"Đòn hiểm độc nhất" của Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981
(Soha.vn) - Dự đoán về những hành động tiếp theo của Trung Quốc sau khi kéo giàn khoan, TS Trục nói: “Họ sẽ tiếp tục bằng hàng loạt những hoạt động tương tự về kinh tế và dân sự”.Ngay sau khi có thông báo về việc Trung Quốc sẽ kéo dàn khoan HD-981 vào Biển Đông, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ về những vấn đề xung quanh vụ việc được dư luận thế giới chú ý này.
PV: Mới đây, Trung Quốc đã không những kéo giàn khoan HD – 981 vào Biển Đông để tiến hành khoan và tác nghiệp trái phép tại vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam mà còn cho đăng thông báo về hành động này. Động thái mới này từ Trung Quốc cho thấy điều gì, thưa ông?
TS Trần Công Trục: Cá nhân tôi không có gì lạ bởi trước đây khi có thông tin họ đang làm một giàn khoan khổng lồ sẽ hoạt động trên vùng Biển Đông, tôi cũng đã có suy nghĩ rằng Trung Quốc không phải làm để chơi, để mà quảng bá với thế giới về khả năng làm giàn khoan mà họ sẽ làm thật. Điều quan trọng là họ làm vào thời điểm và ở vị trí nào.
Quả nhiên là tôi thấy họ đã làm và điều đáng nói ở đây chính là thời điểm và vị trí đặt giàn khoan để thực hiện mục tiêu của họ là: biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp và từ đó có thể dần hiện thực hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông thông qua một hoạt động mang tính chất kinh tế - dân sự. Đây là một bước tiến mới bởi trước đây họ chỉ dừng lại ở việc mời thầu thăm dò, khai thác dầu tại Biển Đông một cách bất hợp pháp nhưng giờ thì họ đã làm. Và theo nhiều học giả, Trung Quốc sẽ không dừng lại ở những hành động này.
TS Trần Công Trục (Ảnh: Tuấn Nam)
PV: Xin ông có thể phân tích cụ thể hơn về những tính toán thời điểm đưa giàn khoan ra Biển Đông của Trung Quốc?
Thậm chí, sự khẳng định vai trò của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối với Mỹ của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du 4 nước châu Á mới đây cũng chỉ mang tính hình thức.
TS Trần Công Trục: Về thời điểm, đây là lúc trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Mỹ cùng các nước châu Âu và Nga đang tập trung vào vấn đề Ukaine. Đây cũng là một vấn đề nóng và hết sức nhạy cảm khi cả hai bên đều có những “đòn” cân não và cả thế giới đều nín thở để chờ những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Rõ ràng, lúc này Biển Đông và Biển Hoa Đông không còn là những điểm nóng số một khiến Mỹ và Nga phải quan tâm hàng đầu nữa.
Trong bối cảnh hiện nay, trong sự đối chọi tại Ukaine thì Nga và Trung Quốc sẽ có những mối quan hệ đặc biệt hơn. Và vì họ cũng thấy rõ được bản chất của việc Hoa Kỳ đưa ra khẩu hiệu”chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương” chỉ là khẩu hiệu nên họ đã có hành động đáp trả khẩu hiệu đó.
Mặt khác, bên trong, Trung Quốc đang phải đối diện với nhiều vấn đề lộn xộn như Tân Cương, Tây Tạng và những cuộc khủng bố khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc đau đầu. Chính lúc này, họ chọn việc đưa giàn khoan ra Biển Đông để đáp ứng được yêu cầu đối nội và đối ngoại.
Tôi cho rằng đó họ đã chọn một thời điểm có lợi nhất và dù có lợi nhất nhưng đáng chú ý là họ không dung lực lượng quân sự mà lại dung biện pháp về kinh tế. Đây là bước đi thể hiện sự mưu lược của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trung Quốc đã chọn thời điểm có lợi nhất để kéo giàn khoan HD - 981 vào Biển Đông
PV: Vậy còn vị trí đặt giàn khoan, Tiến sỹ có nhận định như thế nào việc Trung Quốc chọn một vị trí cụ thể như vậy?
TS Trần Công Trục: Về vị trí đặt giàn khoan, qua quan sát bản đồ, tôi thấy nó thể hiện đầy sự tính toán. Đó là vị trí nằm cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý, cách đảo Tri Tôn mà họ đang chiếm 18 hải lý. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Luật Biển năm 1982 là 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì vị trí đặt giàn khoan cách đường 200 hải lý đó 80 hải lý. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Và để hợp thức hóa hành động sai trái của mình, Trung Quốc có thể sẽ nói rằng vị trí đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn 18 hải lý - nằm trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc bởi Trung Quốc có chủ quyền ở Tây Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Nếu chúng ta không phân tích thì có thể rơi vào bẫy của họ.
Quần đảo Hoàng Sa, theo Luật Biển quốc tế, về nguyên tắc đây là quần đảo tập hợp các đảo nhỏ không có đời sống kinh tế riêng và đó không phải là quốc gia quần đảo như đã nhiều lần tôi nói. Chính vì thế, việc tính vùng biển đối với các đảo thuộc quần đảo này khác với cách tính đối với quốc gia quần đảo và vì thế nó không có vùng đặc quyền kinh tế của riêng nó. Việc Trung Quốc đã vạch một đường cơ sở bao trọn quần đảo mà họ gọi là Tây Sa để tạo ra vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như thế là sai với Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 bởi đó là vùng hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngoài mưu tính về kinh tế, ý đồ của Trung Quốc khi đặt giàn khoan tại vị trí này chính là biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp.
PV: Xâu chuỗi những hành động gây hấn tại Biển Đông của Trung Quốc hàng năm, ông có nghĩ sự gây hấn của Trung Quốc mang tính “chu kỳ”?
TS Trần Công Trục: Việc Trung Quốc cứ vào tầm tháng 4 và tháng 5 hàng năm lại có những hành động gây hấn kéo dài đến tháng 8 cùng năm, tôi cho rằng khoảng thời gian đó tương thích với thời tiết của khu vực Biển Đông. Đó là khoảng thời gian có thời tiết thuận lợi, có thể phù hợp cho việc triển khai những hoạt động phi pháp của tại vùng biển này. Tôi nghĩ rằng điều này nằm trong sự tính toán của họ.
PV: Xuyên suốt những hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông đó là âm mưu độc chiếm Biển Đông của họ. Cách đây hai năm, Trung Quốc đã có lời chào thầu thăm dò và khai thác dầu một cách bất hợp pháp tại Biển Đông. Nhưng tại thời điểm này, họ không chỉ nói nữa mà đã hành động khi kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Với những dư liệu như vậy, ông có thể dự đoán Trung Quốc sẽ có những hành động như thế nào?
TS Trần Công Trục: Trung Quốc không bao giờ từ bỏ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của mình và hiện thức hóa yêu sách đường Biên giới Biển “lưỡi bò”. Lần này, hành động của họ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn nhiều. Cách đi của họ rất bài bản khi có sự kết hợp nhiều yếu tố: đối nội, đối ngoại, chính trị…
Tôi nhắc lại một lần nữa là họ sử dụng các biện pháp mang tính dân sự, kinh tế để thực hiện mưu đồ của mình chứ không phải là các hành động quân sự. Đó mới là đòn hiểm độc nhất. Cách làm đó của Trung Quốc khiến cho dư luận thế giới lầm tưởng rằng họ đã “xuống thang” và từ đó sẽ không có những ý kiến phản đối gay gắt đối với họ…
Họ sẽ tiếp tục bằng hàng loạt những hoạt động tương tự về kinh tế và dân sự như kéo giàn khoan, thậm chí tổ chức thêm việc đấu thầu khai thác dầu tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ cũng có thể sẽ có những hoạt động nghiên cứu khoa học, đi sâu vào vùng biển của các nước trong khu vực để biến khu vực không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Và họ có thể sẽ dùng các biện pháp như ra các lệnh cấm để có tạo ra cho mình cái quyền (bất hợp pháp) là kiểm tra, kiểm soát những tàu bè qua lại, những hoạt động kinh tế của các nước khác, hoạt động hàng hàng quốc tế trên vùng Biển Đông. Cũng rất có thể họ sẽ lập một vùng phòng thủ kiểm soát không lưu (Air Defense Identification Zone - ADIZ) tại vùng Biển Đông tương tự như đã làm đối với vùng biển Hoa Đông…
Sơ đồ vị trí giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam *Ảnh nhỏ: Giàn khoan HD981 khổng lồ của Trung Quốc - Ảnh: Tư Liệu - Đồ họa: Vĩ Cường
PV: Thưa Tiến sỹ, với quyết tâm độc chiếm Biển Đông của mình đi kèm với những hành động gây hấn với các nước có liên đến vùng biển này, Trung Quốc được gì và mất gì?
TS Trần Công Trục: Trung Quốc thực hiện những điều này có nghĩa là họ đã bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận, dùng thế của mình để áp đảo các nước khác. Rõ ràng khi thực hiện các hành động phi pháp của mình, Trung Quốc đã “vứt” Công ước Luật Biển năm 1982 vào sọt rác. Và COC cũng sẽ không thể có và nếu có cũng chẳng có giá trị gì với Trung Quốc khi nó chỉ mang tính chất như một đòn ngoại giao, một lớp vỏ bao biện cho sự thân thiện giả tạo của họ.
Vì thế, các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông cần nhận định lại về cách hành xử của Trung Quốc để từ đó có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn.
PV: Trung Quốc đã chuyển sự quan tâm của mình sang vùng biển của Việt Nam thay vì động chạm với Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông hay tạm thời chưa động chạm đến Phlippines sau những tuyên bố cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du châu Á. Thưa ông, với hành động kéo giàn khoan vào Biển Đông, phải chăng Trung Quốc cho rằng Việt Nam “mềm” hơn so với các nước khác nên đang cố “nắn”?
TS Trần Công Trục: Tôi không nói thẳng Việt Nam “mềm” hay “không mềm” nhưng rõ ràng họ có tính toán rất kỹ khi nghiên cứu cách thức hoạt động của các nước có liên quan để có những hoạt động sao cho có đạt hiệu quả cao nhất.
PV: Trước đây, đã có một sự so sánh tương đối thú vị khi Trung Quốc mới trỗi dậy: Trung Quốc là hổ giấy, Mỹ là con hổ thật. Nhưng dựa theo tình hình thế giới hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng dường như sự ví von kia đã đảo ngược lại nhất là khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Ông có ý kiến gì về nhận định này?
TS Trần Công Trục: Hình tượng "con hổ giấy" chỉ là trước đây, còn bây giờ Trung Quốc như một con hổ thật, một con hổ rất uyển chuyển, khéo léo và biết vờn con mồi trước khi ra những đòn quyết định chứ không chỉ còn biết gầm gào, chỉ chực ăn mồi.
PV: Ông có nghĩ rằng việc kéo giàn khoan vào Biển Đông chỉ là một hành động mở đầu mang tính chất “nắn gân” Việt Nam trong một giai đoạn mới của Trung Quốc – giai đoạn hành động?
TS Trần Công Trục: Tôi không nghĩ như vậy mà cho rằng họ sẽ không lùi bước. Họ làm như vậy thì sẽ có những phương án để bảo vệ giàn khoan của họ.
PV: Có ý kiến cho rằng, đây chính là thời điểm lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam hoạt động đúng chức năng của mình một cách tích cực hơn. Ông nghĩ sao về ý kiến này, trước những hành động phi pháp của Trung Quốc như vậy, việc làm tối quan trọng của Việt Nam hiện nay là gì?
TS Trần Công Trục: Hành động kéo giàn khoan vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam là một hành động vi phạm luật pháp một cách trắng trợn. Một trong những việc làm quan trọng của chúng ta lúc này là phải để cho dư luận thế giới hiểu rõ rằng chủ quyền củaViệt Nam tại Biển Đông đến đâu và những hành động của Trung Quốc đã bất hợp pháp như thế nào. Công việc tuyên truyền này cần được đẩy mạnh và tiến hành thường xuyên. Đi kèm với đó là những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ.
Đáng lẽ, để ứng phó với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, chúng ta phải kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế từ những lần họ vi phạm chủ quyền của chúng ta trước đây như cách của Philippines đã tiến hành. Bây giờ chúng ta phải tiến hành biện pháp này. Cách ứng xử này của chúng ta sẽ góp phần vào việc tuyên truyền cho dư luận thế giới hiểu rằng Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam như thế nào trên khu vực Biển Đông. Tôi cũng nhấn mạnh rằng, nếu áp dụng biện pháp này, quan hệ ngoại giao giữa hai nước không hề bị ảnh hưởng như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đó là một biện pháp văn minh trong thế giới hiện đại.
Còn việc hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư thì chúng ta không nói trước được. Nhìn vào truyền thống lịch sử của dân tộc này trước những hành vi vi phạm lợi ích quốc gia thì những người lãnh đạo Việt Nam sẽ biết phải làm gì.
Xin trân trọng cảm ơn ông về buổi phỏng vấn!
Bốn phương vô sản đều là anh em, hehe !!.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaÔng Trục không dám nói thẳng TrQ coi VN là" quá mềm " nên đã quyết vỗ mặt Đảng em trước toàn TG : VN chơi bài đi dây giữa TrQ và Mĩ , kinh tế VN quá èo uột nên phụ thuộc hoàn toàn vào TrQ, vì VN khong thay đổi về nhân quyền nên Mĩ không ủng hộ vào TPP ( TTh oba ma chỉ đi thăm Nhật,Hàn,Phi ,Mã bỏ qua VN ) nên cơ hội tách Trung bằng 0 và kinh tế càng đi xuống , Mĩ sẽ không chống lưng quốc phòng cho VN có nghĩa VN không đủ sức để đấu với TrQ trên biển VN . Cái mà Đảng em rêu rao về " 4 tốt ,16 vàng" và dân cứ để việc giữ đất , giữ biển đã có Đảng lo đã dẫn tới hệ quả mất biển trước, sau đó mất đảo mất đất ngày càng rõ nét. Chỉ có dựa thực sự vào dân tộc kể cả mất độc quyền của ĐCS thì...may ra muộn còn hơn không. Nhưng việc bắt Ba Sàm đang cho thấy Đảng em đúng là thằng em " tiệt rồi" ( tuyệt vời - nói giọng Nam bộ ). Thương dân Việt ngàn năm .
Trả lờiXóa