Mặc dù khắp nơi nói chuyện suy thoái kinh tế, nhưng cứ lang thang qua các hàng quán ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ mà xem, dân ăn tiệm vẫn đông nghịt, kể cả các bữa tối. Như vậy không chỉ người giầu không bị ảnh hưởng bởi suy thoái mà cả đám khách bình dân vẫn bình chân như vại.
Thành phố du lịch đắt đỏ nhất thế giới
Oslo, Na Uy được xếp hạng là thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới đối với người nước ngoài, theo một cuộc khảo sát mới của ECA International, một công ty tư vấn nguồn nhân lực toàn cầu.
Trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất hành tinh thì có tới 7 địa điểm nằm ở châu Âu, 2 thành phố ở châu Phi, trong khi chỉ có một nằm trong khu vực châu Á. Đặc biệt, Na Uy có 2 thành phố (Oslo và Stavanger) còn Thụy Sĩ có tới 4 thành phố nằm trong top 10 này (bao gồm: Zurich; Geneva, Basel, Bern).
Thủ đô Na Uy đã đánh bại cả quán quân năm ngoái là Tokyo (Nhật Bản) để vươn lên vị trí đứng đầu trong Top 10 thành phố đắt đỏ nhất hành tinh. Năm nay, thủ đô của Nhật Bản xếp vị trí khiêm tốn (thứ 6) trong danh sách này.
"Giá cả ở Oslo có xu hướng đắt hơn so với các thành phố khác của thế giới bởi chi phí sản xuất và lao động tăng cao", Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á của ECA International cho biết. Ông này cũng cho biết thêm: "Những dịch vụ bao gồm giặt khô, sửa chữa giày, làm tóc là những hạng mục đắt đỏ. Những bữa ăn tại các nhà hàng cũng vậy. Chúng tôi cũng thấy rõ tác động của thuế. Ví dụ như rượu và thuốc lá là tương đối tốn kém".
Theo dữ liệu của ECA International, tại Oslo, một vé xem phim có giá tương đương với 18,76 $, một cốc bia tại một quán bar có giá 14,10 $, trong khi một cốc soda chỉ khoảng 3,43 $.
Trong khi đó, quán quân của Top 10 năm ngoái đã rớt hạng chủ yếu do sự suy giảm tiền tệ của Nhật Bản trong vài tháng qua. Đồng yên đã giảm đến 20% kể từ Shinzo Abe trở thành Thủ tướng trong tháng 12 năm 2012. Ông Abe đã đặt ra một kế hoạch cho sự trở lại của lạm phát - với mục tiêu chính thức 2% - sau hai thập kỷ giảm phát khiến cho những nhà xuất khẩu lớn của Nhật Bản như Sony và Panasonic thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm.
Đồng Yên suy yếu khiến cho sức mua và sự trao đổi tiền tệ của du khách nước ngoài tăng lên. Tuy nhiên, Tokyo vẫn là thành phố đắt đỏ nhất châu Á đối với người nước ngoài trong cuộc khảo sát của ECA International, đánh bại Seoul, Bắc Kinh, Singapore và Hồng Kông.
Một vé xem một bộ phim ở Tokyo sẽ tốn 19,09 $, nước giải khát có giá 1,61 $, “mềm” hơn so với Oslo. Trong khi đó, giá một kg gạo là 10$ - mức giá cao nhất trong toàn bộ thành phố được ECA khảo sát.
Một điều bất ngờ, theo ông Quane, là thủ đô Manila của Philippines năm nay đã tăng 19 điểm kể từ cuộc khảo sát năm 2012.
"Nguyên nhân chính là do sức mạnh của đồng tiền. Những gì chúng ta nhìn thấy là Philippines đã trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất châu Á trong 12 tháng qua khi ngày càng có nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến với đất nước này. Do đó, chúng tôi đã nhìn thấy giá trị tiền tệ của nước này tăng lên và giúp Philippines thăng hạng trong bảng xếp hạng ".
Trong khi đó, cũng theo khảo sát của ECA, hai thành phố lớn của Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội nằm trong số 50 thành phố châu Á có chi phí sống đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài. Với việc xếp hạng lần lượt ở vị trí 43 và 39, hai thành phố lớn nhất Việt Nam đều cùng giảm 3 bậc xét theo xếp hạng của khu vực châu Á. Còn xét trên phạm vi toàn cầu trong năm 2013, thì TP.HCM đứng ở vị trí 227, tăng 8 bậc so với năm 2012, còn Hà Nội xếp thứ 219, tăng 7 bậc so với năm 2012.
Nhìn chung, theo đánh giá của ông Lee Quane, bảng xếp hạng các thành phố của châu Á cho thấy “nhiều sự ổn định". Vị trí xếp hạng toàn cầu của Hồng Kông và Singapore chỉ "di chuyển một hoặc hai điểm", mà ông coi đó "là một điều tốt" và một tín hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế dài hạn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Top 10 thành phố đắt đỏ nhất hành tinh:
1. Oslo, Na Uy
2. Luanda, Angola
3. Stavanger, Na uy
4. Juba, Nam Sudan
5. Moscow (Matxcơva), Nga
6. Tokyo, Nhật Bản
7. Zurich, Thụy Sĩ
8. Geneva, Thụy Sĩ
9. Basel, Thụy Sĩ
10. Bern, Thụy Sĩ
Theo Tổ Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét