Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

'Nguy cơ thụt lùi 20 - 25 năm so với Trung Quốc'

'Việt Nam nguy cơ thụt lùi 20 - 25 năm so với Trung Quốc'
Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu so với quốc gia láng giềng nếu những cải cách không được thực hiện mạnh mẽ, đại diện Nhóm công tác thị trường Vốn phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện chưa được tiến hành quyết liệt, trở thành "nút thắt lớn" khi mức dư nợ của khối này đã lên tới 145.000 tỷ đồng, trong đó có tới khoảng 20-30% là nợ khó đòi.
Đồng quan điểm với KorCham, đại diện Nhóm công tác thị trường Vốn cũng nhận định sự chậm trễ một phần do thiếu kinh nghiệm của các nhà quản lý. "Đây là nguyên nhân khiến Việt Nam gặp phải những thất bại như Vinashin", ông Terry Mahony - Chủ tịch VinaCapital và là thành viên Nhóm công tác thị trường Vốn phát biểu. Không chỉ vậy, hệ thống ngân hàng với nhiều vấn đề nảy sinh cũng bị chuyên gia ví như "lỗ đen", gây ra những nhiễu loạn trong nền kinh tế.

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và ngân hàng gặp nhiều chỉ trích. Ảnh: Anh Phương

Ông Mahony phản ánh, xử lý nợ xấu đang gặp trở ngại khi chưa có số liệu đáng tin cậy, trong bối cảnh Thông tư 02 về phân loại nợ đã bị trì hoàn thời gian thực thi. "Việc hoãn thực hiện như là một tin không may với ngành ngân hàng Việt Nam", đại diện VBF cho biết.

Trước những thực trạng trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có giải trình tới các Nhóm công tác. Liên quan đến Thông tư 02, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay việc lùi thời hạn nhằm mục đích giảm lãi suất và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ không để quá trình xử lý nợ xấu bị chậm trễ khi đồng thời sẽ ban hành Chỉ thị yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm việc phân loại nợ và xây dựng lộ trình thực hiện Thông tư 02, ông khẳng định.

Trong khi đó, với việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp đã được Chính phủ chỉ đạo hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015. Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang được giao đẩy nhanh quá trình này bằng việc xây dựng lại tiêu chí doanh nghiệp Nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho cổ phần hóa như xử lý nợ, đất đai và những vấn đề liên quan đến tư vấn định giá.


Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital nhận định, quy mô thị trường vốn Việt Nam còn rất nhỏ - khoảng 40 tỷ USD, không thay đổi nhiều so với năm 2006. Do đó, thị trường vốn Việt Nam chưa được xếp vào nhóm thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sẽ là chưa đủ nếu chỉ đề ra biện pháp mà không có hành động cụ thể. Ông Mahony cảnh báo, nếu tiếp tục trì hoãn các biện pháp tái cơ cấu, nền kinh tế sẽ rơi vào bẫy lạc hậu.

"Trước đây, Việt Nam đã bị tụt hậu 10 đến 15 năm so với Trung Quốc. Nhưng ngày hôm nay, tôi e rằng, Việt Nam đã bị tụt hậu so với Trung Quốc những 20 đến 25 năm. Vì vậy, thay vì trì hoãn thì Chính phủ cần đưa ra những quyết định dũng cảm và mạnh mẽ hơn về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và cải cách khu vực ngân hàng", vị này khuyến nghị Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội để giải quyết được những vấn đề vĩ mô.

Bên cạnh đó, để gia tăng tiếng nói cho nhà đầu tư nước ngoài, VBF giữa kỳ 2013 cũng lần đầu tiên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa đại diện doanh nghiệp nước ngoài với thành viên Chính phủ. Ở lần này, lãnh đạo Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (AusCham) đã chất vấn về việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, lý do tại sao dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại giảm mạnh.

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, bên cạnh nguyên nhân do thủ tục rườm ra, tình trạng tham nhũng thì những rào cản về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và thiếu cơ sở hạ tầng cũng đang gây khó khăn cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thể chế của Việt Nam đang có vấn đề, rất nhiều thủ tục đang là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam có dân số vàng nhưng chất lượng lao động lại có vấn đề, hạ tầng cũng được đầu tư chưa đầy đủ, ông cho biết.

Song, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định trước các nhà đầu tư rằng khi Chính phủ Việt Nam đã nhận định rõ thì những vấn đề này sẽ giải quyết được.

Huyền Thư
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/viet-nam-nguy-co-thut-lui-20-25-nam-so-voi-trung-quoc-2804974.html

Nhà đầu tư nước ngoài chất vấn trực tiếp Chính phủ
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 khai mạc sáng nay 2.6.2013 là dịp để 6 phòng thương mại đại diện cho doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi trực tiếp với Chính phủ về chính sách cấp cao.
Đây là điểm mới của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm nay, bên cạnh báo cáo của nhóm công tác như thường lệ, theo đồng Chủ tịch VBF Alain Cany. VBF khai mạc hôm nay là một hoạt động trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG giữa kỳ 2013).

VBF năm nay sẽ bổ sung 2 nhóm công tác mới là Hải quan và Quản trị thông tin và Minh bạch.

"Nhóm công tác Hải quan được lập với mục đích tạo sự đối thoại nhiều hơn giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp về những công việc hàng ngày ảnh hưởng. Trong khi đó, nhóm công tác Quản trị thông tin và Minh bạch thể hiện mong muốn lớn hơn của tư nhân trong việc chống tham nhũng, minh bạch", ông Alain Cany phát biểu.

Đại diện doanh nghiệp nước ngoài sẽ chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Nhật Minh
Tại báo cáo cảm nhận về nền kinh tế Việt Nam, ông Alain Cany cho rằng, Chính phủ vừa qua đã có những tiến bộ lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô như giảm lạm phát, hạ lãi suất, ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, vẫn còn "điểm tối" là phần lớn doanh nghiệp chật vật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong hoàn cảnh này, VBF giữa kỳ 2013 lấy chủ đề Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: "Từ chương trình tới hành động". Theo đại diện đơn vị tổ chức, đây thể hiện niềm tin của giới doanh nghiệp rằng giờ là thời điểm Việt Nam chuyển từ chương trình nghị sự sang hành động cụ thể, quyết liệt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Giống như các năm trước, báo cáo được nhà đầu tư quan tâm nhất tại VBF vẫn là về ngân hàng và thị trường vốn. Ông Alain Cany cho biết, báo cáo về ngân hàng sẽ tập trung nhận xét các thương vụ hợp nhất sáp nhập gần đây, quá trình xử lý nợ xấu.

Liên quan đến Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ông Alain tỏ quan điểm "đáng tiếc" khi thời gian thực thi bị hoãn lại 1 năm, bởi nếu thực hiện đây sẽ văn bản giúp các ngân hàng Việt Nam có định nghĩa đầy đủ hơn về nợ xấu và trích lập dự phòng theo chuẩn quốc tế. Bởi vậy, nhóm công tác khuyến nghị các ngân hàng không nên chờ đợi Thông tư mà phải tiến hành tuân thủ tự nguyện.

Đồng tính với ý kiến của ông Cany, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF cho biết, các ngân hàng nên thực hiện Thông tư 02 trước khi chính thức có hiệu lực. "Điều này có lợi cho ngân hàng vì đơn vị nào công khai sớm nợ xấu và trích lập dự phòng thì sẽ tạo được lòng tin với người dân và nhà đầu tư", ông nhận xét.

Liên quan đến việc Chính phủ phê chuẩn việc thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC), Chủ tịch VBF khẳng định điều này sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu được nợ xấu, song cần biết cụ thể hơn hoạt động của công ty này, tiến trình trong việc giúp ngân hàng dọn dẹp nợ xấu.

Một điểm cũng được nhóm công tác ngân hàng bàn tới là yêu cầu Chính phủ đề ra lộ trình rõ ràng để gia tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn vốn. "Việc khống chế trần khiến đối tác chiến lược khó đưa ra những đóng góp với ngân hàng trong nước và đề xuất những cải cách cụ thể".

Về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà thu nhập thấp, lãnh đạo VBF nhận định "đây là tín hiệu rất tích cực" trong việc cho phép tiếp cận vốn làm nhà ở xã hội, xử lý hàng tồn kho bất động sản. Tuy nhiên, vị này khuyến nghị cần tăng thời gian vay vốn ưu đãi từ 10 năm lên 20 năm để có thêm nhiều đối tượng được tiếp cận với chương trình.

Trong khi đó, báo cáo của Nhóm công tác thị trường vốn lại tập trung nhận xét tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Theo đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), Việt Nam chưa triển khai triệt để quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, khi mà mức dư nợ của các doanh nghiệp Nhà nước lên đến khoảng 145.000 tỷ đồng, trong đó có tới 20 - 30% là nợ khó đòi.

Cơ quan này đề nghị tiếp tục xúc tiến quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước với những biện pháp quyết liệt. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước nên quá trình này cần phải rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy các giao dịch mua bán, sáp nhập.

Ngoài ra, nhóm công tác muốn Chính phủ làm rõ hơn vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), yêu cầu đơn vị này phải tuân thủ những quy định về công bố thông tin.

Bình luận cho vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cũng tán đồng quan điểm Chính phủ nên thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải trọng yếu như khách sạn, ngân hàng để tập trung vốn cho dự án cơ sở hạ tầng, điện.

"Dư địa chính sách tài chính của nhà nước sẽ rất lớn nếu rút vốn khỏi lĩnh vực kinh doanh không phải là cốt lõi để chuyển sang đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết, chứ không chỉ có tăng chi ngân sách", ông nhấn mạnh.

Ngoài các báo cáo trên, đại diện các nhóm công tác về Đầu tư và Thương mại, Du lịch, Khoáng sản, Ôtô xe máy cũng sẽ trình bày những cảm nhận và khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam...

Diễn đàn sẽ chính thức khai mạc vào sáng mai 3/6, trùng với thời điểm họp Quốc hội. "Những đề xuất mà VBF đưa ra cũng là những vấn đề Chính phủ đang thảo luận như tình hình kinh tế hiện nay, giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm chi phí tiếp thị, quảng cáo cho doanh nghiệp", ông Lộc cho biết.

Huyền Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét