Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Điếu văn đọc tại lễ truy điệu cụ Lê Minh Việt

Điếu văn đọc tại lễ truy điệu cụ Lê Minh Việt
Do PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng trường đại học kinh tế quốc dân, đọc hồi 8h giờ 45 ngày 7 tháng 4 năm 2015
Kính thưa quý vị đại diện cho các cơ quan, đoàn thể
- Trường đại học kinh tế quốc dân
- Ủy ban nhân dân và Hội người cao tuổi phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Đại học ngoại ngữ, đại học quốc gia Hà Nội
Cụ Lê Minh Việt và vợ, ảnh chụp 1/1/2015
Kính thưa thân quyến, họ hàng thân thích
Vào lúc này, hồi 8 giờ 45 ngày 7 tháng 4 năm 2015, chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau cử hành trọng thể lễ truy điệu, tiễn đưa cụ Lê Minh Việt, tức Nguyễn Hoành Tỵ, về nơi an nghỉ tại khu Đài hóa thân hoàn vũ, Nghĩa trang Văn điển, Hà Nội.

Trong giờ phút đau thương này, cho phép tôi được thay mặt tang gia, thay mặt các cơ quan, đơn vị, bạn bè của ông Lê Minh Việt và gia đình, đọc lời điếu văn tiễn biệt cụ.

Kính thưa các quý vị,
Cụ Lê Minh Việt, tên khai sinh là Nguyễn Hoành Tỵ, theo hồ sơ hành chính sinh ngày 30/12/1930, thực tế sinh năm 1929 tại làng Hoàng Mai, nay là phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Tuy nhiên từ khi bé đến khi mất cụ thường trú tại số nhà 154 đường Trương Định thuộc phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Cụ sinh ra trong một gia đình trung nông, bố mẹ mất sớm, được anh chị nuôi dưỡng. Khi nhỏ cụ học rất giỏi, tiếp thu được nhiều tư tưởng tiến bộ nên cụ đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.
Từ tháng 3/1945, đã tham gia Việt Minh và hoạt động trong Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Từ năm 1945 đến 1950, cụ làm trưởng ban văn thư báo Vệ quốc quân trung ương và là phóng viên báo Vệ quốc quân sư đoàn 304.
Gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 8/9/1949, chính thức ngày 20/3/1951.
Từ năm 1951 đến 1955 cụ là cán bộ tuyên huấn Ban chính trị Trung đoàn 44 thuộc Bộ Tổng tư lệnh,
Năm 1956, cụ chuyển ngành về học và làm cán bộ giảng dạy tại trường đại học kinh tế kế hoạch, nay là trường đại học kinh tế quốc dân.
Từ năm 1963 đến năm 1966 cụ làm thực tập sinh tại Trung Quốc. Về nước cụ tiếp tục công tác tại trường đại học kinh tế quốc dân, là phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm khoa thống kê cho đến lúc nghỉ hưu năm 1984.
Trong suốt 40 năm tham gia cách mạng và các công tác khác, dù ở bất kỳ cương vị nào, cụ đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, được tặng thưởng nhiều Huân chương, huy chương, được tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Kính thưa các quý vị,
Trong những năm gần đây, sức khỏe của cụ Lê Minh Việt đã ngày càng giảm sút. Mặc dù đã được điều trị nhiều lần tại các bệnh viện, được các y bác sĩ và gia đình, đoàn thể tận tình chăm sóc, bồi dưỡng, được bà con láng giềng, tổ dân phố, khu dân cư đến thăm hỏi động viên, nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh trọng, cụ Lê Minh Việt đã trút bỏ bụi trần, vĩnh viễn đi về với tổ tiên vào hồi 11 giờ ngày 4 tháng 4 năm 2015 tại nhà riêng, hưởng thọ 87 tuổi,

Thưa hương hồn cụ Lê Minh Việt, tức Nguyễn Hoành Tỵ, kính mến
Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên không ai có thể tránh khỏi, nhưng trong giờ phút phân chia đôi ngả, âm dương cách biệt này, với tấm lòng vô cùng thương tiếc, hỏi người thân của cụ và mỗi chúng ta, ai có thể cầm lòng không thổn thức, tiếc thương. Sự ra đi của cụ là một tổn thất vô cùng to lớn đối với gia đình, con cháu.
Thay mặt cho trường đại học kinh tế quốc dân, nơi cụ Lê Minh Việt đã có thời gian công tác dài nhất và cuối cùng trước khi nghỉ hưu, thay mặt cho các cơ quan, đoàn thể, bà con dân phố, khu dân cư, chúng tôi xin cầu chúc cụ Lê Minh Việt, tức Nguyễn Hoành Tỵ, được bình an yên nghỉ nơi vĩnh hằng, nhàn du nơi tiên cảnh.
Chúng tôi xin chân thành chia buồn cùng toàn thể gia quyến về sự mất mát to lớn này.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự có mặt của các cơ quan, đoàn thể, bạn bè xa gần, bà con khối phố đã có mặt để tiễn đưa cụ Lê Minh Việt, tức Nguyễn Hoành Tỵ, về nơi an nghỉ cuối cùng.

Kính thưa quý vị đại diện cho các cơ quan, đoàn thể
Kính thưa thân quyến, họ hàng thân thích
Trong giờ phút đau thương vĩnh biệt này, tất cả chúng ta hãy mặc niệm kính chào vĩnh biệt cụ Lê Minh Việt, tức Nguyễn Hoành Tỵ
Một phút mặc niệm bắt đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét