Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Nếu cây bị đốn trên mạng, liệu có nghe thấy không?

Economist: 
Nếu một cái cây bị đốn hạ trên mạng, liệu Đảng CSVN có nghe thấy không?
Các cây con đã bắt đầu mọc mầm trên một vài đường phố ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, vốn được biết là trồng rất nhiều cây. Những cây con này được trồng để thay thế cho ít nhất 500 cây cổ thụ đã bị chính quyền đốn hạ tháng trước mà không hề hỏi ý kiến người dân. 
Việc chặt hạ cây xanh này được xem là bước đầu tiên trong kế hoạch thay thế 6.700 cây xanh của chính quyền thành phố. Chuyện này làm dấy lên sự phẫn nộ đến mức chỉ trong vòng 24 giờ đã có 20.000 người ủng hộ một chiến dịch trên Facebook, một số người cho rằng quan chức đã nhân cơ hội này để bán những cây gỗ quý.
Ba ngày sau, vào ngày 19 tháng Ba, chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo đã lên tiếng về việc chặt hạ cây xanh. Sau đó ông đã đình chỉ công tác một số cán bộ và thành lập ủy ban điều tra, yêu cầu báo cáo kết quả trong vài ngày sau đó.

Những sự kiện mang tính bước ngoặt như thế này rất ít khi xảy ra ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, việc chặt cây là một trong những việc gây tranh cãi gần đây đã khiến chính quyền phải ngừng hành động vì một loạt các ý kiến phản đối trên mạng. Hồi năm ngoái, kế hoạch xây dựng cáp treo tại nơi được UNESCO công nhận là kỳ quan thế giới đã bị đình chỉ vì những chỉ trích trên Facebook. Vào tháng Một, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trước các thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản rằng “không thể” chặn mạng xã hội, và chính phủ nên cố gắng truyền tải các thông tin “chính thống” qua đó.

40 triệu người dùng Internet tại Việt Nam đang sống tại một trong những nước được nối mạng tốt nhất tại khu vực Đông Nam Á. Khoảng 45% người dùng luôn trực tuyến (gần bằng tỉ lệ ở Trung Quốc). Trong khu vực này, chỉ Malaysia và Singapore là nước có tỉ lệ người truy cập mạng cao hơn. Việc sử dụng mạng xã hội đã tăng khoảng 40% chỉ trong năm ngoái, theo một ước tính.

Ở Việt Nam, việc kiểm soát Internet còn khá nhẹ tay. Ở Trung Quốc thì cả Twitter và Facebook đều bị chặn bởi cơ quan kiểm duyệt. Tại Việt Nam, mạng xã hội Twitter vẫn truy cập được dù không phổ biến cho lắm. Facebook là trang mạng được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam, hơn cả công cụ tìm kiếm Google. Mọi cố gắng chặn mạng xã hội này đều không thường xuyên và khá nửa vời. 

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là ở Việt Nam có tự do ngôn luận trên mạng. Đảng Cộng sản kiểm soát các ý kiến bất đồng bằng việc sử dụng các điều luật mơ hồ - gần đây đã được tăng cường – để bỏ tù những blogger và xử phạt những người phê phán trên mạng xã hội. Freedom House, một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, nói rằng Việt Nam là một trong mười nước xâm phạm quyền tự do internet tồi tệ nhất – tệ hơn cả Saudi nhưng tốt hơn Trung Quốc.

Việt Nam không có đủ tiền hay năng lực chuyên môn để xây dựng một hệ thống ngăn chặn truy cập mạng như hệ thống Vạn Lý Tường Lửa ở Trung Quốc. Các quan chức muốn khuyến khích sử dụng Internet vì họ hy vọng nó sẽ giúp phát huy tính sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.

(.......)

Ông Đặng Hoàng Giang, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng, một tổ chức chuyên về tư vấn tại Hà Nội, cho biết gần đây quan chức Việt Nam “đã không còn coi mạng xã hội là điều gì đó xấu xa”. Nhưng ông Giang cũng không dám chắc rằng những phản hồi trước những chỉ trích trên mạng gần đây sẽ đánh dấu bước khởi đầu cho một xã hội cởi mở hơn về chính trị. Các chiến dịch được tổ chức rất lỏng lẻo, ông Giang giải thích, và sự thất bại trong việc bảo vệ cây xanh làm dấy lên xu hướng đáng lo ngại về việc các quan chức địa phương ngày càng trục lợi một cách trắng trợn.

Hơn nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam đang tiếp tục gia tăng sự kiểm duyệt bằng cách tung ra “thông tư” chi tiết về việc các nhà chức trách nên diễn giải những điều luật mơ hồ đó như thế nào. Một dự thảo trong số đó được đưa ra vào ngày 13 tháng Tư, yêu cầu các công ty mạng như Facebook và Google phải xóa toàn bộ những nội dung mà chính quyền không thích đồng thời phải giao nộp các thông tin về những người biểu tình. Theo tổ chức Phóng viên không Biên giới, có cơ quan giám sát đặt trụ sở tại Paris, đã có ít nhất 30 cư dân mạng bị bắt.

Hậu quả từ sự thất bại trong việc chặt cây đang trở nên cực kỳ quen thuộc. 

Các nhà báo tại Việt Nam bị buộc phải ngừng đưa tin. Các học giả tại Hà Nội, những người đầu tiên lên tiếng trước báo giới, đã bị ra lệnh phải giữ im lặng. Và một văn bản được một cơ quan của Đảng Cộng sản ban hành có cảnh báo “những kẻ xấu” đang lợi dụng việc chặt cây để “gây mất an ninh trật tự”. Rất nhiều an ninh mặc thường phục trà trộn vào những sự kiện được tổ chức bởi những người khởi xướng chiến dịch bảo vệ cây, bao gồm cả chiến dịch “Tree Hug” đã thu hút hàng trăm người tham gia.

Dương Ngọc Trà, một người yêu thiên nhiên đã giúp sức trong phong trào phản đối chặt cây, nói rằng cô không xem bản thân mình đang làm chính trị. “Chúng tôi chỉ muốn bày tỏ tình yêu cũng như mối quan tâm với Hà Nội,” cô cho biết. Tháng trước, cô Ngọc Trà đã gửi một bức thư kèm theo 22.000 chữ ký đến chính quyền thành phố. Tất nhiên, không có ai trả lời.

Athena chuyển ngữ
Theo tờ Economist
(Dân Luận)
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150418/to-economist-neu-mot-cai-cay-bi-don-ha-tren-mang-lieu-dang-csvn-co-nghe-thay-khong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét