Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

(1) Luận bàn về kỹ nữ

Luận bàn về kỹ nữ
Mại dâm có lợi cho xã hội, “mại dâm trên phố, giống như cống thoát nước trong hoàng cung, nếu phế bỏ hoặc không có, sẽ làm hoàng cung chứa đầy phế thải, làm hôi thối lan truyền. Thanh trừ hết các kỹ viện trên thế giới, sẽ làm thế giới đầy rẫy gian dâm thú tính”. Ảnh: Một Geisha ở Kyoto ngày nay đang phục vụ khách. Đây là một loại hình nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản, nhiệm vụ của geisha thường bao gồm cả tán tỉnh, đùa cợt và khêu gợi (đã được mã hóa theo các cách thức truyền thống)

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương – Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, muốn giải quyết triệt để vấn đề mại dâm thì giải pháp gốc rễ là phải xem xét công khai hóa việc mua dâm, coi đây như một hình thức được pháp luật thừa nhận. Ông nói: “Đây là một quy luật muôn thuở của xã hội. Đã nhiều lần tôi đặt vấn đề này và cho rằng, Nhà nước cần phải hợp thức hóa mại dâm để có thể dễ dàng quản lý. Một mặt vừa có thể thu tiền về ngân sách cho Nhà nước, gắn với phát triển du lịch, vừa có thể bảo vệ cả người mua dâm và bán dâm khỏi bệnh tật”.

1. Có người nói, lịch sử chế độ đĩ điếm cũng lâu dài như lịch sử xã hội loài người. Cách nói này chưa thực chuẩn, mà lịch sử chế độ đĩ điếm cũng lâu dài như chế độ một chồng một vợ. Lịch sử nhân loại ít nhất cũng kéo dài mấy triệu năm, trong thời đại quần hôn nguyên thủy không thể có đĩ điếm, dù đến thời hôn nhân đối ngẫu cũng không thể xảy ra; chỉ đến khi chế độ tư hữu tài sản ra đời, người nam vì quan tâm tới tài sản của mình phải do con mình kế thừa nên mới xem người nữ là tài sản riêng, chế độ một vợ một chồng xuất hiện thì đĩ điếm mới ra đời.

Chế độ một vợ một chồng đã thay đổi lối sống một người nữ có thể thuộc về nhiều người nam tồn tại nhiều ngàn năm trước đó và vì thế có thể “đắc tội với thần linh”. Nhiều trước tác đã dẫn nhà sử học cổ Hy Lạp Hêrôđôt rằng, tất cả người nữ ở vùng Babilon, suốt cuộc đời phải có một lần đến điện thần Militta, hiến thân cho một người nam nước ngoài không biết tên. Người nam ném tiền bất kể là người như thế nào người nữ cũng không được từ chối. Người nữ chỉ cần hiến thân cho người nam, coi như đã thực hiện nghĩa vụ đối với thần thì có thể về nhà, về sau không cần hiến thân nữa. Con gái đẹp hoàn thành nghi lễ này chỉ trong thời gian ngắn, con gái xấu thì phải mất rất nhiều thời gian, có khi phải mất 3-4 năm trời. Phong tục “chuộc tội” này ở các nước vùng Tiểu Á, Ai Cập, Ba Tư hay Ấn Độ đều có cả. “Thánh kỹ” ở Ấn Độ còn có tên gọi khác là “đĩ của Phật”. Một phu nhân nếu trước đó có lời nguyện, sau khi sinh ra một đứa con gái thì mang con đến trước cửa Phật, dâng cho Phật. Sau đó, người mẹ tìm một căn phòng trên phố, treo rèm hoa, để con ngồi trên ghế tựa đợi khách đến. Bất kể là người nam nào, chỉ cần cho một món tiền thưởng thì có thể tiêu khiển với phu nhân. Người con gái sinh sống bằng nghề này đem tiền thưởng tích cóp cúng vào chùa, trợ giúp nhà chùa chi dụng.

Rutxô viết trong “Cách mạng hôn nhân”: “Thực ra mại dâm không phải trước nay bị coi khinh, mà đã từng có lúc không cần giấu giếm. Nguồn gốc của nó thật cao cả. Ban đầu, đĩ điếm là hành lễ hiến dâng Thần hoặc nữ Thần. Họ phục vụ người qua đường như một hành vi dâng lễ”.

Do chế độ phụ quyền được thành lập, người chồng dần dần không cho vợ mang thai đứa con không phải huyết thống của mình, nên bắt đầu không cho vợ đến miếu thần chuộc tội. Phụ nữ sợ thần linh giáng tội bèn dùng các hình thức nộp tiền, dâng lễ vật ủy thác cho các chức thần phái nữ (bà mo – cũng tức là nữ thần) trong miếu tiến hành cầu đảo, tấu nhạc, nhảy múa thay họ hiến thân. Như vậy, nghĩa vụ mỗi người nữ phải làm lúc đầu chuyển dần sang cho một số phụ nữ nhất định (bà mo), những người này không thể lấy chồng, nếu lấy có nghĩa là họ tự rút khỏi chức thần phái nữ.

Trung Quốc thời nhà Thương cũng có vu xương (đĩ mo) nắm quyền cúng tế và một phần chính quyền, khi nhà vua có việc cần thì phải hỏi ý thầy mo bói quẻ trước. Trong “Cửu chương” của Khuất Nguyên mô tả bà mo: “Lúc rảnh rỗi thì vui ca, đem đàn sáo ra hát múa. Thân uốn éo này, quần áo đẹp, tỏa ngát hương thơm khắp nhà” (Cửu ca – Đông hoàng thái nhất). Bọn họ đều lả lướt mỹ miều, ca múa mê hồn. “Thượng thư – Y huấn” ghi lại tình hình thời Thang nhà Thương: “Thang đặt quan hình sự để có người răn chúng. Rằng: dám múa dẻo ở cung, ca mùi ở phòng, thời đó gọi là vu phong (phong cách thầy mo); dám chết theo sắc đẹp, siêng việc đi săn, đời gọi là dâm phong; dám khinh lời thánh, trái với ngay thẳng, xa rời đạo đức, chơi trò trẻ (chỉ đồng tính luyến ái), đời gọi là loạn phong. Nghĩ nay ba phong cách lan truyền, kẻ sĩ vướng vào một việc trong đó, nhà tất suy; vua quan vướng vào một việc trong đó, nước tất mất”. “Ca mùi”, “múa dẻo”, “chết theo sắc đẹp” chứng tỏ sự lộn xộn của quan hệ tình dục, sự phát đạt của vu xướng thời kỳ đó.

Đến thời Đông Chu, tù binh, kẻ phạm tội và gia đình họ là “nô lệ có tội”, nam dùng để lao dịch, nữ làm quan kỹ (đĩ nhà quan) để giải trí cho quân nhân, sĩ tử. Về sau một số vợ dân hoặc gái góa vì mục đích kinh tế cũng làm nghề mại dâm, màu sắc tôn giáo ban đầu của đĩ điếm nhạt dần.

Người ta thường cho rằng, Quản Trọng thời Xuân Thu là người khai sinh ra đĩ nhà quan Trung Quốc cổ. Quản Trọng là tướng phụ tá Tề Hoàn Công, vạch lại khu vực hành chính, chỉnh đốn – quản lý quan chế, tăng cường biên chế quân đội, phát triển sản xuất, cải tiến cách thu thuế, quản lý tiền tệ, điều tiết vật giá, bình định nội loạn – chư hầu các nước, sau đó khiến Hoàn Công xưng bá trong thiên hạ. Đồng thời, Quản Trọng còn thiết lập “nữ lư” (xóm nữ): “Trong cung Tề Hoàn Công bảy chợ, xóm nữ 700, người trong nước chê bai” (Chiến quốc sách – Đông Chu sách). “Xưa trong cung Hoàn Công bảy chợ, xóm nữ 300” (Hàn Phi Tử – Thuyết nan). Năm 685 trước CN, Quản Trọng được Tề Hoàn Công bổ nhiệm là khanh, mất năm 645 trước CN, so với thời Hy Lạp cổ sáng lập Kỹ viện Quốc gia Aten (năm 594 trước công nguyên) thì còn sớm hơn 50 năm. Bởi thế, Quản Trọng xứng đáng là ông tổ của “đĩ quan” trên thế giới. Trong cuốn “Văn hóa, Tính dục và Pháp luật”, nhà nghiên cứu Trung Quốc Đàm Đại Chính phân tích: “Xưa “năm nhà là tỉ”, năm tỉ là xóm, một xóm cộng 25 nhà, nếu lập 300 xóm nữ thì có 7.500 nhà, nếu lập 700 xóm nữ thì có đến 17.500 nhà, mới thấy thời đó “đĩ quan” thịnh hành ra sao. Thời xưa cho rằng, Quản Trọng làm như vậy để thu tiền son phấn, sung quỹ Nhà nước. Nó sáng tạo ra “quyên hoa” (quyên tiền hoa), như một cách thu nhập tài chính”.

2. Doanh kỹ (đĩ quân) là một hình thức của quan kỹ (đĩ quan). Thời Hán Võ Đế chinh chiến liên miên nên cho lập chợ lính trong doanh trại quân đội “một quân một chợ”, tính chất cũng như “chợ gái xóm nữ” trong doanh trại nước Tề, dùng để úy lạo quân sĩ không có vợ con bên mình, đó là đĩ quân (“Đến đời Hán Võ Đế lập đĩ quân để đãi ngộ quân sĩ không có vợ” – Hán Võ ngoại sử). Dưới đời Đường, chế độ giáo phường hoàn chỉnh, quan kỹ cực thịnh, chia thành “cung kỹ” và “quan kỹ”. “Cung kỹ” phục vụ trong cung vua, “quan kỹ” phục vụ quan viên văn võ các cấp. Trung Quốc đến đời Nguyên về sau không cho quan kỹ phát triển, thời Minh Thanh không thấy có sách ghi về doanh kỹ.


Cảnh trong phim kể về cuộc đời một geisha Nhật Bản, do diễn viên Trung Quốc Chương Tử Di thủ vai chính (ảnh minh họa)

Doanh kỹ không chỉ Trung Quốc có mà quân đội nước ngoài cũng có. Nhật Bản trong “thời đại bình yên” từ năm 794-1192 cũng xuất hiện “quế nữ”, tức doanh kỹ. Năm 1343, trong 3.500 quân của sư đoàn trưởng U Tư Lâm, có 1.000 kỹ nữ. Chiến tranh độc lập Bắc Mỹ khoảng 1776, quân đội Mỹ có dùng một số kỹ nữ. Khi bắt đầu Đại chiến thế giới I, các nhà khoa học Đức kiến nghị với thống soái tối cao Đức nên tiến hành cấm dục trong quân nhân, nhưng bên quân sự cho rằng, cấm dục có thể ảnh hưởng sĩ khí, nên thành lập Viện quân kỹ (đĩ quân đội) ngay phía sau chiến trường. Viện quân kỹ có mấy chiếc xe ngựa có mui, trước xe treo đèn đỏ cho phép quân sĩ vào, treo đèn xanh sử dụng cho sĩ quan. Trong Đại chiến thế giới II, quân Nhật xâm chiếm Trung Quốc, từ mùa xuân năm 1938 trong quân đội lần lượt tổ chức các viện ca kỹ quân đội gọi là “Câu lạc bộ lục quân” hoặc “Úy an sở”. Trên danh nghĩa các kỹ viện này thuộc “dân doanh” nhưng thực tế do quân đội quản lý toàn diện, như chiêu mộ gái ở Nhật Bản và Triều Tiên đều phải qua khám nghiệm không có bệnh đường sinh dục mới được sung vào “úy an phụ – đĩ quân đội” đưa sang Trung Quốc. Theo thống kê, từ tháng 8-1938 đến tháng 9-1945 ước có 8–10 vạn gái điếm trong quân đội Nhật.

Trung Quốc cổ đại còn có gia kỹ là gái đẹp nuôi trong nhà, họ ca múa, hầu hạ giấc ngủ, chuyên dành cho chủ nhà mua vui, giải trí. Họ là tài sản riêng, thường bị tùy tiện chuyển nhượng, cho tặng, hoặc bị kẻ quyền thế chiếm đoạt, chủ nhà toàn quyền định đoạt sinh sát. Trong gia đình, địa vị của họ thường ở giữa vợ lẽ và đầy tớ. Bên cạnh đó còn có hình thức tư kỹ, là một loại kỹ nữ ngược lại với quan kỹ. Phần đông họ bắt đầu là con nhà lành, là người tự do, không thuộc danh sách sai phái cửa quan, cũng không phải nộp thuế cho nhà nước hàng tháng. Họ chủ yếu bán dâm, gần giống với ý nghĩa của đĩ điếm hiện nay. Ca kỹ tư xuất hiện khoảng đời Đường, thịnh hành cùng sự hưng thịnh của quán rượu, kỹ viện nhà ngói, đến đời Minh bước sang phồn thịnh. Tây Môn Khánh được mô tả trong “Kim Bình Mai” thê thiếp hàng đàn vẫn còn đến kỹ viện tìm “hoa phấn” mua vui, những chuyện buồn vui tan hợp của các công tử Vương Kim Long và Tô Tam trong kinh kịch “Ngọc đường xuân” đã vẽ nên một bức tranh ngắn gọn về tình trạng ca kỹ tư đời Minh. Đến giữa đời Thanh, nghề kỹ nữ tư phát triển rất mạnh, Nam Kinh, Tô Châu, Hàng Châu, Ninh Ba, Dương Châu, Quảng Châu kỹ nữ tư rất nhiều, “váy giày ca hát” “rất phồn thịnh”.

3. Ca kỹ Trung Quốc khởi nguồn từ nữ nhạc, rất coi trọng kỹ xảo nghệ thuật, đánh giá phẩm cấp ca kỹ, trước hết người ta xem tài rèn luyện ngón nghề và lễ nghi xã giao thù tiếp ứng đối, sau đó mới đến công năng sắc đẹp và tình dục. Kỹ nữ Trung Quốc cổ đại lấy tinh thông thơ ca từ khúc xem là thời thượng, rất nhiều người am hiểu âm luật, thông thơ văn nên thường kết duyên với văn nhân học sĩ và thúc đẩy thơ ca từ khúc phát triển. Nhà nghiên cứu Đàm Đại Chính nhận xét, nếu đem so sánh quần thể kỹ nữ Trung Quốc cổ đại với các tầng lớp phụ nữ khác, tuy địa vị xã hội của họ tương đối thấp, nhưng cá tính của họ biểu hiện tự do và rộng mở hơn. Họ không bị ràng buộc bởi lễ tục, có thể ngồi vui chung với nhiều nam giới, có thể ứng đối thoải mái với nhiều sĩ tử, ca hay múa đẹp, phấn son mời nâng chén, gọi thẳng tên công khanh, bình phẩm tùy thích nhân sĩ triều đình, có phong độ lãng mạn phóng khoáng, các tầng lớp phụ nữ khác cùng thời khó bề sánh kịp.

Hy Lạp cổ là một trong những cái nôi của văn minh, nó đã để lại ấn tượng về sự tinh khiết, trí tuệ và vẻ đẹp. Vấn đề tình dục của nó còn giữ được nhiều nét chất phác, rộng mở. Các nhân vật thần thoại không những có năng lực siêu phàm, chiến công hiển hách mà còn vô cùng đa tình, thậm chí còn ẩu đả vì yêu đương, ghen tuông. Kỹ nữ đẳng cấp cao ở Hy Lạp cũng giống kỹ nữ Trung Quốc cổ, tài sắc song toàn, thông minh khéo léo. Xôlông, một trong 7 người hiền Hy Lạp đã lập ra kỹ viện đầu tiên ở Aten vào thế kỷ thứ VI trước CN, chủ trương kỹ viện phải nộp thuế cho nhà nước hàng năm. Sử ghi, thế kỷ IV trước CN, ở Hy Lạp, thương khách nườm nượp trên đường, kỹ nữ xếp hàng tựa cửa cười cợt. Họ mặc lụa mỏng, lộ rõ bộ ngực để đàn ông có thể lựa chọn tùy thích. Ngoài kỹ viện, trên phố còn có một nghề mới – được gọi là “chim oanh lưu động”, kỹ nữ hành nghề trên vùng có những con đường chưa trải đá, mang đôi guốc đặc biệt, những vết hằn dưới đế guốc ngược lại với đế giày của con nhà lành, nhìn dấu trên đường đi là biết ngay, như một dạng tín hiệu quảng cáo kéo khách.

Kỹ thuật tránh thai dưới thời La Mã khá phát triển, ngoài cách “cắt ngang giao phối” còn dùng “tránh thai bằng dầu cọ” do nhà triết học Aristot đề xuất. Nhà triết học Riuglixias dựa vào kinh nghiệm của các kỹ nữ đã đưa ra phương pháp: khi kỹ nữ giao phối lắc mạnh cặp mông, có thể để cho tinh dịch chảy ra khỏi “vùng nguy hiểm”. Bà đỡ Xôlasis kiến nghị dùng lông cừu làm “cái vòng” bịt cổ tử cung, còn có thể bôi lên đó một thứ như hồ keo làm cho vòng lông cừu bịt chặt khiến hoạt động chậm lại, những phương pháp này có kết quả không giống nhau nhưng có thể xem là tiên phong trong phương pháp phòng tránh thai hiện đại.

Lịch sử kỹ nữ là một hành trình dài đồng hành trong lịch sử loài người, có thăng trầm, cấm đoán, thậm chí bị các hình luật “tru diệt”, nhưng nói như nhà vệ sinh học nổi tiếng – GS Lốpna (Đại học Berlin) năm 1907 thì: “Phụ nữ bán dâm tồn tại ở mọi dân tộc và mọi thời đại, không thể nào trừ diệt. Bởi vì mại dâm có lợi cho sự xung động tình dục lại bắt nguồn từ bản tính con người. Động cơ mại dâm phần lớn có thể nói là nhược điểm trời sinh của phụ nữ”. 


Trước đó, năm 1665, trong Hội nghị Trưởng lão Cơ đốc giáo tại Milan, T. Aquyna phát biểu rằng, mại dâm có lợi cho xã hội, “mại dâm trên phố, giống như cống thoát nước trong hoàng cung, nếu phế bỏ hoặc không có, sẽ làm hoàng cung chứa đầy phế thải, làm hôi thối lan truyền. Thanh trừ hết các kỹ viện trên thế giới, sẽ làm thế giới đầy rẫy gian dâm thú tính”. Cũng cần phải nhắc lại, Angghen nói trong “Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” rằng, với phụ nữ, mại dâm chỉ làm trụy lạc những ai đã không may sa vào nó và ngay cả họ cũng không trụy lạc tới mức như người ta vẫn tưởng.

Tác giả: Huy Minh
(Xem tiếp kỳ sau)
Petro Times, ngày 02/8/2014

http://www.petrotimes.vn/dam-luan-doi-thoai/2012/06/luan-ban-ve-ky-nu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét