Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

(3) Tiết kiệm, đầu tư đối với tăng trưởng và công nghiệp hóa

Bài viết cũ của tôi:
TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG TIẾN TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ: LÝ THUYẾT VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
CHƯƠNG I
VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ TRONG QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ QUA CÁC LÝ THUYẾT KINH TẾ CHÍNH
         Để làm rõ vai trò, ví trí của tiết kiệm và đầu tư tới tăng trưởng và tiến trình công nghiệp hoá các nền kinh tế, chương này sẽ tóm tắt lại quan điểm của các lý thuyết kinh tế chính về mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá. Mặc dù phần lớn các lý thuyết kinh tế đều khảng định vai trò quan trọng của tiết kiệm và đầu tư tới tăng trưởng và tiến trình công nghiệp hoá các nền kinh tế, nhưng đi vào các phân tích cụ thể thì mỗi quan điểm lý thuyết lại có những nhấn mạnh khác nhau về mối quan hệ này. Đặc biệt, nền kinh tế càng phát triển, trình độ công nghiệp hoá càng cao thì vai trò vị trí của tiết kiệm và đầu tư cũng khác nhau. Dưới đây là một số quan điểm nêu trong các lý thuyết kinh tế chính.
MỤC I: QUAN HỆ TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ VÀ TĂNG TRƯỞNG TRONG LÝ THUYẾT TĂNG TRƯỞNG CỔ ĐIỂN
I - VAI TRÒ CỦA TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG TRONG LÝ THUYẾT CỔ ĐIỂN
Lý thuyết cổ điển do Adam Smith (1776) khởi xướng cùng thời với cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở châu Âu; cuộc các mạng đã đưa châu Âu vào thời kỳ tăng trưởng cao chưa từng thấy trong lịch sử kèm theo sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp (công nghiệp hoá) và cải thiện nhanh chóng đời sống nhân dân.
Theo Adam Smith, 3 nhân tố duy nhất quyết định quá trình tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá là lao động, vốn và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; vai trò của tiến bộ công nghệ không được ông đề cập tới vì ông cho rằng nó không đủ để làm tăng đáng kể năng suất lao động và sự phát triển của nó phụ thuộc rất lớn vào nhân tố vốn[1]. Ông còn là người đầu tiên cho rằng thị trường luôn luôn đủ lớn để có thể tiến hành phân công lao động, làm cho tăng trưởng có hiệu quả hơn; đồng thời quá trình tăng trưởng sẽ bền vững vì nó vừa làm tăng thu nhập cho người lao động, vừa tạo ra lợi nhuận cho nhà tư bản, cho phép tiếp tục mở rộng thị trường và tăng tích luy vốn, từ đó mở ra những điều kiện cần thiết để tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn sau. Hàm sản xuất trong mô hình của ông như sau:
                              Y = f (K, L, N)
trong đó K, L và N lần lượt là vốn, lao động và đất đai.
          Mặc dù xác định rõ ba nhân tố quan trọng quyết định quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá, nhưng chủ xướng và những người phát triển tiếp theo của thuyết cổ điển (A. Smith, D. Ricardo, T. Malthus...) luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của tỷ lệ đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong tăng trưởng và phát triển dài hạn (Misra và Purl, 1988). Mặt khác, các nhà kinh tế cổ điển khảng định tỷ lệ đầu tư được xác định bởi tỷ lệ tiết kiệm; hai nhân tố này có tác động tương hỗ lẫn nhau, và chịu tác động của lợi nhuận của khu vực tư nhân cũng như thu nhập của toàn xã hội.
Mô hình tăng trưởng dài hạn của thuyết cổ điển gồm 4 phương trình sau (Pascallon, (1989):
                              Y*(t) - Y*(t-1)      = (1/k) . I(t-1)                            (1)
                              Y(t)                       = C(t) + I(t)                               (2)
                              I(t)                         = s . Y*(t)                                 (3)
                              C(t)                       = (1-s) . Y*(t)                           (4)
trong đó:
Y*      : kết quả sản xuất khi sử dụng khả năng sản xuất ở mức bình thường;
Y       : kết quả sản xuất thực tế;
I         : vốn đầu tư ròng;
C       : tiêu dùng
k        : hệ số vốn sản phẩm hay hệ số ICOR
s        : tỷ lệ tiết kiệm trên kết quả sản xuất;
k và s là các hằng số dương, nằm trong khoảng (0,1). Bốn biến nội sinh trong mô hình là Y*, Y, C và I.
          Mô hình này xuất phát từ quan điểm cho rằng luôn luôn có cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường hàng hoá, đồng thời tiết kiệm và đầu tư bằng nhau tại mức tương ứng với sử dụng hết khả năng sản xuất sẵn có. Trong mô hình, phương trình (1) phản ánh thay đổi khả năng sản xuất bằng với tích của vốn đầu tư mới (I) và hệ số ICOR. Phương trình (2) chỉ ra rằng sản xuất thực tế (Y) bằng tổng của tiêu dùng (C) và đầu tư (I); đây là phương trình định nghĩa. Phương trình (3) giả định đầu tư (I) bằng tỷ lệ tiết kiệm trên sản xuất nhân với khả năng sản xuất trong điều kiện bình thường (Y*). Phương trình cuối cùng giả định cầu tiêu dùng (C) bằng phần còn lại của khả năng sản xuất trong điều kiện bình thường (Y*) sau khi đã trừ đi phần để đầu tư.
          Bằng cách tổ hợp lại các phương trình, các nhà kinh tế cổ điển thu được phương trình tăng trưởng sau:
                              Y(t)                       = (1 + s / k) . Y(t-1)                 (5)
hay                       Y(t) / Y(t-1)           =  1 + s / k
từ đây suy ra                 g  =  DY(t)/Y(t-1)  =    s / k                                    (6)
          Điều này có nghĩa là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (g) bằng tỷ lệ tiết kiệm chia cho hệ số ICOR của nền kinh tế. Trong điều kiện bình thường, hệ số ICOR có thể ổn định nên theo mô hình cổ điển, tích luỹ vốn đóng vai trò quyết định tới tăng trưởng kinh tế cũng như là quá trình công nghiệp hoá. Thực tế, mô hình này tỏ ra rất phù hợp để giải thích quá trình tăng trưởng và công nghiệp hoá tại các nước công nghiệp những thế kỷ trước. Mô hình cổ điển là mô hình tiêu biểu của lý thuyết tăng trưởng và công nghiệp hoá theo chiều rộng.
II - VAI TRÒ CỦA TÍCH LUỸ VÀ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG TRONG LÝ THUYẾT KINH TẾ CỦA CÁC MÁC
          Học thuyết kinh tế của C. Mác ra đời giữa thế kỷ 19; đây là một phát triển tiếp theo nhưng rất mạnh mẽ của lý thuyết cổ điển. Trong lý thuyết của mình, bên cạnh những nhân tố cổ điển truyền thống, Mác đã bổ sung và nhấn mạnh vai trò của quan hệ sản xuất và tiến bộ công nghệ đối với phát triển; do đó mô hình của Mác như sau:
                              Y = f (K, L, N, S, U)
trong đó K, L và N lần lượt là vốn, lao động và đất đai; S là quỹ xã hội dành để phát triển công nghệ và tri thức; U là chỉ tiêu đại diện cho quan hệ sản xuất xã hội. Vì Mác quan niệm quá trình sản xuất trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bao gồm ba yếu tố c (tư bản bất biến - giống như vốn cố định trong lý thuyết cổ điển), v (tư bản khả biến - tương đương với khai niệm vốn lưu động hay quỹ lương) và m (giá trị thặng dư - giống như lợi nhuận), nên trong nghiên cứu thực nghiệm, mô hình của Mác được viết lại như sau:
                    Y = (q1 + q2) L  +  k K  + n N 
trong đó q1 L đại diện cho tư bản khả biến; q2 L đại diện cho giá trị thặng dư và (k K + n N) đại diện cho tư bản bất biến. Trong lý thuyết của Mác, đất đai và vốn được xử lý gộp thành một yếu tố chung nên có thể thay chúng bằng một biến gộp K', do đó mô hình cuối cùng của Mác như sau:
                    Y = (q1 + q2) L  +  k' K' 
Các hệ số q1 , q2 và k' trong mô hình phản ánh thay đổi trong quan hệ sản xuất; do đó chúng không cố định, nhất là trong một khoảng thời gian dài. Điều này cũng giải thích tại sao không còn biến số về thay đổi công nghệ trong mô hình của Mác. Thực tế, Mác không xem đổi mới công nghệ sản xuất là một nhân tố tự thân (autonomous factor); ông cho rằng "các nguồn vốn tăng thêm trong quá trình tích luỹ chính là công cụ khai thác các ý tưởng và phát minh mới", (Karl Marx, 1865); do đó biến số công nghệ đã nằm trong nhân tố vốn[2].
          Mặc dù có nhiều nhân tố khác nhau, nhưng tích luỹ vốn vẫn là vấn đề trung tâm trong mô hình của Mác; và cũng chính vì vậy mà Mác đã tập trung phân tích nhân tố cơ bản tạo ra tích luỹ, đó là giá trị thặng dư. Theo Mác, tổng thu nhập gồm c, v và m, nhưng hai nhân tố đầu không thể tạo ra vốn đầu tư. Tiền lương chỉ đủ sống nên được người công nhân phải chi toàn bộ cho tiêu dùng. Tương tự, để tổng tài sản cố định toàn xã hội không giảm thì phần thu nhập tương đương với c phải được tái đầu tư lại. Do đó, toàn bộ số vốn đầu tư để tái sản xuất mở rộng sẽ phụ thuộc vào giá trị thặng dư m; và để tăng tích luỹ và đầu tư, giai cấp tư bản phải tìm mọi cách để tăng m. Hai giải pháp chính được các nhà tư bản quan tâm nhất là tăng năng suất lao động và tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản (c/v). Theo các lập luận trong lý thuyết của Mác, tỷ suất lợi nhuận phụ thuộc vào một số nhân tố, nhưng những nhân tố này lại chịu ảnh hưởng chính của tỷ suất giá trị thặng dư và cấu tạo hữu cơ của tư bản. Mô hình của Mác như sau:
                              p  = s . (1 - q)
trong đó p là tỷ suất lợi nhuận, s là tỷ suất giá trị thặng dư và q là cấu tạo hữu cơ của tư bản (c/v). Nếu giả định tỷ suất giá trị thặng dư s không đổi thì tỷ suất lợi nhuận sẽ biến động tỷ lệ nghịch với cấu tạo hữu cơ của tư bản. Do Mác cho rằng cấu tạo hữu cơ của tư bản có xu hướng tăng lên nên tỷ suất lợi nhuận sẽ có xu hướng giảm dần. Nhận định này có ý nghĩa rất quan trọng để đi đến kết luận rằng các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có những hạn chế nội tại làm cho quá trình tăng trưởng mở rộng dựa trên tích luỹ vốn đầu tư có nguồn gốc từ giá trị thặng dư sẽ không thể kéo dài vô hạn.
III - VAI TRÒ CỦA TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG TRONG LÝ THUYẾT TĂNG TRƯỞNG TÂN CỔ ĐIỂN
          1) Mô hình Harrod-Domar về quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư và tăng trưởng kinh tế
Lý thuyết cổ điển được xây dựng trên cơ sở giả định nền kinh tế luôn luôn đạt tới trình độ cân bằng trong điều kiện toàn dụng lao động; do đó quá trình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào tích luỹ vốn và gia tăng lực lượng lao động. Học thuyết Keynes sơ khai lại cho rằng toàn dụng lao động không phải tự nhiên đạt được mà cần những điều kiện nhất định; tuy nhiên những phân tích của Keynes chỉ nhằm vào các điều kiện để toàn dụng lao động trong tầm ngắn hạn. Để xem xét các nhân tố tạo ra quá trình tăng trưởng bền vững, các nhà kinh tế tân cổ điển, mở đầu là R. F. Harrod (1939) và E. D. Domar (1947), đã đề ra một phương cách tiếp cận mới.
          Vào giữa thế kỷ XX, trong khi các nhà kinh tế cổ điển chỉ xem xét duy nhất khía cạnh cung của vốn đầu tư và Keynes chỉ tập trung nhấn mạnh vào khía cạnh cầu trong bối cảnh ngắn hạn (để tháo gỡ bế tắc do cuộc đại suy thoái những năm 30 gây ra), thì Horrod và Domar xem xét đồng thời hai khía cạnh cung và cầu của quá trình đầu tư. Theo quan điểm của 2 ông, hệ thống Keynes không thể phân tích được quá trình tăng trưởng cân bằng dài hạn vì đặt thấp vai trò của nhân tố vốn; trong khi trên thực tế, đầu tư có đặc trưng 2 mặt rất rõ rệt: Một mặt đầu tư sẽ sinh ra thu nhập, do đó mở thêm cầu để kích thích sản xuất; mặt khác, đầu tư sẽ làm tăng khối lượng tài sản cố định, từ đó làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế. Nếu đầu tư vừa làm tăng năng lực sản xuất, vừa làm tăng thu nhập thì nó sẽ làm tăng cả hai vế trong phương trình cân bằng và tạo ra tỷ lệ tăng trưởng cần thiết" (Domar, 1957). Đặc biệt, hai ông cho rằng đầu tư ròng trong bất kỳ thời kỳ nào cũng ngang bằng tiết kiệm ròng; sản xuất dư thừa (người tiêu dùng không mua hết) sẽ được chuyển thành tiết kiệm và được đưa vào đầu tư. Trong quá trình này, tổng cung và tổng cầu sẽ tự động cân bằng.
          Điểm đặc trưng lớn nhất và cũng là điểm không hoàn hảo của mô hình Domar (nó) là giả định tồn tại một mối quan hệ rất chặt giữa tăng trưởng tổng lượng vốn tích luỹ (capital stock) và tăng trưởng sản xuất tiềm năng (potential output) (Haberger, 1983). Mô hình cho rằng, nếu như các điều kiện về cầu được thực hiện đúng thì thiếu hụt vốn sẽ là yếu tố duy nhất ngăn cản quá trình tăng trưởng. Do vậy, tích luỹ vốn vật chất (physical capital) là nguồn gốc duy nhất của mọi quá trình tăng trưởng.
          Mô hình Harrod - Domar xem xét đồng thời vai trò của đầu tư qua hai khía cạnh cung và cầu. Về mặt cung, năng lực sản xuất của nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư mới theo quan hệ sau:
                              DY = I . p                                                                (1)
trong đó p là năng suất tiềm năng trung bình của vốn. Đặc trưng quan trọng nhất của là p là tiềm năng; tức là khi p càng cao thì nền kinh tế càng có khả năng tăng trưởng nhanh. Khi chia cả hai vế cho Y thì thu được phương trình:
                              DY / Y = I / Y . p                                                     (2)
DY / Y = g và I = S, trong đó S là tiết kiệm, nên phương trình cuối cùng là:
                              g  =  s . p                                                               (3)
          Phương trình cơ bản trên (nhìn từ phía cung) cho thấy vốn đầu tư là nhân tố chính xác định tỷ lệ tăng trưởng trong khi tiết kiệm của quốc gia là nguồn của đầu tư. Nghịch đảo của p trong phương trình trên là hệ số vốn - sản phẩm gia tăng ICOR trong mô hình cổ điển.
          Về mặt cầu, Harrod - Domar sử dụng khái niệm nhân tử Keynes. Theo ông, thu nhập quốc gia là hàm của đầu tư gia tăng hơn là của bản thân đầu tư và nếu đầu tư trong năm sau không tăng so với năm trước thì thu nhập quốc gia năm sau sẽ không thể tăng so với năm trước. Phương trình quan hệ như sau:
                              DY  =  DI . (1/x)                                                      (4)
trong đó x là tỷ lệ đầu tư. Để xác định điều kiện cân bằng trong tăng trưởng kinh tế, Domar giả sử thu nhập quốc gia bằng với năng lực sản xuất của nền kinh tế, tức là nền kinh tế ở trong tình trạng cân bằng toàn dụng lao động. Giả thuyết này chỉ đúng khi thu nhập và năng lực của nền kinh tế tăng cùng một tỷ lệ; do vậy phương trình cân bằng cung cầu cơ bản trong mô hình Harrod - Domar là:
DI . (1/x)  = I . p                                                     (5)
hay:                      DI/I  = p . x                                                             (6)
          Vế trái của phương trình phản ánh tăng trưởng đầu tư. Để cân bằng kinh tế trong điều kiện toàn dụng lao động, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư phải ngang bằng với tích của p và x. Và vì thu nhập cũng phải tăng trưởng bằng tốc độ tăng trưởng của đầu tư nên thu nhập cũng tăng trưởng với tỷ lệ p . x.
          Phương trình cơ bản trên đã chỉ ra điều kiện để toàn dụng lao động trong quá trình tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, điều kiện này có thể được thoả mãn nhưng không có sự cân bằng giữa đầu tư và tiết kiệm. Theo Domar, "đầu tư hôm nay có thể cao hơn tiết kiệm hôm qua; giải pháp tăng đầu tư có thể là bơm tiền vào lưu thông. Tiền được bơm vào lưu thông tăng lên thì nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng" (Domar, 1957).
          Mô hình Harrod-Domar thoạt tiên được dự kiến sẽ dùng để giải thích tình trạng trì trệ phổ biến của các nền kinh tế Phương Tây sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, trên thực tế, các nền kinh tế này không rơi vào suy thoái như dự đoán của nhiều nhà kinh tế; vì vậy mô hình trên đã không được sử dụng cho các nước này. Trái lại, sau Chiến tranh thế giới thứ 2, đã xuất hiện một tình hình mới đối với kinh tế thế giới: số nước đang phát triển giành được độc lập ngày càng nhiều và một trong những mong muốn cao nhất của các nước này là tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Mô hình Harrod-Domar đã vạch ra một mẫu phát triển cho các nước này: tăng trưởng dài hạn dựa vào đầu tư. Dựa trên mô hình, với một hệ số vốn - sản phẩm đã biết (thường dao động trong khoảng từ 2 đến 5), các nước đang phát triển có thể xác định dễ dàng lượng vốn cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và dài hạn của mình theo công thức sau:
                              p  =  (DY/ Y) / x                                                     (6)
Như vậy, nếu tỷ lệ tăng trưởng dự kiến đạt 5% và hệ số vốn - sản phẩm là 1: 3 thì tỷ lệ đầu tư cần thiết là 15% GDP.


[1] Trong ba chương đầu của cuốn "Sự thịnh vượng của các quốc gia", A. Smith cho rằng máy móc kết hợp với phân công lao động và tự do hoá thương mại là những nhân tố thúc đẩy tăng năng suất và tăng đều đặn công ăn việc làm; như vậy tiến bộ kỹ thuật có những động cơ bên ngoài, trong khi đó chất lượng công việc, phương thức phân bổ nguồn lực và phân công lao động là những nhân tố nội tại (Lorenzi, 2001).
[2] Phân tích về tiến bộ kỹ thuật của Mác có thể được xem là xuất phát điểm cho mọi phân tích nghiêm túc sau này về công nghệ và vai trò của nó đối với tăng trưởng và phát triển. Theo Mác, công nghệ, qua đó là vốn, là nhân tố trung tâm của phát triển xã hội, và trong cuộc cách mạng công nghiệp, máy móc đã thay thế người lao động và những công cụ của họ; chính vì thế mà con người đã được thay thế bằng một động cơ. Mặt khác, Mác cũng cho rằng tiến bộ kỹ thuật có thể làm giảm thiểu thời gian sản xuất, do đó làm tăng lợi nhuận, đồng thời làm giảm lượng hàng tồn kho cần thiết để duy trì một mức độ sản xuất nhất định. Cũng nhờ tiến bộ công nghệ, quan hệ tỷ lệ giữa tư bản bất biến và tư bản khả biến tăng lên, làm cho việc sử dụng lao động có xu hướng giảm đi, dẫn tới thất nghiệp và tiếp đó là khủng hoảng (Lorenzi, 2001).

1 nhận xét:

  1. Bác Mai là một con mọt sách hay sao mà biết nhiều tài liệu thế.

    Trả lờiXóa