Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

(1) Kho ảnh vô giá về VN đầu thế kỷ 20 tại Viện bảo tàng ALBERT KAHN (PARIS)

Kho ảnh vô giá về VN đầu thế kỷ 20 tại Viện bảo tàng ALBERT KAHN (PARIS)
Vanhoahoc.edu.vn: Năm 1909, một chủ ngân hàng giàu có người Pháp tên là Albert Kahn nghĩ ra một dự án gọi là "Thư khố Hành tinh" (Archives de la Planète). Đội của ông đã chụp 72 ngàn tấm hình màu của 50 quốc gia, tạo nên một bộ sưu tập ảnh màu autochrome lớn nhất hành tinh. Kahn thích thú với điện ảnh trong một chuyến du lịch Nhật bản và gởi những đội mang thiết bị chụp hình autochrome - thiết bị đầu tiên có khả năng chụp ảnh màu - đi khắp mọi miền trên thế giới. Ngoài 72 nghìn ảnh chụp, các đội của Kahn còn thực hiện được 100 giờ phim trong suốt dự án 22 năm ròng. Kahn phá sản trong cuộc Đại Suy Thoái (nếu không chắc dự án còn kéo dài lâu hơn nữa).

Đối với những người quan tâm về Việt Nam, Viện Bảo tàng Albert Kahn ở vùng ngoại ô Thượng sông Seine (Hauts-de-Seine) sát cạnh Paris, bên bờ sông Seine thơ mộng, ngay đoạn vừa vượt qua cầu Saint Cloud, là một địa chỉ không thể bỏ qua. Bảo tàng nằm trong môt vạt cây cối màu xanh phủ kín một không gian 4 mẫu tây. Đây là nơi lưu trữ một bộ sưu tập hiếm hoi ảnh màu về Việt Nam chụp ngay từ đầu thế kỷ 20, thời ngành nhiếp ảnh vẫn còn sơ khai, khi mà công nghệ chụp ảnh màu mới được anh em nhà Lumière sáng chế lần đầu tiên được ứng dụng trên một quy mô lớn.. Giá trị của bộ sưu tập này rất lớn vì nó giúp cho các thế hệ hiện nay thấy rõ được bằng hình ảnh, với màu sắc rõ ràng, một phần diện mạo của Việt Nam cách nay một thế kỷ.

Albert Kahn và “Thư khố Hành tinh”

Giờ đây với công nghệ máy ảnh kỹ thuật số, con trẻ cũng có thể bấm nút cho ra những tấm ảnh màu sặc sỡ mà số lượng không thành vấn đề nhờ những tấm thẻ nhớ. Nhưng ở đầu thế kỷ trước để có được một tấm ảnh trắng đen đã khó mà để làm ra tấm ảnh màu còn khó và đắt gấp bội phần. Vì thế mà thế giới có một Albert Kahn (1860-1940).

Ông không phải là một nhà phát minh ra ảnh màu nhưng người bạn ông có cái tên tự thân nó đã phát sáng: Lumière, đã phát kiến ra cả công nghệ chiếu hình mà sau này thành phim ảnh và công nghệ chụp ảnh màu (autochrome). Albert Kahn cũng không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh vì để có hàng vạn tấm ảnh chụp tại hơn nửa trăm quốc gia trên toàn thế giới vào thời gian đó thì không một ai làm nổi. Chỉ có duy nhất một doanh nhân thành đạt trên lĩnh vực tài chính-ngân hàng là Albert Kahn.

Sinh ở vùng Alsace, sau khi rời ghế nhà trường, Albert lên Paris làm việc cho một ngân hàng rồi thành đạt từ việc kinh doanh vàng và kim cương mua từ Nam Phi. Đến khi bước vào tuổi “tam thập nhi lập” thì ông đã trở thành chủ một ngân hàng cổ phần và tậu được mảnh đất mà nay trở thành khu vườn và toà bảo tàng mang tên mình. Say mê với thú làm vườn nhưng đầu óc lại ưa đi đây đi đó, Albert Kahn sáng lập ra tour du lịch vòng quanh thế giới cho giới trẻ và tham gia nhiều hành trình qua nhiều quốc gia.

Có lẽ vì tham gia vào những chuyến du khảo này mà Albert Kahn khao khát được tận hưởng mọi cảnh quan thiên nhiên và phong tục tập quán của các nền văn hoá trên trái đất; đồng thời ông cũng ý thức được rằng chẳng ai có thể một mình đi khắp trái đất này. Đầu thế kỷ XX, sự khao khát được đi khắp nơi, cộng với công nghệ nhiếp ảnh và in ấn phát triển, đã hình thành một thú chơi “bưu ảnh” bùng nổ ở nhiều nước Châu Âu phát triển.

Nhận thấy phát minh ra công nghệ chụp ảnh màu có thể giúp cho nhiều người được chiêm ngưỡng cảnh vật với sắc màu đầy quyến rũ của nó, Albert Kahn đã quyết định đầu tư một phần tài sản để thực hiện một ý tưởng khác thường. Ông đã bỏ tiền mua thiết bị và thuê nhiều nhà nhiếp ảnh đi tới mọi quốc gia để chụp những tấm ảnh màu, mang về Paris cho ông làm một bộ sưu tập độc đáo có một không hai.

Trong vòng 2 thập kỷ (1909-1931) những nhà nhiếp ảnh và quay phim đã đi khắp thế giới và mang về cho ông một tài sản vô giá mà ông đặt tên là “Thư khố Hành tinh” (Archives de la Planète). Chừng 72.000 tấm ảnh màu và 180.000 thước phim nhựa đen trắng (loại 35mm) tương đương với 100 giờ chiếu phim đã được thực hiện và đem về khu vườn bên bờ sông Seine lưu giữ. Khi đang giàu có, Albert Kahn còn tài trợ cho nhiều hoạt động xã hội, khoa học và du lịch với tinh thần “hiểu biết của con người làm phong phú thêm những giá trị văn minh nhân loại”.

Cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ vào năm 1929 từ Mỹ lan sang Châu Âu khiến công việc kinh doanh của Albert Kahn bị đổ vỡ. Năm 1931, dự án “Thư khố Hành tinh” phải dừng lại. Năm 1932, ngân hàng của ông phải tuyên bố phá sản. Khu vườn và cả “Thư khố Hành tinh” bị sung công. Năm 1937 thì khu vườn được chính quyền địa phương mở cho công chúng tham quan. Năm 1940, Albert Kahn từ trần trong cảnh độc thân và không có người thừa kế.

Bảo tàng Albert Kahn

Từ năm 1986, một nhà bảo tàng với 650m2 trưng bày đã được xây dựng để thường xuyên đón khách vào chiêm ngưỡng những tấm ảnh màu, những thước phim tư liệu và các dụng cụ của công nghệ nhiếp ảnh đầu thế kỷ XX, trong đó, đặc biệt quý giá là 72.000 phiến kính gốc được đặt trong những hộp cáctông sắp xếp trong những dẫy tủ của khu vực lưu trữ dành cho giới nghiên cứu (FAKIR). Riêng năm 2008 đã có tới 100.000 khách tới tham quan.

Nỗ lực của các nhân viên bảo tàng đã góp phần làm những tấm ảnh và những thước phim của “Thư khố hành tinh”, với sự đầu tư về công nghệ vẫn đang tiếp tục được “số hoá” để phục vụ rộng rãi người muốn đến khai thác. Những tấm ảnh màu của Bảo tàng Albert Kahn ngày càng có giá trị khi thời gian đã làm thay đổi diện mạo, cảnh vật đời sống của hành tinh chúng ta trong ngót một thế kỷ qua.

Hình ảnh về nước Pháp và của hơn năm mươi quốc gia trên thế giới vẫn được lưu giữ lại với màu sắc nguyên thuỷ của nó; hình ảnh của cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ Nhất, của nhiều chính khách hay danh nhân ba chục năm đầu thế kỷ XX; những phong tục tập quán của cư dân nhiều vùng đất xa xôi của các châu lục được ghi lại v.v... đã trở thành một phần ký ức của nhân loại. Nhiều sưu tập ảnh đựơc biên tập để xuất bản mà mới đây nhất, Bảo tàng bắt đầu phát hành hai album dày dặn những hình ảnh màu về đất nước Trung Hoa cách đây ngót một thế kỷ.

Có điều là những tấm ảnh được in lại trên giấy chỉ là một phần rất nhỏ trong kho hình ảnh của Viện Bảo Tàng Albert Kahn. Các hình ảnh này lại nằm trên những tấm kính, do đó không thể mang ra triển lãm được. Trong tình hình đó, Hội đổng tỉnh Hauts-de-Seine và Viện Bảo Tàng Albert Kahn từ năm 2006 đến nay đã thực hiện chương trình “số hóa” kho phim ảnh lưu trữ của mình, tạo thuận lợi cho công chúng được tiếp cận với toàn bộ kho tư liệu.



Đây là một chương trình mang tên là FAKIR, viết tắt của Fonds Albert Kahn Informatisé pour la Recherche (Kho lưu trữ Albert Kahn được tin học hóa để phục vụ nghiên cứu). Tuy nhiên, Fakir trong tiếng Pháp cũng có nghĩa là “phù thủy Ấn Độ”, và chương trình tin học của Viện Bảo Tàng Albert Kahn đã đóng được vai trò của một người có phép thần thông, đưa được toàn bộ kho lưu trữ hình ảnh của viện bảo tàng đến với công chúng, rộng cũng như hẹp.

Bà Frédérique Le Bris, chuyên trách bộ phận Quyền khai thác hình ảnh lưu trữ tại Viện Bảo tàng Albert Kahn giải thích rõ về tính năng của chương trình FAKIR, về thực chất là một cơ sở dữ liệu tin học:

Cơ sở dữ liệu này trong thực tế có 3 ứng dụng : một ứng dụng cho phép quản lý tất cả các hình ảnh. Chúng tôi có một kho lưu trữ bao gồm 72 000 tấm ảnh màu thực hiện theo phương thức autochrome, 180 000 thước phim tài liệu, và khoảng 5000 tấm ảnh làm theo phương pháp ảnh ‘’nổi’’ hai chiều (stéréoscopique), vừa màu, vừa đen trắng.

Ứng dụng thứ hai hướng tới công chúng rộng rãi, cho phép khách tham quan tiếp cận với hình ảnh nằm trong kho lưu trữ của chúng tôi, từ những máy vi tính và màn hình đặt ngay trong không gian triển lãm của viện bảo tàng chúng tôi.

Ứng dụng thứ ba dành riêng cho giới nghiên cứu, cho phép những ai quan tâm, tham khảo toàn bộ phim ảnh trong kho lưu trữ, cùng với những phần chú thích do các nhân viên chuyên trách tư liệu của chúng tôi thực hiện.

Ứng dụng dành cho quảng đại quần chúng tương tự như một cuộc triển lãm thường trực, vì bất cứ ai đến tham quan Viện Bảo Tàng Albert Kahn đều có thể sử dụng một trong bốn chiếc máy tính gắn liền với cơ sở dữ liệu FAKIR để hiển thị ngay trên màn hình các bức ảnh hay đoạn phim trong kho lưu trữ.

Bà Le Bris giải thích :

Đối với quần chúng thì họ có thể tham khảo được những bức ảnh được đưa ra dưới dạng diaporama theo chủ đề, hay dưới dạng một đoạn phim vidéo được cấu tạo theo một đề tài nhất định.

Từ trước tới nay, kho tư liệu lưu trữ của chúng tôi luôn luôn được mở ra cho giới nghiên cứu. Riêng chương trình Fakir thì đã có từ 4-5 năm nay, với ứng dụng dành cho công chúng được hoàn tất ngay từ đầu. Riêng phần dành cho các nhà nghiên cứu thì chỉ xong từ khoảng một năm rưỡi nay. Ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu đến tham khảo và cánh cửa Viện bảo tàng chúng tôi ngày càng rộng mở rộng cho mọi người.

Hiện nay, Viện Bảo Tàng Albert Kahn trước mắt chỉ mới chọn lọc ra 41 tấm ảnh về Việt Nam trong kho lưu trữ của mình để giới thiệu rộng rãi, sắp tới đây sẽ có thêm. Riêng giới nghiên cứu thì đã có thể tham khảo hơn 1000 tấm ảnh và khoảng một chục đoạn phim ngắn trong đó có tài liệu rất quý giá như về lễ hội Phù Đổng hay diễn tiến của một đám cưới tại Hà Nội chẳng hạn.

1382 bức ảnh mầu autochromes về Việt Nam

Công chúng rộng rãi đã được biết đến sự tồn tại của các bức ảnh về Việt Nam trong bộ sưu tập của Viện Bảo Tàng Albert Kahn vào năm 1986, khi Hội Đồng Tỉnh Hauts-de-Seine cho phát hành tập sách ảnh chuyên đề “Villages et villageois au Tonkin” (Làng và dân làng tại Bắc Kỳ). Có thể nói đây là lần đầu tiên mà cánh cửa kho báu của Viện Bảo Tàng Albert Kahn đã hé mở, để cho công chúng rộng rãi có thể thưởng lãm khoảng 60 tấm ảnh về Việt Nam chụp trong những năm từ 1915 đến 1920.

Qua năm 2008, vài chục tấm ảnh khác về Việt Nam tiếp tục được công bố trong công trình chung “Albert Kahn, le monde en couleurs” (Albert Kahn và Thế giới có mầu sắc) của nhà báo David Okuefuna, giới thiệu tổng thể kho tư liệu hình ảnh về thế giới đầu thế kỷ 20 đang được bảo tàng Albert Kahn lưu trữ.

Một cách chính xác, “Thư khố Hành tinh” có tổng cộng tất cả 1382 đơn vị tài liệu về Việt Nam, phần lớn là những tấm ảnh màu trong đó có khoảng hơn mười đơn vị là những đoạn phim ngắn trắng đen (trong số này có phim quay Hội Gióng vào năm 1915, một di sản văn hoá phi vật thể đang được trình duyệt lên UNESCO). Chừng hơn 80% số ảnh đã được xử lý “số hoá” đưa lên hệ thống tra cứu và xem qua máy tính, số còn lại đang tiếp tục. Nhiều không gian trong khu vườn và toà nhà được sử dụng để trưng bày theo các chủ đề.

Các bức ảnh về Việt Nam đã khiến người xem phải ngỡ ngàng do chuẩn mực kỹ thuật cao, với những màu sắc rất thật, một chín một mười so với những bức ảnh màu ngày nay. Giá trị lịch sử hay văn hóa của những bức ảnh này thì khỏi nói, vì Leson Busy, tác giả của hầu hết các tấm hình, đã có cái nhìn của một nhà nghiên cứu xã hội.



Xem qua các bức ảnh được chụp, ta có thể thấy rõ là cách đây một trăm năm, người Việt Nam ăn mặc như thế nào, màu sắc ra sao, có những thú tiêu khiển gì, làm những việc gì. Về cảnh trí tự nhiên cũng thế, độc giả đây đó có thể thấy được là phố xá Hà Nội ngày xưa ra sao, các nơi như Văn Miếu, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn như thế nào, chưa kể đến những thành phố khác như Hải phòng, Huế hay Sài Gòn...

Theo bà Le Bris, bảo tồn chứng tích về những sắc thái văn hóa có nguy cơ mai một cũng là một trong những mục tiêu mà ông Albert Kahn người sáng lập “Thư khố Hành tinh” đã đặt ra cách nay một thế kỷ. Bà Le Bris giải thích:

Toàn bộ ảnh về Việt Nam có 1382 tấm ảnh màu autochromes hầu như đều do nhà nhiếp ảnh Léon Busy chụp. Ông nguyên là quân nhân trong quân đội viễn chinh Pháp, đồng thời là một nhà quay phim tài tình và một người thành thạo kỹ thuật ảnh màu autochrome. Ông đã ghi lại được những bức ảnh rất đẹp và đã đề nghị làm việc cho Albert Kahn, lúc đó đang tập hợp tài liệu cho “Thư khố Hành tinh” của ông.

Albert Kahn muốn sử dụng những phương thức tối tân nhất vào thời đó để cho mọi người ta có thể xem những dân tộc khác sống như thế nào. Ông tin tưởng là khi thấy được người khác mình sống như thế nào, điều đó sẽ giúp ta hiểu rõ người ấy hơn, góp phần vào mục tiêu chung sống hoà bình giữa các dân tộc.

Phải nói là cuộc chiến 1870 giữa đế quốc Phổ và Pháp, sau đó là cuộc thế chiến thứ nhất, với mất mát khủng khiếp về nhân mạng đã gây chấn động mạnh nơi ông Albert Kahn. Ông mong muốn không bao giờ thấy trở lại những cảnh tàn bạo đó. Ông tin rằng nếu các dân tộc hiểu nhau và chấp nhận sự khác biệt của nhau, thì sẽ không còn chiến tranh nữa. Thư khố Hành tinh mà ông thành lập chính là một trong những phương tiện tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau qua những hình ảnh, để người ta có thể xem và thấy sự khác biệt văn hoá giữa các dân tộc.

Ngoài ra, những tấm hình chụp được còn là chứng nhân cho những phương cách sống mà ông Albert Kahn đã cảm thấy có nguy cơ biến mất. Đấy là hai mục đích chính gắn liền với các hình ảnh này lưu trữ ở đây.

Sự tồn tại của kho tư liệu hình ảnh về Việt Nam tại Viện Bảo Tàng Albert Kahn lẽ dĩ nhiên đã thu hút mối quan tâm của giới sử gia trong nước. Nhân dịp ghé Paris mới đây, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc đã bỏ thì giờ đến tìm hiểu về kho tư liệu này.

T.N.T. (tổng hợp)

Làng Na Sầm, vùng cao biên giới giáp Trung Quốc


Mỏ đồng, 1915 


Chợ Bắc Lệ (xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) 1915 


Bến sông Lô Việt Trì 


Hòn Gai, 1915


Mỏ than Hòn Gai, 1918 - 1921


Vịnh Hạ Long, 1915


Thuyền trên vịnh Hạ Long, 1916


Vịnh Hạ Long


Vịnh Hạ Long


Sông Tam Bạc, Hải Phòng


Một ngôi chùa trên đường lên Tam Đảo, tháng 6 năm 1916


Bán gạo, 1914-1915 


Quán nước và hàng quà rong 


Quán ăn trên đường quê 


Quay tơ 

Bật bông 
Xem tiếp phần 2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét