Chính phủ vay 690.000 tỷ đồng trong 3 năm
Từ 2010-2012, Chính phủ đã huy động khoảng 690.910 tỷ đồng từ các hình thức khác nhau. Theo báo cáo vừa được gửi tới đại biểu Quốc hội, quá nửa số tiền này được dùng để bù đắp bội chi. Báo cáo chi tiết về việc sử dụng vốn vay và quản lý nợ công vừa được Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội trong những ngày cuối tháng 5. Theo đó, cơ quan điều hành tiếp tục khẳng định tỷ lệ nợ công đến 31/12/2012 là 55,4% GDP và "vẫn trong ngưỡng an toàn". Nợ Chính phủ tương đương 43,1% GDP, trong khi nợ nước ngoài khoảng 42%.Trong cơ cấu nợ công, các khoản do Chính phủ vay trực tiếp chiếm 78%, nợ bảo lãnh là 21%, trong khi nợ chính quyền địa phương chiếm 1% còn lại. Tổng dư nợ cho vay nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh là hơn 7,1 tỷ USD. "Cơ cấu này phù hợp với định hướng chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", Chính phủ nhận định.
Cũng trong báo cáo gửi Quốc hội, cơ quan điều hành cho biết chỉ tiêu về trả nợ so với thu ngân sách nhà nước theo báo cáo vẫn luôn nằm trong giới hạn an toàn, dưới 25% tổng thu.
Tình hình thực hiện nghĩa vụ trả nước qua các năm. Đơn vị tính: Tỷ đồng.
Nợ công của Việt Nam chủ yếu đến từ phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ. Luật Quản lý Nợ công có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, kể từ đó đến nay, trong 3 năm Chính phủ đã huy động vốn vay khoảng 690.910 tỷ đồng và 53,8% tổng số vốn này được bù đắp cho bội chi ngân sách Nhà nước. Phần còn lại được sử dụng đầu tư cho các công trình dự án giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong 3 năm, Chính phủ đã huy động được hơn 690.000 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.
Hiện Nhật Bản vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Việt Nam (chiếm 17%), Ngân hàng Thế giới (WB) chiếm 13%, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chiếm 8%.
Về áp lực trả nợ, Chính phủ cho biết phần lớn các khoản vay nước ngoài có thời gian dài với lãi suất ưu đãi (vay ODA). Cụ thể, các khoản vay từ WB có thời hạn 25 năm trong đó 5 năm ân hạn, lãi suất 1,25% và phí quản lý là 0,75%. Các khoản vay từ ADB có thời hạn 30 năm trong đó có 7 năm ân hạn, lãi suất 1 - 1,5%. Còn các khoản vay từ Nhật Bản có thời hạn 30 năm trong đó có 10 năm ân hạn, lãi suất 1 - 2%.
Ngoài ra, lãi suất trái phiếu phát hành trong nước theo khẳng định của Chính phủ là vẫn "phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ và thấp hơn lãi suất huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại".
Tính đến cuối năm 2012, có 99 dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài với tổng giá trị cam kết gần 12,7 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như điện, hàng không, xi măng, dầu khí, giấy và một số dự án khác thuộc danh mục các chương trình ưu tiên của Chính phủ.
Trước đó, báo cáo được Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố hôm 27/5 cho thấy nợ công của Việt Nam cho thấy nợ công của Việt Nam đang bị đe dọa bởi "những mầm mống đến từ khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà ngân sách nhà nước có thể phải đứng ra trả thay". Theo các tác giả của bản báo cáo, nếu tính thêm cả khoản nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà không được Chính phủ bảo lãnh như nợ nước ngoài, trái phiếu trong nước và nợ hệ thống ngân hàng thì nợ công Việt Nam lên xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP được các tổ chức quốc tế khuyến cáo.
Thanh Thanh Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét