Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Làm sao đối phó những bất lợi đe dọa vựa lúa ĐBSCL?

Làm sao đối phó những bất lợi đe dọa vựa lúa ĐBSCL?


Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, hiện đang đối diện với những đổi thay về thời tiết cũng như tác động bất lợi từ việc ngăn dòng xây đập thủy điện của các nước trên thượng nguồn dòng sông.Thực tế được ghi nhận ra sao? Và đã có những hướng đối phó thế nào với những bất lợi như thế? Đây là đề tài trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.
Diễn biến mới nhất

Những tin tức mới nhất hồi cuối tháng năm cho biết một số người dân sống ven bờ kè sông Nhơn Mỹ ấp Mỹ Huê, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng đang khi ngủ vào khoảng ba giờ sáng bị đánh thức dậy vì nhà rung lắc và khi vừa chạy ra khỏi nhà thì nhà sập xuống sông. Đoạn bờ kè chừng 7 mét bị sụp. Ở khu vực đó từ năm 1975 đến nay đã xảy ra trên 10 lần sạt lở nhấn chìm hàng chục ngôi nhà và có 4 người thiệt mạng.
Cũng cùng thời gian tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cũng xảy ra sạt lở ven sông Ấp Ông Định làm sụp 6 căn nhà.


Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết năm nay tình hình thời tiết tại địa phương nắng nóng gay gắt kéo dài, ít mưa trái mùa, chuyển mùa, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiếu nước nghiêm trọng. Tình hình đó khiến việc gieo sạ lúa hè thu trong tỉnh phải bị chậm đến từ 15 đến 20 ngày.

Tất cả những chuyện như thế vừa có yếu tố con người vì xây nhà trên kè ven sông hay do thất thường của thời tiết không thể dự đoán trước được. Và lâu nay người ta thường hay nhắc đến vấn đề có thể do biến đổi khí hậu trên trái đất gây nên, cũng như vì nhiều đập thủy điện xây trên dòng chính sông Mêkong khiến nước sông bị chặn lại gây ra những bất lợi cho dưới hạ nguồn.

Nhận định thực tế

Chúng tôi ghi nhận khá nhiều những bất thường; nhưng những bất thường đó để nói rằng chúng do thủy điện, biến đổi khí hậu hay thời tiết cực đoan thì cũng chưa rõ.
-TS Lê Anh Tuấn
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bíến Đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ trình bày về những ghi nhận đối với những tác động bất lợi ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long:
“Tác hại của những đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng trên Sông Mêkong thuộc phần đất Trung Quốc tác động lên nước Lào thì rất rõ rồi. Chúng tôi tiến hành những chuyến đi khảo sát vào mùa khô thì có lúc dòng chảy khô cạn, thuyền bè không thể di chuyển được và nguồn thủy sản tại đó càng ngày càng giảm sút đi. Từ đó chúng tôi lo ngại những đập thủy điện sẽ xây dựng tại Lào gây bất lợi cho Kampuchia và Việt Nam. Nếu Lào cũng làm rồi Kampuchia cũng làm thì sẽ gây tác động bất lợi lên vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chúng tôi tin rằng những tác động bất lợi đó có thật.
Chúng tôi ghi nhận khá nhiều những bất thường; nhưng những bất thường đó để nói rằng chúng do thủy điện, biến đổi khí hậu hay thời tiết cực đoan thì cũng chưa có đủ dữ liệu để phân tích bao nhiêu phần trăm do nguyên nhân này, bao nhiêu phần trăm do nguyên nhân khác, hay đó là tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này chúng tôi chưa làm được.
Chúng tôi nhận thấy rằng dòng chảy trên sông Mêkong càng ngày càng giảm dần, lượng phù sa thay đổi rất nhiều rồi luợng cá đổ về hằng năm cũng ít đi và mặn xâm nhập ngày càng sâu vào.”
Đồng lúa vùng DBSCL. RFA
Đồng lúa vùng DBSCL. RFA
Việt Nam nằm ở cuối nguồn sông Mêkong với đồng bằng Sông Cửu Long; nơi mà lâu nay nhận được nguồn phù sa và cá dồi dào từ thượng nguồn đổ về vào mùa nước nổi; thế nhưng như ghi nhận mà tiến sĩ Lê Anh Tuấn trình bày thì nay tài nguyên thiên nhiên đó đang bị giảm dần đi.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, giám đốc Trung Tâm Thực Nghiệm Đa dạng Sinh thái Hòa An, cũng thuộc Đại học Cần Thơ nói đến tác động qua lại do con người cùng sống ven dòng Mêkong gây nên:
“Tất cả chúng tôi đều thấy được vấn đề là tất cả những người sống và liên quan đến một dòng sông hay nói là hệ sinh thái trong lư vực Sông Mêkong đều có sự phụ thuộc lẫn nhau nhất định. Vì thấy được chức năng và giá trị phụ thuộc lẫn nhau của thiên nhiên, tôi thấy đó là một thông điệp rất tích cực cho các bên đặc biệt là những quốc gia trong khu vực Sông Mêkong, có cơ hội có thể hiểu nhau và khi bắt đầu có thể hiểu nhau đuợc thì mới có thể đối thoại được do khi không cùng quan điểm, cách nhìn… thì không thể nào đối thoại được.”

Hoạt động ứng phó

Trước những cảnh báo và thực tế thay đổi lâu nay, cơ quan chức năng Việt Nam cũng có những hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra phương hướng đối phó với những tác động bất lợi cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, thì từ lâu người dân sống tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tự thân đã có những thích nghi mỗi khi có thay đổi:
“Thực ra người dân Đồng bằng Sông Cửu Long đã quen với sự thay đổi của môi trường, đôi khi sự thay đổi đó khá khắc nghiệt và sự thay đổi đó đã từng xảy ra trong quá khứ. Khi dùng khái niệm biến đổi khí hậu để diễn giải cho chuyện đó: nếu chỉ dừng ở mức độ nói biến đổi khí hậu, nước biển dâng một cách chung chung thì người dân không quan tâm lắm; nhưng nếu chúng ta diễn giải ở mức độ dễ hiểu hơn rằng biến đổi khí hậu có nghĩa sẽ tạo ra mưa nắng, thất thường, trong mùa nắng tạo ra những cơn mưa đột ngột, dù trước đây cả chục năm phơi lúa trong mùa nắng không sao; nhưng nay phải chuẩn bị một tấm cao su để đậy khi mưa giúp giảm thiệt hại. Đối với phụ nữ khi mưa nắng thất thường như thế độ ẩm trong không khí tăng lên và muỗi cũng nhiều thêm; nên khi cho con ngủ trưa, thay vì như trước đây nay khi co ngủ phải giắt mùng chặt lại. Những việc như thế nếu chúng ta diễn giải đi vào đời thường thì người dân chấp nhận rất tốt. Thật ra, những điều đó kinh nghiệm ứng phó của người dân phong phú hơn. Hiện nay chúng tôi đang làm công tác thu hoạch những kinh nghiệm của người dân dưới góc độ như vậy để tạo ra cơ sở dữ liệu, cơ sở kiến thức để chia sẻ cho những cộng đồng sống trong khu vực và thậm chí có thể chia sẻ cho những quốc gia khác. Vì vùng đồng bằng Sông Cửu Long còn non trẻ nhưng người dân tích lũy kinh nghiệm sống với môi trường hằng thế kỷ rồi rất phong phú: họ có kinh nghiệm sống chung với nước mặn, sống chung với lũ lụt, sống chung với mưa nắng thất thường.
Đó là những ví dụ cho thấy nếu khi người dân hiểu vấn đề thi họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm ‘khổng lồ’ để tự thích nghi với nhau.”
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thì cho biết việc làm của cơ quan nghiên cứu mà ông đang tham gia:
Hiện nay chúng tôi đang làm công tác thu hoạch những kinh nghiệm của người dân để tạo ra cơ sở dữ liệu, cơ sở kiến thức để chia sẻ cho những cộng đồng.
-TS Dương Văn Ni
“Hiện nay chúng tôi đang kết hợp với một số các cơ quan nghiên cứu ở  trong nước, rồi các tổ chức quốc tế, các NGOs để đánh giá lại sự tác động của sự thay đổi của dòng chảy, và khí hậu tại khu vực Sông Mêkong để chúng tôi có thể đưa ra những khuyến cáo đối với người dân để tìm ra những biện pháp để giảm thiểu những tác động; hoặc có những biện pháp thích ứng, có thể thích ứng bằng biện pháp công trình hay biện pháp phi công trình chẳng hạn. Việc đó chúng tôi đang làm ráo riết và gần như chúng tôi có rất nhiều những hợp tác với các địa phương, của các tổ chức thông qua những dự án. Bây giờ để thực hiện công tác này chúng tôi đang làm những dự án nhỏ mang tính thí điểm để xem tác động chủ yếu thế nào, và sau đó sẽ mở rộng thêm.
Về mặt chính sách qua những nghiên cứu, chúng tôi đề ra những chính sách với chính quyền địa phương, tùy theo lớn hay nhỏ. Hoặc đối với những qui hoạch của chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đề ra việc chính quyền địa phương phải lưu ý đến những vấn đề đó. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức những seminars, worshops (hội thảo) mời đại diện chính quyền địa phương, những chuyên gia quản lý các tỉnh tham dự. Đồng thời cũng mời nông dân tham dự để tìm gia những giải pháp nào khả dĩ nhất có thể giảm thiểu những tác động và đồng thời thích ứng đuợc sự thay đổi trước mắt và trong tương lai.”
Theo tiến sĩ Dương Văn Ni, chưa nói đến chuyện xung khắc quyền lợi giữa các quốc gia thuộc lưu vực Sông Mêkong khi khai thác con sông này; mà ngay tại Việt Nam vẫn có những khác biệt cần phải dung hòa thì mới có thể giảm thiểu những tác động bất lợi cũng như gây nên  những thay đổi có hại cho sinh thái dòng sông:
“Chúng ta không thể chờ đến khi có sự đồng thuận của tất cả các bên. Cần phải lưu ý rằng sự đồng thuận này là ở nhiều phía; ví dụ như ở Việt Nam nhóm nuôi tôm cần nước mặn, nhóm người trồng lúa cần nước ngọt; nên ngay trong cộng đồng không dễ đồng thuận vì mâu thuẫn về quyền lợi sản xuất. Rồi giữa người dân với những người làm công tác quản lý ở cấp quận huyện… Thông thường đối với những người đánh bắt cá tự nhiên, khi có lũ lớn về rất mừng vì đó là cơ hội có thể đánh bắt nhiều tôm cá; nhưng đối với chính quyền khi thấy lũ lớn về thì lại rất lo vì sợ lũ phá vỡ đường sá, cầu cống, sợ sập nhà, trường… Do đó đối thoại ở đây phải là nhiều phía trong một cộng rồi giữa các tỉnh với nhau- có tỉnh ưu tiên về thủy sản, có tỉnh ưu tiên về nông nghiệp nên cũng tạo ra mâu thuẫn. Rồi đối thoại cả giữa những người làm công tác quản lý ở khu vực miền nam với các bộ, ngành ở Hà Nội. Ví dụ từ  khi lọt lòng ra những người ở Hà Nội đã thấy đê điều rồi. Chuyện đê điều ở đó đã có hằng ngàn năm rồi; còn ở miền Nam người dân đã quen hài hòa với nước, ví dụ ngày xưa ở miền nam người ta không kêu ‘nước lũ’ mà là ‘nước nổi’ vì nó dâng lên từ từ thôi. Khi những người ngoài kia vào thấy nước thì gọi là lũ; do khái niệm lũ tạo nên cái gì đó bất lợi còn người trong này thấy lũ là điều gì thuận lợi, đem lại phù sa, tôm cá…”
Như cảnh báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC đưa ra trong báo cáo hồi năm 2007 cũng như tại những hội nghị về khí hậu gần đây, chính con người ở các quốc gia khác nhau vì quyền lợi riêng đã gây hại cho bầu khí quyển và nay tất cả đều phải gánh chịu. Câu chuyện tại lưu vực Sông Mêkong cũng tương tự.
Trong khi chờ cho đạt được những thỏa thuận khai thác bền vững không gây hại cho môi trường sinh thái thì những tác động bất lợi đang hiển hiện ngày càng rõ nét và gây hại cho đời sống người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét