So sánh thế này thì chết
Vanconghung - Hôm nọ mình ngồi chuyện phiếm với mấy cậu trẻ trẻ, kể chuyện Thái Lan, mình bảo mình đã sang Thái, đã chứng kiến nhà có 2 vợ chồng nhưng vợ 1 đảng chồng 1 đảng, tối ngủ với nhau, sáng ăn sáng xong là 2 người 2 ngả đi... biểu tình. Tối lại về ăn, ngủ với nhau, sáng mai lại đi. Mình cũng bảo rằng báo chí nước mình cứ thổi phồng chứ mình sang Thái thấy rất thanh bình vân vân, mấy cậu gân cổ lên: yên ổn như nước mình không muốn, ông lại muốn biểu tình lộn xộn, chính trị rắc rối như Thái Lan... mình im thít rút khỏi cuộc tranh luận...Thực ra cái điệp khúc Thái Lan lộn xộn, mất ổn định chính trị, đất nước phức tạp, cả thủ đô Băng Cốc là bãi hố xí tập thể (hồi biểu tình ấy, té ra không phải thế, rất ngăn nắp văn minh vệ sinh) vân vân... mình được nghe thường xuyên, nhưng lạ cái là, nó vẫn phát triển, nhân dân vẫn no đủ, em thủ tướng cứ xinh tươi, đất nước cứ phơi phới... nhiều người VN mơ ước: bao giờ chúng ta bằng... Thái Lan, trong khi ta cứ sốt sắng đi lo cho họ, huhu...
Hôm nay đọc bài này của GS Nguyễn Văn Tuấn, khoái quá, đưa về đây để ngẫm thêm. Té ra nó lộn xộn, bất ổn, thối nát... là do có tay họa sĩ xứ ấy ví thủ tướng như đĩ, và thủ tướng, thay vì bắt bỏ tù, thì khởi kiện ra tòa...
Đúng là dân chủ kiểu... tư sản.
Không khí chính trị Thái Lan qua vụ kiện “đĩ”
Thứ bảy, 11 Tháng 5 2013 11:15
Hôm nọ, ngồi nói chuyện với một em nghiên cứu sinh Việt Nam ở Bangkok, và em đưa ra một nhận xét hay. Em nói rằng báo chí Việt Nam có xu hướng tô vẽ sinh hoạt chính trị ở Thái Lan hỗn loạn, nhưng trong thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy; chính trị ở đây phong phú hơn nhiều so với Việt Nam. Tôi thấy em này nói đúng, và cá nhân tôi cho rằng sinh hoạt chính trị ở đây cũng có vẻ dân chủ hơn VN. Câu chuyện một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh biếm hoạ so sánh bà Yingluck với đĩ điếm, và bà Yingluck kiện ông hoạ sĩ cho thấy tính dân chủ và thượng tôn pháp luật ở đây.
Hoạ sĩ Somchai Katanyutanan (gọt tắt là Chai) là một cây biếm hoạ danh tiếng của Thái Lan. Chai từng là hoạ sĩ vẽ tranh mô tả hoạt động của hoàng gia. Có lẽ nói không quá đáng rằng Chai, cũng như bao nhiêu người Thái khác, rất sùng kính hoàng gia. Những người này thường không ưa bà đương kim thủ tướng Yingluck Shinawatra và người anh của bà là Thaksin Shinawatra. Trong một entry trên facebook, Chai viết rằng:
"Hãy hiểu rằng những con điếm không phải là những phụ nữ xấu; họ chỉ bán thân, nhưng có một phụ nữ xấu đi lang thang cố tình bán đứng xứ sở.”
Những dòng chữ trên kèm theo bức hình của bà Yingluck đang phát biểu trong một hội nghị dân chủ ở Mông Cổ vào ngày 29/4/2013. Trong hội nghị đó, bà Yingluck có một bài phát biểu, trong đó bà nói về tình hình đấu tranh cho dân chủ ở Thái Lan, về cuộc lật đổ chính quyền được dân cử năm 2006 mà ông anh của bà nay phải lưu vong; bà nhắc đến sự kiện đàn áp người biểu tình năm 2010. Bà nói thẳng rằng trong vụ đàn áp đó, nhiều người vô tội đã bị các tay súng bắn tỉa sát hại, các lãnh đạo phong trào dân chủ bị bỏ tù cho đến ngày nay. Nhưng cuối cùng thì dân chủ cũng chiến thắng, vì khi tổ chức bầu cử nghiêm chỉnh thì bà được đắc cử lớn. Bài diễn văn nói chung có thể nói là hay, nhưng không xuất sắc. Nhưng những phát biểu của bà làm cho không ít người Thái nổi giận vì họ cho rằng bà nói xấu Thái Lan, rằng bà đang “bán” nước! Mới đây có tin tặc còn hack trang web của thủ tướng và treo hình bà làm trò đùa.
Bà Yingluck Shinawatra, thủ tướng Thái Lan, nổi tiếng với sắc đẹp rạng rở và mặc đồ duyên dáng và đúng mốt, nhưng cũng là kẻ thù của nhiều người không ưa bà. Những thành phần elite trong xã hội bắt đầu phản ứng với những phát biểu đó. Thật ra, thời gian gần đây bà Yingluck đã làm mất cảm tình của không ít người từng ủng hộ bà. Còn những người trong tầng lớp trung lưu và elite thì không ưa bà từ lâu. Do đó, khi có dịp, những người này bắt đầu phản ứng mạnh.
Cách ví von bà Yingluck với đĩ điếm là một phản ứng có thể nói là quá cảm tính, và vượt qua những phép lịch sự trong chính trị; nó trở thành xúc phạm. Hàng loạt tổ chức đấu tranh cho nữ quyền lên tiếng. Một nữ giáo sư của Đại học Chiangmai viết một bài luận dài lên lớp ông Chai về nữ quyền và đạo đức, bà nói rằng ông Chai vẫn có tư duy kì thị và xem thường nữ. Bà giáo sư cho biết bà cũng không ưa và chưa từng bầu cho thủ tướng Yingluck, nhưng bà tôn trọng quyền phát biểu của thủ tướng. Một người cháu gái của bà Yingluck cũng viết một bài ngắn nói rằng ông Chai vẫn sống trong thế kỉ 19, vẫn sống trong cái ao tù trọng nam khinh nữ. Có một bà từng là bộ trưởng trong chính quyền cũ (trước Yingluck) rất giận, đến nổi bà đặt hẳn một vòng hoa đám tang có ghi tên ông Chai và đem đến tận nơi ông làm việc để … tặng. Phần lớn những người lên tiếng chỉ trích Chai cho rằng ông chẳng những xúc phạm bà Yingluck mà còn xúc phạm toàn thể phụ nữ Thái Lan. Nói chung, đọc những phản ứng này tôi thấy báo chí ở đây có vẻ như là những diễn đàn tranh luận nghiêm chỉnh.
Thoạt đầu, bà Yingluck có vẻ thản nhiên với “tấn công” đầy cảm tính và cá nhân tính của Chai. Bạn tôi cho biết bà tỏ ra là người có bản lĩnh, cười cợt trước những tấn công như thế trong quá khứ. Bà chẳng quan tâm đến những tấn công như thế. Nhưng chẳng hiểu sao sáng nay đọc báo tôi thấy luật sư của bà đã nộp đơn kiện hoạ sĩ Chai vì tội xúc phạm danh dự. Theo luật sư của bà Yingluck thì bà sẵn sàng lắng nghe ý kiến và tiếp thu chỉ trích, nhưng phải là những câu chữ “phải đạo”, chứ không phải những câu chữ hạ cấp và xúc phạm như ông hoạ sĩ Chai. Do đó, bà quyết định khởi kiện như là một bài học cho những ai phát biểu thiếu tính văn hoá trên các diễn đàn công cộng. Tôi nghĩ kết cục của vụ kiện này chắc sẽ hấp dẫn lắm.
Dù chỉ mới ở đây một tuần, nhưng có dịp trao đổi với bạn bè và theo dõi truyền thông, tôi thấy sinh hoạt chính trị ở Thái Lan có vẻ rất sống động. Ở một mức độ nào đó, họ có một nền tự do ngôn luận hơn Việt Nam. Thử tưởng tượng có một nhà báo dám chỉ trích thủ tướng Việt Nam như ông Chai chỉ trích bà Yingluck. Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên chỉ viết một bài ngắn về một lãnh đạo mà sự nghiệp của anh xem như tiêu tan. (Có lẽ anh ở nhầm chỗ, chứ ở Thái Lan thì chắc anh chẳng hề hấn gì).
Các đại biểu quốc hội Thái lan phát biểu có khi cũng nhăng nhít, nhưng họ tranh luận rất hào hứng trên tivi. Điều làm tôi phải so sánh với Việt Nam là các đại biểu ở đây họ rất gần dân, họ thật sự quan tâm đến phúc lợi của những người họ đại diện, chứ không phải hành xử như là những ông bà quan trên như ở nước ta. Do đó, tôi rất đồng tình với nhận xét của em nghiên cứu sinh rằng sinh hoạt chính trị Thái Lan không hề hỗn loạn như báo chí VN mô tả, mà thật ra là một nền chính trị rất sinh động và … vui.
Nguyenvantuan
Nguyenvantuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét