Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

(2) Luận bàn về kỹ nữ

Luận bàn về kỹ nữ
Trung Quốc trong chế độ phong kiến, tinh thần trọng nam khinh nữ, chế độ gia trưởng lấy phụ quyền làm trung tâm truyền từ đời này sang đời khác, cha mẹ đối với con cái, gia trưởng đối với vợ nô lệ có quyền rất lớn, cho sống cho chết, cho hay thu hồi lại của cải là tùy.
Bức tranh “Sự ra đời của thần Vệ nữ” của Adolphe Bouguereau, 1879,
kích thước 300x218cm, lưu trữ tại bảo tàng Musée d’Orsay, Paris
4. Trung Quốc dưới thời phong kiến, gia lễ bó buộc phụ nữ rất nghiêm. Đàn bà trong gia đình bị chồng quản thúc, không có quyền hành. “Tam cương ngũ thường”, “tam tòng tứ đức” là quy phạm xã hội cơ bản thời đó. Suốt đời người đàn bà tuyệt đối phục tùng quyền lực của đàn ông, thậm chí khi chồng chết, đàn bà cũng phải hiến dâng cuộc sống để tiếp tục trung thành với chồng, xuống âm ty tiếp tục làm thê thiếp. Trong xã hội nô lệ Trung Quốc, khi quân vương quý tộc chết, việc dùng người sống tuẫn táng quy mô lớn khủng khiếp, chủ yếu là cơ thiếp của thiên tử và quý tộc.

Năm 771 trước CN, Chu U Vương nhà Tây Chu chết, tuẫn táng hơn 100 phi tần. Năm 621 trước CN, Tần Mục Công chết, tuẫn táng 177 người. “Người trong nước buồn, làm bài phú Hoàng Điểu” (Tả Truyện Văn Công năm thứ 6). Tần Hiến Công lên ngôi năm 384 trước CN đã ra lệnh phế bỏ chế độ tuẫn táng bằng người sống, nhưng 1.000 năm sau đó, phục hồi mấy lần. Tần Thủy Hoàng chết, vì mục đích chính trị, Tần Nhị Đế lệnh cho tất cả tần phi của Tần Thủy Hoàng, người nào chưa sinh con đều nhất loạt “chết theo”. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương chết, 46 phi tần phải chịu tuẫn táng. Mãi đến Minh Anh Tông di chiếu phế bỏ chế độ tuẫn táng, lúc đó chế độ này mới chấm dứt trên đất nước Trung Hoa.

Trung Quốc trong chế độ phong kiến, tinh thần trọng nam khinh nữ, chế độ gia trưởng lấy phụ quyền làm trung tâm truyền từ đời này sang đời khác, cha mẹ đối với con cái, gia trưởng đối với vợ nô lệ có quyền rất lớn, cho sống cho chết, cho hay thu hồi lại của cải là tùy.

Cửu chương luật (Luật 9 chương) do Tiêu Hà triều Hán soạn, trong chương Hộ Luật bao gồm nội dung về hôn nhân, quy định nam lấy vợ lẽ là hợp pháp, “7 điều bỏ” nói lý do chồng bỏ vợ, còn người vợ tự ý cải giá hoặc chồng chết chưa chôn mà cải giá đều bị “bỏ chợ” (chém đầu phơi thây giữa chợ). Cũng là hành vi thông dâm, cách xử phạt đối với nam và nữ rất không công bằng. Chồng thông dâm với vợ người khác thì chỉ bị đánh đòn, còn vợ thông dâm với người khác thì bị xử chém. Vĩnh Huy pháp sơ (nói gọn là Luật Đường) do Đường Cao Tông Vĩnh Huy ban bố năm 651 là một bộ luật hoàn chỉnh nhất của thời phong kiến Trung Quốc còn giữ được. Nó bảo vệ toàn diện hôn nhân mua bán, bao biện phong kiến do cha mẹ làm chủ. Nam nữ thành hôn phải có thủ tục “giấy kết hôn” và lấy “thất xuất” và “nghĩa tuyệt” làm điều kiện ly hôn. Thất xuất là 7 lý do nhà chồng đưa ra để bỏ vợ: không con, dâm dật, không thờ cha mẹ chồng, lắm lời, trộm cắp, ghen tị, bệnh hiểm nghèo. Nghĩa tuyệt ý nói vợ chồng hai bên đánh lộn, giết chóc nhau, không còn tình nghĩa, nên phải ly hôn.

5. Thời cổ đại Trung Quốc có thuyết Đế Nghiêu gả hai con gái mình là Nga Hoàng và Nữ Anh cho thánh nhân Đại Thuấn. Thuấn chẳng cần hỏi ý kiến ai, thậm chí không thỉnh thị cha mẹ đã cưới về. Thánh nhân khác là Đại Vũ, tương truyền 30 tuổi vẫn chưa có vợ, sau trên đường gặp con gái của Đồ Sơn Thị, hai người lãng mạn gặp nhau ở ruộng dâu, kết thành chồng vợ, không có lệnh cha mẹ cũng chẳng có lời mối lái. Trong tác phẩm các nhà nho thời kỳ đầu người ta thường dẫn câu “thực sắc, tính dã” – hưởng thụ sắc là tình dục (Mạnh Tử – Cáo Tử thượng); “háo sắc, niềm ham muốn của con người” (Mạnh Tử – Vạn Chương thượng); “ăn uống, trai gái là niềm ham muốn lớn của con người vậy” (Lễ ký – Lễ vận).

Chiến quốc sách – Hàn sách có ghi, có lần nước Sở vây nước Hàn, nước Hàn lệnh cho Thượng Cận cầu cứu Tần, Tuyên Thái hậu nói với sứ giả rằng: “Ngày thiếp phục vụ tiên vương, tiên vương đè vế lên thiếp, nên thiếp không chịu được; sau đè cả người lên thiếp, thiếp không thấy nặng, sao vậy? Lấy cái ít mà có lợi chăng? Nay giúp Hàn, binh không đông, lương không nhiều, thì không đủ cứu Hàn. Vậy cứu nguy cho Hàn, mỗi ngày tốn ngàn vàng, liệu có lợi chăng?”. Tuyên Thái hậu công khai nói tư thế làm tình của mình, vua gác đùi lên thì nặng, đè cả người lên thì trọng lượng phân tán để làm ví dụ trong lúc luận bàn việc nước, sử gia ghi chép lại như vậy, chứng tỏ quy phạm tình dục thời Chiến quốc tương đối lỏng. (Vương Sĩ Trinh đời Thanh phê phán đoạn văn này như sau: “Những lời dâm dật này nói ra từ miệng đàn bà, đi vào tai sứ giả, ghi bút tích vào quốc sử, rất là kỳ lạ”).

Trong Kinh Thi do Khổng Tử biên soạn, “Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu, Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu” (quang quác chim cưu, ở giữa cồn cát, thục nữ yểu điệu, quân tử mong cầu), bài Quan cưu đầu tiên đã ca ngợi tình yêu trai gái. Rất nhiều bài thơ tình yêu mạnh dạn, mãnh liệt như vậy đã được Khổng Tử giữ lại, qua đó có thể thấy thái độ các nhà nho thời kỳ đầu đối với tình dục. Chỉ mãi đến nhà nho thời Tống mới tự dối mình, dối người mà nói rằng Quan cưu là bài thơ quân tử cầu hiền, tình yêu nam nữ là điều đáng xấu hổ, tâm lý tình dục bình thường của họ đã bị cái “lý” lễ giáo phong kiến làm biến dạng.

Tới nhà Tống bắt đầu chủ trương cấm đoán tình dục, như “chết đói là việc nhỏ, thất tiết mới là việc tày đình” (Trình Di) – đây chính là danh ngôn ngàn đời dùng để áp bức phụ nữ, ra sức xóa bỏ tận gốc bản năng tình dục to lớn của con người, giả dối vi phạm tình người, tính người, như bình luận của Đàm Đại Chính trong cuốn “Văn hóa, Tính dục và Pháp luật”. “Vạn điều ác, dâm đứng hàng đầu” trở thành giáo điều. “Tây sương ký”, “Mẫu đơn đình” bị coi là các tác phẩm khiêu dâm. Thậm chí lưu hành trong xã hội “Ô công tội”: Nói đến nhan sắc đàn bà, một tội; gặp người đẹp thích nhìn lưu luyến, một tội; tự nhiên nghĩ tới tà dâm, một tội; một lần dâm trong mộng, một tội; cố ý nắm tay đàn bà, trong lòng có ý dâm dục, mười tội…

Thời Minh, Hoàng đế khai quốc Chu Nguyên Chương hạ chiếu: “Vợ góa trong dân, chồng chết trước 30 tuổi, ở vậy thờ chồng, đến 50 vẫn không cải giá, treo biển (biểu dương) trước nhà, miễn trừ sai dịch trong nhà”. Từ đó, việc “biểu dương tiết liệt” trở thành nề nếp như một loại thành tích chính trị, nhân dân đua nhau bắt chước. Hai bộ “Khuê tiết” và “Khuê liệt” (Tiết hạnh phòng khuê, Liệt nữ phòng khuê) trong Cổ kim đồ thư tập thành, thống kê đời Đường có 51 người, đời Tống 267 người, đến đời Minh tăng vọt lên 36.000 người tiết liệt. Dưới áp lực nặng nề của hai chữ “trinh tiết”, phần lớn phụ nữ phải cống hiến tuổi thanh xuân hoặc tính mạng của mình. Có người thủ tiết 80 năm, từ 17 tuổi chồng mất đến khi chết 96 tuổi, có người tự vẫn chết theo chồng, số đàn bà góa bị dằn vặt về tinh thần đông không sao kể xiết.

Cuốn 3 sách Chí dị tục biên của Thanh Thành Tử kể, một người đàn bà góa trẻ tuổi dùng cách tự hành xác để đè nén rung động tình dục. Mỗi tối vắng người, tắt đèn xong, ném 100 đồng tiền xuống đất, xong mò mẫm trong bóng tối tìm nhặt đủ số tiền không được thiếu một đồng, đến lúc ấy, toàn thân rã rời, tinh thần mệt mỏi mới ngủ được. Qua 60 năm thì đổi được bảng khen trinh tiết. Trong khi đó, để cung phụng cho nhu cầu hoang dâm nổi tiếng của Minh Thần Tông, cung đình bắt đầu xuất hiện các loại thuốc hồi xuân như “chiêm thành kiều” (chủ yếu là con ngài tằm đực), “oát tạp nễ” (thận hải cẩu). Người ta cũng tìm thấy các bức họa truyện “Hồng Lâu Mộng” trên tường cung điện triều Minh, cho dù truyện này bị cấm trong dân. Heghen than thở: Ở Trung Quốc, trừ một hoàng đế là người ra, những người khác đều không có tư cách con người.

6. Bản chất “ăn thịt người” của lễ giáo phong kiến là như thế. Đến đời Thanh, lễ giáo tàn khốc chưa từng thấy. Các tiểu thuyết diễm tình nổi tiếng trong dân như “Kim Bình Mai”, “Tây Sương Ký”, “Mẫu Đơn Đình”, “Nhục Bồ Đoàn”, “Hồng Lâu Mộng” bị liệt vào dạng “tiểu thuyết dâm đãng”, năm Khang Hy thứ 53 (1714) bắt tiêu hủy cả bản in và sách, nếu còn tiếp tục khắc in, với quan viên thì cách chức, với quân dân thì đánh 100 hèo, đày đi 3.000 dặm; người bán ở chợ thì đánh 100 hèo, tù 3 năm. Kẻ thống trị triều Thanh hết sức biểu dương cái gọi là trinh nữ, tiết phụ, đặt ra bảng vàng trinh tiết và ghi chép vào truyện Liệt nữ và in sách “Nữ giáo” (dạy đàn bà) để tuyên truyền.

Tượng nữ thần sắc đẹp Afrodite bằng đá cẩm thạch của Hy Lạp,
thế kỷ thứ 4 trước CN, được lưu giữ tại bảo tàng nước Anh

Sau thời Đồng Trị, việc suy tôn trinh tiết đạt tới cực thịnh, các nơi rầm rộ lập một loạt cơ cấu có tên như “Toàn tiết đường”, “Sùng tiết đường”, “Đạo tiết cục”, “Thanh tiết đường”, “Lập trinh đường”, “Trinh tiết đường”. Chỉ riêng huyện Tu Ninh tỉnh An Huy đã có hơn 2.200 phụ nữ “tiết liệt”. Bồ Giang huyện chí tỉnh Triết Giang thời Quang Tự nhà Thanh chép về liệt phụ, vợ Ngô Tổ Thản, sinh năm Gia Khánh thứ 22, làm con dâu từ bé, 20 tuổi kết hôn, chưa đầy năm thì chồng chết, lăn khóc thảm thiết, người nhà sợ quá đà, dìu vào nhà, bất ngờ nhảy xuống hố nước chết, tuổi mới 21. Liệt nữ Hoàng Học Huệ, sinh năm Gia Khánh thứ 6, 19 tuổi, hứa hôn với họ Chu ở Thành. Chưa về nhà chồng, chồng bệnh chết, tự thề thủ tiết, cha mẹ ép gả chồng khác, cô cắn lưỡi mà chết lúc 24 tuổi.

Lễ giáo phong kiến ngấm độc gây nên những số phận con người thảm thương như vậy, đồng thời biến tình dục thành một chuyện thần bí, trẻ con không có kiến thức gì về chuyện này, về sau một khi tiếp xúc bị kích thích ghê gớm, khiến thần kinh bị suy nhược. Lương Sơn Bá học với Chúc Anh Đài 3 năm mà không biết bạn là gái. Khi tiễn nhau 18 dặm xuống núi, Chúc Anh Đài nhiều lần “gợi ý”, Lương Sơn Bá vẫn trơ như gỗ, nhồi sọ giáo lý chữ nghĩa cho lắm vào đầu mà có hiểu tí gì đâu?

Ăn uống, trai gái vốn là ham muốn lớn của con người, nhưng dưới sự cấm đoán tình dục của lễ giáo phong kiến, con người phải ngăn ngừa cái thất tình – lục dục (bảy tình cảm, sáu ham muốn). Thực tế việc đó không thể cấm được. Nhưng dư luận xã hội Trung Quốc sức ép rất mạnh, vừa mới nói đến tình dục là đã bị chụp bao nhiêu kiểu mũ, con người chịu không nổi sức ép đó, nhưng lại không dám ra mặt chống đối. Vậy là chỉ còn một lối thoát là làm bộ giả vờ. Có người nói bản thân Nho giáo là thứ văn hóa sĩ diện, giả dối và che đậy lỗi lầm. Thanh niên vào đời đã học hàng loạt câu đối nhân xử thế “hạ thấp mình làm vui lòng người lớn” (quyền thế, thống trị, tôn quý), “xem mặt mà bắt hình dong, tùy người mà đối đãi”, thiếu hẳn đi tính cách ngay thẳng trong sáng. Nói chuyện cũng khách sáo, vờ khiêm tốn, thông tin truyền đi không trực tiếp, thường bắt người đối diện phải suy đoán, kết quả thường bị ngộ nhận, làm cho quan hệ giữa người với người phức tạp, bằng mặt nhưng không bằng lòng, chỉ tử tế trước mặt. Lâu ngày tạo nên những ngụy quân tử, trước mặt thì đạo mạo hiên ngang, sau lưng không từ một việc xấu gì, đạo đức giả, “ban ngày quan lớn như thần, ban đêm quan lớn tần mần như ma”, như các cụ nhà ta đã nói.

7. Khi Cơ đốc giáo xuất hiện, tình dục bị nguyền rủa và bị biến thành một hành vi đáng khinh, “một loại tội lỗi phải bổ khuyết”, lại thêm một số giáo phái cho rằng, “toàn thân người nữ và người nam từ thắt lưng trở xuống đều do ma quỷ tạo ra”, nhơ bẩn, trụy lạc và bị đóng dấu “tà ác”. Cơ đốc giáo áp chế tình dục cả trong và ngoài hôn nhân, kết quả dẫn đến nhiều chứng “rối loạn chức năng tinh thần”. Từ khi đế quốc La Mã sụp đổ đến thời Trung cổ, đại lục châu Âu thịnh hành một loại bệnh co giật tâm thần, mắc chứng bệnh này phần lớn là nữ, trong nữ tu viện đặc biệt nhiều. Sau khi phát bệnh, họ mở mắt ra, mặt lộ vẻ xấu hổ và đau khổ. Còn nam thì phổ biến hoảng sợ bị “bất lực trong tình dục”. Thời Phục hưng đến, mở đầu bằng những đạo quân thập tự chinh, ở một góc độ nhất định cũng chính là sự phục hưng của tình yêu, tấn công chủ nghĩa cấm dục, đả phá những quy chế đạo giáo giả dối và vô nhân đạo, khẳng định chủ nghĩa vị kỷ trong hưởng lạc cá nhân và xem tình yêu trai gái là biểu hiện cao nhất của tính người.

Xét từ góc độ sinh vật học, cơ thể phụ nữ, làn da, thể hình, giọng nói… bao hàm nhiều thông tin tình dục phong phú hơn nhiều so với nam giới. Cơ thể phụ nữ có nhiều đường cong hơn nam giới là để chuẩn bị cho sự thai nghén sinh mạng mới. Một trong những chỗ khác nhau giữa người và động vật là ở động vật con đực đẹp hơn con cái, còn con người thì người nữ đẹp hơn nam. Ở thế kỷ XIX, nhà văn hiện thực Bandắc nói rất hay: “Một trong những kỳ tích vẻ vang của xã hội loài người, là đã sáng tạo ra phụ nữ. Trong giới tự nhiên, địa vị của họ chỉ là một động vật giống cái, xã hội đã biến họ thành một đối tượng ham muốn vĩnh cửu của con người; giới tự nhiên muốn họ mãi mãi chỉ là công cụ sinh sôi ra giống người, nhưng rồi cuối cùng nhân loại phát minh ra tình yêu và làm nó trở thành thứ tôn giáo hoàn mỹ nhất của loài người”.

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 30 của thế kỷ trước, bằng học thuyết của mình, có một người đã tiến hành phát dọn những gai góc trong việc thần bí và ngu muội đối với tình dục, đó là Phrớt. Ông phát hiện ra “tiềm thức” và cho rằng, hoạt động tinh thần của con người giống như tảng băng nổi trên mặt nước, phần nổi trên mặt là “ý thức”, còn tám – chín phần chìm dưới nước là “tiềm thức”. Nó bao gồm các loại động cơ, các loại cảm giác và các loại mục đích. Những điều này mỗi cá nhân không chỉ muốn dấu người khác mà còn xấu hổ với chính bản thân mình. Nội dung căn bản của tiềm thức là “ham muốn quyền lực” và “xung động bản năng về tình dục”. Ông đề ra học thuyết libiđô – động lực tình dục và cho rằng toàn bộ thành tựu văn hóa nhân loại (bao gồm nghệ thuật, luật pháp và tôn giáo) đều là kết quả phát triển của bản năng tình dục – thứ theo sát mỗi cá nhân trong suốt cả đời người.

Bất cứ ở phương Tây hay phương Đông đều tồn tại các nhà đạo đức giả lừa đời dối thế và ông nói thẳng thừng: “Nhiều người tự cho mình có thể cấm dục dễ dàng, khi vạch trần bộ mặt thực, té ra bọn họ đã thủ dâm hoặc dùng những phương pháp trẻ con khác” (Đạo đức tình dục văn minh và nỗi bất an của người thời nay). Ông chủ trương con người “có thể giải quyết thích đáng giữa phóng túng tình dục và cấm dục vô điều kiện”. Từ cuối thập niên 60, các nước Âu – Mỹ đã xuất hiện cuộc “cách mạng tình dục”, thay đổi rất mạnh đạo đức tình dục và tập tục xã hội, rồi người ta lại thấy xuất hiện văn hóa không kết hôn, cơn sốt ly hôn và cơn sốt sống chung, “văn hóa không sinh đẻ”, “gia đình không con”, rồi lại thấy trở lại một cái gọi là “chủ nghĩa bảo thủ tình dục”, hô hào “quay về nhà”… Các quy phạm về tình dục thường xuyên thay đổi trong lịch sử, từ lỏng – chặt – lỏng – chặt… nhưng không phải là dạng lặp lại giản đơn giống như quả lắc đồng hồ.

Nên công nhận mại dâm là một nghề?

Đại tá Hồ Sỹ Tiến, quyền Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (C45 – Bộ Công an) vừa trả lời Báo Giáo dục Việt Nam cho rằng, chúng ta nên nhìn nhận mại dâm là một hiện tượng xã hội cần giải quyết lâu dài. Nên chăng chúng ta công nhận đó như một nghề với những quy chế hoạt động đặc biệt, công khai hóa thì sẽ quản lý dễ hơn. Nếu công khai mại dâm như một nghề thì Nhà nước sẽ thu được thuế, hoạt động giáo dục cũng như phòng ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục cũng dễ dàng hơn. Và khi đó chúng ta chỉ chống những hành vi ngoài sự cho phép, lén lút ngoài những điều đã được quy định. Nếu làm được việc này, chúng ta sẽ xử lý hình sự cả người mua dâm và người bán dâm bất hợp pháp, chứ không xử lý hành chính nữa. Trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ xử lý hành chính hai đối tượng này thì đều không có tác dụng. Một tệ nạn mà không bị coi là có tội thì sẽ rất khó xử lý triệt để.
Tác giả: Huy Minh
Petro Times, ngày 03/8/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét