Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

(4) Tiết kiệm, đầu tư đối với tăng trưởng và công nghiệp hóa

Bài viết cũ của tôi:
TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG TIẾN TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ: LÝ THUYẾT VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
2) Một số phát triển tiếp theo của lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển
          a) Xu hướng phát triển của thuyết tân cổ điển hiện đại
Mặc dù mô hình Harrod-Domar có một bước tiến mạnh mẽ so với mô hình cổ điển, nhưng nó vẫn còn một yếu điểm quan trọng là về dài hạn, cân bằng trong tăng trưởng kinh tế kém bền vững do những điều kiện giả định của nó quá chặt (ví dụ tỷ lệ giữa các nhân tố sản xuất như vốn và lao động... không đổi; tỷ lệ tiết kiệm và hệ số vốn - sản phẩm cố định nếu muốn duy trì tình trạng tăng trưởng bền vững; mức giá cả và lãi suất cũng không đổi theo thời gian...). Nếu các tham số cơ bản trong mô hình thay đổi thì tỷ lệ tăng trưởng thực tế sẽ chệch xa khỏi tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng, và quá trình tăng trưởng dài hạn, bền vững có nguy cơ không đạt. Đây chính là điểm mấu chốt sẽ được xử lý trong những phát triển tiếp theo lý thuyết tân cổ điển.
Trong những năm 60 đến nay, lý thuyết tân cổ điển đã có những bước phát triển mới để thích nghi với trình độ ngày càng cao của nền kinh tế. Theo phân tích của các nhà tân cổ điển hiện đại, tổng thu nhập quốc gia tăng lên là kết quả tổng hợp của tăng tích luỹ vốn, mở rộng lực lượng lao động và thay đổi công nghệ trong điều kiện cân bằng cạnh tranh. Các nhà kinh tế tân cổ điển nhận thấy trên thực tế, tốc độ tăng trưởng dân số có xu hướng giảm dần, nhất là tại các nước công nghiệp, đồng thời vai trò của tiến bộ công nghệ đã tăng lên nhanh chóng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2; quá trình này đi kèm với tăng nhanh thu nhập và đầu tư. Tiến bộ công nghệ không những giảm nhẹ những khó khăn do nguồn tài nguyên thiên nhiên giảm sút mà còn tạo ra những cơ hội tốt hơn để đầu tư sinh lợi cao hơn... Do đó, các nhà kinh tế tân cổ điển đã đưa yếu tố điều kiện tự nhiên ra khỏi mô hình, đồng thời lại đưa biến số tiến bộ công nghệ vào mô hình (Solmon, 1994).

          Tuy nhiên, cũng như lý thuyết cổ điển, lý thuyết tân cổ điển hiện đại vẫn coi tiến bộ kỹ thuật như một hằng số, được biểu thị bằng một tỷ lệ hoàn toàn không phụ thuộc vào các nhân tố tăng trưởng khác, do đó nó vẫn được xem là biến ngoại sinh. Tiếp cận nay dựa trên hai lập luận: Thứ nhất, tiến bộ kỹ thuật phụ thuộc vào các quy luật tự nhiên chứ không phải vào các quy luật kinh tế. Thứ hai, việc nghiên cứu khoa học và công nghệ trước hết thuộc chức năng của chính phủ và nhằm đáp ứng những mục tiêu phi kinh tế (ví dụ quốc phòng, an ninh, uy tín quốc gia); nền kinh tế có thể tranh thủ được những kết quả nghiên cứu này nhưng không chi phối được chúng.
          Mặt khác, các nhà tân cổ điển cũng đã chi tiết hoá vai trò của nhân tố đầu tư theo một số cách khác nhau. Nhờ sự phát triển của các thể chế tài chính, không chỉ người sản xuất kinh doanh bỏ vốn ra đầu tư thu lợi nhuận mà cả người tiêu dùng cũng vậy. Khi người tiêu dùng không sử dụng hết số thu nhập của mình cho mục đích tiêu dùng thì phần thu nhập còn lại có thể được sử dụng đầu tư vào đâu đó để sinh lời. Cơ chế lãi suất xuất hiện và ảnh hưởng tới tiết kiệm và đầu tư. Tỷ lệ tiết kiệm được xác định bởi thu nhập trong khi tỷ lệ đầu tư được xác định bởi tỷ suất lợi nhuận mong đợi, tức là theo hai phương thức khác nhau, nên cũng có thể khác nhau. Tuy nhiên, mỗi khi hiện tượng mất cân bằng xảy ra, quan hệ giữa các nhân tố trên sẽ được tự động điều chỉnh để lập lại cân bằng. Quan hệ giữa ba nhân tố này ảnh hưởng rất mạnh tới tăng trưởng kinh tế dài hạn. Chính vì vậy, các nhà kinh tế tân cổ điển cho rằng tăng trưởng là một quá trình phát triển hài hoà, trong đó ông chủ và người làm thuê chia nhau một cách bình đẳng lợi nhuận thu được; và tỷ lệ tăng trưởng dài hạn là ổn định, bền vững (Solmon, 1994).
Đối với các nhà kinh tế tân cổ điển, những thay đổi về cầu và di chuyển các nguồn lực từ khu vực này sang khu vực khác được xem là ít quan trọng vì vốn và lao động đều sinh ra lợi ích cận biên (marginal) như nhau trong mọi trường hợp sử dụng (Chenery, 1986). Sự phân bổ các nguồn lực (tối ưu Pareto) liên tục diễn ra theo thời gian do phản ứng nhanh nhạy của người sản xuất và tiêu dùng. Tại bất kỳ thời điểm nào, không thể tăng trưởng sản xuất gộp bằng cách di chuyển cưỡng bức vốn và lao động từ khu vực này sang khu vực khác; việc phân bố lại các nguồn lực sẽ tự động diễn ra trong quá trình mở rộng sản xuất.
          Giả thuyết chính của thuyết tân cổ điển được gọi là giả thiết cân bằng cạnh tranh, bao gồm ba giả thiết cụ thể: (i) Lãi trả cho các nhân tố đầu vào bằng với năng suất cận biên trong mọi trường hợp sử dụng; (ii) Không có kinh tế quy mô; (iii) Dự báo hoàn hảo và cân bằng liên tục trên tất cả các thị trường nhờ hệ thống kinh tế đủ mềm dẻo để duy trì giá cân bằng.
          Các giả thuyết cân bằng cạnh tranh của lý thuyết tân cổ điển là một vũ khí rất mạnh để phân tích tăng trưởng vì chúng cho phép tính gộp vai trò của các đầu vào trên cơ sở năng suất cận biên. Theo cách nhìn gộp, các đầu vào vật chất ban đầu đều có thể được phân làm hai nhóm: vốn và lao động. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng đòi hỏi phải có sáng tạo; và chính sự khác nhau giữa tăng trưởng sản xuất (GDP) và tăng trưởng trung bình trọng số của các nhân tố đầu vào (vốn và lao động) được thuyết tân cổ điển cho là năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Từ các giả thuyết trên, nguồn gốc của tăng trưởng được thuyết này đề ra gồm 4 yếu tố: (i) Tích luỹ vốn; (ii) Tăng về số lượng và chất lượng lao động; (iii) Tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp trong từng khu vực; và (iv) Tăng trưởng các đầu vào trung gian.
Để khảng định độ tin cậy về lý thuyết của các quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và tăng trưởng cũng như khảng định các nhân tố xác định nguồn gốc của tăng trưởng, càng ngày, các nhà tân cổ điển hiện đại càng thích thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm với số liệu đa quốc gia (cross coutries) để kiểm chứng.
Quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và tăng trưởng trong quá trình công nghiệp hoá tại các nước tư bản chủ nghĩa đã được phân tích trong một số mô hình điển hình của lý thuyết tân cổ điển hiện đại như sau:
          b) Mô hình Solow R.M:
          Theo Solow, cân bằng dài hạn kém bền vững trong mô hình Harrod-Domar xuất phát từ giả thiết luôn tồn tại một quan hệ tỷ lệ cố định giữa các yếu tố sản xuất; ví dụ không có khả năng thay thế giữa lao động và vốn trong quá trình tăng trưởng. Đây là một giả định không thực tế vì mọi người đều nhận thấy có sự thay thế lẫn nhau giữa các yếu tố. Solow cho rằng nếu loại bỏ giải định này thì tình trạng tăng trưởng không bền vững sẽ biến mất. Mô hình của Solow dựa trên 4 giả định cơ bản sau: (i) Nền kinh tế chỉ làm ra 1 sản phẩm hàng hoá tổng hợp, gọi là sản phẩm quốc gia, với hai nhân tố đầu vào là vốn và lao động; (ii) Tồn tại những tỷ suất lợi nhuận cố định, phụ thuộc vào quy mô sản xuất; (iii) Nền kinh tế sử dụng hết lao động và vốn; và (iv) Lao động và vốn có thể thay thế cho nhau.
          Vì chỉ có một loại sản phẩm hàng hoá, nên gọi là Y. Một phần của hàng hoá này được tiêu dùng; phần còn lại được tiết kiệm để đầu tư. Gọi tỷ lệ tiết kiệm để đầu tư là s; khi đó tổng tiết kiệm của nền kinh tế là s.Y.  Gọi tổng tài sản cố định của nền kinh tế là K; khi đó, mức tăng lên của K (tức dK/dt) sẽ bằng mức đầu tư mới. Vì đầu tư ngang bằng tiết kiệm nên phương trình nhận dạng cơ bản của Solow như sau:
          dK / dt  = s . Y                                                                 (1)
Vì sản xuất được giả định chỉ phụ thuộc vào hai nhân tố là vốn và lao động nên hàm sản xuất trong mô hình Solow như sau:
          Y  =  f (K, L)                                                                    (2)
Thay vào phương trình (1), chúng ta có:
          dK / dt  =  s . f (K, L)                                                       (3)
Vì tăng trưởng dân số là biến ngoại sinh nên có thể giả thiết lực lượng lao động tăng trưởng theo tỷ lệ tương đối cố định là n. Nếu không xét đến ảnh hưởng của thay đổi công nghệ thì n chính là tỷ lệ tăng trưởng tự nhiên của lực lượng lao động xã hội (cung lao động). Khi đó:
          L(t)  =  Lo . ent                                                                  (4)
Vì giả định của mô hình là toàn dụng lao động nên thay (4) vào phương trình (3), Solow có phương trình cơ bản xác định nhu cầu tích luỹ vốn để đảm bảo tăng trưởng gắn liền với toàn dụng lao động:
          dK / dt  =  s . f (K, Lo . ent)                                               (5)
Như vậy, theo mô hình Solow, nếu biết tỷ lệ tăng trưởng dài hạn của vốn (tức là đầu tư) và của lực lượng lao động, thì có thể xác định được tỷ lệ tăng trưởng dài hạn của kết quả sản xuất.
Mặc dù mô hình Solow nghiên cứu sản xuất phụ thuộc đồng thời vào 2 nhân tố vốn và lao động, nhưng Solow cũng xem xét quan hệ giữa 2 nhân tố này. Ông phân tích tỷ lệ K/L, gọi tỷ lệ này là r; phương trình cuối cùng xác định biến động của r được ông giữ lại là:
dr / dt = s . f (r) - n.r                                                       (6)
Theo quan hệ (6), tỷ lệ K/L sẽ thay đổi ngay khi có sự khác nhau giữa 2 đại lượng, đại lượng thứ nhất biểu hiện sự tăng lên của vốn và đại lượng thứ hai biểu hiện sự tăng lên của lao động.
          c) Mô hình Meade J.E.
          Với những giả thiết gần giống với giả thiết trong mô hình của Solow, Meade đã xác định 4 nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả sản xuất, đó là vốn cố định, lao động, đất đai có thể huy động vào sản xuất, và tình trạng công nghệ, trong đó nhân tố cuối cùng được cải tiến theo thời gian. Hàm sản xuất gộp của mô hình Meade như sau:
                              Y  =  f (K, L, N, t)                                                   (1)
trong đó t là biến thời gian, phản ánh sự tăng lên của sản xuất ngay trong trường hợp các nhân tố vốn, lao động và đất đai không tăng. Dưới dạng tuyến tính hoá, phần sản xuất tăng thêm được xác định như sau:
                              DY = v . DK + w . DL + DY'                                    (2)



trong đó DY' biểu thị sự tăng lên của sản xuất nhờ nhân tố tiến bộ kỹ thuật; các hệ số v và w lần lượt phản ánh năng lực cận biên của vốn và của lao động. Như vậy, Meade cho rằng tổng diện tích đất là nhân tố duy nhất không tăng trong quá trình phát triển. Chia cả 2 vế cho Y và thực hiện một số thêm bớt cần thiết, chúng ta có phương trình (3) sau:                                               (3)
Nếu đặt DY/Y là y, DK/K là k, DL/L là l, DY'/Y là r, và các hệ số trong phương trình trên lần lượt là u và q thì chúng ta có:
                              y  =  u.k  + q.l + r                                                   (4)
Phương trình này chỉ ra rằng sự tăng lên của sản xuất (tăng trưởng kinh tế) phụ thuộc vào tổng trọng số của 3 tỷ lệ tăng trưởng khác; đó là tỷ lệ tăng trưởng của vốn cố định (k), được trọng số bằng tầm quan trọng của máy móc thiết bị trong quá trình sản xuất, tỷ lệ tăng trưởng lao động (l) được trọng số bằng tầm quan trọng của nhân tố này, và tỷ lệ tăng trưởng tiến bộ công nghệ (r).
          Phương trình (4) có thể được viết lại thành:
                              y - l =  u.k  + (1-q).l + r                                         (5)
Vì y-l là tỷ lệ tăng thu nhập bình quân 1 lao động, hay là tỷ lệ tăng thu nhập đầu người (ví dụ khi sản xuất tăng 9%/năm, lao động tăng 4%/năm thì thu nhập đầu người tăng 5%/năm) nên phương trình trên chỉ cho thấy 3 nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng thu nhập đầu người; trong đó có nhân tố vốn.
          Để xem xét khả năng thay đổi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế theo thời gian, trước tiên Meade thay u.k bằng giá trị tương đương là (v.K. DK)/(Y.K) hay v.s trong đó s là tỷ lệ đầu tư (tiết kiệm) trên sản xuất (GDP). Phương trình (4) được ông viết lại như sau:
                              y  =  v.s  + q.l + r                                                   (6)
          Trên thực tế, các nhà kinh tế thường cho rằng tỷ lệ tăng trưởng dân số và tiến bộ công nghệ (l và r) là biến ngoại sinh và không đổi theo thời gian, nên mỗi sự biến đổi của tỷ lệ tăng trưởng kinh tế y đều phụ thuộc vào các biến v, s và q. Xét trường hợp l=0, tức dân số không đổi, khi đó tỷ lệ tăng trưởng kinh tế được xác định như sau:
                              y  =  v.s  +  r                                                                    (7)
          Nếu tỷ lệ thay đổi của tiến bộ công nghệ r cố định theo thời gian thì tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc duy nhất vào sự tăng hay giảm của tích v.s, tức là phụ thuộc hoàn toàn vào tỷ lệ đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Vai trò của đầu tư trở nên cực kỳ quan trọng trên cả hai phương diện: số lượng và chất lượng đầu tư.
          Mô hình Meade (phương trình 6) cũng chỉ ra một số quan hệ quan trọng khác liên quan đến tiết kiệm, đầu tư và tăng trưởng:
          - Vì k = s.Y/K nên có 2 nhân tố làm tăng k; đó là tăng hiệu quả sử dụng vốn (Y/K) và tăng tỷ lệ tiết kiệm trong thu nhập (s). Như vậy, tiết kiệm là nguồn gốc của đầu tư;
          - Để tăng tỷ lệ tiết kiệm s, có hai con đường thực hiện: một là, tăng thu nhập đầu người; nhờ đó, giá trị tiết kiệm sẽ tăng lên tương ứng; và hai là, điều chỉnh cơ cấu sử dụng thu nhập theo hướng tăng tỷ trọng tiết kiệm và giảm tỷ trọng tiêu dùng.
          - Hệ số co giãn thay thế giữa các nhân tố sản xuất càng cao thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và thu nhập càng cao và ngược lại;
          - Tiến bộ công nghệ có tác dụng tích cực tới tăng trưởng kinh tế
          Để xác định tình trạng tăng trưởng kinh tế bền vững, Meade đã đưa ra hai giả định. Một là, tỷ lệ tăng trưởng dân số không đổi theo theo gian, gọi là l. Hai là, tiến bộ công nghệ cũng được giả định là không đổi. Vì trong điều kiện tăng trưởng bền vững, tỷ lệ tăng trưởng sản xuất y sẽ cố định nên y-l (tỷ lệ tăng trưởng đầu người) cũng cố định. Với những giả định trên, Meade đã chứng minh rằng trong một số điều kiện nhất định, nền kinh tế sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng bền vững. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư k cũng cố định và k=y; tức là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bền vững khi tỷ lệ tăng trưởng đầu tư bền vững và hai tỷ lệ này bằng nhau. Kết luận này càng khảng định vai trò cực kỳ quan trọng của đầu tư trong mô hình cổ điển.
          d) Quan hệ tiết kiệm, đầu tư và tăng trưởng trong một số phát triển khác của lý thuyết tân cổ điển
          Các mô hình của Solow và Meade đã có những ảnh hưởng rất mạnh tới lý thuyết tăng trưởng kinh tế trong khoảng 30 thập niên, từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thập kỷ 50 đến giữa những năm 80. Joan Robinson, Kaldor, Kendrick, Deninson, Ambramovitz và nhiều người khác đã phát triển mô hình này thành nhiều nhánh khác nhau của lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển. Do trình độ phát triển kinh tế thế giới ngày càng cao, xu hướng mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh, nên độ phức tạp của các mối quan hệ tăng lên. Vì vậy các phát triển gần đây của lý thuyết tân cổ điển chủ yếu là tăng thêm số biến tham gia giải thích quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá, cũng như tăng thêm số biến giải thích nguồn gốc của tiết kiệm và đầu tư.
          Mặt khác, cũng do độ phức tạp ngày càng cao, những phát triển gần đây cho thấy phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa lập luận lý thuyết và kiểm nghiệm thực tế thông qua ước lượng các phương trình cụ thể với các số liệu thống kê.
          Trong khoảng hai thập kỷ gần đây, quan điểm cơ bản của lý thuyết tân cổ điển là mô tả quá trình sản xuất bằng các hàm sản xuất gộp, bao gồm nhiều nhân tố giải thích không chỉ duy nhất có nhân tố vốn vật chất. Sự gia tăng của bất kỳ nhân tố nào cũng đều kéo theo sự tăng thêm của sản xuất phù hợp với năng suất cận biên của nhân tố đó. Một khám phá thú vị của thuyết tân cổ điển trong giai đoạn phát triển gần đây là luận điểm: khi xây dựng mô hình xác định mức đóng góp của các nhân tố sản xuất tới quá trình tăng trưởng kinh tế, thường có một phần quan trọng của tăng trưởng không được giải thích qua mô hình; đó là các sai số.
Sai số này lúc đầu được xem là hệ số của tiến bộ công nghệ nhưng sau đó người ta nhanh chóng nhận thấy nó là tổng hợp tác động của nhiều nhân tố khác nhau chứ không phải của riêng nhân tố tiến bộ công nghệ; có thể kể tên một số nhân tố này là: (i) Cải thiện chất lượng lao động thông qua giáo dục, đào tạo nghề và kinh nghiệm; (ii) Phân bố lại các nguồn lực từ nơi sử dụng có năng suất thấp sang nơi sử dụng có năng suất cao hơn, hoặc thông qua các lực lượng thị trường, hoặc thông qua giảm hàng rào bảo hộ hay những lệch lạc trong nền kinh tế; (iii) Khai thác thế mạnh của những nền kinh tế sản xuất hàng loạt; (iv) Cải tiến các phương thức kết hợp các nguồn lực để tạo ra hàng hoá và dịch vụ, không chỉ ở cấp đưa vào sử dụng các máy móc và quy trình mới, mà cả ở điều chỉnh tương đối thô sơ ở cấp doanh nghiệp hay hộ gia đình...



Kết quả cuối cùng của tiến triển này là quan điểm vi mô về quá trình tăng trưởng. Phương trình tăng trưởng thực nghiệm của thuyết tân cổ điển như sau:




trong đó Y là sản xuất quốc gia, wi là chi phí cho một đơn vị lao động của lao động loại i; rj là lãi suất trả cho một đơn vị vốn loại j và R là sai số của phương trình, nhưng phản ánh đóng góp của các nhân tố chưa được đưa vào mô hình.
          Lao động và vốn có thể được xác định theo nghĩa rộng, hẹp tuỳ theo mục đích của phương trình. Lao động có thể được xác định theo tuổi, giới tính, tôn giáo, kinh nghiệm nghề nghiệp, công đoàn. Vốn cũng có thể được phân loại theo nhiều cách nhưng có sự luân chuyển giữa chúng. Denison (1985), Ambromovitz (1988), Jorgenson (1992), Elias (1978) và một số tác giả khác đã ước lượng mô hình trên cho từng nền kinh tế và từng khu vực của một nền kinh tế.
Phương trình lý thuyết cũng như các nghiên cứu thực nghiệm của thuyết tân cổ điển đều cho thấy vốn đầu tư tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá tại hầu khắp các nước trên thế giới, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.
          Tóm lại, lý thuyết tân cổ điển cũng đã cung cấp được những cơ sở rất quan trọng để phân tách vai trò của các nhân tố tới tăng trưởng kinh tế. Từ lý thuyết này cũng đã ra đời nhiều công trình nghiên cứu thực tế với mục tiêu xác định ảnh hưởng định lượng của vốn đầu tư tới tăng trưởng kinh tế cũng như xác định nhu cầu vốn cần thiết để đạt được các mục tiêu cụ thể về tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá. Trên cơ sở mô hình của lý thuyết tân cổ điển, trong nhiều thập kỷ trước, các chính sách của chính phủ trên thế giới đều nhấn mạnh vào cực đại hoá tỷ lệ tăng trưởng GNP thông qua tích luỹ vốn và công nghiệp hoá dựa trên thay thế nhập khẩu hoặc động viên xuất khẩu; và để cất cánh và công nghiệp hoá với khu vực công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, ngay từ cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60, các chính phủ đều cho rằng một tỷ lệ đầu tư so với GDP trên 10% là điều kiện tối thiểu (Rostow, 1960).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét