Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Nick Việt Nam

Nick Việt Nam

Người xưa thường nói: "Bên kia đồi, vườn cỏ nào cũng xanh" hoặc "Bụt chùa Nhà không thiêng". Mấy hôm trước chúng tôi có nhận được bài " Bụt chùa nhà không thiêng" Nick của xứ sở Kangaroo... được thế giới biết đến và được ca tụng là “người kỳ diệu nhất hành tinh" với tấm gương vượt lên chính mình... Và hôm nay, chúng tôi lại nhận được bài " Nick Việt Nam" Hình ảnh thật cảm động và đáng thương...!!!

Cả hai cùng giống nhau về vóc dáng... Nhưng hai số phận cách biệt quá xa. Biết rằng, tất cả đều do nghiệp lực ... Nhưng cũng phải nói, sở dĩ có những "phép lạ" xảy ra ở nước ngoài, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của cá nhân người đó, cũng không thể không kể đến hay không thể thiếu sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng của những nước gọi là tiên tiến hay cường quốc, phải không các bạn? Và sau đây xin mời các bạn cùng đọc và suy ngẫm về bài viết :
 " Nick Việt Nam" của tác giả Trầm Thiên Thu

Khi “lang thang” trên internet, đôi khi gặp những chuyện bực mình, những chuyện “rợn tóc gáy”, những điều ích lợi, những điều độc hại, nguy hiểm, nhưng cũng có những điều khiến chúng ta thực sự chạnh lòng, mủi lòng,…
Hạ tuần tháng 5-2013, một người đàn ông Úc tên là Nick Vujicic (không chân, không tay) được Việt Nam bỏ ra 36 tỷ đồng VN (khoảng 1 triệu 700 ngàn USD) để “rước” anh qua Việt Nam, cụ thể là tới TPHCM và thủ đô Hà Nội, để “nói chuyện” với người Việt như một bằng chứng hùng hồn về việc “vượt lên chính mình” hoặc “vượt qua số phận”.
Anh Nick được thế giới biết đến và được ca tụng là “người kỳ diệu nhất hành tinh”. Cũng chẳng có gì quá đáng, vì nhìn vóc dáng anh khiếm khuyết như vậy mà anh có được thành công ngày nay thì quả là anh có sức chịu đựng và sự nỗ lực rất quyết liệt.

Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận rằng công lao trước tiên phải là cha mẹ của anh, sau đó là chính phủ Úc – kể cả người vợ của anh, đã tích cực nâng đỡ anh rất nhiều, nếu không thì có lẽ lịch sử đời anh đã khác hẳn. Bởi vì chính Nick cũng đã từng tìm đến cái chết khi bị bạn bè khinh miệt, bị xã hội xa lánh, bị cộng đồng nhìn bằng nửa con mắt.

Tại Việt Nam cũng có một Nick khác. Đó là một đàn ông không chân tay, thậm chí không áo mặc, mà phải rong ruổi khắp nơi để xin lòng thương hại của người đi đường! Không biết anh ở vùng nào và tên gì, tôi tạm gọi anh là Nick Việt Nam, vì anh rất giống Nick Úc về vóc dáng, nhưng Nick Việt Nam đáng thương hơn nhiều!

Với 36 tỷ đồng VN để đón Nick Úc, dĩ nhiên cũng có chiều hướng tích cực nhất định nào đó. Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng chúng ta chỉ cần dành ra “số lẻ” trong “số tiền lớn” kia để giúp Nick Việt Nam thì hẳn là Nick Việt Nam rất có thể sang một trang đời hoàn toàn khác, chứ không thê thảm như hiện nay!

Nick Úc được mệnh danh là “người kỳ diệu nhất hành tinh” vì được cha mẹ, xã hội và chính phủ Úc nâng đỡ, nếu Nick Việt Nam được nâng đỡ như vậy, hẳn là anh cũng có thể trở thành một dạng “siêu nhân” nào đó. Thế nhưng bất hạnh chồng chất bất hạnh, Nick Việt Nam còn phải tự mưu sinh trên chiếc xe trượt làm bằng miếng ván. Người khuyết tật phải can đảm mới có thể sống hòa nhập với cộng đồng, những người như Nick Việt Nam lại càng phải can đảm hơn nhiều!

Hình ảnh của Nick Việt Nam khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, ít ra là về tình đồng loại, cao hơn thì là lòng nhân đạo. Giáo huấn Xã hội đề cập đến các vấn đề tương tự, liên quan an sinh xã hội. Thế nhưng phải chăng chúng ta mới dừng lại ở dạng lý thuyết?

Xin thương xót những người khuyết tật, đặc biệt là Nick Việt Nam và những người như anh. Xin tha thứ sự vô tâm của chúng con...

....

Trầm Thiên Thu
(xin lỗi tác giả có bỏ vài câu nhạy cảm).

http://tanhbietnhiemmau.blogspot.ch/2013/06/nick-viet-nam.html


Khi cơn sốt Nick Vujicic lắng xuống
Thứ hai, 03 Tháng 6 2013 01:18
Nguyễn Văn Tuấn

 

Mấy ngày qua, cộng đồng báo chí và một số người có vẻ “sốt” lên với một nhân vật rất đặc biệt: Nick Vujicic, 31 tuổi. Tên anh có thể đọc là "Vooy-chíc". Người ta có vẻ như trông đợi những phát ngôn mang tính truyền cảm hứng cho giới trẻ và những lời khuyên về cách sống cho người kém may mắn. Giới báo chí viết về cuộc đời kém may mắn nhưng đầy thử thách của anh. Nhưng sau những lời nói truyền cảm đó, chúng ta phải quay về với thực tại và đương đầu với những thực tế có khi khó hơn là khi nghe ...

Nick Vujicic sinh năm 1982 ở thành phố Brisbane (miền bắc nước Úc) trong một gia đình gốc Serbian. Chẳng may anh mắc hội chứng tetra-amelia, tức không có chân tay. Nhưng với nỗ lực phi thường, anh đã tốt nghiệp cử nhân về kế toán và tài chính từ Đại học Griffith University. Ngay từ tuổi 19, anh đã có ý định trở thành một nhà thuyết trình truyền cảm hứng, và chia sẻ chứng từ cá nhân của anh về Thượng đế có thể thay đổi cuộc đời. Anh là người tin vào Thượng đế, và tin rằng mỗi một cuộc đấu tranh trong cuộc sống đều có một mục đích. Anh quả quyết rằng thái độ của chúng ta trước những cuộc đấu tranh đó, cùng với niềm tin vào Thượng đế, là những chìa khoá để vượt qua những trở ngại và thách thức trong cuộc sống. Do đó, không ngẫu nhiên khi Wikipedia mô tả Nick Vujicic như là một người truyền giáo.

Một điều thú vị là Nick Vujicic nổi tiếng ở Việt Nam hơn là quê hương của anh (Úc). Tôi ở Úc đã hơn 32 năm mà chưa nghe đến tên anh ấy. Nhiều bạn tôi cũng chưa bao giờ biết đến tên anh ấy như là một public speaker – nhà diễn thuyết. Điều này có lẽ không ngạc nhiên, vì năm 2007, Nick Vujicic đã chuyển sang định cư ở California (Mĩ), và lập công ti “Life Without Limbs” (Cuộc đời không có tay chân). Từ đó, anh chu du khắp thế giới để chia sẻ câu chuyện đời của anh, và truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, nhà giáo, doanh nhân, và nhà thờ. Anh đứng ngang hàng với những người chuyên nói chuyện truyền cảm hứng như Giám mục Desmond Tutu, Richard Branson, Mikhail Gorbachev, v.v. Dù anh được biết đến ở nhiều nơi, nhưng ở Úc thì ít người biết đến tên của anh.

Tôi chỉ nghe đến tên anh khi về Việt Nam tuần vừa qua. Hôm tôi ghé Nhà xuất bản Tổng Hợp, chị giám đốc hỏi tôi có nghe đến Nick Vujicic bên Úc, và tôi trả lời là chưa. Chị giám đốc cho biết báo chí Việt Nam đang lên cơn sốt về anh ấy. Một tập đoàn Việt Nam chi 31.7 tỉ đồng (tức hơn 1.5 triệu USD) để mời anh ấy đến Việt Nam thuyết trình. Hết sức ấn tượng! Con số này làm không ít người kinh ngạc.

Người khuyết tật dễ được sự cảm thông của công chúng, và câu chuyện của họ dễ làm cho chúng ta rung động. Nhưng cảm tính là một chuyện, còn lí trí và tài năng là một chuyện khác. Còn nhớ trong cuộc tranh tài MasterChef ở Mĩ, có một ứng viên gốc Việt là Christine Hà chiếm giải nhất. Chị chẳng may bị bệnh và mù. Đáng chú ý trong phần chấm thi là tuyên bố của một người trong ban giám khảo nói với Christine rằng ban giám khảo sẽ chấm giải dựa trên chất lượng món ăn do cô nấu, chứ không thiên vị cho người khuyết tật. Con số 31.7 tỉ đồng dành cho chuyến thuyết trình của Nick Vujicic là rất cao, nhưng chắc không phải vì anh là người khuyết tật.

Không biết có bao nhiêu người được nghe và hiểu những gì anh ấy nói. Có bao nhiêu trẻ em dị tật bẩm sinh như anh ấy ở Việt Nam có thể cảm nhận những trải nghiệm của anh ấy khi mà môi trường sống ở Việt Nam rất rất khác so với Úc. Những đứa trẻ em bán vé số hay đang ăn xin ngoài đường chắc chẳng bao giờ nghe được, hay có nghe được chưa chắc đã hiểu những câu nói mang tính triết lí cuộc đời của Nick Vujicic.

Cách đây 4 tuần, Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có mời một nhà khoa học từng được trao giải Nobel đến giảng và “truyền lửa”. Ông được trả tiền vé máy bay nhưng không có thù lao. Tuy nhiên, một số tổ chức khác ở Úc nhân dịp mời ông nói chuyện để truyền cảm hứng, và thù lao cũng chỉ ở mức độ tượng trưng (cao lắm là 2000 USD). Theo tôi biết, chưa một siêu sao khoa học nào được trả thù lao lên đến 10 ngàn USD cho những buổi nói chuyện.

Những người “truyền lửa” có cái hay là họ có thể làm cho chúng ta hào hứng và tự tin hơn. Nhưng sau những giây phút hào hứng, nồng nhiệt, vỗ tay, chúng ta lại phải trở về thực tại và đối đầu với thực tế. Thực tế có khi không giống với những ví von, không đồng nghĩa với những danh từ hoa mĩ, không phù hợp với những lời khuyên giống như hiền triết. Chẳng hạn như nghe câu “cuộc đời của bạn ngày hôm nay phần lớn là biểu hiện của những trải nghiệm của bạn trong quá khứ”, hay “hãy nhận dạng, quản lí và làm chủ niềm tin của bạn; đó là di truyền, là lựa chọn của bạn” thoạt đầu nghe qua cũng hay hay, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ cẩn thận, phân tích kĩ, và đặt vào bối cảnh thì có khi đó chỉ là những câu nói bồng bềnh, những sáo ngữ trơn tru để ru ngủ chúng ta mà thôi. Nói theo Dostoievski là chúng ta tự làm chủ và chịu trách nhiệm cho những việc mình làm, chứ chẳng có thế lực siêu hình nào hoán biến chúng ta từ nghèo thành giàu (hay ngược lại) được.

Bài đã đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần 31/5/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét