Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Đại biểu không tin xây dựng cơ bản ‘sạch’ tham nhũng

Đại biểu không tin xây dựng cơ bản ‘sạch’ tham nhũng
“Qua giám sát cho thấy dường như không có tham nhũng trong xây dựng cơ bản từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vậy có tin được không?”, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) đặt câu hỏi trong phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường hôm qua 7/6.

Dự án xây dựng tuyến đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná, thuộc tỉnh Ninh Thuận. Các đại biểu cho rằng báo cáo giám sát các công trình xây dựng cơ bản của Quốc hội cho rằng không có tham nhũng là không tin được. Ảnh: Người lao động
Các đại biểu Quốc hội hôm qua đã có phiên thảo luận về việc thi hành luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012.
Nói về báo cáo giám sát của Quốc hội, các đại biểu đều tỏ ý băn khoăn và nghi ngờ. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) xót xa với con số thất thoát luôn là hàng tỷ đồng tiền thuế của dân. “Tôi đề nghị chúng ta nên có lời xin lỗi đối với dân về tất cả những thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn TPCP giai đoạn vừa qua”, bà Dung nói.



Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) cho rằng không chỉ ra đơn vị, cá nhân nào vi phạm sẽ không bao giờ có thể thực hiện chống lãng phí, và cần phải có một cuộc thanh, kiểm tra để chỉ rõ ai làm sai “để ông bộ trưởng, chủ tịch tỉnh này dù có về hưu rồi cũng để cho ông bộ trưởng khác rút kinh nghiệm”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) đặt câu hỏi ai cũng biết việc hễ có công trình xây dựng cơ bản phải chi bao nhiêu phần trăm, có người nói 10%, có người bảo 30%, thậm chí chưa có đồng nào doanh nghiệp đã phải rải tiền các cửa, vậy mà báo cáo giám sát lại cho rằng dường như không có tham nhũng trong xây dựng cơ bản từ nguồn TPCP thì có tin được không? “Tôi không tin, nhân dân càng không tin”, ông Nam quả quyết.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3 năm nay cho thấy 42% doanh nghiệp thừa nhận đã trả hoa hồng cho cán bộ để đảm bảo giành hợp đồng với cơ quan nhà nước. Còn theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2012) công bố ngày 14/5, phần lớn người dân chấp nhận dùng phong bì để giải quyết nhanh chóng các thủ tục giấy tờ ở cơ quan nhà nước.

Tệ hơn, khoảng 73% cho rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì, 24% khẳng định chính quyền các tỉnh, thành phố đã không nghiêm túc trong xử lý những vụ việc tham nhũng đã phát hiện được.

Đại biểu không tin là không có tham nhũng, dân không tin vào cách xử lý tham nhũng. Điều này đặt ra nhiều điều đáng để suy ngẫm với Chính phủ, các Bộ ngành và các cơ quan trong việc điều hành, đặc biệt trong bối cảnh mà nhiều gói tiền khổng lồ đã và đang ngấp nghé được tung ra với nhiệm vụ giải cứu các nhóm khác nhau.

Li Ti

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét