Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

‘Chảy đi tiền ơi…’ và chuyện y phục – kỳ đức

‘Chảy đi tiền ơi…’ và chuyện y phục – kỳ đức
Có một sự kiện sắp tới, vô tình cũng lại liên quan đến thành ngữ Y phục xứng kỳ đức mà cha ông ta tổng kết từ xưa.
Vào lúc ngành du lịch Việt Nam còn đang ồn ào dư luận tìm ứng viên có cả nhan sắc và năng lực trúng cử Đại sứ Du lịch thay cho người đẹp Lý Nhã Kỳ xin rút lui, thì một vụ việc còn gây ồn ào hơn, ngang ngửa với vụ việc người đẹp này vừa “lái” một vài phi công của VietNam Airline đến… kỷ luật.

Nạn chặt chém gây xấu hổ cho ngành du lịch VN.
Không chặt, chém thì cạp đất mà ăn à?
Đó là những hiện tượng tài xế taxi, xích lô, nhân viên khách sạn…, “chặt, chém” một cách dã man khách ngoại quốc người Úc, người Pháp, liên tiếp xảy ra gần đây, làm hổ thẹn ngành du lịch, và tiếp tục gây “điều tiếng” cho du lịch VN trong mắt bạn bè thế giới.
Nói vậy cũng không ngoa. Bởi trước đó, tháng 10/2011, chuyện “chặt, chém” khách quốc tế đã diễn ra oái oăm, như chuyện của Những người thích đùa: Hai đại biểu Interpol (người Singapore) tới Việt Nam dự họp Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế tổ chức tại Hà Nội, đã bị tài xế taxi tiền trảm không thương tiếc. Và họ còn bị tay lái taxi này giữ luôn cả máy điện thoại di động iPhone 4 để quên trên xe- hệt họ như những…nghi can.
Còn Matthew Kepnes, một người Pháp điều hành trang web du lịch Nomadic Matt’, từng viết nhiều bài cho The New York Times, The Guardian, BBC, CNN, Huffington Post…., đã đi du lịch VN suốt một tháng. Kết quả của tour du lịch Việt là một bài viết về VN, với hình ảnh “te tua” tồi tệ vì liên tục bị quấy rầy, bị chặt chém, trả giá đắt và đối xử tệ.


Bài viết dạo đó đã gây tranh cãi rất dữ trong cộng đồng Việt. Người đồng tình, kẻ phản đối. Giờ, số người Việt đồng tình với anh ta chắc là số đông.


Khách quốc tế đến VN, thì những vị “đại sứ” du lịch đầu tiên họ tiếp xúc, cho họ hiểu về hồn Việt- con người Việt, văn hóa Việt, phong tục tập quán Việt, món ăn Việt – chính là những tài xế taxi, là nhân viên khách sạn, là người chở xích lô, người bán hàng…

Tiếc thay, Đại sứ Du lịch VN chưa tìm thấy, đã thấy nhan nhản các “đại sứ”…chặt chém.

Câu chuyện mới đây của ba mẹ con bà Ilona Schultz, của ba du khách Pháp, của vợ chồng anh David Patrick, khiến cho người ta cảm tưởng, người Việt đang hòa ca bài Chảy đi tiền ơi… một cách nhẫn tâm (xin lỗi nhạc sĩ Phó Đức Phương) với du khách. Bởi một năm trước đây, Matt Kepnes từng cay đắng thốt lên: Tôi không muốn quay trở lại vì tôi bị đối xử quá khác biệt. Tôi không muốn đi đâu tôi cũng bị coi như một cái máy rút tiền ATM di động.

Matt Kepnes không phải người duy nhất, nếu biết thông tin, có tới trên 80% khách du lịch đến VN đã không quay trở lại. Con số này trong 5 năm qua luôn nằm ở mức 80-90%! Không chỉ chặt, chém, tồi tệ nhất còn là chuyện trộm cắp. Đến mức, theo VietNamNet (ngày 9/5), tờ TTR Weekly của Thái Lan có hẳn bài viết nhan đề Những bàn tay tàng hình ở phố cổ Hà Nội. Những bàn tay “tàng hình” đó vươn khắp nơi: Huế, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP. HCM…

Và cũng hài hước đến mức, tại Festival Huế 2012, ngài Đại sứ nước Cộng hoà Venezuela giơ máy chụp ảnh, vô tình chụp được kẻ cắp thò tay móc điện thoại di động của ngài Đại sứ Argentina.

Được biết, trước các vụ việc xảy ra gần đây, đích thân ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch VN, và ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH- TT- và DL Hà Nội đã đích thân đến gặp và xin lỗi bà Ilona Schultz, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý hai vụ khác. Đó là hành động văn hóa cần thiết, kịp thời.

Thế nhưng, nếu quan chức đầu ngành du lịch, quan chức sở VH- TT- DL Hà Nội phải đi xin lỗi trực tiếp du khách, thì các vị này sẽ phải nói lời xin lỗi du khách bao nhiều lần nữa? Đó là những vụ việc, du khách gặp may, được ngành chức năng biết đến và ứng xử kịp thời. Còn bao nhiêu vụ việc, du khách ấm ức và lủi thủi chịu đựng? Để rồi, “họ bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Để rồi, những khẩu hiệu của ngành du lịch: Việt Nam, điểm hẹn của thiên niên kỷ mới; VN vẻ đẹp tiềm ẩn…, sẽ chỉ là khẩu hiệu, bởi vẻ đẹp Việt dường như vẫn còn …tiềm ẩn ở đẩu ở đâu (?)

Sự xin lỗi của ngành du lịch VN, không gì tốt hơn, là xin lỗi bằng một chiến lược bài bản thực sự cần được quảng bá, thiết lập lâu dài, và cần được cả quốc gia, cộng đồng, từ người tài xế taxi, người chở xích lô, người bán hàng rong, bán hàng lưu niệm…, những “đại sứ du lịch” dân gian đầu tiên, thực sự đồng cảm và chia sẻ, vì ý thức quốc thể, vì nhân tâm và hành xử văn hóa của con người.

Chả cần nhìn xa, xin hãy nhìn gần như xứ sở Thái Lan, trong vấn đề giá cả. Chả biết quốc gia này quản lý, vận động, tuyên truyền, học tập khéo thế nào, mà người dân nhất nhất chia sẻ với nhà nước, khi họ chấp nhận chuyện bán giá “thống nhất” cho người trong nước cũng như khách du lịch ngoại quốc, không khác biệt. Khi người dân mua vàng cửa hàng này, bán vàng cửa hàng kia, cũng với giá đó, kể cả du khách.

Sự nhìn xa trông rộng của Thái Lan khiến họ giữ được niềm tin “Xứ sở của nụ cười” trong ấn tượng của thế giới, hệt nụ cười của các thiếu nữ Thái niềm nở khi đón du khách từ máy bay bước xuống.

Ngọc Trinh làm đại sứ du lịch là chuẩn nhất?
 Ngọc Trinh làm đại sứ
du lịch là chuẩn nhất?
Giữa lúc chuyện chặt, chém du khách còn chưa nguội, có tờ báo, trang mạng bỗng tự chọn Ngọc Trinh làm Đại sứ Du lịch là “chuẩn” nhất, khiến tâm lý cộng đồng xã hội lại một lần nữa nóng lên.

Không biết người đẹp này đi du lịch trong nước đã nhiều chưa, nhưng y phục nàng lúc nào cũng như bị… chặt, chém. Nhan sắc có thừa, trí tuệ có “đạt chuẩn” không, có điều, chỉ sợ phát ngôn của người đẹp này mà được các bác tài xế taxi, xích lô, nhân viên khách sạn chia sẻ thành “sách lược”: Không chặt chém, cạp đất mà ăn à, thì du lịch VN cứ còn tiếp tục là Vẻ đẹp… tiềm ẩn với thế giới!

Phát ngôn xứng “kỳ đức”?

Liên quan đến chuyện văn hóa đối ngoại, một vị giáo sư tiến sĩ trong ngành âm nhạc dân tộc, ông T. N. T vừa có một phát ngôn ấn tượng, khiến người nghe… cúi mặt: Không quốc phục, họp quốc tế thấy nhục!

Công nhận là Quốc phục, hay như Quốc hoa, ở VN ta được bàn tới khá chậm. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới, chuyện đó đã rõ ràng, ngã ngũ, nó tạo nên niềm kiêu hãnh, bản sắc văn hóa riêng biệt của quốc gia trên trường quốc tế.

Nhưng từ sự chậm về Quốc phục đến cái sự nhục quốc thể, qua phát ngôn của vị GSTS khá có tên tuổi nói trên, lại là một khoảng cách quá… xa lạ, thuộc về tư duy, về ý thức phát ngôn của một nhà nghiên cứu một lĩnh vực của văn hóa. Bởi nó quá dở, nó khí thiếu văn hóa, và làm tổn thương… quốc thể thì đúng hơn.

Có câu Chiếc áo không làm nên thầy tu, để nói bản chất vấn đề mới là quan trọng (dù hình thức, trong nhiều hoàn cảnh cụ thể, không được phép coi thường). Nhưng khi mà xã hội còn đang chật vật và còn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn, với nợ công, nợ xấu, với vấn nạn tham nhũng, với kẹt xetắc đường, với bệnh viện quá tải 2-3 người bệnh/ giường, với trẻ em đói ăn, đói chữ…, thì chuyện chưa có Quốc phục đâu phải là nỗi nhục.

Chỉ nên nhục khi chúng ta để vấn nạn tham nhũng, thói gian dối, ngang nhiên chung sống nhởn nhơ trong xã hội…

Chỉ nên nhục, khi các “nhóm đặc quyền, đặc lợi” hoành hành ngang dọc, mặc quốc gia có nguy cơ tụt hậu với thế giới hiện đại.

Chỉ nên nhục khi văn hóa Việt tuyệt vời là thế, đang bị trở thành “văn hóa chặt, chém, trộm cắp” trong con mắt du khách.

Chỉ nên nhục khi làm những việc thất đức- như mua bán dâm trẻ em nhưng lại cao giọng… đạo đức, vv…và vv..

Quốc phục, hay như Quốc hoa, ở VN ta được bàn tới khá chậm. Ảnh minh họa
Quốc phục, hay như Quốc hoa,
ở VN ta được bàn tới khá chậm.
Lại có câu Y phục xứng kỳ đức. Thế nhưng, khi chưa có được y phục (Quốc phục), thì phát ngôn cũng cần xứng với “mác” kỳ đức, ở đây là của một GSTS có tên tuổi. Kẻo đến lượt người dân cũng kinh ngạc, không hiểu nổi “mác” kỳ đức của ông!

Vừa vặn hay… quá rộng?

Có một sự kiện sắp tới, vô tình cũng lại liên quan đến thành ngữ Y phục xứng kỳ đức mà cha ông tổng kết từ xưa. Đó là chủ trương lấy phiếu tín nhiệm với 49 nhân sự cấp cao, tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, khai mạc ngày 20/5 tới đây.

Y phục- chính là lá phiếu tín nhiệm của các đại biểu QH, dành cho kỳ đức của các vị quan chức thuộc đối tượng của chủ trương này.

Sự kiện “may đo” này- lần đầu tiên diễn ra ở cơ quan Lập pháp có quyền lực được gọi là cao nhất nước, lại chưa hề có tiền lệ trong xã hội, chắc chắn gặp không ít khó khăn và thử thách. Tâm lý gần 500 con người, cả người bỏ phiếu, người lấy phiếu đều căng thẳng, cho dù đó là cuộc sinh hoạt dân chủ. Nhất là nó diễn ra trước sự theo dõi sát sao của triệu triệu người dân, những người mà mọi vui buồn, sướng khổ, mọi hạnh phúc hay bất hạnh còn được quyết định bởi … kỳ đức của những người nắm vận mệnh quốc gia.

Thử thách, bởi cho dù đại biểu QH do dân cử, nhưng chất lượng đại biểu QH (chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp), và chất lượng sinh hoạt QH vẫn còn là một điều đáng quan tâm. Có những đại biểu còn “nợ dân” bởi lá phiếu bầu. Lần này, họ sẽ bỏ lá phiếu tín nhiệm chính xác, xứng đáng hay ngược lại, tiếp tục… nợ dân?

Thử thách, bởi những báo cáo của các nhân sự cao cấp gửi lên QH cho thấy, sự lúng túng, sự bỡ ngỡ, và do đó- không tránh khỏi hạn chế đến chất lượng của cuộc lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên này. Khi mà có những báo cáo rất sơ sài, chủ yếu mang tính liệt kê thành tích. Lại có những báo cáo, “cái cần không báo, cái báo không cần”.

Thử thách, bởi QH- theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, là một thiết chế chính trị. Đặc tính này cho thấy, QH cũng là nơi hội tụ cao nhất các mối quan hệ chính trị, công vụ và lợi ích chằng chéo, vừa phức tạp, vừa nhạy cảm. Sự bỏ phiếu- lấy phiếu tín nhiệm, vì thế cũng vô cùng khó khăn và tế nhị. Không phải không có lý khi TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét, để đánh giá chính xác thì cần có tranh luận, điều trần, chất vấn.

Thử thách, bởi đặc tính người Việt là duy cảm, duy tình hơn duy lý, là “dĩ hòa vi quý”, thậm chí cả nể, “an phận thủ thường”. Những đặc tính đó, có thể không gây hại trong một đời sống cộng đồng bình thường. Nhưng sẽ tác hại không nhỏ trong một sinh hoạt dân chủ của QH, trước đòi hỏi kỳ đức phải thật… kỳ đức.

Thử thách, bởi liệu những tiêu cực “ám” vào tính cách của con người chính trị (nếu có) thì giá trị của lá phiếu tín nhiệm sẽ ra sao? Khi mà Chủ tịch nước trong cuộc tiếp công dân ở Đoàn đại biểu QH t/p HCM trước đây từng cảnh báo phải coi chừng hiện tượng “chạy” trong lấy phiếu tín nhiệm! Môn thể thao lợi cho sức khỏe, giờ đây lợi… đủ đường?

Thử thách, bởi tất cả những đặc thù chung và riêng của đời sống xã hội, của cơ quan Lập pháp; và những đặc tính hạn chế của người Việt, trên một nền tảng thiết chế quản lý chưa hoàn thiện, thậm chí còn nhiều khiếm khuyết, liệu có khiến cho sự kiện lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên này, vạn sự như ý ? Hay nguy cơ hòa cả làng theo như lo ngại của đại biểu QH Dương Trung Quốc?

Y phục sẽ vừa vặn hay… quá rộng với kỳ đức?

Hãy đợi đấy!

Kỳ Duyên

Bản gốc của tác giả

(Quê Choa)
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-05-10-an-tuong-trong-tuan-chay-di-tien-oi-va-chuyen-y-phuc-ky-duc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét