Khập khiễng thương mại Việt-Trung
Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC Việt ngữ từ London
Người Việt mang hàng từ Vân Nam, Trung Quốc qua
cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn (ảnh năm 2008)
Hồ sơ nổi cộm trong quan hệ Việt-Trung trong thời gian qua và cũng là đề tài số một chắc chắn được thảo luận trong chuyến thăm Bắc Kinh của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được bắt đầu hôm nay (19/06) là tranh chấp Biển Đông.Nhưng một vấn đề có tác động (tiêu cực) rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp tại nước này nói riêng và nên được đưa vào bàn thảo trong những cuộc gặp của giới lãnh đạo Việt Nam với chính quyền Bắc Kinh là thâm thủng mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc.
Một vài con sốTheo số liệu thống kê mậu của Liên minh châu Âu (EU) được phổ biến hôm 23/05/13, năm 2011, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc lên tới gần 17,7 tỷ Euro (chiếm đến 25.7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), trong khi đó Việt Nam chỉ xuất sang Trung Quốc hơn 8 tỷ (khoảng 12.3 % tổng kim ngạch xuất khẩu).
Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc gần 10 tỷ Euro (khoảng 13 tỷ USD) trong năm 2011. Đây là một số không nhỏ vì nó bằng khoảng 10.5% tổng sản lương (GDP) của Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của Việt Nam năm 2011 khoảng gần 124,6 USD.
Thâm thủng mậu dịch của Việt Nam đối với Trung Quốc cũng đáng bàn nếu so sánh với kim ngạch thương mại của các nước quan trọng khác trong ASEAN với Trung Quốc.
Cũng theo số liệu của EU, năm 2011 Singapore, Malaysia và Philippines có thặng dư mậu dịch với Trung Quốc, trong đó Singapore nhập từ Trung Quốc chỉ hơn 27,3 tỷ Euro nhưng xuất đến gần 30,8 tỷ.
Hai nước ASEAN lớn khác chịu thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc là Thái Lan và Indonesia. Nhưng với mức thâm thủng trên dưới 3 tỷ Euro, nhập siêu từ Trung Quốc của hai quốc gia này nhỏ hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Một điều đáng nói nữa là hai đối tác thương mại giúp Việt Nam cân bằng thâm thủng mậu dịch với người bạn ‘vàng’ và ‘đối tác tốt’ Trung Quốc là các nước thuộc Liên hiệp châu Âu và Mỹ.
Năm 2011, Việt Nam nhập khẩu từ EU gần 5,6 tỷ Euro, xuất khẩu đến 11,9 tỷ và nhập từ Mỹ hơn 3,2 tỷ, xuất khẩu hơn 12,1 tỷ.
Như vậy, thặng dư mậu dịch của Việt Nam với EU và Mỹ – hai đối tác mà Việt Nam thường cảm thấy khó chịu vị bị chỉ trích về hồ sơ nhân quyền và đến giờ cũng chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) – lên tới hơn 15 tỷ Euro.
Nói lên điều gì?
Hai ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có bài viết với tựa đề ‘Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển’. Bài viết đã ca ngợi quan hệ Việt-Trung, cho rằng mối quan hệ này ‘đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên’.
Để chứng minh sự phát triển ấy, tác giả đã viết: “Về quan hệ kinh tế, thương mại, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 41,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỷ USD, nhập gần 28,8 tỷ USD”.
Vâng, Trung Quốc đang là đối tác thương mại số một của Việt Nam. Nhưng theo số liệu bài viết đưa ra, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc đến 16,4 tỷ USD trong năm 2012. Như vậy, chưa biết việc phát triển sâu rộng trong quan hệ Việt-Trung đã đem lợi ích thiết thực gì cho Việt Nam trong các lĩnh vực khác.
Nhưng một điều chắc chắn là trong lĩnh vực thương mại, sự phát triển ấy phần lớn chỉ đem lợi thiết thực cho nền kinh tế Trung Quốc và các doanh nghiệp của nước này.
Chắc cũng muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc thực sự là một ‘láng giềng tốt’, một ‘bạn bè tốt’, một ‘đồng chí tốt’ và một ‘đối tác tốt’, bài viết này của TTXVN còn kể rằng: ‘Đến nay, Trung Quốc đã cho ta vay 1,6 tỷ USD ưu đãi’.
1,6 tỷ USD là một số không nhỏ. Nhưng so với 16,4 tỷ USD mà Việt Nam thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc, con số ấy chẳng là gì.
Dựa vào những số liệu trên, có thể nói quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc là bất bình đẳng, không bền vững, thậm chí hơi khập khiễng.
Nếu không có xuất siêu sang các nước EU và Mỹ, chắc kinh tế của Việt Nam không thể giữ được mức tăng trưởng như những năm qua và các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.
Để có thể ‘ổn định lâu dài’ như phương châm mà giới lãnh đạo Việt Nam đã cam kết với Trung Quốc, Việt Nam không thể mãi chấp nhận nhập siêu từ Trung Quốc để xuất sang EU và Mỹ.
Một điều nữa mà các con số trên cho thấy đó là, dù không có những phương châm như ‘bốn tốt’ hay ’16 chữ vàng’, các nước ASEAN khác như Singapore, Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan vẫn có thể duy trì mối quan hệ kinh tế tương đối bình đẳng, lành mạnh, nếu không muốn nói là có lợi cho họ trong quan hệ với Trung Quốc.
Có thể Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc nhiều hơn những nước ASEAN này vì cơ cấu và mức độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam khác hay thua những quốc gia đó. Nhưng vì cơ cấu, mức độ phát triển kinh tế hay vì chính sách hoặc một lý do nào khác việc Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là một điều đáng lo ngại, đáng bàn và cần giải quyết.
Đã đến lúc Việt Nam phải tìm cách giới hạn thâm thủng – hay thậm chí cân bằng – mậu dịch với Trung Quốc. Vì nếu không, kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam luôn gặp bất lợi trong quan hệ thương mại, kinh tế với Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, hiện làm nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét