Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Khủng hoảng kinh tế và nội lực

Khủng hoảng kinh tế và nội lực
ThS. Vũ Phúc Thái(TBKTSG) - Nơi tôi làm việc sạch sẽ, khang trang... nhưng tôi không có ý nói về môi trường hay tổ chức mà nói về đồ dùng nơi tôi làm. Đây là chiếc bàn làm việc bằng gỗ vernia của Malaysia, chiếc điện thoại bàn Panasonic, chiếc ghế xoay tôi ngồi cũng của Malaysia, và cây bút bi tôi đang dùng phục vụ công việc hàng ngày của Việt Nam, nhưng mực và nhựa để làm nên cây viết chắc là phải nhập, có lẽ là Thái Lan, Ấn Độ hay Trung Quốc! Chiếc máy tính có xuất xứ Malaysia. Chiếc áo tôi đang mặc là của Việt Nam, nhưng chắc sợi lại nhập từ đâu đó... 
Cùng với cuộc khủng hoảng từ năm 2008 các nước lân cận chỉ mất hai năm là đã vượt qua được, còn nước ta vẫn “lận đận”, thậm chí năm 2012 và 2013 lại có dấu hiệu bi thảm hơn. Tại sao các nước vượt qua được? Rõ ràng người ta có nội lực, có sức mạnh, có chính sách phù hợp, kịp thời. Chúng ta không phải không có chính sách, từ thắt chặt tiền tệ chống lạm phát, hỗ trợ lãi suất để kích thích sản xuất tiêu dùng, giảm chi tiêu công... cho đến thành lập công ty mua lại nợ xấu cấp quốc gia.
Khoan hãy nói đến việc các chính sách này tuy nhiều nhưng vẫn chưa kịp thời, và còn nhiều điều đáng bàn về tính hợp lý của chúng, cần thấy rằng các chính sách tài chính - tiền tệ không phải là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề, nó chỉ bổ sung, giải quyết tạm thời từng giai đoạn chứ không tạo ra được sức mạnh nội tại thần kỳ.

Chúng ta không thể cất cánh được (thậm chí chưa thể chạy nhanh chứ không nói gì cất cánh) nếu lực ta yếu quá, không tự sản xuất được cái gì từ cây bút viết hàng ngày, chỉ khi ta có sức mạnh nội tại vững bền ta mới có thể vượt được những khó khăn khủng hoảng kinh tế lâu bền. Do đó, có ba vấn đề cần suy ngẫm:

- Ta không có đầu tư vào ngành vật liệu để có những chất liệu đủ bền đáp ứng cho nhu cầu chế tạo thiết bị (thí dụ: nhựa, luyện kim, nhựa tổng hợp...), nếu tư nhân chưa đủ lực thì Nhà nước phải tiên phong.

- Những vốn vay nước ngoài hoặc vốn ODA không nên ưu tiên vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng sửa sang bộ mặt tại các đô thị mà nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nông thôn và sản xuất, đặc biệt sản xuất nguyên vật liệu.

- Chúng ta chỉ đào tạo được những con người có hiểu biết về công việc mà chưa biết làm. Nói khác đi chúng ta đào tạo nhiều lý thuyết mà thiếu thực hành, do đó kiến thức trải rộng thì nhiều mà thực hành chuyên sâu thì chẳng bao nhiêu.

Chính vì lý do đó, chúng ta không tự lực làm được một số sản phẩm công nghiệp thì nội lực của ta khó mà có được. Ngay trong nông nghiệp thôi ta có thừa thiên thời, địa lợi mà vẫn chưa bứt phá được chất lượng sản phẩm cây trồng, nông nghiệp của ta để màu sắc đẹp hơn, thơm ngon hơn. Chúng ta không yếu kém hơn về khoa học nông nghiệp và công nghệ sinh học nhưng đào tạo của ta chưa sát với đời sống và sản xuất. Nên việc ứng dụng bị hụt hẫng, thiếu tự tin và không có môi trường nghiên cứu.

Nền kinh tế của ta là nền kinh tế thương mại gia công là chính nên yếu kém và rất vất vả khi gặp khủng hoảng. Do vậy để vượt khó khăn kinh tế phải tái cấu trúc hướng đầu tư, trong đó phải tổ chức lại cách đào tạo hiện nay để có một nguồn nhân lực mạnh về thực tiễn.

Có thể ba vấn đề cần suy ngẫm này chưa phải là nguyên duy nhất gây ra những khó khăn hiện nay. Tuy nhiên nó vẫn là tác nhân chính làm đất nước không thể nhanh chóng vượt qua khủng hoảng vì nội lực chưa đủ mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét