Công nhân, như tôi được biết
Nguyễn Thúy Ái
Nguyễn Thúy Ái
Có lần nói chuyện xong với một nhóm công nhân ở một khu công nghiệp tại Tây Ninh, tôi lên xe ra về, chồng tôi nãy giờ ngồi chờ liền hỏi “Em vừa trò chuyện với ai vậy?” Tôi trả lời “Em nói chuyện với công nhân chứ ai.” Anh liền bảo “ Sao công nhân gì nhỏ xíu như trẻ con vậy?” Đúng là đa số thấp bé, gầy ốm… Cô bác sĩ chuyên về dinh dưỡng cùng đi nhận xét “ Công nhân mình bị suy dinh dưỡng”.
Tuy viết văn, viết báo nhưng tôi ít biết về giới công nhân, bởi tôi lớn lên từ một làng quê thuần nông ở miền Trung, khi ra trường, tôi sống quanh quẩn ở thành phố nên chỉ tìm hiểu về nông dân, thị dân… Cho đến cách đây vài năm tôi được một công ty truyền thông mời đi nói chuyện với công nhân với tư cách là một người tư vấn tâm lý, nói nôm na là “gỡ rối tơ lòng”.
Tôi được đến khá nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn có rất nhiều công nhân. Từ khu chế xuất Tân Thuận đến Linh Trung, Khu công nghiệp Củ Chi, Tân Bình … ở Sài Gòn và các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận ở Bình Dương, Tây Ninh, Biên Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An … Nhờ đó tôi được dịp tiếp xúc, lắng nghe những lời tâm sự, quan sát và hiểu phần nào về cuộc sống của công nhân, đa số là còn trẻ, tuổi trên dưới 20 cho đến ngoài 30…
Công nhân có đủ ăn không ?
Sau phần nói chuyện và tư vấn về tình yêu - hôn nhân - gia đình mà các bạn trẻ rất quan tâm, tôi rời sân khấu để cho các bác sĩ, ca sĩ tiếp tục chương trình. Tìm một chỗ ngồi để nghỉ ngơi chờ xe đưa về cùng với những người làm chương trình. Nhưng tôi thường được các công nhân trẻ vây quanh để tiếp tục tâm sự, nhờ tôi tư vấn những chuyện riêng tư mà họ không thể cầm micro nói oang oang trước mặt mọi người. Nhân đó tôi cũng hỏi thăm họ về quê quán, thu nhập, điều kiện ăn ở và biết được khá nhiều… Nhìn chung, hầu hết họ không phải là dân tại chỗ mà thường từ những miền xa xôi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa hay Quảng Nam, Quảng Ngãi. Có lần nói chuyện xong với một nhóm công nhân ở một khu công nghiệp tại Tây Ninh, tôi lên xe ra về, chồng tôi nãy giờ ngồi chờ liền hỏi “Em vừa trò chuyện với ai vậy?” Tôi trả lời “Em nói chuyện với công nhân chứ ai.” Anh liền bảo “ Sao công nhân gì nhỏ xíu như trẻ con vậy?” Đúng là đa số thấp bé, gầy ốm… Cô bác sĩ chuyên về dinh dưỡng cùng đi nhận xét “ Công nhân mình bị suy dinh dưỡng”.
Bế tắt
Tất cả những khu công nghiệp tôi đến, chỉ có khu chế xuất Tân Thuận ở quận 7, Tp. HCM là tỏ ra khá hài lòng với thu nhập của mình, họ cũng tỏ ra tự tin, vui vẻ khi hợp tác, giao lưu với các diễn giả và các ca sĩ … Còn hầu hết các nơi, công nhân không mấy vui, họ u buồn, bế tắt …
Công nhân hầu hết là người ngoại tỉnh nên phải ở nhà thuê, không phải khu công nghiệp nào cũng có nhà ở cho công nhân. Tiền thuê nhà, tiền gởi về quê để nuôi con hay giúp đỡ gia đình, rồi mới đến tiền ăn… Với mức thu nhập thấp, luôn là một bài toán khó với họ. Ước mơ của họ là có một gia đình êm ấm, dành dụm mua một chiếc xe gắn máy, mua một căn hộ bình dân trả góp hay về quê xây một căn nhà nho nhỏ …Nhưng chuyện ấy với họ quả là xa hôi…Vì không thể dành dụm cho tương lại nên hầu hết chỉ sống qua ngày, tiêu xài hiện tại, tuổi trẻ một cách phung phí theo một nghĩa nào đó.
Bi kịch ly hương
Chấp nhận xa gia đình để đi làm kiếm tiền là một hy sinh rất lớn với những con người mộc mạc này, khi họ phải xa cha mẹ, anh em, vợ hoặc chồng hay con cái, bà con, làng xóm …Đâu chỉ thiếu hụt tình cảm, nhớ thương, đi lại khó khăn, tốn kém vào những dịp lễ tết muốn về thăm nhà mà sau đó còn ẩn chứa hoặc hiển hiện nhiều bi kịch cá nhân. Nhiều người vợ hay người chồng kể vì xa nhà lâu, chồng hoặc vợ họ ở nhà ngoại tình, cờ bạc hoặc nghiện ma túy…. Con cái gởi cho ông bà chăm sóc không phải đứa nào cũng ngoan, lo học mà vì thiếu ca hụt mẹ chúng đâm ra mất thăng bằng và hư hỏng. Vào đây dù đủ đôi chưa chắc đã yên, có người đua đòi nhậu nhẹt có kẻ chạy theo ai đó có tiền phụ rẫy vợ con.
Đạo đức dễ bị kéo xuống
Ở tỉnh nhỏ hay làng quê và ngay các thành phố ở Việt Nam có một thứ luật pháp bất thành văn mà người ta sợ hơn cả pháp luật chính thức, đó là dư luận. Một khi ai đó ngoại tình, chửa hoang, bất hiếu với cha mẹ, trộm cướp, bán dâm hay những cư xử vô đạo khác…liền bị dư luận lên án. Anh ta, chị ta đi đâu, cái án bám theo đó, dư luận biết anh là ai, con ông nào bà nào, nên không chỉ anh chịu nhục khi làm điều sai quấy mà cả gia đình, giòng họ cũng bị tai tiếng, bị vạ lây. Nhưng khi từ một làng quê xa xôi vào đây, không ai biết ai. Nếu anh làm sai, pháp luật không sờ gáy được thì không ai quan tâm. Vì thế không hiếm những bạn gái “tung hê” theo kiểu quan hệ tình dục bừa bãi, bán dâm, nạo phá thai, đã thành chuyện thường ngày ở những khu nhà trọ công nhân. Chưa kể nhiều nơi tăng ca liên tục khiến họ rất căng thẳng, nhiều công ty nợ lương công nhân, một số công ty nước ngoài bỏ trốn, quịt lương… Không hiếm những cuộc đình công, biểu tình nho nhỏ đòi tăng lương, đòi nợ…hoặc lơ láo thất nghiệp. Nông dân khi mùa màng thất bát, thiên tai… họ vẫn còn ruộng đất, công nhân mất việc, họ còn gì?
Bị dồn nén về tâm lý …
Không khó khăn gì để giới công nhân nhận ra mình thiệt thòi, khổ cực, bế tắt… Một khu công nghiệp mở ra, ai hưởng lợi to lợi nhỏ, còn công nhân chỉ có đồng lương còm… Chính bất công xã hội, khoảng cách giàu nghèo quá lớn giữa giới chủ, giới cán bộ và công nhân là nguyên nhân của những dồn nén, uất ức mà có dịp là nó bung ra, như cái lò xo… Việc đập phá, cướp bóc trong một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua ở Thủ Đức, Bình Dương, Hà Tĩnh…. Tất nhiên việc làm ấy là sai, phải bị trừng phạt, những kẻ phá hoại thật đáng giận, nhưng cũng đáng thương.
Nhưng lẽ nào các cấp lãnh đạo không biết được công nhân sống ra sao? Không còn hiểu gì về công nhân? Không tiên liệu được sự việc?
Trung Quốc xâm lược giúp ta biết được ai là kẻ thù, công nhân lợi dụng biểu tình chống Trung Quốc để đập phá, hôi của khiến giới lãnh đạo cần phải tìm hiểu về công nhân và cần có một định nghĩa mới về giai cấp này.
16-5-14
16-5-14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét