Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Trả lời thư bạn đọc hỏi về tỷ giá thực

Trả lời thư bạn đọc hỏi về tỷ giá thực
Lai Tran Mai: Hôm qua 6 Tết có một bạn sinh viên đại học tại thành phố Hồ Chí Minh gửi email cho tôi hỏi về tỷ giá thực. Trước đó, trước và trong đúng ngày 1 Tết âm lịch cũng có một số bạn đọc Blog hỏi về vấn đề tiền tệ và tỷ giá. Đặc biệt, có bạn đọc dường như đã già nhưng lại "rất thích loạt bài Kỹ thuật xây dựng, sử dụng mô hình kinh tế lượng", cho rằng "chúng thật là hữu ích cho chúng tôi, những người tập tọe làm nghiên cứu. Cảm ơn chủ Blog rất nhiều, nhân tiện đây, tôi xin bác gửi cho tôi 1 bản đầy đủ về kỹ thuật này"... Thật là xúc động khi thấy nhiều người vẫn quan tâm đến những vấn đề khoa học khó và khô khan như vậy trong bối cảnh những ngày Tết bận rộn này.
Bình thường tôi chỉ trả lời trực tiếp qua Email, nhưng vì câu hỏi lần này của bạn liên quan đến tỷ giá thực và có mấy bạn hỏi liên tiếp nên tôi muốn công khai câu trả lời trên mạng để một số bạn đọc khác có thể tham khảo.
Câu hỏi:

Cháu may mắn được biết đến Blog của chú và tham khảo được những bài nghiên cứu của chú về REER. Cháu rất ngưỡng mộ chú vì phương pháp tính REER của Việt Nam không đơn giản khi số liệu khá rời rạc.
Hiện tại cháu đang làm một đề tài nghiên cứu về phá giá nội tệ cho trường hợp Việt Nam để làm luận văn tốt nghiệp. Cháu đang tìm số liệu để tính REER nhằm phục vụ cho mô hình được xây dựng trong bài nghiên cứu.
Nhưng do kiến thức và khả năng còn kém nên cả tuần nay cháu vẫn chưa tìm được đủ dữ liệu để tính REER. Với những kinh nghiệm và kiến thức lâu năm của chú, chú có thể vui lòng cho truyền đạt cho cháu một số số liệu để cháu tiến hành tính REER không ạ?
Bài nghiên cứu của cháu dùng dữ liệu theo quý từ năm 1999 đến năm 2012 với năm cơ sở được chọn là năm 1999. Hiện tại cháu mới chỉ tìm được GDP và tỷ giá hối đoái doanh nghĩa của các quốc gia trong "rổ tiền" thôi ạ.
Mong chú có thể xem xét và giúp đỡ cho cháu. Cháu xin cảm ơn và mong tin từ chú.
Cháu thành thật xin lỗi nếu email này gây phiền phức cho chú.
Chúc chú sức khỏe và thành công!
P/S: Chú vui lòng cho cháu hỏi là chú có thực hiện nghiên cứu nào về REER theo quý với thời gian từ 1999 đến năm 2012 không ạ? Nếu có thì xin phép chú cho cháu được tham khảo để phục vụ cho bài luận văn của cháu ạ. Mọi thông tin, số liệu tham khảo từ những nghiên cứu của chú cháu xin cam đoan sẽ trích dẫn đầy đủ nguồn gốc và quyền tác giả.


Trả lời:
Cám ơn bạn đã viết thư hỏi về một vấn đề khó vào loại bậc nhất, nếu không muốn nói là khó nhất, đối với những người làm chính sách kinh tế vĩ mô ở Việt Nam cũng như trên thế giới: Vấn đề phá giá tiền tệ.
Vấn đề bạn nêu tập trung vào hai câu hỏi:
1. Có nên phá giá nội tệ trong trường hợp Việt Nam.
2. Tính toán tỷ giá thực REER và nguồn số liệu để tính.


Xin trả lời cụ thể như sau:

1. Có nên phá giá nội tệ trong trường hợp Việt Nam.


Phá giá hay không phá giá tiền tệ là một vấn đề cực kỳ hệ trọng đối với một nền kinh tế có độ mở cửa cao như nền kinh tế nước ta. Chúng ta đều biết, tỷ giá có chức năng chuyển hệ thống giá quốc tế tính bằng ngoại tệ thành giá tính bằng tiền trong nước, đồng thời chuyển giá tính bằng tiền nội tệ của hàng hóa trong nước thành giá quốc tế. Nếu nhìn nền kinh tế nước ta năm 2013 dự kiến có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 258,5 tỷ USD (xuất 124,3 tỷ USD, nhập 134,2 tỷ USD) và dịch vụ 24 tỷ USD (xuất 10,5 tỷ USD, nhập 13,5 tỷ USD), chưa tính tới các luồng tiền vào ra khác trong hệ thống cán cân thanh toán quốc tế...; trong khi GDP chỉ đạt khoảng 160 tỷ USD thì sẽ thấy việc điều chỉnh vài phần trăm tỷ giá có ảnh hưởng thế nào đối với toàn bộ nền kinh tế.

Do vậy, để trả lời có nên phá giá nội tệ hay không, cần phải có những nghiên cứu chi tiết, khoa học, từ vĩ mô đến vi mô, từ lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn tới tính toán qua các mô hình toán học... thì mới có thể có những quyết sách đúng đắn. 
Trong nghiên cứu của mình, đã có giai đoạn chúng tôi đề nghị không nên phá giá tỷ giá danh nghĩa với các lập luận khá chi tiết, ví dụ ở bài này: Bàn về Phá giá và khả năng thực hiện Phá giá ở nước ta.... Nhưng cũng có giai đoạn chúng tôi đề xuất nên phá giá mạnh tới 30%, tốt nhất nên tới 50% vì những biện pháp khác có thể thay thế phá giá đều không được chính phủ chấp nhận trong khi nền kinh tế đang đi dần đến chỗ bế tắc, ví dụ xem ở bài này với 3 phần: (1) CHÚNG TA SẼ THU ĐƯỢC GÌ KHI PHÁ GIÁ MẠNH ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM...

Ngoài những nghiên cứu vĩ mô về tỷ giá, chúng tôi cũng đã thử nghiên cứu các yếu tố vi mô của chính sách phá giá, ví dụ xem ở bài này: ẢNH HƯỞNG CỦA TỶ GIÁ TỚI XUẤT KHẨU MỘT SỐ MẶT HÀNG NÔNG SẢN VIỆT NAM.... hoặc bài 
CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRONG 15 NĂM ĐỔI MỚI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC KHI VÀO THẾ KỶ 21... và bài: Về những khó khăn hiện nay của nền kinh tế nước ta... (xem phần tóm tắt nguyên nhân của tình hình ở trang 14)...
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, do đã nhiều năm không làm việc trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, không cập nhật thông tin và tiến hành các phân tích, dự báo, lại đang sống ở nước ngoài, thiếu các thông tin xã hội Việt Nam cần thiết (tỷ giá là vấn đề nhạy cảm với toàn xã hội nên việc phá giá không chỉ phải tính đến các yếu tố kinh tế mà rất cần tính cả các thông tin xã hội tại thời điểm phá giá, nếu là phá giá khá lớn, được thực hiện 1 lần, không báo trước) nên tôi không thể đưa ra ý kiến nên điều chỉnh tỷ giá hay không, và cũng xin trả lời là tôi không có 
nghiên cứu nào về REER theo quý với thời gian từ 1999 đến năm 2012. Tuy nhiên, với nguồn số liệu quý hiện giờ đã không còn khó kiếm, có thể tính tương đối dễ dàng REER; cái khó là từ đây rút ra các kết luận chính sách như thế nào.

2. Tính toán tỷ giá thực REER và nguồn số liệu để tính.


2.1. Dù không phải là người làm việc chuyên sâu về tiền tệ và tỷ giá, nhưng do tầm quan trọng của chúng trong chính sách kinh tế vĩ mô nên tôi cũng đã dành thời gian nhất định cho vấn đề này.
Trong số vài bài nghiên cứu cũ còn lưu lại được, tôi có đưa lên Blog bài "ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CỦA VIỆT NAM TỪ NĂM 1990 ĐẾN NĂM 2002" trong đó có đoạn: "Đáng tiếc là cũng như trong trường hợp lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều hành chính sách tỷ giá chỉ chú trọng tới tỷ giá danh nghĩa mà hầu như không xét tới tỷ giá thực trong khi tỷ giá thực mới là công cụ để duy trì và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo sự cân đối dài hạn giữa giá cả hàng hoá trên thị trường trong nước và giá cả hàng hoá đó trên thị trường quốc tế.
Mặt khác, phương thức xử lý mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá ở nước ta còn rất bất cập và đã kéo dài trong suốt một thập kỷ qua: Do tham vọng muốn kiểm soát đồng thời tỷ giá và tổng cung tiền tệ (qua đó thực hiện mục tiêu cuối cùng là ổn định lạm phát), NHNN đã tự mình làm méo mó chính sách tiền tệ (CSTT) và khó có thể có được cơ chế truyền tải CSTT đúng đắn và ổn định vì lý thuyết cán cân thanh toán quốc tế cũng như lý thuyết tiền tệ đã chỉ rõ muốn kiểm soát tỷ giá thì phải tự do hoá cung tiền tệ, hoặc ngược lại muốn kiểm soát cung tiền tệ thì phải tự do hoá tỷ giá; tức là không thể để hai biến này cùng ngoại sinh hoặc cùng nội sinh nhưng với 2 mục tiêu tính toán hoàn toàn độc lập nhau như NHNN mong muốn".

2.2. Về cách tính toán tỷ giá thực, tôi chỉ còn một một bản nháp còn sót lại trên máy tính và đã đưa lên Blog: BÀN VỀ TỶ GIÁ THỰC VÀ MỨC ĐỘ PHÁ GIÁ ĐỒNG TIỀN NƯỚC TA. Theo hiểu biết của tôi, để tính toán tỷ giá thực, cần thu thập số liệu và tính toán một số chỉ tiêu sau của các nước bạn hàng cũng như của nền kinh tế trong nước:

Về tỷ giá danh nghĩa:
- Các tỷ giá (danh nghĩa) song phương (NER), ví dụ tỷ giá VNĐ/USD, VNĐ/YEN, VNĐ/EURO...
- Tỷ giá (danh nghĩa) đa phương là trung bình trọng số của các tỷ giá song phương (NEER). Tỷ giá đa phương là tỷ giá tương đối, tức là chỉ số với một năm nào đó là năm gốc; không có tỷ giá đa phương tuyệt đối như các tỷ giá song phương.
- Trọng số là tỷ trọng đồng tiền của từng nước song phương trong thanh toán giá trị ngoại thương của nước ta, hoặc thay thế bằng tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đối với nước bạn hàng song phương liên quan.
Trước đây, chúng tôi tính toán tỷ giá song phương cho 18 nước bạn hàng chính. Hiện nay quan hệ ngoại thương của ta đã rộng hơn nhiều nên có thể tăng thêm số nước bạn hàng trong danh sách tính toán.

Về tỷ giá thực: 
Tỷ giá thực (RER - Real Exchange Rate) là giá tương đối của hàng hoá và dịch vụ thương mại quốc tế được so với hàng hoá và dịch vụ không thương mại quốc tế được. Hàng hoá và dịch vụ thương mại quốc tế được là hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước nhưng có thể đem ra trao đổi được trên thị trường quốc tế (tức là có người chấp nhận mua dù chúng có thể chỉ được dùng trong nước mà không đem đi xuất khẩu). Ngược lại những hàng mà đem bán, dù giá rẻ đến mấy cũng không ai chấp nhận mua (ví dụ sắt thép, xi măng hay hàng tiêu dùng chất lượng quá thấp), hoặc những mặt hàng không đem đi được như cắt tóc, gội đầu, cho thuê nhà đất... thì được gọi là hàng hoá và dịch vụ không thương mại quốc tế được.
Về toán học, tỷ giá thực được xác định theo công thức:

RER = Pt / Pnt          (1)

trong đó RER là tỷ giá thực, Pt và Pnt lần lượt là giá hàng hoá và dịch vụ thương mại và không thương mại quốc tế được, cả hai giá này đều được tính bằng tiền nội địa.

Trong công thức trên, Pt= ER * Pi, trong đó Pi là giá tính theo ngoại tệ của các hàng hoá và dịch vụ thương mại quốc tế được, thường được xác định theo giá thế giới, và ER là tỷ giá danh nghĩa đa phương (hoặc song phương tuỳ hoàn cảnh số liệu). Thay vào công thức trên và sử dụng tỷ giá đa phương EER, ta có:

RER = EER * Pi / Pnt                 (2) 

Tuy nhiên, trong thực tế, việc phân chia các hàng hoá và dịch vụ trong nước thành hai loại thương mại quốc tế được và không thương mại quốc tế được rất khó khăn, nhất là trong điều kiện các nước đang phát triển, nên thay vì dùng công thức (2), người ta chấp nhận sử dụng công thức xấp xỉ sau đây:



RER = EER * Pe / Pd                  (3) 

trong đó Pd là chỉ số giá nội địa, đại diện cho giá hàng hoá và dịch vụ không thương mại quốc tế được, và Pe là chỉ số giá hàng hoá và dịch vụ trung bình của các nước bạn hàng. Pd và Pe có thể là giá tiêu dùng hoặc giá GDP. Vì đây là công thức tính xấp xỉ nên RER không còn là chính nó nên nó được gọi là REER
(Real Effective Exchange Rate).

Theo công thức trên, nếu tỷ giá danh nghĩa không đổi, nhưng giá thế giới tăng 5% và mặt bằng giá trong nước tăng 15% thì tỷ giá thực sẽ giảm 8,7% (105%/115%-100=-8,7%). Khi đó đồng tiền nội địa sẽ được xem là bị đánh giá cao 8,7% so với thời điểm trước mặc dù tỷ giá danh nghĩa không thay đổi.

Từ công thức trên, có thể thấy cần thu thập một số thông tin sau để tính tỷ giá thực:
- Chỉ số giá của từng nước bạn hàng của ta, để từ đó tính chỉ số giá trung bình của tất cả các nước bạn hàng của ta với trọng số là tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa của ta đối với từng nước song phương liên quan. 
- Chỉ số giá (tiêu dùng hay giá GDP - GDP deflator) của ta
Và các công đoạn tính toán tỷ giá thực như sau:
(i) Tính chỉ số giá trung bình của các nước bạn hàng Pe
(ii) Xác định tỷ giá danh nghĩa bình quân của các nước bạn hàng EER
(iii) Xác định tỷ giá thực RER theo công thức trên.

2.3. Nguồn số liệu:


Các số liệu tiền tệ, tỷ giá nói chung khó kiếm, nhất là số liệu quý. Đã có một số bạn đọc hỏi tôi về vấn đề này và đã có đôi lần tôi đăng bài trả lời trên Blog này, ví dụ như bài này: Trả lời thư bạn đọc về số liệu tiền tệ và lạm phát. Nhìn chung, những số liệu để tính tỷ giá thực được tôi lấy như sau:
- Các tỷ giá danh nghĩa song phương: 
   (i) Hoặc làm việc với Vietcombank để xin chuỗi số liệu này.
   (ii) Hoặc phải tính gián tiếp qua tỷ giá giữa các đồng tiền song phương với đồng đô la Mỹ, tức là dùng tỷ giá của các đồng tiền đó với đồng USD và tỷ giá của đồng USD với VNĐ để tính ra tỷ giá của các đồng tiền song phương với VNĐ.
Số liệu tỷ giá giữa các đồng tiền song phương với đồng đô la Mỹ được lấy từ Thống kê Tài chính quốc tế hàng tháng (International Financial Statistics - IFS) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Có thể tham khảo các số liệu này qua trang thông tin điện tử của IMF (imf.org) hay đến văn phòng đại diện IMF tại nước ta, ở đó có đủ các cuốn IFS hàng tháng phục vụ miễn phí.
- Số liệu về tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đối với nước song phương liên quan: 
    (i) Hiện nay cả Bộ Công thương lẫn Tổng cục Thống kê (TCTK) đều có số liệu xuất nhập khẩu các hàng hóa hàng quý đối với từng đối tác bạn hàng. Tuy nhiên, dường như chỉ có Tổng cục Thống kê ước tính kim ngạch xuất nhập khẩu đối với từng đối tác. Vì vậy, có thể làm việc với TCTK để xin số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu đối với từng đối tác và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn nền kinh tế để tính ra tỷ trọng kim ngạc xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta đối với nước song phương.
Kinh nghiệm làm thực tế cho thấy những số liệu xuất nhập khẩu tháng, quý đều là thông tin nhanh nên độ chính xác kém, rất biến động giữa các tháng, quý. Đến cuối năm, Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê mới cập nhật đầy đủ các văn bản số liệu, tính toán lại số liệu xuất nhập khẩu theo tháng, quý để chính xác hóa con số cho cả năm; khi đó các số liệu xuất nhập khẩu theo tháng, quý sẽ thay đổi rất nhiều. Chính vì vậy theo chúng tôi, việc sử dụng số liệu xuất nhập khẩu theo tháng, quý theo con đường này không đáng tin cậy. Vì vậy, chúng tôi đi theo con đường thứ hai dưới đây đơn giản và tin cậy hơn.
    (ii) Sử dụng luôn tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm của nước ta đối với nước song phương liên quan cho tất cả các quý trong năm (tỷ trọng 4 quý trong năm như nhau, chỉ khác nhau giữa các năm). Khi đó, chỉ cần lấy số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm của nước ta đối với từng nước bạn hàng chính chia cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm là ra.
Chỉ số giá của từng nước bạn hàng của ta: Thông thường chúng tôi lấy chỉ số giá tiêu dùng (đúng ra thì phải lấy chỉ số giá GDP). Số liệu được lấy từ Thống kê Tài chính quốc tế hàng tháng của IMF.
- Chỉ số giá tiêu dùng của ta: Lấy từ Niên giám thống kê.

3. Về trích dẫn đầy đủ nguồn gốc và quyền tác giả:


Tôi đã thông báo rõ ràng ở cuối Blog này: CHỦ BLOG KHÔNG GIỮ BẢN QUYỀN VỚI MỌI BÀI VIẾT VÀ BÌNH LUẬN.
Đồng thời tôi cũng đã 2 lần thông báo trên Blog: Chủ Blog không giữ bản quyền với mọi bài viết và bình luận của cá nhân Chủ Blog trong Blog. Mọi cá nhân có nhu cầu sử dụng đều có thể lấy dùng, kể cả sao y nguyên bản mà không cần dẫn, trích tên Chủ Blog.
Có thể xem lại các thông báo ở đây:
1. Thông báo của chủ Blog
( http://toithichdoc.blogspot.ch/2012/01/thong-bao-cua-chu-blog.html )
2. Thông báo của chủ Blog (đăng lại)
( http://toithichdoc.blogspot.ch/2013/01/thong-bao-cua-chu-blog-ang-lai.html )

Trân trọng cám ơn các bạn quan tâm đến các vấn đề kinh tế nước Việt Nam ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét