Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Viết từ Saigon: Học lên cao

Càng ngày người ta càng có nhu cầu học lên cao. Xưa thật xưa thời Pháp thuộc, yêu cầu tuyển chồng của các tiểu thư là phi cao đẳng bất thành phu phụ.
Sau này việc học mở rộng và dễ dàng hơn nên tốt nghiệp đại học mới được coi là đại đăng khoa. Thếnhưng việc học lên cao không dừng ở đó mà ngày nay, Văn bằng cử nhân nhiều quá hóa… tầm thường. các cử nhân sau khi mũ áo long trọng chụp hình, đa số thường có ý muốn học lên cao hơn, kế tiếp là cao học hai năm để lấy bằng thạc sĩ.
Sau đó có thể thêm hai năm nữa để lấy tiến sĩ. Bằng này ít người theo vì đòi hỏi trong những thời gian nhất định phải đều đặn có các công trình nghiên cứu. Mệt lắm, không dễ dàng như thạc sĩ. Sau tiến sĩ càng ít hơn. Chỉ có thạc sĩ, lúc này bỗng trở nên nhiều đong rổ.
Có nhiều nguyên nhân để người ta muốn học cao hơn.
Đầu tiên học để giữ ghế. Kiếm được một chỗ ngon lành, tấm bằng cao học như đóng đinh thêm phần chắc chắn, bảo đảm ngồi đấy đến về hưu không lo nhúc nhích. Nộp tấm bằng vào hồ sơ lý lịch rất dễđược đề bạt lên chức.

Thứ nữa học vì… chẳng biết làm gì. Có người tốt nghiệp đại học xong, tốn tiền photo hàng mấy chục bộ hồ sơ mỏi chân đi xin việc làm khắp nơi mãi không được. Nơi đúng chuyên môn học thì đã đủ người hoặc đòi hỏi hai năm kinh nghiệm. Mới ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm. Những việc không đúng chuyên môn dĩ nhiên là công việc phổ thông chung chung, thư ký, chạy việc… với đồng lương chết đói, không cơ hội thăng tiến, cuộc đời xem chừng bị vùi dập dưới bùn đen. Cuối cùng đành quay lại nhà trường tà tà học cao học chờ thời.

Người khác tốt nghiệp đại học, xin được việc làm rồi, chưa kịp lập gia đình, thời gian rảnh rỗi mỗi tối, cuối tuần, chẳng biết làm gì. Nếu không rơi vào game vô bổ, hư thân do bị đồng nghiệp rủ rê tụ tập nhậu nhẹt thì tốt hơn hết ghi danh học cao học cho trám thì giờ. Dù sao không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang.

Quả có bổ thật. Nếu đang làm cho tư nhân, tấm bằng cao học đầy quyến rũ sẽ được tăng lương ngay. Còn đang là công chức thì lòng vòng hơn. Anh Khang giải thích:

- Cứ hai ba năm thâm niên tăng lương một lần. Bảng lương chính thức căn cứ vào bằng trung học chuyên nghiệp, cao đẳng hay đại học không thay đổi. Nhưng người tốt nghiệp cao học sẽ được tăng lương thông qua “phụ cấp”.

Ngoài ra người có bằng cấp cao sẽ dễ được thăng chức. Ở những vị trí càng cao đương nhiên phụ cấp tăng tỷ lệ, chứ cử nhân bây giờ xoàng quá, lương ba cọc ba đồng biết bao giờ mở mày mở mặt để mua nhà rồi lấy vợ sinh con. 

Cô bồ của anh Khang dõng dạc tuyên bố:

- Lấy anh phải có nhà riêng chứ em không làm dâu.

Thành ra theo đuổi cao học để lấy bằng thạc sĩ đã mau chóng trở thành phong trào… sau đại học.

Quả thực thời buổi “của khôn, người khó”, “người người học đại học, nhà nhà học đại học”.

Bởi có cầu đương nhiên có cung. Lúc trước các trường đại học tư ào ào mở như nấm sau mưa ra sức tìm khách hàng để cung cấp cho thanh niên và các bậc phụ huynh tấm bằng đại học.

Vét sạch sành sanh đủ loại: Sinh viên đại học, sinh viên liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học, sinh viên cao học.

Kết quả nhãn tiền cho thấy chỉ sau vài năm là những tấm bằng này không có giá trị gì ngoài việc lộng kiếng treo phòng khách. Thậm chí bây giờ cũng chẳng dám ai treo lên khi chẳng nơi nào thèm nhận chủ nhân của chúng vào làm việc.

Mặc kệ, giờ là phong trào cao học. Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các trường đại học tưng bừng mở lớp đào tạo thạc sĩ. Nào là trường chính quy, trường liên kết với trường trong nước, trường liên doanh với trường ngoại quốc… Ngay cả một công ty ở Đồng nai cũng mở thông báo tuyển sinh thạc sĩ nghành Quản trị kinh doanh.

Các trường đại học không thèm quảng cáo mà chỉ ra thông báo trên web là thiên hạ đã ùn ùn ghi danh.

Ghi danh đây không phải vào lớp học ngay mà vào lớp luyện thi.

Trước đó để câu khách, trường đại học vẫn cho sinh viên thi rớt vào lớp học, phần thi vào cho thiếu sang năm hoặc sang năm nữa, chừng nào đậu thì nộp kết quả. Cho nên không lạ khi nhiều sinh viên đã hoàn tất chương trình cao học nhưng vẫn không đậu nổi phần vào. Vì thế kỳ thi tốt nghiệp cứ treo đó đợi.

Do đó cần thiết để mở lớp ôn thi. Thứ nhất ôn lại cho những sinh viên đi làm, bỏ học đã lâu quên bài. Thứ hai theo đúng truyền thống của tất cả kỳ thi trên đời này là bao giờ đề cũng ra trong phạm vi đã ôn.

Vậy thí sinh mới chịu đóng cho lớp luyện thi sáu triệu đồng chứ có ít đâu.

Học cao hơn tốn kém lắm. Vô số tiền chi vào đó. Học phí cao ngất khoảng năm chục triệu cho hai năm dùi mài kinh sử. Tiền sách vở cũng bộn vì mỗi năm một thay đổi nhằm ngăn chặn việc sinh viên mượn cua cũ về copy lại, cũng làm hao hụt phần nào lợi tức nhà trường. Chi phí thực tập, tốt nghiệp đủ thứ phát sinh gồm luôn tiền phong bì, còn cà phê thuốc lá cho thầy cô trong thời gian học hành để gia tăng tình thầy trò ấm áp không kể… Trường liên doanh với nước ngoài càng dễ. Theo quảng cáo học một năm trong nước, một năm nước ngoài để lấy bằng quôc tế. Khác biệt là đóng bằng tiền đô chứ không phải tiền Việt.

Sở dĩ học phí trong nước bị đội lên vì lương trả cho giáo viên rất cao.

Thật ra nếu giáo viên tại trường dạy thì không được phép trả cao quá. Để lách quy định này, giáo viên trường này qua dạy trường khác. Trường A mời giáo viên từ trường B sang dạy, trường B lại mời ngược giáo viên trường A hay trường C khác sang… Được xếp loại “giáo viên thỉnh giảng” chứ không phải giáo viên của trường thì tiền đứng lớp cao hẳn lên.

Trường miền Nam liên kết cả với trường miền Bắc. Cho dù cũng đủ lớp lang, cũng ôn thi, luyện thi, kiểm tra trình độ Anh văn… nhưng thi tuyển bao nhiêu thì đậu đủ bấy nhiêu. Cũng một lớp học, cũng đèn, cũng điện, thầy cô mời từ phương xa vào, chi phí vé máy bay, khách sạn tốn kém nên thêm càng nhiều người học càng lợi.

Nói chung ai cũng phải tìm cách sao cho sống khỏe.

Trường chính quy quốc gia đặt ra điểm ưu tiên cho thành phần “cốt cán”. Thí sinh đi thi tuyển vào lớp cao học sẽ được thêm một điểm nếu là cán bộ đi học, thêm hai điểm nếu là con thuộc diện “chính sách”, thêm “n” điểm nếu là người dân tộc, người vùng sâu, vùng xa… nên sinh viên thành phố méo mặt.

Trường đại học danh giá có “thương hiệu” nên tổ chức kỳ thi vào khó khăn. Thí sinh giỏi thực sự mới đậu nổi vào khá ít và chương trình học nặng nề. Thế những người còn lại với niềm khao khát mãnh liệt tấm bằng cao học thì sao, học phí ôn thi đã nhanh nhảu đóng đủ rồi. Phải giải quyết thỏa đáng cho cái nhu cầu cấp bách của thị trường đang nóng hổi này chứ.

Vì thế, trừ đi ngôi trường danh giá duy nhất nọ thì đậu vào cao học không phải chuyện khó khăn khi tại những trường khác, người ta kháo nhau thi năm mươi người, đậu bảy mươi! Trường này khó, trường kia dễ. Một cánh cửa mở hé thì mười cánh khác phải mở lối ra cho người ta đi chứ.

Trường mở lớp cao học một phần là “nồi cơm” của trường. Mở lớp cao học thì sẽ có ôn thi, luyện thi, chấm thi, giáo trình, hướng dẫn luận văn… mà thật ra luận văn tốt nghiệp của bậc học nào cũng toàn chiên xào nấu nướng lại mà thôi, có nghiên cứu gì đâu. Nhất nhất chuyện gì cũng tiền. Sinh viên cứ thế mà móc hầu bao.

Chỉ có một số hiếm hoi nhất tâm học cao học để làm… giáo sư đại học.

Giống y như thi đại học. Chỉ khó thi vào thôi. Lọt vào rồi học tà tà, thi ra là chuyện nhỏ. Mà trong khi thi vào thì đã được bảo đảm ở lớp ôn là tỷ lệ đậu 70/50.

Theo thông lệ, bao giờ chất lượng cũng tỷ lệ nghịch với số lượng. Cứ xem đà phát triển vũ bão của cao học là biết ngay trình độ thạc sĩ tuột dốc lẹ làng thế nào. Mỗi năm một tiến sĩ hướng dẫn mười sinh viên thạc sĩ. Số sinh viên đông đúc như thế lấy đâu ra thầy hướng dẫn, thời gian đâu để nghiên cứu, thực hành. Với lại học nhiều quá ai theo cho nổi, luận văn qua loa rồi cấp bằng lẹ lẹ xong còn lo đón lớp sinh viên mới.

Anh Nguyễn người Hà Tĩnh, có bằng Cử nhân ngành Lịch Sử của trường đại học tư, bằng Thạc sĩ của trường đại học công lập, nhưng suốt hai năm đi xin dạy học suốt Bắc, Trung, Nam đều không đâu nhận.

Đủ mọi lý do đưa ra từ chối anh chàng Thạc sĩ này: Nơi chê văn bằng đại học tư, nơi chỉ nhận người có hộ khẩu tỉnh nhà, chính quê nhà thì thừa giáo viên, trường trung học chỉ cần giáo viên cao đẳng, đại học đủ rồi, thạc sĩ, tiến sĩ bằng thừa, nhận về trong khi Phòng Giáo dục, ban Giám hiệu… toàn cử nhân. Té ra họ dốt hơn thì làm sao “lãnh đạo” được anh?

Anh đành từ bỏ giấc mộng làm đúng ngành theo học, mà kiếm sống bằng nghề lao động chân tay …

Thôi thì ráng chịu đựng, chung quanh ai cũng thạc sĩ mà mình cử nhân thì cũng thuộc thành phần… chậm tiến không theo kịp trào lưu!!! Ban ngày nội trợ, khuân vác, phụ xế… kiếm cơm, tối về nằm vắt chân ngắm tấm bằng cao học, cũng thấy lòng an ủi…

Người học cao học để lấy thêm bằng lận lưng cho oai, người học cao học vì… thất nghiệp… Bằng thạc sĩ như bươm bướm tạo nên cảnh “thừa thầy”. Ai dám nói xứ VN chậm phát triển?

Saigon cô nương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét