Quốc tế phẫn nộ trước sự hung hăng của Trung Quốc
Hôm 7/5, các hãng tin thế giới đồng loạt đưa tin về việc tàu Trung Quốc chủ động hung hăng tấn công tàu Việt Nam.
Ảnh blog này đưa để minh họa
Học giả Trung Quốc phản đốiHọc giả Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu Trung Quốc nổi tiếng với quan điểm phản bác “đường lưỡi bò” đã viết trên blog cá nhân của ông trên mạng Sina rằng Trung Quốc nên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong việc di dời giàn khoan trên Biển Đông.
Tối 6/5, tại blog của mình trên trang 163.com, học giả Lý Lệnh Hoa đã kể lại việc trước đó, phóng viên Hoàn Cầu Thời báo gọi điện hỏi về cách nhìn nhận liên quan tới tình hình tại Tây Sa (chính là Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép).
Ông Lý Lệnh Hoa đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình khi cho rằng Trung Quốc là một trong các nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 thì nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh. Theo ông, các học giả và phương tiện truyền thông Trung Quốc đã góp phần kích động người dân về vấn đề biển Đông.
Tờ Straits Times dẫn lời tiến sỹ Ian Storey - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nói rằng Việt Nam sẽ phải có phản ứng trước những thách thức đối với chủ quyền của họ và khi Việt Nam hành động thì Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng.
“Chúng ta (các nước trong khu vực) đang có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một kịch bản vô cùng nguy hiểm”, tiến sỹ Ian Storey nhấn mạnh.
Một số nhà phân tích cho rằng việc đặt giàn khoan HD-981 tại khu vực biển đang tranh chấp là một bước leo thang đáng kể trong tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước châu Á khác.
Truyền thông quốc tế phẫn nộ
Financial Times nhận định, căng thẳng trong khu vực biển Đông leo thang đáng kể sau khi Việt Nam thông báo tàu Trung Quốc cố ý đâm vào tàu Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Trường Sa.
Họp báo quốc tế về giàn khoan trái phép của Trung Quốc.
Còn theo hãng tin AP, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu trên vùng biển Việt Nam là một trong những hành động khiêu khích nhất của nước này. Hãng cũng dẫn lời chuyên gia về Việt Nam (Đại học Hồng Kông) - Jonathan London: “Trung Quốc dường như đang cố tình góp mặt trong vùng biển tranh chấp và buộc Hà Nội phải phản ứng. Những hành động của Trung Quốc xuất hiện tại thời điểm quan trọng khiến mọi người đặt nhiều kỳ vọng vào việc Hà Nội sẽ cân nhắc được lựa chọn của mình… Chính sách của Trung Quốc, mà theo tất cả mọi người, trừ Trung Quốc, là không có cơ sở pháp lý, gây nên tình trạng căng thẳng này”.
New York Times cho hay tranh chấp ở khu vực biển Đông không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, việc sức mạnh quân sự Trung Quốc ngày càng tăng trong thời gian qua đã làm xuất hiện một số lo ngại trong khu vực.
The Economist nhận định, cũng giống như bản đồ "đường chín đoạn", những tuyên bố của Trung Quốc đều không có cơ sở luật pháp quốc tế và Trung Quốc cũng chưa bao giờ làm rõ những tuyên bố của mình.
Trong khi đó Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên trong ngành công nghiệp dầu khí của Trung Quốc cho biết, việc triển khai các giàn khoan thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí CNOOC tới vùng biển Việt Nam là một quyết định chính trị chứ không phải là một hướng đi thương mại.
Ngày 7/5, Mỹ một lần nữa bày tỏ quan ngại về cách hành xử và hăm dọa nguy hiểm của tàu bè tại các vùng biển có tranh chấp.
Linh An (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét