Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Người dân có nên quan tâm đến chính trị hay không?

Thú vị thật, ở Việt Nam, điều lệ của Câu lạc bộ có điều khoản quy định "không làm chính trị". Bái phục xã hội VN triệu lần dân chủ hơn nền dân chủ Phương Tây. “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” (Napoléon Bonaparte).
Người dân có nên quan tâm đến chính trị hay không?
Xin chép lại đây câu chuyện của người bạn già vừa gửi cho GCM: Cách đây hơn năm, ông chủ tịch Câu lạc bộ (Sức khoẻ ngoài trời) của tôi gặp và nhắc nhở thế này:
– CLB Sức khoẻ ngoài trời mọc ra chỉ để tập thể dục buổi sáng; tham quan thăm viếng và sinh hoạt thơ phú thôi, vậy mà có người phản ảnh rằng cụ lại đưa một số tin và hình ảnh có tính “nhạy cảm“ lên Phây cá nhân để làm gì, khiến họ thắc mắc cho rằng như thế là trái với điều lệ của CLB ta là không làm chính trị chính em đấy cụ ơi!

– Tôi hỏi: Vậy cụ chủ tịch hiểu như thế nào về hai chữ chính trị?

– Ông ta bảo: Chính trị bẩn thỉu lắm cụ ơi. Chỉ có tụi phản động mới hay quan tâm thôi. Các anh an ninh Quận và Phường luôn nhắc nhở tôi rằng CLB của chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng. Mọi việc quốc gia đại sự đã có đảng và nhà nước lo. Tuổi già mình chỉ động viên con cháu chấp hành mọi chủ trương chính sách và tiếp nhận thông tin theo đúng định hướng của đảng và nhà nước. Chớ nghe thông tin xuyên tạc của các thế lực phản động trong nước và quốc tế nhằm “diễn biến hòa bình“ chia rẽ quần chúng với đảng, gây bất ổn, kích động bạo lực hòng xóa bỏ các thành qủa cách mạng và lật đổ chế độ như các cuộc cách mạng màu đã từng diễn ra ở Đông Âu và Bắc Phi…

– Thưa cụ Chủ tịch thế cụ hiểu thế nào là nhà nước của dân, do dân và vì dân như loa Phường ra rả bấy nay? Thế nào là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra như các vị lãnh đạo nhiều lẩn cổ súy trên TV? Thế nào là hào khí Diên Hồng trước họa ngoại xâm của các cụ bô lão?…

– Những điều này cụ phải kiến nghị lên cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo chứ tôi chỉ biết truyền đạt ý kiến của phản ảnh của nhân dân để cụ quán triệt để đừng làm mất điểm thi đua và ảnh hưởng tới uy tín của CLB đối với Quận và Thành phố thôi, thế nhá, thế nhá….

Để cho hết nhẽ, suốt năm qua, tôi đã 3 lần viết các bản kiến nghị gửi lên Bí thư cùng BTG Quận và Thành Ủy. Nhưng suốt cả năm nay chả thấy nơi nào hồi âm. Chán chường chưa thưa bà con?

Nay vào mạng tìm hiểu xem cái gọi là “Chính trị bẩn thỉu…. Chỉ có tụi phản động hay quan tâm“ mới vỡ lẽ ra nhiều điều khá lý thú!

• Theo định nghĩa của Từ Điển Bách Khoa Việt Nam: Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.

• Hiện nay, trên thế giới đã hình thành 4 cách hiểu khác nhau về chính trị:
1) nghệ thuật của phép cai trị
2) những công việc của chung
3) sự thỏa hiệp và đồng thuận
4) quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích

Nếu quan niệm rằng chính trị chỉ là những hoạt động xoay quanh vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước thì, theo lý luận của chủ nghĩa Marx, trong xã hội cộng sản tương lai sẽ không có chính trị bởi vì lúc đó nhà nước đã tiêu vong. Nói cách khác, chính trị sẽ dần dần trở nên thừa thãi và mất hẳn trong xã hội lý tưởng của nhân loại – xã hội cộng sản.

Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó. Với cách hiểu như thế này thì dù trong xã hội cộng sản, chính trị vẫn còn tồn tại và vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng đối với từng con người cũng như toàn xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào thì cũng cần những luật lệ chung để hoạt động nhịp nhàng và khoa học, tránh tình trạng vô tình hay cố ý xâm phạm quyền lợi, lợi ích, tài sản, sức khỏe hay thậm chí tính mạng của người khác hay của cộng đồng. 

Một ví dụ đơn giản, xã hội dù có phát triển đến đâu thì cũng cần có luật giao thông để con người có thể lưu thông một cách trật tự và hiệu quả. Hay, con người không thể sống trong một xã hội mà tình trạng an ninh không đảm bảo (cướp bóc, khủng bố chẳng hạn) do thiếu luật lệ.

Thử ngược thời gian xem thời thượng cổ người ta hiểu như thế nào về hai từ chính trị?

• Theo người Trung Hoa cổ, chữ chính trị (政治) được cấu tạo như sau:

– Chữ chính gồm có hai phần: Bên trái là chữ chính có nghĩa là ngay thẳng, bên phải là bộ phác hám ý hành động. Vậy theo từ nguyên, chính có nghiã: làm cho ngay thẳng

– Chữ trị cũng gồm hai phần: Bên trái là bộ thủy là nước bên phải là phần âm để đọc là trị. Theo nghĩa đen, trịcó nghĩa dùng thuốc chữa bệnh và chữ trị thuộc bộ thủy là vì lúc ban sơ, người Trung Hoa đã dùng thuốc làm bằng các loại thảo mộc nấu trong nước để uống chữa bệnh. Về sau chữ trị được mở rộng ra và mang nội hàm trừng phạt để loại bỏ những cái xấu xa, hủ bại làm lành mạnh xã hội.

Như thế theo nghiã gốc, chính trị nói chung là việc làm cho xã hội ngay thẳng lành mạnh.

• Theo từ ngữ Tây Phương tương ứng với chính trị là PoliticsPolitique. Có gốc gác từ địa danh thị trấn có tên Polis ở Hy Lạp thời cổ. Đây là thị trấn độc lập và có chủ quyền như một quốc gia hiện nay. Nên người Tây Phương lấy từ nguyên trong ngôn ngữ Hy Lạp (Politicos – nếu dùng ngôi số ít; hay Politica – nếu dùng ngôi số nhiều) để định nghiã về chính trị là “khoa học hoặc nghệ thuật về việc điều khiển quốc gia“

Đến đây thì ai cũng thấy, hai chữ chính trị có nội hàm và dung mạo khá rõ ràng. Chứ không hề mù mờ hay trừu tượng “bẩn thỉu“ cần tránh xa như giọng điệu tuyên truyền của đám chính giới không tử tế mỗi khi dùng hai từ này như con ngáo ộp để doạ dẫm người đời.

Vậy nên, dù ta không làm chính trị hay không tham gia vào một tổ chức chính trị cụ thể nào không có nghĩa chúng ta trùm chăn và bàng quan với tất cả những sinh hoạt chính trị thiết yếu của quốc gia dân tộc mà trong đó có ta và người thân của ta đang sống. Cũng không ai có thể ngăn cấm hay phỉ báng cái quyền bày tỏ thái độ chính trị trước một hiện tượng tốt, xấu của xã hội.

Thay cho lời kết xin dẫn lại lời của nhà quân sự – chính trị kiệt xuất của Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp như sau:

“Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” – (Napoléon Bonaparte).

__________
Tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét