Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Người Việt đóng thuế cao nhất khu vực

Trong bài lưu trước tôi có viết "chủ doanh nghiệp khổ vì bị Chính phủ và đám quan chức tham nhũng bóc lột đến mức tàn bạo; đến lượt mình, họ buộc phải tìm cách bóc lột người lao động...". Chính phủ bóc lột doanh nghiệp ở đây: Đóng thuế cao nhất khu vực, và có lẽ thuộc tốp 5 nước cao nhất thế giới (lâu ngày không nghiên cứu nên tôi không nhớ số liệu, bạn nào quan tâm có thể tìm hiểu dễ dàng).
Để biết quan điểm của tôi về vấn đề này, có thể xem trong bài tôi viết cách đây 15 năm ở đây, trong đó tôi đã đề nghị tỷ lệ thu ngân sách ở VN giai đoạn đó chỉ nên ở mức 14-15% GDP (trang 21 trong bài). 
Trong 1 bài nào đó ở Blog này tôi đã kể lại kỷ niệm được giao làm thư ký ghi chép đi cùng GS TSKH Lê Văn Viện đến thành ủy Hà Nội cách đây gần 30 năm (năm 1984) để trình bày một số ý tưởng về đổi mới tiền lương cho cán bộ công chức (lúc đó tiền lương tháng cũng chỉ đủ sống được 10 ngày, y như hiện nay). GS Viện là một trong 4 tiến sĩ khoa học kinh tế đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trước đổi mới: Toàn, Tiệm, Viện, Từ (Lê Văn Toàn, Phan Văn Tiệm, Lê Văn Viện và Lê Hữu Từ), là cố vấn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong nhiều năm... Khi GS Viện đề xuất cắt giảm mạnh vốn đầu tư phát triển (cắt 30-40%) và dùng tiền đó để tăng lương, cả hội nghị cười ồ, coi là đề xuất trên trời. Tôi thì rất ủng hộ quan điểm của GS. Sau này tôi có nhắc lại nhiều lần ý kiến này nhưng đều bị cấp trên gạt bỏ. 
GS Viện sau nhiều lần phát biểu không được cấp trên vừa lòng đã bị chuyển công tác lòng vòng nhiều nơi trước khi về hưu. Ấn tượng nhất là chiều 29 Tết GS phát biểu tại Đại hội công nhân viên chức được anh em hoan hô nhiệt liệt, thì sáng mùng 3 Tết đến cơ quan, GS đã khoe anh em tờ quyết định chuyển công tác đóng dấu đỏ chói mà như GS nói "lúc nhận được tôi thật sững sờ vì không hiểu tại sao lại bị chuyển công tác đột ngột thế này".
Người Việt đóng thuế cao nhất khu vực
"Doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải đóng thuế và phí thuộc loại cao nhất so với các nước trong khu vực. Tổng thu ngân sách từ thuế và phí của Việt Nam chiếm đến gần 30% GDP.
"Thu nhiều mà chi không hiệu quả thì nền kinh tế sẽ khó mà bền vững", PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ với Kiến Thức.
“Sưu cao thuế nặng” thì không ai sản xuất
Thưa ông, trước tình hình kinh tế khó khăn, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát ngôn trước báo giới rằng, sắp tới sẽ phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, thắt chặt chi tiêu. Ông đánh giá về giải pháp này như thế nào?

Thắt chặt chi tiêu là điều bắt buộc phải làm trong bối cảnh thâm hụt ngân sách nhà nước triền miên, thu lại đang có xu hướng khó thu và giảm thu. Để những mất cân đối này xảy ra sẽ làm nền kinh tế bất ổn định và không tốt cho môi trường kinh doanh, đầu tư. Do vậy, thắt chặt chi tiêu là cần thiết.
Vậy sao ta không tính đến tăng thu? Giảm chi liệu có ảnh hưởng đến tăng trưởng? 
Vấn đề ở Việt Nam là dư địa để tăng thu ngân sách là không còn nữa. Thu của Việt Nam đang quá lớn so với các nước trong khu vực, chiếm gần 30% GDP. Con số đó nếu mà so với các nước trong khu vực thì thuộc loại cao nhất. Các nước khác đa số đều vào khoảng hoặc dưới 20% GDP. Tình hình kinh tế của ta đang khó khăn, thu khó, đã thế, giờ lại tiếp tục tăng thu thì không ổn. 

Tôi tưởng thu nhiều thì sẽ chi nhiều?

Vì thu đồng nghĩa với việc tăng thuế. Tăng thuế thì khu vực doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất. Sưu cao thuế nặng thì không ai muốn mở rộng sản xuất, tăng trưởng vì thế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Còn giảm chi thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.

Phải chăng một phần lý do khiến doanh nghiệp phá sản thời gian qua là do "sưu cao thuế nặng"?

Không hẳn thế. Nó có rất nhiều nguyên nhân, thuế chỉ là một trong những yếu tố.

Vậy sao thu thuế nhiều mà kinh tế vẫn khó khăn?

Bội chi của ta hiện khoảng 4,8 - 5% GDP. Mấy năm gần đây thì thu của ta khoảng 27 - 29% GDP nhưng chi khoảng 32 - 33% GDP. Như thế là chi của ta lớn quá. Mà chi thì thường là do sức ép phải chi như chi thường xuyên để nuôi bộ máy, chi cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thể thao, khoa học...

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Cắt của ông nào ông ấy kêu oai oái ngay!

Một trong những giải pháp đưa ra để thắt chặt chi là sẽ phải giảm bớt hội hè đình đám, mua sắm công. Ông đánh giá giải pháp này thế nào?

Thắt chặt chi tiêu, đó là làm sao để tăng tiết kiệm, cắt giảm chi đầu tư công của những dự án chưa cần vội hoặc không có hiệu quả. Tiết kiệm cụ thể là cái gì nữa thì phải rà soát từng danh mục để cắt. Cắt giảm chi là khó lắm vì chi có rất nhiều mảng. Ai cũng kêu mảng của mình quan trọng, cắt của ông nào là ông ấy kêu oai oái ngay!

Vậy phải làm thế nào?

Có thể cân nhắc cắt đồng bộ. Mỗi người chịu hy sinh một tí thì mới không tị nạnh nhau. Ví dụ như đồng loạt cắt giảm chi 5 - 10% ở tất cả các lĩnh vực thì sẽ đồng loạt thực hiện như thế. Chứ nếu cắt xong lại thấy thủng, thấy phồng rồi đi chữa lại thì cũng không được. Rồi rà soát để tiết kiệm, cái gì không cần thì cắt. Đi nước ngoài, hội họp, mua sắm xa xỉ không cần thiết... thì phải cắt giảm. Các công trình dự án không hiệu quả, chưa cần thiết cũng phải cắt giảm.

Vì sao thời gian qua chúng ta lại thu nhiều như vậy ạ?

Phải giảm chi để tạo sức ép cho giảm thu. Tư duy của chúng ta qua một giai đoạn dài là ta chi thoải mái được vì ta thu được. Ta thu dễ, tận thu nhiều, thu cao quen rồi. Thu ở các nước khác đến 20% GDP đã là cao rồi, mình cứ thu tới 28 - 30% như không ấy. Thu dễ thế thì tội gì mà không chi. Tư duy mà cứ chi đi, thế nào cũng thu được để bù đắp là không hợp lý, cần phải sửa.
Nhưng giảm thu thì có đồng nghĩa với việc cái bánh ngân sách cũng bé đi?

Giảm thu ngân sách hàm ý là phải giảm thuế. Có thể trước mắt điều đó sẽ làm cho cái bánh ngân sách bé đi. Tuy nhiên, về lâu dài, giảm thuế là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Nếu thuế thật thấp thì các nhà đầu tư nhảy vào ngay. Doanh nghiệp có động cơ để mở rộng sản xuất. Mở rộng sản xuất thì đồng nghĩa với tăng trưởng, đồng thời cơ sở đánh thuế cũng rộng ra. Như thế thì thậm chí cái bánh còn to ra.

Dân muốn đóng ít, Nhà nước muốn thu nhiều
Liệu có phải người dân đóng thuế càng cao thì phúc lợi xã hội nhận được càng nhiều?

Thoạt nhìn thì đúng vì thu được càng nhiều thì có điều kiện chi càng nhiều, chi an sinh xã hội càng nhiều. Tuy nhiên, khi thuế suất tăng vượt qua một điểm tối ưu nào đó thì thu ngân sách bắt đầu giảm. Ví dụ, thuế suất gần 90 - 100% thì không ai sản xuất và như vậy Nhà nước chẳng thu được thuế của ai cả.

Nhưng người dân thì luôn muốn đóng thuế thấp và hưởng phúc lợi xã hội cao. Trong khi hiện nay thì thuế phải đóng cao mà phúc lợi xã hội lại chưa nhiều. Điều này có thể sẽ dẫn đến những bức xúc?

Tôi là doanh nghiệp thì tôi cũng chỉ muốn đóng thuế thấp thôi. Thuế ít thì giá thành sản phẩm thấp, năng lực cạnh tranh sản phẩm cao, doanh thu và lợi nhuận sẽ nhiều. Còn nếu tôi là người dân thì cũng chỉ muốn đóng thuế thu nhập thấp để có nhiều tiền hơn cho tiết kiệm hay chi tiêu của mình. Đấy là động cơ tự nhiên của con người. Nhưng như thế thì lấy đâu tiền cho việc cung cấp các dịch vụ xã hội và các chương trình an sinh và phúc lợi xã hội

Bởi thế mà người điều hành chính sách lại muốn phải thu được nhiều thuế?
Đương nhiên, thu được nhiều bao giờ chả tốt. Nhưng phải xem tác động thế nào mới là quan trọng chứ. Mình thích thu từ thuế cao, nhưng phần mà mình nâng thuế lên liệu có đủ bủ đắp cho thiệt thòi sau này vì doanh nghiệp chết, rút ra khỏi thị trường không. Ta tăng thuế thì chỉ thu được một vài năm, sau đó doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường thì thu của ai nữa? Chính phủ phải cân nhắc có tính dài hạn xem thế nào thì có lợi hơn chứ. Bởi vậy, ra chính sách và điều hành là một nghệ thuật chứ không thể một chiều và nhìn ngắn hạn được.

Vậy là ở góc độ điều hành, không nên "tham" bằng cách thu được thật nhiều?

Đúng thế! Tóm lại là không nên tăng thu qua thuế suất cao nữa mà nên chú ý tới hiệu quả của thu, đừng để thất thoát khi thu thuế, đừng để yếu tố cá nhân trục lợi tồn tại. Làm tốt cái này cũng có thể tăng thu.

- Thu thì đã quá cao rồi, không thể tăng thu được nữa. Nhất là khi tình hình kinh tế đang khó khăn, thu ngân sách càng ngày càng khó, 5 tháng đầu năm nay, thu ngân sách mới đạt 36% kế hoạch năm, giảm nhiều hơn so với nhiều năm giai đoạn trước. Vậy chỉ còn cách giảm chi. 

- Phải thay đổi mô hình tăng trưởng, tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế. Thực ra chúng ta đã có đề án tái cơ cấu tổng thể rồi trong đó đặc biệt có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng chưa có kết quả gì nhiều. Vấn đề là làm thế nào thôi. Ta bây giờ có nhiều chính sách lắm. Ta đang "tồn kho" chính sách, "tồn kho" chiến lược khá nhiều. Vấn đề là chính sách có trúng và có thực hiện được chính sách hay không mà thôi. Còn đưa ra nhiều chính sách quá mà chính sách không đi vào cuộc sống thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. 


Xin cảm ơn ông!

Tô Hội

( Kienthuc )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét