Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

(1) Chuyện những dị nhân làm bạn với xác chết.

“50 năm làm bạn với xác chết”
Đã gần nửa thế kỷ làm việc cho “âm tào địa phủ”, ông chẳng nhớ mình bốc bao nhiêu ngôi mộ, bó xác chết cho bao nhiêu đám.
Ông chỉ dùng xe đạp đi làm vì cho rằng... người cõi âm không thích ồn ào
17 tuổi đã làm bạn với xác chết
Người đàn ông đó là Nguyễn Văn Nậm (SN 1949) trú tại xóm 6, thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Người dân thường gọi ông là Nậm “cú mèo” hay Nậm “ma”. Đã gần nửa thế kỷ ông làm bạn với xác chết, bốc mộ, bó xác tiễn đưa gần chục nghìn người về cõi âm tào. Ông khiến người đối diện phải rùng mình khi được nghe ông kể về lần đầu tiếp xúc với xác chết, rồi những lúc gặp “ca khó” xử lý.
Như một định mệnh của số phận, từ thuở còn chăn trâu cắt cỏ cùng đám bạn trong thôn, Nguyễn Văn Nậm đã tỏ ra khác lạ với bạn bè. “Ngày đó mỗi khi có đám cải táng bốc mộ, hay có người chết mà đang được bó xác là tôi chạy đến để xem. Không như chúng bạn cùng lứa tuổi nhìn thấy là sợ hãi chạy mất. Mỗi lúc xem tôi như bị thôi miên, chỉ chăm chăm nhìn vào xác người hay những bộ xương được người ta nhặt nhạnh xếp đặt chứ không hề sợ hãi, rất thích thú”, ông Nậm nhớ lại.
Không những chăm chú quan sát bằng ánh mắt tò mò, mà khi về nhà ông lại mường tượng bộ xương người rồi cố nhớ lại cách người ta đã sắp xếp như thế nào, theo tuần tự ra sao. Rồi ông vẽ ra những sơ đồ riêng cho mình và coi đó như một công trình nghiên cứu bí mật thời thơ ấu.
Rồi như để kiểm chứng cho “công trình khoa học” của mình, ông Nậm vào bệnh viện ở địa phương xin cho kì được một sơ đồ bộ xương và hệ tuần hoàn trong cơ thể người về để tìm hiểu.
“Ngày ấy tìm hiểu thông tin khó lắm, không dễ như bây giờ đâu. Xin được cái sơ đồ về rồi tôi tích góp mua được hai bộ sách "Thọ mai gia lễ" và "Chọn hướng nhà, bố trí nội thất". Hai cuốn này dạy về các nghi lễ tang ma, phong thủy, tôi thích lắm. Từ đó cái nghiệp bốc mộ, bó xác như gắn chặt với cuộc đời của tôi”, ông mỉm cười khi nhớ lại những kỷ niệm thuở xưa.
Khi chỉ mới 17 tuổi, ông đã bắt đầu làm việc bó xác, bốc mộ miễn phí cho gia đình nào có nhu cầu trong thôn. Những lần đầu ông không hề lấy tiền công mà chỉ nhận với người nhà một bữa ăn, hay chai rượu. Ông làm vì thích, vì đam mê và vì cả cái tâm dành cho người đã khuất chứ không hề nghĩ đến tiền bạc hay thù lao.
Nhớ lại lần đầu hành nghề, tiếp xúc với cõi âm, ông nói: “Lần đầu vào nghề tôi cũng thấy lạnh sống lưng khi tiếp xúc với bộ xương người. Nhìn thì dễ nhưng khi ngồi xuống dưới cái huyệt một mình mới thấy sợ. Rồi run vì không biết có làm đúng không, có bốc thiếu cái xương nào không. Lần đó khi làm xong mồ hôi tôi ướt đẫm hai áo. Bởi nếu mình sắp sai hoặc thiếu thì khó sống lắm”.
Ông Nguyễn Văn Nậm

Rùng mình nghe lão “cõi âm” kể chuyện hành nghề
Bắt đầu từ đó, ông được mọi người trong vùng biết đến với cái nghề bốc mộ, bó xác. Mỗi khi có đám ma hay cần đụng chạm đến mồ mả thì dù xa đến đâu người dân trong vùng vẫn tìm đến ông. Người ta đặt luôn cho ông cái biệt hiệu Nậm “âm phủ”, hay Nậm “ma”.
Mấy chục năm làm nghề “âm phủ” này không ít lần ông hoảng hồn trong lúc làm việc. “Như tôi còn lạnh gáy, thì người thường gặp chắc ngất xỉu ngay”, ông Nậm cho biết. Đó là những lần gặp phải đám cải táng, khi mở quan tài ra thì hình hài người chết vẫn y nguyên như lúc an táng, mùi hôi thối bốc lên, xộc thẳng vào mũi. Người trong gia đình họ thì bịt mũi vừa chạy vừa khóc còn Nậm “ma” vẫn phải điềm tĩnh làm việc của mình.
Gặp những đám như vậy là ông làm vất vả nhất. “Theo quan niệm người đã chết không nên chôn hai lần, một khi đã cải táng lên thấy hình người còn nguyên, không phân hủy được nhưng không được đóng lại chôn xuống mà phải dùng kéo, dao róc hết thịt đi”, ông Nậm nói. Bình thường một đám chỉ mất 30 - 40 phút nhưng gặp phải những đám này phải mất trên 2 tiếng. Điều đặc biệt là khi tiếp xúc với xác chết, xương người, mùi tử thi, mùi hôi thối, ông không bao giờ đeo găng tay hay phòng hộ gì.
Chúng tôi hỏi lão làm như vậy không sợ sao nhưng lão cười và nói làm như thế quen rồi. “Ngày xưa như thế nào thì giờ cũng như vậy, với lại không đeo găng tay khi mà mò xương dưới vũng nước trong quan tài thì sẽ dễ lấy được xương nhất là ngón tay, ngón chân và sẽ không để sót bộ phận nào”, ông Nậm nói.
Ông Nậm cho biết: “Thường người chết 3 năm là có thể cải táng được nhưng có trường hợp 5 năm, rồi nhiều hơn nữa. Thời nay có khi chục năm cũng chưa rữa hết thịt, vì khi còn sống họ có bệnh nên tiêm nhiều thuốc Tây mà bệnh lâu rữa nhất là ung thư vì tiêm nhiều hóa chất”.
Bởi đặc thù công việc nên ông phải chịu nhiều tác hại của việc tiếp xúc với xác, mảnh xương của người âm. Ngày ông mới lấy vợ là bà Hoàng Thị Dân, hai người có người con trai cả rất kháu khỉnh. Lúc đó ông đi làm đám cải táng ở xã bên, khi về vì nhớ con ông đi thẳng vào nhà ôm con mà không mảy may suy nghĩ gì. Thế là người con trai cả của ông bị sài, đầu rụng hết tóc, mụn mọc quanh người, máu cứ chảy ở những cái mụn đó. Vợ ông được phen hoảng hồn, phải thuốc thang, chăm sóc mãi mới chữa khỏi cho người con cả. Kể từ đó vợ ông luôn khuyên ông bỏ cái nghề “âm tào địa phủ” này nhưng ông đều lắc đầu và nói mình làm phúc chứ không vì tiền, mình làm để con cháu mình sau này hưởng. Thấy chồng quyết tâm thế, người vợ cũng hiểu và thông cảm cho ông.
Ông còn cho chúng tôi biết thêm: “Nghề này khi đi làm về còn kiêng kị gặp bà chửa, những người bị thấp khớp, nếu mà gặp thì nguy hiểm lắm”. Chúng tôi hỏi ông vì sao như vậy ông cũng chỉ cười và nói “không biết nữa, theo quan niệm thì đó là bị sài”.
Bộ đồ nghề của ông chỉ có con dao và cái kéo (Ảnh minh họa)
Lấy chữ tâm để làm phúc
Việc bốc mộ hầu như chỉ diễn ra vào ban đêm và mùa bốc mộ thì vào độ cuối năm, từ tháng 9 đến tháng 12. Còn việc bó xác thì ông làm quanh năm, hễ có đám là có mặt ông Nậm “cú mèo”. Trung bình mỗi năm ông làm khoảng 100 đám bốc mộ, còn đám ma thì ông không để ý là bao nhiêu.
Ông cho biết có đợt đỉnh điểm, một ngày, ông sang cát 76 ngôi mộ cho một dòng họ ở xã bên. Làm từ 6h sáng đến 19h tối mà ông chỉ lấy tất tần tật có… 300 nghìn đồng. “Tôi làm vì chữ tâm, chỉ cần lo cho gia đình miếng ăn là được, không cần thiết phải có của để với cái nghề này”, ông Nậm nói.
Có lần, ông đi làm đầm tôm, khi đổ đó lấy tôm thì thấy xác người, ông bình tĩnh vớt xác người xấu số ấy lên và đi báo cho chính quyền địa phương. Khi thủ tục khám nghiệm xong, lại tự tay ông chôn cất tử thi một cách đàng hoàng và chu đáo. Còn có lần ông đang đi làm thì nhìn thấy xác chết trôi ở giữa sông, ông cũng lội xuống vớt lên như lần trước rồi một tay tự mình tự an táng cho xác chết.
Ông cho biết: “Mấy chục năm qua tôi đã gặp bao nhiêu vụ xác chết trôi sông, cũng như ở bờ biển. Tôi đã vớt họ lên, báo chính quyền và tự tay mình an táng cho những số phận lênh đênh đó”. Ông cảm thấy tâm hồn mình thanh thản khi làm được những việc đó.
Đã gần 50 năm trong nghề, ông đã đi từ trong làng, ngoài huyện, đến các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Nội rồi trong miền Nam, thậm chí có cả người nước ngoài đến tìm ông nhờ làm giúp.
Bao nhiêu năm qua ông chỉ có chiếc xe đạp cọc cạch để đi làm. Từ khi làm nghề này, ông đã thay 3 chiếc xe đạp. Hiện tại chiếc xe đạp ông đang đi đã được 12 năm. Ông bảo: “Mình không thích đi xe máy, với lại… người âm không thích ồn ào”. Ngoài ra, bộ đồ nghề của ông chỉ có con dao và cái kéo nhỏ. Như thế là đủ cho ông làm việc trong bao nhiêu năm qua.
Giờ đây tuổi đã ngoài 60, sức khỏe của ông ngày càng giảm sút nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến cái nghiệp của ông. Ông vẫn tận tụy với công việc, ai cần là ông lên đường ngay. Hỏi ông định làm cái nghề này đến bao lâu thì ông cười khanh khách và đáp: “Đến khi không còn sức làm nữa thì thôi”.
Chia sẻ về lão “ma” của làng, ông Lê Ngọc Đóa, Trưởng thôn 6 cho biết: “Ông Nậm là một người tốt, tuy cái tên và tính cách của ông hơi đặc biệt, nhưng ông là người hiền lành, giúp đỡ rất nhiều cho thôn. Mọi người trong thôn đều tôn trọng và quý mến ông”.
Phan Thiên (TT&ĐS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét