Giàn khoan 981 vẫn nằm trong thềm lục địa Việt Nam
TP - Trước việc Trung Quốc thông báo di chuyển giàn khoan Hải Dương 981, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua tuyên bố vị trí mới vẫn nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tới trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam.
Vị trí mới của giàn khoan 981 (ảnh lớn-nguồn Vnexpress, đồ họa của Đồng Nguyên Anh), Giàn khoan 981 và tàu ngư dân Lý Sơn từng bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Trước việc Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo ngày 27/5 về việc di chuyển giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 của Trung Quốc từ vị trí 15o29’58”N – 111o12’06”E đến vị trí 15o33’38”N – 111o34’62”E, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua khẳng định: “Vị trí mới mà giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc được di chuyển tới theo thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 27/5/2014 nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan ở vị trí này vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hoạt động, rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống, tàu dịch vụ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời không để tái diễn các hành vi tương tự, ông Bình nói.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ đầu tháng 5, nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, đập phá, gây thiệt hại về tài sản.
Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc đã có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam. Gần đây nhất, vào lúc 16h ngày 26/5, tại khu vực có tọa độ 15o16’42”N-111o01’30”E, ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân trên tàu đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã đâm chìm. Hiện 10 ngư dân đã được lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển cứu vớt và đưa lên tàu an toàn.
Trả lời câu hỏi của báo giới trong và ngoài nước về phản ứng của Việt Nam trước các vụ việc này, ông Bình hôm qua nêu rõ: Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tiếp tục làm phức tạp tình hình trên biển Đông.
Giàn khoan 981 vẫn đang nằm trong vùng biển Việt Nam
“Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam”, ông Bình tuyên bố.
Hôm qua, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối
Về những phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/5, ông Bình khẳng định: “Việt Nam kiên quyết bác bỏ những phát biểu sai sự thật của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, việc chiếm giữ bằng vũ lực không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa”.
Nhật Bản: Trung Quốc hành động cực kỳ nguy hiểm
Sau vụ việc tàu cá Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa, Nhật Bản hôm qua lên án đây là hành động “cực kỳ nguy hiểm”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc kiềm chế ở biển Đông.
“Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa mạng sống của người dân”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo. “Điều quan trọng là các nước liên quan phải kiềm chế hành động đơn phương có nguy cơ leo thang căng thẳng và cần bình tĩnh giải quyết vấn đề, trong khi tuân thủ luật pháp quốc tế”, hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) dẫn lời ông Yoshihide.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng, đây là “vấn đề nghiêm trọng”, rằng những sự thật về vụ việc “cần được cung cấp theo cách thức ổn định trong phạm vi cộng đồng quốc tế”.
Nhật Bản: Trung Quốc hành động cực kỳ nguy hiểm
Sau vụ việc tàu cá Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa, Nhật Bản hôm qua lên án đây là hành động “cực kỳ nguy hiểm”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc kiềm chế ở biển Đông.
“Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa mạng sống của người dân”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo. “Điều quan trọng là các nước liên quan phải kiềm chế hành động đơn phương có nguy cơ leo thang căng thẳng và cần bình tĩnh giải quyết vấn đề, trong khi tuân thủ luật pháp quốc tế”, hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) dẫn lời ông Yoshihide.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng, đây là “vấn đề nghiêm trọng”, rằng những sự thật về vụ việc “cần được cung cấp theo cách thức ổn định trong phạm vi cộng đồng quốc tế”.
Ngược lại, Trung Quốc vẫn chối bỏ trách nhiệm trong vụ đâm chìm tàu, nói rằng con tàu bị lật sau khi cố gắng cản trở hoạt động khoan dầu của Trung Quốc trong khu vực. “Chúng tôi thúc giục phía Nhật Bản tôn trọng sự thật và thôi đưa ra những bình luận vô trách nhiệm”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói trong cuộc họp báo hằng ngày. Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi một số máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay gần các máy bay của lực lượng phòng vệ trên biển và trên không của Nhật Bản một cách bất thường ở vùng biển Hoa Đông.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Financial Times (Anh) hôm 26/5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng, Trung Quốc đang “chơi trò nguy hiểm với chính sách miệng hố chiến tranh và ngoại giao pháo hạm” có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Thông thường, những điều xảy ra với Việt Nam cuối cùng cũng xảy ra với Philippines”, ông Aquino nói về những diễn biến leo thang gần đây giữa Bắc Kinh với Hà Nội và Manila trên biển Đông.
Nhà lãnh đạo Philippines nói rằng, ông đã nhận được báo cáo về việc các tàu Trung Quốc gần đây đi vào gần khu vực giếng dầu Galoc, cách bờ biển tỉnh Palawan của Philippines khoảng 60 dặm.
Hải quân Philippines cho biết họ vừa hiện đại hóa trung tâm chỉ huy đặt gần biển Tây Philippines (tức biển Đông) để đối phó Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ.
Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo
Dù Trung Quốc mới đây đưa trái phép giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hung hăng tấn công các tàu cá của Việt Nam và cũng ngày càng hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, Global Times (Thời báo Hoàn cầu), phụ bản của Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, vừa đăng bài nói rằng Bắc Kinh có những lợi thế độc đáo so với Mỹ để giành được lòng tin từ các quốc gia Đông Nam Á.
Bài báo nói rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn vừa đưa ra hàng loạt đề xuất nhằm củng cố quan hệ thực tế giữa ASEAN và Trung Quốc, củng cố lòng tin chiến lược và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quân sự.
Theo bài báo, tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN - Trung Quốc vừa qua tại Myanmar, ông Thường mời bộ trưởng quốc phòng của từng nước ASEAN tham dự phiên đối thoại quốc phòng đặc biệt tại Trung Quốc vào năm 2015.
“ASEAN chiếm vị trí quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại khu vực của Trung Quốc nhằm xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh ở châu Á - Thái Bình Dương và làm sâu sắc tình hữu nghị, chân thành, cùng có lợi và toàn diện. Mở rộng hợp tác với các quốc gia ASEAN trong lĩnh vực an ninh là chính sách đang được Bắc Kinh theo đuổi”, bài báo viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét