Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Mỹ bỏ rơi cả Biển Đông lẫn Ukraina?

Bạn Lữ Giang (lugiang2003@yahoo.com ; lugiang7@gmail.com) gửi cho Blog bài dưới đây:
Mỹ bỏ rơi cả Biển Đông lẫn Ukraina?
Lữ Giang
Hiện nay, trong khi đa số người Việt tranh đấu ở hải ngoại đang tập trung vào vụ giàn khoan Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố “cơ trời đã đến”, thi nhau đọc “Bình Ngô đại cáo”, “Hịch tướng sĩ”, tin khẩn cấp và cãi nhau “Chống nội thù hay ngoại xâm trước?”, "Cứu đảng hay cứu nước",..., Hoa Kỳ, Anh Hai chống cộng của người Việt tỵ nạn, và các cơ quan truyền thông quốc tế gần như không quan tâm đến biến cố này lắm. 
Nước lớn ức hiếp nước bé
Trong cuộc họp báo ngày 8.5.2014, bà Marie Harf, phụ tá phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, cho rằng “cách hành xử chung của Trung Quốc nhằm thăng tiến các tuyên bố chủ quyền trong khu vực vượt ra ngoài luật lệ quốc tế, làm leo thang căng thẳng” và “có thể dẫn tới những sự tính toán sai lầm.” Đây là một kiều bình luận trớt huớt!


Tromg bài “Đã có sự phân chia Biển Đông?” phổ biến ngày 1.5.2014, chúng tôi đã đề cập đến chiến lược của Hoa Kỳ hiện nay là ngăn chận sự lớn mạnh của cả Nga lẫn Trung Quốc. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ quan tâm đến sự lớn mạnh của Nga hơn là Trung Quốc. Chiến thuật đang được áp dụng là tách Trung Quốc ra khỏi Nga bằng cách trao một phần Biển Đông cho Trung Quốc, còn Hoa Kỳ quay về Âu Châu để đối đầu với Nga. Liệu Hoa Kỳ có thành công trong cuộc chiến này không?
Muốn trả lời câu hỏi này, trước hết chúng tôi xin tóm lược lịch sử hình thành của khối Liên Sô và khối Warszawa trong chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của hai tổ chức này năm 1991. Hoa Kỳ và NATO tìm cách xâm chiếm vòng đai của Liên Bang Nga. Đến năm 2004, khi phục hồi lại địa vị của một cường quốc hoàng đầu, Nga bắt đầu chận đứng sự bánh trướng của Hoa Kỳ và NATO.
Đây là những vấn đề khá phức tạp, nhưng nếu không nắm vững sẽ bị đưa vào mê hồn trận trước các biến cố đang diễn ra ở Biển Đông cũng như ở Ukraina.

VÀI NÉT VỀ LIÊN SÔ VÀ KHỐI WARSAWA CŨ
1.- Sự hình thành của Liên Sô và khối Warszawa
Để củng cố và bành trướng chủ nghĩa cộng sản, ngày 29.12.1922, các Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Sô Viết Liên bang Nga, Liên bang Ngoại Kavkaz (bao gồm 3 nước Gruzia, Azerbaijan, Armenia), Belorussia và Ukraina đã ký hiệp ước thành lập Liên bang Cộng Hoà Sô Viết, gọi tắt là Liên Sô. Hiệp ước này đã được Đại hội các Sô Viết chấp thuận vào ngày 30.12.1922, tức một ngày sau.
Sô Viết là gì? Theo tài liệu chính thức của Liên Sô, Sô Viết (tiếng Nga là совет) là tên gọi chung cho các cơ quan đại biểu dân cử của chính quyền nhà nước tại các nước cộng sản từ năm 1905. Liên Bang Sô Viết gồm 15 nước sau đây:  Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Litva, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina và  Uzbekistan.
Để chống lại khối Liên Sô, năm 1949 Hoa Kỳ và một số nước Âu Châu đã thành lập một liên minh quân sự lấy tên là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, tiếng Anh là North Atlantic Treaty Organization, viết tắt là NATO.
Ngày 14.5.1955, Liên Sô và các nước cộng sản Trung và Đông Âu đã họp tại Warszawa, thủ đô của Ba Lan và thành lập khối Warszawa để đối phó với khối NATO. Khối Warszawa gồm 8 nước sau đây: Liên Sô, Albania (rút ra năm 1968), Ba Lan, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Romania và Tiệp Khắc.
Khối Warszawa đã góp phần vào việc xây dựng bức tường Berlin chia cắt Đông Đức và Tây Đức. Khối này cũng can thiệp vào các sự kiện đàn áp cách mạng Hungary 1956 và Tiệp Khắc năm 1968.
2.- Sự tan rã của Liên Sô và khối Warszawa
Năm 1991 vì những sai lầm về kinh tế và những chia rẽ trong nội bộ, Liên Bang Sô Viết đi đến chỗ sụp đổ sau 69 năm tồn tại . Ngày 26.12.1991, Viện Cộng Hòa Sô Viết Tối Cao Liên Sô họp hội nghị lần cuối cùng. Các đại biểu giơ tay biểu quyết thông qua tuyên ngôn tuyên bố “Liên Sô ngừng tồn tại”. Các nước trong Liên Sô tuyên bố độc lập còn Nga trở thành Liên Bang Nga.
Vì những bất đồng trong nội bộ, tháng 5 năm 1989, khối Warszawa ủng hộ việc Liên Sô rút quân khỏi các nước thành viên. Sau đó khối Warszawa mong muốn đàm phán với NATO về vũ khí hạt nhân chiến thuật và các vấn đề liên quan tới hãi quân. Tiếp theo, khối Warszawa kêu gọi NATO cùng giải tán.  Năm 1991, khi Liên Sô sụp đổ, khối Warszawa cũng tan rả theo.

MỸ VÀ NATO XÂM NHẬP VÒNG ĐAI LIÊN BANG NGA
Lợi dụng lúc Nga đang ở trong tình trạng “tang gia bối rối”, Hoa Kỳ và các nước NATO tìm cách xâm nhập vào vòng đai Liên Bang Nga bằng cách chiêu dụ các nước trong Liên Sô và khối Warszawa cũ vào NATO và Liên Hiệp Âu Châu.
Đối với các nước thuộc khối Warszawa cũ, sự chiêu dụ của NATO đã thành công. Tất cả 8 nước thuộc khối này đã lần lượt gia nhập khối NATO, khởi đầu là Ba Lan (1999), Hungary (1999),Cộng hòa Czech (1999), rồi đến Slovakia (2004). Romania (2004), Slovenia (2004), Croatia(2009) và Albania (2009).
Nhưng việc chiêu dụ các nước Liên Sô cũ gia nhập NATO gặp nhiều khó khăn. Lúc đầu, khi ba nước cộng hòa thuộc vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva cùng gia nhập NATO năm 2004, Nga phản ứng không kịp. Nhưng đến năm 2005, khi Nga bắt đầu phục hồi lại địa vị của một cường quốc hàng đầu, NATO khó tiến xa hơn.

PUTIN QUYẾT TÂM CHẬN ĐỨNG NATO
Khi đọc Thông điệp Liên bang năm 2005, Tổng thống Putin tuyên bố: “Liên Sô tan rã là tai họa chính trị nghiêm trọng nhất của thế kỷ 20. Đối với nhân dân Nga, đó là một bi kịch thực sự”. Từ đó, ông quyết tâm ngăn chận các nước thuộc Liên Sô cũ gia nhập khối NATO hay Liên Hiệp Châu Âu.
Năm 2003, Hoa Kỳ và các nước NATO đã giúp Gruzia (tiếng Anh gọi là Georgia) thực hiện cuộc “Cách Mạng Hồng”, thành lập một chính phủ thân Tây phương và xin gia nhập khối NATO. Nga liền yểm trợ hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia tuyên bố ly khai khỏi Gruzia, thành lập khu tự trị. Ngày 7.8.2008, quân đội Gruzia mở cuộc tấn công đánh chiếm Nam Ossetia. Nga liền đem quân vào, đánh bật quân đội Gruzia ra khỏi Nam Ossetia. Quân Gruzia bỏ chạy. Có khoảng 1.400 thường dân bị chết. Ngày 26.8.2008 Nga chính thức công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia
Sau này, Tổng thống Mikhail Saakashvili của Gruzia đã tiết lộ rằng lúc đó Mỹ đã cho chiến hạm đi vào Biển Đen. Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney đã đích thân thông báo cho ông là chiến hạm của hải quân Mỹ mang tên lửa hành trình đã áp sát Gruzia. Ông Dick Cheney nói: “Ngài nên biết, thứ mà tàu chiến chúng tôi mang đến không phải là nước uống mà là thứ quan trọng hơn hàng hóa rất nhiều”. Nhưng Mỹ chỉ “xúi con nít ăn cứt gà”, Gruzia nghe Mỹ nên đã lãnh đủ.
Một số nước trong Liên Số cũ như Armenia, Belarus, Moldova và Kazakhstan cũng đã toan tính gia nhập NATO và Liên Hiệp Âu Châu, nhưng biến cố Gruzia đã làm họ dừng lại. Năm 2010 Nga đã ký hiệp ước thành lập tổ chức Liên Hiệp Quan Thuế với các nước này và dự trù đến năm 2015 sẽ chuyển thành Liên Minh Kinh Tế Âu-Á.

TẠI SAO UKRAINA RA NÔNG NỔI NÀY?
Trong 14 nước theo Liên Sô cũ, Kazakhstan là nưóc lớn nhất (2.727.300km2), tiếp đến là Ukraina (603.700km2). Nhưng Ukraina có dân số lớn hơn (51.706.746) và là của đi ra Biển Đen, nên Mỹ và NATO quyết tâm chính phục. Nhưng Nga đã biết trước âm mưu của Mỹ và NATO, nên đã liên kết các thành phần thân Nga ở Ukraina lại và đợi khi phe thân Mỹ cướp chính quyền ở Kiev, Nga điều động phe đa số thân Nga ở bán đảo Crimea tuyên bố tự trị và xin sáp nhập vào Nga.
Nay phe thân Nga đang tiến tới giai đoạn hai là biến các tỉnh phía đông Ukraina sát biên giới Nga như Donetsk, Lougansk… thành những khu tự trị, để nếu chính quyền thân Mỹ được thiết lập tại Kiev quyết định đưa Ukraina vào Liên Hiệp Âu Châu hay NATO, sẽ tách vùng này ra khỏi Ukraina và sát nhập vào Nga. Quân đội Nga đã chuẩn bị để can thiệp gióng như trường hợp ở Gruzia năm 2008.
Hôm 22.4.2014, tại Quốc Hội Ukraina, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu: «Chúng tôi không dám quả quyết sẽ đáp ứng tất cả cho quý vị. Nhưng chúng tôi muốn đứng bên cạnh quý vị» để đối phó với điều mà ông gọi là những «mối đe doạ nhục nhã» nhằm chia cắt Ukraina. Đây chỉ là một lời trấn an vu vơ.

TA THẮNG ĐỊCH THUA?
Sách “Giáo khoa thư chống cộng” đòi hỏi người Việt làm truyền thông ở hải ngoại luôn phải nói và viết rằng “Ta thắng địch thua”, mặc dầu ta đang bỏ chạy. Nhưng trình độ của người Việt ở hải ngoại ngày càng cao và biết tôn trọng sự thật, nên sách đó không còn xài được.
Hôm 18.3.2014 sau khi sáp nhập Crimea vào Liên Bang Nga, Phó Thủ Tướng Nga Rogozin nói:“Hôm nay nước Nga đã tuyên bố rằng thế giới đơn cực đã kết thúc. Nước Nga đã nhận về mình trọng trách vô cùng to lớn".
Trong khi NATO cắt giảm ngân sách quân sự thì Nga tuyên bố tăng ngân sách quân sự lên 44% trong 3 năm tới… Hành động này đã khiến các quốc gia nhỏ quanh Nga thuộc khối Liên Sô cũ phập phồng lo sợ một nước Nga “Đại đế” đang hình thành trở lại.
Đa số cho rằng khi Hoa Kỳ và NATO loại trừ khả năng can thiệp quân sự và chỉ dùng một số biện pháp chế tài kinh tế đối với một số viên chức Nga thì đó chỉ là đòn “phủi lông” con gấu Nga mà thôi.
Hoa Kỳ và NATO khó trừng phạt nghiêm khắc nền kinh tế Nga vì hai lý do chính sau đây:
(1) Liên Hiệp Âu Châu phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga. Những dự tính sẽ đa dạng hoá nguồn cung cấp năng lượng để bớt phụ thuộc vào Nga là chuyện dài hạn, chưa thể đoạn tuyệt ngay với nguồn năng lượng của Nga được.
(2) Liên Hiệp Âu Châu đầu tư quá sâu vào Nga (như Total của Pháp chẳng hạn) và vốn của các doanh nghiệp Nga cũng đang góp phần quan trọng vào thị trường chứng khoán Luân Đôn, nên một sự đoạn tuyệt với Nga không khác gì “ôm bôm tự sát”, nên Liên Hiệp Âu Châu khó nghe theo Mỹ.
Hôm 14.3.2014, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Aleksandr Vershbou, Phó Tổng thư ký khối NATO đã khẳng định rằng NATO sẽ không muốn chiến tranh với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Crimea. Ông bày hy vọng tình hình ở Ukraine và Crimea sẽ không dẫn tới cuộc đối kháng vũ trang trực tiếp giữa Nga và NATO. Ông nói: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ không đi đến cuộc đối đầu vũ trang thực tế. Chúng tôi ủng hộ giải pháp sau cùng là chính trị.” Ông hy vọng NATO và Nga  sẽ tìm kiếm được những lĩnh vực lợi ích chung và tiếp tục hợp tác.
Nhìn chung, ở Á Châu, Mỹ có quá nhiều quan hệ chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc nên bỏ rơi Biển Đông cho Trung Quốc. Ở Âu Châu, Liên Hiệp Âu Châu cũng gắn liền chặt chẽ về kinh tế với Liên Bang Nga nên không thể đoạn tuyện với Nga. Chỉ tội nghiệp các nước nhỏ, vì thiếu kinh nghiệm chính trị nên bị biến thành con bài thí.
Trong bài “La Russie est de retour sur la scène internationale» đăng trên Le Monde Diplomatique của Pháp, bình luận gia Jacques Lévesque đã viết: «Cải thiện đã kết thúc. Putin tin rằng từ bây giờ có thể quay trở lại hợp tác hiệu quả hơn.» (L’embellie avait pris fin. M. Poutine estime qu’il est désormais possible de revenir à une coopération plus fructueuse).
Ngày 15.5.2014
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét