới nghiên cứu kinh tế có nghĩa là chính sách tiền tệ, sau gần hai thập kỷ được tin tưởng rộng rãi, và chỉ với một chút nghi ngờ của những tay phản động, đã trở nên lỗi thời trước những kiến thức kinh tế học mới. Tiền không có vai trò quan trọng.
Cho dù kết luận trên có thể là sự thổi phồng quá mức, chính sách tiền tệ chỉ nhận được sự quan tâm tương đối thấp trong suốt thập kỷ 1940 và 1950. Song Friedman đã thánh chiến cho quan điểm là tiền cũng đóng vai trò quan trọng, mà đỉnh điểm là trong ấn bản năm 1963 của cuốn Lịch sử tiền tệ của Mỹ, 1867-1960 (A Monetary History of the United States, 1867-1960) viết chung với Anna Schwartz.
Cho dù Lịch sử tiền tệ là một công trình có phạm vi kiến thức rộng với sự uyên bác lạ thường, bao trùm một thế kỷ phát triển tiền tệ, vấn đề gây tranh cãi và có tác động lớn nhất là phần đề cập đến cuộc Đại Suy thoái. Friedman và Schwartz đã cho rằng họ đã bác bỏ được cái nhìn nhận bi quan của Keynes về tác động của chính sách tiền tệ trong tình trạng suy thoái. Họ tuyên bố: “Sự co rút của nền kinh tế trên thực tế là một minh chứng đầy bi kịch cho thấy tầm quan trọng của sức mạnh tiền tệ”
Nhưng qua câu này ý họ muốn nói điều gì? Ngay từ đầu, luận điểm của Friedman-Schwartz dường như có vẻ loạng choạng. Và càng về sau, cách trình bày của Friedman càng thiếu gọt giũa, không tinh tế, và thậm chí bắt đầu dường như – không có cách diễn đạt nào khác – thiếu trung thực về mặt tri thức.
Trong việc giải thích nguyên nhân của cuộc Đại Suy thoái, việc phân biệt giữa cơ số tiền tệ (tiền lưu thông cộng với dự trữ ngân hàng), mà CDTLB kiểm soát trực tiếp, và lượng cung tiền (tiền lưu thông cộng với các khoản tiền gửi) là điều quyết định. Cơ số tiền tệ đã tăng trong thời kỳ những năm đầu tiên của cuộc Đại Suy thoái, từ mức trung bình 6.05 tỉ USD vào năm 1929 đến mức trung bình 7.02 tỉ USD vào năm1933. Nhưng lượng cung tiền lại giảm mạnh, từ 26.6 tỉ USD xuống 19.9 tỉ USD. Các xu hướng trái ngược này phản ánh ảnh hưởng từ làn sóng sụp đổ của các ngân hàng trong năm 1930-1931: khi công chúng mất lòng tin vào các ngân hàng, người ta bắt đầu giữ lại tiền mặt để bảo toàn tài sản của mình hơn là gửi vào ngân hàng, và những ngân hàng còn tồn tại bắt đầu giữ lại những lượng lớn tiền mặt chứ không cho vay ra ngoài, để ngăn ngừa rủi ro. Kết quả là hoạt động cho vay giảm, kéo theo việc giảm chi tiêu so với tình huống bình thường nếu như công chúng vẫn tiếp tục gởi tiền vào ngân hàng và ngân hàng vẫn tiếp tục dùng tiền gởi cho doanh nghiệp vay. Do sự suy sụp của hoạt động chi tiêu là nguyên nhân gần đúng nhất làm xảy ra Suy thoái, việc cả cá nhân và ngân hàng bỗng nhiên mong muốn nắm giữ tiền mặt nhiều hơn rõ ràng đã làm cho suy thoái tồi tệ hơn.
Friedman và Schwartz tuyên bố rằng việc giảm cung tiền đã biến một đợt sụt giảm bình thường thành một cuộc suy thoái thê thảm, bản thân nhận định này là một luận điểm đáng ngờ. Nhưng thậm chí nếu chúng ta thừa nhận luận điểm này, chúng ta vẫn sẽ phải đặt ra câu hỏi liệu CDTLB, dù cuối cùng cũng đã tăng cơ số tiền tệ lên, có thể bị coi là nguyên nhân làm giảm lượng cung tiền nói chung không. Ít nhất vào lúc đầu, Friedman và Schwartz đã không tuyên bố điều này. Thay vào đó, họ tuyên bố rằng CDTLB đã có thể ngăn ngừa sự sụt giảm lượng cung tiền, cụ thể là có thể cứu vãn sự sụp đổ của các ngân hàng trong thời kỳ khủng hoảng 1930-1931. Nếu CDTLB nhanh chóng tăng lượng tiền cho các ngân hàng vay khi chúng gặp tình hình xấu, hành động này có thể đã ngăn chặn được làn sóng sụp đổ của các ngân hàng, đồng thời có thể loại trừ cả các quyết định giữ tiền mặt lại thay vì gửi vào ngân hàng của công chúng, và loại trừ ý muốn của các ngân hàng còn tồn tại cất giữ tiền gửi trong hầm thay vì cho doanh nghiệp vay. Đến lượt nó, việc này có thể đã ngăn chặn được tình trạng tồi tệ nhất của cuộc Đại Suy thoái.
Ở đây, dẫn ra một sự so sánh có lẽ có ích. Giả sử rằng dịch cúm bùng phát, và các phân tích sau đó cho thấy các hành động thích hợp của Các Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch (CDC) lẽ ra đã có thể ngăn ngừa được bệnh dịch. Có vẻ là hợp lý khi khiển trách các cơ quan chính phủ đã thất bại trong việc thực thi những biện pháp thích hợp. Nhưng sẽ là suy diễn quá xa nếu nói rằng chính phủ đã gây ra bệnh dịch, hay nếu sử dụng thất bại của CDC như một minh họa của sự ưu việt của thị trường tự do so với chính phủ chuyên can thiệp.
Tuy thế nhiều nhà kinh tế, và số đông hơn là độc giả không chuyên, đã lấy đánh giá của Friedman và Schwartz để nghĩ rằng chính CDTLB gây ra Đại Suy thoái – rằng Đại Suy thoái theo nghĩa nào đó minh chứng cho tai họa từ chính sách can thiệp quá đáng của chính phủ. Và trong những năm sau đó, như tôi đã nói, khẳng định của Friedman trở nên thô bạo hơn, như thể đổ thêm dầu vào lửa. Trong bài diễn văn năm 1967 ông tuyên bố rằng “các cơ quan chức năng tiền tệ của Mỹ đã theo đuổi các chính sách gây giảm phát“, và rằng lượng cung tiền giảm “do Hệ thống Dự trữ Liên bang đã bắt buộc hoặc cho phép giảm bớt mạnh cơ số tiền tệ, do nó đã không hoàn thành trách nhiệm được giao“ – một sự quả quyết kỳ quặc khi nhớ rằng cơ số tiền tệ, như chúng ta đã thấy, thực tế tăng khi lượng cung tiền đang giảm. (Friedman có lẽ đã vin vào một số trường hợp trong giai đoạn này khi cơ số tiền tệ giảm nhẹ trong những giai đoạn ngắn, nhưng cho dù như thế đi nữa, tuyên bố của ông vẫn gây ra sự hiểu sai rất lớn, đó là nói theo nghĩa tốt nhất.)
Vào năm 1976, Friedman nói với độc giả của Newsweek rằng “sự thật cơ bản là cuộc Đại Suy thoái là do sự quản lý yếu kém của chính phủ gây ra ”, một tuyên bố mà những độc giả của ông chắc chắn sẽ hiểu thành là Suy thoái có lẽ đã không xảy ra nếu như chính phủ đã không can thiệp gì hết. Thật ra những gì Friedman và Schwartz thực sự muốn nói phải là chính phủ lẽ ra cần can thiệp tích cực hơn, chứ không phải ngược lại.
Tại sao những cuộc tranh luận trong lịch sử về vai trò của chính sách tiền tệ những năm 1930 lại có ý nghĩa quan trọng đến như vậy trong những năm 1960. Một phần bởi vì nó củng cố thêm chương trình hành động rộng lớn hơn nhằm chống chính phủ của Friedman; điều này sẽ được nói kỹ hơn bên dưới. Nhưng trực tiếp hơn là nhằm củng cố việc quảng bá chủ nghĩa trọng tiền của Friedman. Theo học thuyết này, CDTLB nên giữ lượng cung tiền tăng đều, tỉ lệ tăng thấp, ví dụ khoảng 3% mỗi năm – và không được đi chệch khỏi mục tiêu này, bất kể có điều gì xảy ra với nền kinh tế. Ý tưởng này cơ bản là đặt chính sách tiền tệ vào tình trạng tự động điều khiển, loại bỏ bất kỳ sự suy xét thận trọng nào về nhiệm vụ của quan chức chính phủ.
Quan điểm về chủ nghĩa trọng tiền của Friedman một phần mang tính kinh tế và một phần mang tính chính trị. Việc tăng đều đặn lượng cung tiền, ông lập luận, sẽ dẫn đến một nền kinh tế ổn định tương đối. Ông chưa bao giờ tuyên bố rằng làm theo nguyên tắc của ông sẽ loại bỏ tất cả các cuộc suy thoái, nhưng ông đã lập luận rằng sự lên xuống trong lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế sẽ nhỏ và có thể vượt qua – do vậy mới có sự quả quyết rằng Đại Suy thoái đã không xảy ra nếu CDTLB tuân theo các quy tắc của chính sách trọng tiền. Và đi cùng với niềm tin có dè dặt vào khả năng ổn định của nền kinh tế khi tuân theo các quy luật trọng tiền, là sự khinh thường thiếu dè dặt mà Friedman dành cho khả năng của các quan chức CDTLB nếu được giao phó việc cân nhắc hành động. Chứng cớ đầu tiên cho sự không đáng tin cậy vào CDTLB là sự khởi đầu của cuộc Đại Suy thoái, nhưng Friedman có thể chỉ ra nhiều ví dụ khác về các chính sách sai đường. “Quy luật tiền tệ”, ông đã viết vào năm 1972, “sẽ bảo vệ chính sách tiền tệ khỏi sự chuyên quyền của một nhóm ít người không bị cử tri kiểm soát và khỏi những áp lực ngắn hạn của chính trị đảng phái”.
Chủ nghĩa trọng tiền có một ảnh hưởng mạnh trong các cuộc tranh luận về kinh tế học trong khoảng 3 thập kỷ sau khi Friedman lần đầu tiên đề ra học thuyết này trong cuốn sách của ông xuất bản năm 1959, Một Chương trình để Ổn định Tiền tệ (A Program for Monetary Stability). Tuy nhiên ngày nay nó là cái bóng mờ của chính nó trước đó, bởi hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, khi Mỹ và Anh thử đưa học thuyết trọng tiền vào thực tế cuối năm 1970, cả hai đều đã thu được những kết quả tệ hại: ở mỗi nước việc tăng đều đặn lượng cung tiền đều không thể ngăn ngừa tình trạng suy thoái khốc liệt. Cục dự trữ Liên bang (CDTLB) chính thức đề ra những mục tiêu tiền tệ kiểu Friedman vào năm 1979, nhưng thực tế đã từ bỏ chúng vào năm 1982 khi tỉ lệ thất nghiệp lên đến 2 con số. Việc từ bỏ này được thực hiện chính thức vào năm 1984, và suốt từ đó CDTLB đã tiến hành chính những biện pháp tinh chỉnh tùy nghi mà Friedman đã chỉ trích. Chẳng hạn, CDTLB phản ứng với tình trạng suy thoái năm 2001 bằng cách cắt giảm lãi suất và cho phép lượng cung tiền tăng với những tỉ lệ mà đôi lúc vượt quá 10% mỗi năm. Một khi CDTLB tin rằng sự phục hồi đã vững chắc, nó đảo ngược quá trình này, tăng lãi suất và cho phép mức tăng lượng cung tiền trở về số không.
Thứ hai, từ đầu những năm 1980, sự thành công tương đối của CDTLB và các cơ quan tương đương của những nước khác đã làm xói mòn hình ảnh mà Friedman muốn dùng để miêu tả các quan chức Ngân hàng Trung ương như người vụng về không thể cải tạo được. Lạm phát duy trì ở mức thấp, suy thoái – ngoại trừ Nhật Bản, sẽ được bàn thêm ở dưới – tương đối ngắn và không có ảnh hưởng sâu rộng. Và tất cả điều này đã xảy ra bất chấp sự thay đổi thất thường của lượng cung tiền mà những nhà kinh tế trọng tiền đã sợ, và dẫn họ – trong đó có cả Friedman – đến dự báo về những thảm họa không xảy ra. Khi David Warsh của tờ The Boston Globe chỉ ra năm 1992, “Friedman đã làm cùn ngọn giáo của mình khi dự báo lạm phát vào những năm 1980 thường xuyên sai nặng”.
Đến năm 2004, Báo cáo Kinh tế của Tổng thống, do chính các nhà kinh tế rất bảo thủ trong chính quyền Bush viết đã đưa ra tuyên bố chống chính sách quá trọng tiền khi cho rằng “chính sách tiền tệ mạnh mẽ” – không phải một chính sách ổn định, tăng đều đặn, mà là mạnh mẽ – “có thể làm giảm cường độ của một cuộc suy thoái”
Bây giờ nói về Nhật Bản. Trong những năm 1990 Nhật Bản đã trải qua một sự lập lại nhưng ở mức yếu hơn cuộc Đại Suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp không cao bằng thời kỳ Suy thoái nhờ những công trình công cộng quy mô đồ sộ mà Nhật Bản, với dân số ít hơn dân số Mỹ nhưng lại đổ nhiều bê-tông mỗi năm hơn Mỹ. Nhưng tình trạng lãi suất rất thấp của cuộc đại suy thoái lại tái hiện. Vào năm 1998, lãi suất liên ngân hàng, tỉ lệ vay qua đêm giữa các ngân hàng, chính xác bằng không.
Trong những điều kiện như vậy, chính sách tiền tệ đã tỏ ra không hiệu quả như Keynes đã nói trong những năm 1930. Ngân hàng Nhật Bản, cơ quan tương đương CDTLB, đã gia tăng cơ số tiền tệ. Nhưng những đồng Yên phát hành thêm được tích trữ chứ không được đưa vào chi tiêu. Một vài nhà kinh tế Nhật Bản đã nói với tôi vào lúc đó rằng thứ hàng hóa tiêu dùng bền vững bán chạy duy nhất là két sắt. Thực tế, Ngân hàng Nhật Bản đã nhận ra là thậm chí chính nó cũng không thể gia tăng lượng cung tiền nhiều như nó muốn. Nó đã đẩy những lượng tiền mặt khổng lồ vào lưu thông, nhưng các chỉ số đo lường lượng cung tiền hiểu theo nghĩa rộng tăng rất ít. Sự phục hồi kinh tế cuối cùng bắt đầu một vài năm trước đây, nhờ vào sự hồi sinh của hoạt động đầu tư kinh doanh để tận dụng những cơ hội công nghệ mới. Nhưng chính sách tiền tệ thì chưa bao giờ có khả năng tạo ra bất kỳ lực kéo nào.
Thực tế, Nhật Bản trong những năm 90 đã đưa ra một cơ hội mới để kiểm chứng quan điểm của Friedman và Keynes về hiệu quả của chính sách tiền tệ trong điều kiện suy thoái. Và kết quả rõ ràng ủng hộ sự bi quan của Keynes hơn là sự lạc quan (vào chính sách tiền tệ) của Friedman.
4.
Vào năm 1946, Milton Friedman xuất hiện lần đầu tiên như một người quảng bá cho kinh tế học thị trường tự do với một tựa sách nhỏ “Sàn hay trần: Vấn đề nhà ở hiện tại” (Roofs or Ceilings: The Current Housing Problem), đồng tác giả với George J. Stigler, người sau này sẽ cùng ông làm việc tại Đại học Chicago. Cuốn sách này công kích những biện pháp kiểm soát tiền thuê nhà vốn vẫn phổ biến sau Thế chiến II, được phát hành trong một bối cảnh khá lạ: nó là một ấn phẩm của Quỹ Giáo dục Kinh tế học (FEE), một tổ chức mà, như Rick Perlstein viết trong Trước cơn bão – Before the Storm (2001) cuốn sách về nguồn gốc của phong trào bảo thủ cận đại, là “đã truyền giảng thánh kinh về tự do chủ nghĩa không khoan nhượng đến nỗi nó rất gần với chủ nghĩa vô chính phủ”. Robert Welch, nhà sáng lập Hội John Birch [một tổ chức kỳ thị da mầu – ND chú thích] là thành viên hội đồng quản trị của FEE. Cuộc xuất quân đầu tiên này nhằm quảng bá thị trường tự do báo trước hai con đường trong sự nghiệp của Friedman như một trí thức của công chúng qua sáu thập kỷ tiếp theo.
Trước hết, cuốn sách minh chứng rằng Friedman đặc biệt sốt sắng đẩy những ý tưởng về thị trường tự do tới giới hạn tận cùng của lý luận. Ý tưởng cho rằng thị trường là cách phân phối hiệu quả hàng hóa khan hiếm, hoặc đề xuất cho rằng những biện pháp kiểm soát giá vừa tạo ra thiếu hụt vừa không hiệu quả chẳng có gì mới. Nhưng nhiều nhà kinh tế, do e ngại phản ứng dữ dội chống lại việc tăng đột ngột tiền thuê nhà (mà Friedman và Stigler dự đoán sẽ vào khoảng 30% trên toàn quốc), đã đề xuất một dạng chuyển tiếp từ từ trước khi bãi bỏ kiểm soát. Friedman và Stigler thì gạt bỏ tất cả những sự lo lắng như vậy.
Trong những thập kỷ tiếp theo, tính cách không khoan nhượng này đã trở thành thương hiệu của Friedman. Hết lần này đến lần khác, ông kêu gọi những giải pháp thị trường cho các vấn đề – giáo dục, sức khỏe, buôn bán dược phẩm bất hợp pháp – mà hầu hết mọi người đều nghĩ rằng cần sự can thiệp nhiều hơn của chính phủ. Vài ý tưởng của ông đã nhận được sự chấp nhận rộng rãi, như thay thế các luật lệ cứng nhắc về ô nhiễm bằng một hệ thống giấy phép ô nhiễm mà các công ty tự do mua bán. Một số khác, như các phiếu học phí trường học, được ủng hộ rộng rãi bởi các phong trào bảo thủ nhưng không thành công về mặt chính trị. Và một vài đề xuất của ông, như việc loại bỏ các thủ tục cấp giấy phép (hành nghề) cho bác sĩ và giải tán Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) bị xem là kỳ quặc ngay cả với hầu hết những người thủ cựu nhất.
Thứ hai, cuốn sách này đã cho thấy Friedman là một nhà tuyên truyền giỏi như thế nào. Nó được viết hay và sắc sảo. Không có biệt ngữ; những luận điểm được thể hiện với những ví dụ được lựa chọn khôn khéo từ thế giới thực, từ sự phục hồi nhanh chóng của San Francisco sau trận động đất năm 1906, từ tình cảnh khốn khổ của một cựu chiến binh năm 1946, tìm kiếm vô vọng một nơi tử tế để sống sau khi vừa xuất ngũ. Cùng một phong cách, được làm nổi bật bằng video, sau này là dấu ấn của chuỗi chương trình truyền hình nổi tiếng Tự do lựa chọn năm 1980 của Friedman.
Rất có thể chính sách laissez-faire (tự do kinh doanh toàn diện) vẫn lan rộng khắp thế giới, khởi đầu từ những năm 1970, dù không có Milton Friedman. Nhưng cuộc vận động rất hiệu quả và bền bỉ của ông, đại diện cho [quan điểm] thị trường tự do chắc chắn đã giúp thúc đẩy quá trình này, cả ở Mỹ và trên thế giới. Ở bất kỳ phương diện nào – chủ nghĩa bảo hộ đối đầu với tự do thương mại; các quy định đối đầu với sự bãi bỏ quy định, tiền lương thiết lập qua sự thương lượng tập thể giữa công đoàn và người sử dụng lao động và mức lương tối thiếu do chính phủ quy định đối đầu với mức lương do thị trường thiết lập – thế giới đã vận động trên một con đường dài theo hướng mà Friedman vạch ra. Và thậm chí còn ấn tượng hơn cả những thành quả mà ông đạt được trong việc thay đổi các chính sách thực tế, ông đã thay đổi cả những quan niệm truyền thống: hầu hết những người có thế lực đã quay sang nghĩ theo lối tư duy của Friedman, tin như một sự hiển nhiên rằng sự thay đổi chính sách kinh tế mà ông thúc đẩy đã có tác dụng tốt. Nhưng có đúng là như vậy?
Xét trước hết hiệu quả kinh tế vĩ mô của kinh tế Mỹ. Chúng ta có dữ liệu thu nhập thực – là thu nhập đã được điều chỉnh nhằm loại bỏ ảnh hưởng của lạm phát – của các gia đình Mỹ từ năm 1947 đến 2005. Trong nửa đầu của 58 năm liên tục, từ năm 1947 đến năm 1976, Milton Friedman là một tiếng kêu trong sa mạc, những ý tưởng của ông bị các nhà ra chính sách bỏ qua. Nhưng nền kinh tế, với tất cả những sự không hiệu quả mà ông chỉ trích, đã cải thiện đầy ấn tượng mức sống của hầu hết người dân Mỹ: thu nhập thực trung vị (median income) tăng gấp đôi. Ngược lại, giai đoạn từ năm 1976 là giai đoạn mà những ý kiến của Friedman ngày càng được chấp nhận. Dù vẫn còn đó vô khối sự can thiệp của chính phủ mà ông vẫn phàn nàn, các chính sách thị trường tự do đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian này là điều không ai nghi ngờ. Tuy vậy tỷ lệ tăng trưởng mức sống lại ít mạnh mẽ hơn giai đoạn trước: thu nhập thực trung vị năm 2005 chỉ cao hơn 23% so với năm 1976.
Lý do có một phần là do thế hệ hậu chiến thứ hai đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn thế hệ thứ nhất – một thực tế có thể gây ngạc nhiên với những người cho rằng khuynh hướng ngả về thị trường tự do sản xuất ra lợi tức kinh tế lớn hơn. Nhưng nguyên nhân khác quan trọng hơn gây ra sự tăng chậm hơn về mức sống gia đình là sự bất bình đẳng kinh tế tăng nhanh không ngờ: trong lúc thế hệ hậu chiến thứ nhất thu nhập tăng đều khắp dân cư thì từ cuối những năm 1970 thu nhập trung vị – tức là mức thu nhập của một gia đình điển hình, tăng chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng thu nhập bình quân – bao gồm mức thu nhập cao vọt của một nhóm thiểu số nhỏ tại đỉnh.
Điều này dẫn đến một vấn đề thú vị. Milton Friedman thường quả quyết với những thính giả của ông rằng không cần phải có những thể chế đặc biệt, như lương tối thiểu và nghiệp đoàn, nhằm mục đích đảm bảo cho những người công nhân được chia sẻ lợi nhuận từ tăng trưởng kinh tế. Vào năm 1976 ông nói với độc giả Newsweek rằng những câu chuyện cổ tích về tai họa gây ra do những tên đại tư bản kẻ cướp là chuyện hoang đường thuần túy:
Có lẽ không có giai đoạn nào khác trong lịch sử, ở Mỹ hoặc bất cứ nước nào khác, mà những người bình thường tăng mức sống của anh ta lên cao như trong thời kỳ giữa Nội chiến và Thế chiến I, khi chủ nghĩa cá nhân không kiềm chế nổi lên mạnh mẽ nhất.
(Thế còn khoảng thời gian 30 năm đáng nhớ sau Thế chiến II, cũng bao quát phần lớn sự nghiệp của Friedman thì sao?). Ngay trong những thập kỷ sau tuyên bố đó, khi tiền lương tối thiểu bị lạm phát “bỏ rơi” lại phía sau và ảnh hưởng các nghiệp đoàn hầu như biến mất trong khu vực tư nhân, những người làm công Mỹ thấy vận may của họ đến chậm trễ hơn mức tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Friedman đã quá lạc quan về sự hào phóng của bàn tay vô hình?
Nói cho công bằng, có nhiều yếu tố tác động vào cả tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập, nên chúng ta không thể đổ mọi thất vọng lên đầu các chính sách theo học thuyết Friedman. Thế nhưng, xét đến giả định phổ biến rằng các chính sách chuyển hướng theo thị trường tự do đã làm những điều vĩ đại cho kinh tế Mỹ và cho mức sống của những người dân Mỹ bình thường; thật đáng ngạc nhiên khi người ta không tìm thấy các dữ liệu ủng hộ quan điểm này.
Những chất vấn tương tự về bằng chứng rõ ràng để chứng minh rằng những ý tưởng của Friedman thực sự mang lại kết quả trong thực tế có thể còn được nêu lên, thậm chí còn lớn giọng hơn, khi xem xét khu vực Mỹ Latin. Một thập kỷ trước, thành công của kinh tế Chilê, nơi những nhà cố vấn Augusto Pinochet từ trường đại học Chicago sử dụng các chính sách thị trường tự do sau khi Pinochet nắm quyền vào năm 1973, thường được dẫn ra như bằng chứng rằng các chính sách mang tinh thần của Friedman đã chỉ ra con đường dẫn đến phát triển kinh tế thành công. Nhưng cho dù những quốc gia Latin khác, từ Mexico đến Achentina, đã bước theo sự dẫn đường của Chile trong việc tự do hóa thương mại, tư nhân hóa công nghiệp và bãi bỏ các quy định, câu chuyện thành công của Chile đã không lặp lại.
Ngược lại, sự nhận thức của hầu hết người dân Mỹ Latin là những chính sách “tân tự do” đó đã thất bại: Sự cất cánh kinh tế theo hứa hẹn chưa bao giờ xảy ra, trong khi tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập trở nên tồi tệ hơn. Tôi không có ý đổ lỗi tất cả những điều tồi tệ ở khu vực Mỹ Latin cho trường phái Chicago, hoặc lý tưởng hóa những gì trước đó; nhưng có một sự đối lập mạnh mẽ giữa cảm nhận rằng Friedman được minh oan và kết quả thực tế tại các nền kinh tế chuyển từ chính sách can thiệp những thập kỷ đầu thời hậu chiến sang chính sách thả lỏng kinh doanh.
Về một chủ đề được thảo luận trong phạm vi hẹp hơn, một trong những mục tiêu then chốt của Friedman là xem xét tính chất phản tác dụng và vô ích của hầu hết các qui định (regulation) nhà nước. Trong bản cáo phó viết về George Stigler, người đã từng cộng tác với ông, Friedman đã chọn tán dương chỉ trích quy định trong ngành điện lực của Stigler, và lập luận của Stigler rằng những người ra quy định thường đi đến chỗ phục vụ lợi ích của quy định đó hơn là lợi ích chung. Vậy việc bãi bỏ các quy định đã diễn ra như thế nào?
Việc bãi bỏ quy định về vận chuyển đường bộ và hàng không bắt đầu từ cuối những năm 1970 đã khởi đầu ổn thỏa. Cả hai trường hợp bãi bỏ quy định, trong khi không làm bất cứ ai hạnh phúc, đã dẫn đến gia tăng cạnh tranh, giá nói chung thấp hơn, và hiệu quả cao hơn. Việc bãi bỏ quy định về khí đốt tự nhiên cũng là một thành công.
Nhưng làn sóng lớn tiếp theo về bãi bỏ quy định, trong khu vực điện lực, lại là một câu chuyện khác. Cũng như cuộc khủng hoảng những năm 1990 ở Nhật Bản đã cho thấy rằng những lo ngại của những nhà kinh tế theo học thuyết Keynes về tính hiệu quả của chính sách tiền tệ không phải là hoang đường, khủng hoảng ngành điện lực California năm 2000-2001 – trong đó những công ty điện lực và những nhà kinh doanh năng lượng đã tạo ra một sự thiếu hụt giả tạo để nâng giá lên – nhắc nhở chúng ta đến khía cạnh thực tế nằm sau những câu chuyện cổ tích về những ông trùm tư bản chuyên chiếm đoạt và những sự chiếm đoạt của họ. Trong khi những bang khác không trải qua sự khó khăn như California, bãi bỏ quy định về điện lực trên đất nước đã làm cho giá cao hơn chứ không thấp hơn, với lợi nhuận lớn bất ngờ cho các công ty điện lực.
Những bang, với bất cứ nguyên nhân nào, không đi theo phong trào bãi bỏ quy định trong những năm 1990, hiện tự coi là mình may mắn. Và may mắn nhất là những thành phố không biết nhờ đâu mà không nhận được những thông điệp về tai họa do chính phủ gây ra và ưu điểm của khu vực tư nhân, vẫn duy trì những công ty điện lực có sở hữu công cộng. Tất cả những điều này cho thấy rằng căn cơ nguyên thủy của quy định về điện lực – những quan sát cho thấy nếu không có quy định, các công ty điện lực sẽ có quá nhiều sức mạnh độc quyền – vẫn đúng như thuở nào.
Chúng ta có nên kết luận rằng việc bãi bỏ các quy định là một ý tưởng tồi? Không- nó phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Kết luận rằng bãi bỏ các quy định luôn luôn và ở bất cứ đâu là ý tưởng tồi sẽ khuyến khích một vài lối suy nghĩ chuyên chế mà, có thể cho rằng, đó cũng là thiếu sót vĩ đại nhất của Milton Friedman.
Trong bài điểm sách năm 1965 về cuốn Lịch sử tiền tệ của Friedman và Schwartz, James Tobin nhà kinh tế đoạt giải Nobel của đại học Yale có nhẹ nhàng trách móc các tác giả đã đi quá xa. “Xem xét ba mệnh đề dưới đây”, ông viết “Tiền không quan trọng. Tiền cũng quan trọng. Tiến là tất cả những gì quan trọng. Rất dễ trượt từ mệnh đề thứ hai sang mệnh đề thứ ba.” Và ông thêm vào rằng “với sự nhiệt tình và hăm hở của họ”, Friedman và những môn đồ của ông thường phạm phải điều đó.
Một sự tiếp nối tương tự dường như đã xảy ra trong việc Milton Friedman ủng hộ kinh tế tự do. Sau cuộc Đại Suy thoái, có nhiều người nói rằng thị trường không thể có hiệu quả. Friedman đã có sự can đảm của người trí thức để nói rằng thị trường có thể cũng có hiệu quả, và khả năng “làm xiếc” cùng với khả năng sắp xếp các bằng chứng đã biến ông thành người phát ngôn giỏi nhất về tính ưu việt của thị trường tự do kể từ Adam Smith. Nhưng ông đã quá dễ dãi xác quyết: thị trường luôn luôn hiệu quả và chỉ thị trường mới vận hành hiệu quả. Rất khó tìm ra những trường hợp mà Friedman thừa nhận khả năng thị trường có thể sai lầm, hay sự can thiệp của chính phủ có thể phục vụ mục đích có ích.
Chủ nghĩa độc tôn thị trường tự do của Friedman góp phần tạo ra một xu thế tri thức ở đó sự tin tưởng vào thị trường và coi thường chính phủ lại thường dẫn đến bịa đặt bằng chứng. Các nước đang phát triển đua nhau mở cửa thị trường vốn, bất chấp cảnh báo rằng điều này có thể đặt họ vào tình trạng khủng hoảng tài chính; rồi khi khủng hoảng nổ ra, nhiều nhà quan sát đổ lỗi cho chính phủ của các nước này, chứ không phải cho sự thiếu ổn định của dòng vốn quốc tế. Việc theo đuổi chính sách bãi bỏ các quy định về điện năng bất chấp cảnh báo rõ ràng rằng điện lực độc quyền có thể là một vấn đề; trên thực tế, thậm chí khi khủng hoảng năng lượng ở California xảy ra, hầu hết những nhà bình luận đều gạt bỏ ý kiến về hiện tượng “làm giá” như một loại giả thuyết âm mưu. Những quan điểm bảo thủ tiếp tục cho rằng rằng thị trường tự do là giải pháp cho cuộc khủng hoảng của ngành y tế, bất chấp vô số bằng chứng chứng minh điều ngược lại.
Điều kỳ lạ về tính độc đoán của Friedman liên quan đến các ưu việt của thị trường và các khuyết tật của chính phủ, là trong các công trình của ông dưới tư cách nhà kinh tế của các nhà kinh tế ông chính là một hình mẫu tiết chế. Như tôi đã chỉ ra trước đó, ông đã có những đóng góp vĩ đại vào lý thuyết kinh tế, làm nổi bật vai trò hành vi hợp lý của cá nhân – nhưng không giống như một vài đồng nghiệp của ông, ông biết đâu là điểm dừng. Tại sao ông không thể hiện sự tiết chế đó trong vai trò trí thức trước công luận của mình?
Câu trả lời, tôi ngờ rằng, là ông đã bị cuốn hút vào vai trò thật ra mang tính chính trị. Milton Friedman nhà kinh tế gia vĩ đại có thể và đã chấp nhận sự mơ hồ. Nhưng Milton Friedman nhà quán quân vĩ đại của thị trường tự do thực hiện sự mong chờ của người khác đã thuyết giáo về niềm tin chân lý, không một mảy may hoài nghi. Và cuối cùng ông đã đóng vai trò mà những môn đồ của ông mong đợi. Kết quả là, theo thời gian xu hướng đả phá thần tượng của ông trong thời kỳ đầu của sự nghiệp đã biến thành một thành trì cứng nhắc bảo vệ cho cái đã trở thành một chính thống mới.
Về lâu dài, những con người vĩ đại được nhớ đến với sức mạnh chứ không phải điểm yếu của họ, và Milton Friedman thực sự là một con người rất vĩ đại – một con người của sự can đảm trí thức, nhà tư tưởng kinh tế quan trọng nhất của mọi thời, và có thể là người truyền bá những tư tưởng kinh tế lỗi lạc nhất đến công chúng từ xưa đến nay. Nhưng cũng rất đúng khi lập luận rằng học thuyết Friedman, cuối cùng, đã đi quá xa, cả về mặt học thuyết và ứng dụng thực tế. Khi Friedman bắt đầu sự nghiệp của mình như một trí thức của công chúng, thời gian đã chín muồi cho một cuộc cải cách ngược chống lại chủ nghĩa Keynes và tất cả những gì đi với nó. Nhưng, tôi cho rằng điều thế giới đang cần là một cuộc cải cách chống lại cuộc cải cách ngược ấy.
Nguồn: Paul Krugman, “Who Was Milton Friedman?”, New York Review of Books, Bộ 54, Số 2, 15/02/2007. Biên dịch: Trương Trí Vĩnh và toà soạn Thời Đại Mới
Nguồn bản dịch: © Thời Đại Mới
http://nghiencuuquocte.net/2015/10/18/milton-friedman-la-ai/#sthash.XaOApSam.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét