Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Một Trung Quốc không chịu trưởng thành

Một Trung Quốc không chịu trưởng thành
Nguyễn Vĩnh Nguyên (TBKTSG Online) - Sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí vào vùng biển của Việt Nam và điều hơn 80 tàu, kể cả tàu quân sự, chủ động gây hấn với tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam đang là những biểu hiện rất đáng lo ngại cho tình hình biển Đông. Sự việc công khai bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã đẩy tranh chấp khu vực này đến một bước ngoặt mới, khi ai cũng hiểu rằng, Trung Quốc xưa nay thường chỉ biết dấn tới, chưa từng chịu thoái lui bao giờ.

Tàu quân sự Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam ở khu vực gần giàn khoan mà Trung Quốc đang tìm cách đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam. Ảnh: TL

Đại diện Việt Nam: mọi sự chịu đựng đều có giới hạn
Trung Quốc hết chủ động gây hấn trên biển Hoa Đông với Nhật Bản, Hàn Quốc, lại va chạm với Việt Nam, Philippines, Đài Loan trên Thái Bình Dương. Nhưng bước đi nguy hiểm nhất trong mưu đồ bá quyền của Trung Quốc là mục tiêu thâu tóm biển Đông để chiếm hữu trữ lượng tài nguyên khổng lồ, đồng thời biến vùng biển này thành cơ sở để kiểm soát luồng giao thông biển trọng yếu của thế giới.

Hoa Kỳ kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế
Trong cuộc họp báo tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội lúc 13g30 chiều nay 8-5, khi được yêu cầu nêu quan điểm trước việc Trung Quốc đơn phương gây hấn trên biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách châu Á-Thái Bình Dương Daniel Russel nhấn mạnh:
“Mỹ kêu gọi các nước và các bên tranh chấp kiềm chế, tận dụng các kênh ngoại giao và chính trị để giảm căng thẳng, để quản lý tranh chấp và cuối cùng để giải quyết các vấn đề chủ quyền. Mỹ có quan điểm từ lâu rằng các nước tranh chấp cần tận dụng quyền sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế. Liên quan đến sự việc cụ thể này, thông điệp đơn giản của tôi là kiềm chế, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế".
Trước đó, hôm thứ Ba, từ Washington, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki lên án hành động của Trung Quốc là “gây hấn” và cho biết Hoa Kỳ sẽ theo dõi sát tình hình ở biển Đông. “Chúng tôi đang xem xét cẩn thận vấn đề này. Do lịch sử căng thẳng gần đây ở biển Đông, quyết định của Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển tranh chấp là gây hấn và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực”, bà Jen Psaki nói với báo chí.
Đó là lý do vắn gọn giải thích cho việc Trung Quốc ráo riết đầu tư cho lực lượng hải quân và không quân phục vụ cho việc phô trương uy thế bành trướng, và nếu cần, thì hải chiến. Các hoạt động kết hợp dân sự và quân sự hóa biển Đông liên tục được nước này tiến hành. Nếu lấy dấu mốc từ 19-1-1974 – sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam - đến nay, mỗi năm, Trung Quốc đều có một hay nhiều vụ “gây gổ” và đụng độ ồn ào trên Biển Đông để phô trương sức mạnh, đồng thời nắn gân, nhắc nhở cho các nước đang tranh chấp chủ quyền với mình biết rằng, không gì (kể cả luật pháp quốc tế) có thể ngăn cản cánh tay Trung Quốc vươn ra biển.
Việc tự tiện đặt bút vẽ “đường lưỡi bò” bất chấp dư luận thế giới lên án cho thấy ứng xử chủ quyền trên biển của Trung Quốc luôn ở dạng đơn phương, duy ý chí và “làm lấy được”. Trong các vụ “va chạm” lớn nhỏ, Trung Quốc không chấp nhận đối thoại đa phương hay hướng đến tính “quốc tế hóa”; nếu có đối thoại song phương với từng bên tranh chấp, kết quả chung cuộc, Trung Quốc bao giờ cũng đi đến thỏa thuận có lợi cho mình.
Như vậy, ngay từ đầu, Trung Quốc muốn thế giới hiểu rằng, mình là một ngoại lệ, mình tạo ra luật chơi riêng dựa trên sức mạnh bá chủ khu vực.
Trong một cuộc đối thoại giữa nhà báo Tom Plate - cây bút kỳ cựu viết về châu Á với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon, khi nói về Trung Quốc, có đoạn thế này:  Ông Ban Ki-Moon nói: “Tôi hy vọng rằng với tất cả các thành tựu kinh tế đã đạt được, Trung Quốc sẽ trở nên trưởng thành hơn”. “Trưởng thành hơn ư?” – Tom Plate ngạc nhiên. Ban Ki-Moon: “Trưởng thành một cách dân chủ và trong những hành động giải quyết các vấn đề quốc tế”.
Tôi cũng lo ngại về điều này – Tom Plate viết. “Hãy nhìn những gì mà Trung Quốc với Quân Giải phóng Nhân dân của mình nói về những vùng biển xung quanh – họ gọi biển Đông là ao nhà của Trung Quốc, một cái hồ không hơn không kém, một sự xâm lược lãnh thổ trắng trợn mà tôi nghĩ chẳng có luật pháp quốc tế nào thừa nhận. Để phản ứng lại, Hoa Kỳ đã tăng biên chế ở hạm đội Thái Bình Dương. Điều đó có làm ông lo ngại hay không? Ông có thấy rằng Trung Quốc vẫn còn quá non nớt và dĩ nhiên, Mỹ sẽ tiến hành những biện pháp quân sự cần thiết. Ông có thấy lo ngại hay không?”
Ông Tổng thư ký lắc đầu: “Dù thế nào thì tôi cũng chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ phải thay đổi để phù hợp với tiêu chuẩn của cộng đồng quốc tế. Đó là những gì mà tôi mong muốn và hy vọng. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn cho cộng đồng quốc tế nếu có những giải pháp hiệu quả dành cho tranh chấp với Trung Quốc.”
Và Tom Plate đã hạ một câu: “Một cá nhân đơn lẻ hiếm hoi (ý chỉ ông Ban Ki-Moon) hy vọng điều không tưởng sẽ thành hiện thực." [1] 
Và cái sự “không chịu trưởng thành”, “hết thuốc chữa” trong đường lối đối ngoại đó ở người Trung Quốc, được ông Bách Dương lý giải sâu hơn từ trong căn tính một dân tộc: “Chỉ một mực nghĩ cho bản thân mình, coi người khác như không tồn tại, hiện tượng đó ở Trung Quốc nhiều như lông con lừa. Nếu đối phương dám ngang nhiên chứng minh rằng hắn cũng tồn tại, hơn nữa lại có phẩm cách khác biệt nữa thì phiền phức lắm, nhỏ thì cãi vã, lớn thì đánh nhau, còn lớn hơn nữa, là tức thì một chiếc mũ chụp xuống, cho rằng anh việc bé xé ra to, cho rằng anh cà khịa gây gổ; không trách cứ anh là không chịu an phận thủ thường, thì trách anh hay cáu kỉnh, hay mắng chửi lung tung. Mà vị nào hay cáu kỉnh hay chửi mắng lung tung, nhất nhất đều vào sổ sách hồ sơ, hậu quả thật khôn lường” (Người Trung Quốc xấu lậu)
Câu chuyện cái giàn khoan ngang nhiên cắm trên vùng biển của Việt Nam và còn chủ động tấn công Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, cho thấy, nước cờ khó lường, đầy tính nguy cơ trong hành xử của một nước lớn nhưng thiếu sự trưởng thành cần thiết.
Điều nguy hiểm nhất trong câu chuyện này nằm ở chỗ, lửa chiến tranh rất dễ bùng phát, đôi khi chỉ vì những kích động rất nhỏ, nằm trong kịch bản từng bước kiểm soát cả trái đất của kẻ nuôi tham vọng bá quyền.

-----------
[1]  Trang 230,Đối thoại với Ban Ki-Moon, Tom Plate, Lê Quang Minh dịch, NXB Trẻ, 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét