Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

(5) Tiết kiệm, đầu tư đối với tăng trưởng và công nghiệp hóa

Bài viết cũ của tôi:
TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ TRONG TIẾN TRÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ CÔNG NGHIỆP HOÁ: LÝ THUYẾT VÀ KINH NGHIỆM THẾ GIỚI
MỤC II: QUAN HỆ TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ VÀ TĂNG TRƯỞNG TRONG LÝ THUYẾT TĂNG TRƯỞNG CỦA KEYNES 
I - HỌC THUYẾT KEYNES NGUYÊN GỐC VỀ VAI TRÒ CỦA TÍCH LUỸ VÀ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ DÀI HẠN
Năm 1936, J.M. Keynes xuất bản một cuốn sách nổi tiếng bàn về nguyên nhân của cuộc Đại suy thoái của chủ nghĩa tư bản lúc đó. Về ngắn hạn, xuất phát điểm của lý thuyết Keynes là nguyên tắc cầu thực (effective demand), theo đó tổng việc làm phụ thuộc vào tổng cầu thực; cầu thực được thể hiện qua số đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, trong khi số đơn đặt hàng này lại phụ thuộc vào chi tiêu có nguồn gốc từ thu nhập. Do nhấn mạnh vai trò của cầu nên Keynes tập trung vào xử lý cầu gộp. Cầu gộp thường được được chia làm 2 thành phần: cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Trong khi cầu tiêu dùng thường được xem là ổn định với thu nhập thì cầu đầu tư biến động rất phức tạp và phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư; tuy nhiên nhà nước vẫn có thể tác động trực tiếp vào cả hai thành phần này để kích thích kinh tế.
Theo Keynes, về ngắn hạn, đầu tư luôn luôn ngang bằng với tiết kiệm nhưng cơ chế xác định hai chỉ tiêu này hoàn toàn khác nhau. Trong khi tiết kiệm phụ thuộc vào thu nhập thì đầu tư lại phụ thuộc vào lãi suất; phương trình cân bằng tiết kiệm - đầu tư cho phép xác định đồng thời thu nhập và lãi suất, hợp thành đường cong IS nổi tiếng (S(Y) = I(r)).
Khi đầu tư tăng lên, cầu thực của nền kinh tế tăng lên, làm cho sản xuất tăng lên (khi nền kinh tế còn chưa sử dụng hết công suất). Do đó, chính phủ có thể chủ động tăng chi tiêu ngân sách cho đầu tư, nhất là đầu tư vào các dự án công cộng, làm tăng đầu tư chung của toàn nền kinh tế, kéo theo tăng tổng cầu, mở ra quá trình tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm.
Đóng góp lý thuyết của Keynes chủ yếu trong lĩnh vực phân tích kinh tế ngắn hạn; nghiên cứu của Keynes về quá trình phát triển dài hạn không nhiều. Tuy nhiên, trong một số phân tích dài hạn ít ỏi của Keynes, người ta vẫn nhận thấy Keynes coi tích luỹ vốn là một trong 4 nhân tố cơ bản xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dài hạn; ba nhân tố còn lại là khả năng kiểm soát tăng trưởng dân số, khả năng ngăn ngừa chiến tranh và xung đột xã hội, và tiến bộ công nghệ (Keynes, 1952; Misra và Puri, 1988).
Về dài hạn, nhìn chung Keynes vẫn sử dụng những nguyên tắc cơ bản của lý thuyết tân cổ điển. Các mô hình vĩ mô theo lý thuyết Keynes vẫn coi tiết kiệm là nguồn gốc của đầu tư, trong khi đầu tư là nhân tố quyết định quá trình tăng trưởng dài hạn và công nghiệp hoá. Hàm sản xuất trong mô hình Keynes có dạng gộp như sau:
                    Y  =   f (K , L)
trong đó Y là kết quả sản xuất, K là vốn cố định, và L là lao động. Trong mô hình này, L được xem là biến ngoại sinh và có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng; do đó khi số người tham gia lao động tăng lên thì sản xuất tăng lên (Dillar, 1963). Đối với tiết kiệm và đầu tư, Keynes đồng ý với các nhà kinh tế tân cổ điển là tiết kiệm chịu ảnh hưởng của thu nhập chứ không phải lãi suất; do đó nếu đầu tư giảm thì thu nhập giảm, dẫn tới giảm tiết kiệm và thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Keynes cũng cho rằng đầu tư là nhân tố then chốt để tăng trưởng và thực hiện toàn dụng lao động, nhưng cho rằng không tồn tại cơ chế tự động giữ tiết kiệm và đầu tư luôn ở mức cân bằng. Từ đây, ông đề cao vai trò của chính phủ, cho rằng chính phủ có thể kích thích đầu tư thông qua tăng thâm hụt ngân sách. Khi đầu tư tăng thì sản xuất và việc làm tăng, kéo theo tăng nhu cầu (tăng trưởng tạo ra tăng cầu).
II- QUAN HỆ TIẾT KIỆM, ĐẦU TƯ VÀ TĂNG TRƯỞNG TRONG NHỮNG PHÁT TRIỂN TIẾP SAU CỦA HỌC THUYẾT KEYNES: LÝ THUYẾT TĂNG TRƯỞNG TÂN KEYNES
Mặc dù có những đóng góp rất quan trọng vào kho tàng các lý thuyết kinh tế thế giới và vào xử lý những khó khăn đặt ra trước hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng lý thuyết Keynes đã thất bại trong việc giải thích tình hình trì trệ ở các nước đang phát triển vì đặc điểm kinh tế xã hội ở các nước đang phát triển hoàn toàn khác với các giả thiết cơ bản của lý thuyết Keynes. Ví dụ để chính sách tăng trưởng dựa vào kích cầu thắng lợi, Keynes đòi hỏi nền kinh tế phải luôn luôn trong tình trạng cung lớn hơn cầu nhưng rõ ràng điều này không hiện thực tại các nước đang phát triển, nơi nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ, công nghiệp rất yếu kém, cung luôn luôn không đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu. Hoặc Keynes đòi hỏi việc huy động vốn phải dễ dàng; điều này cũng chỉ có tại các nước công nghiệp nơi có nguồn vốn rất dồi dào, sẵn sàng thoả mãn yêu cầu của các nhà đầu tư cần huy động để phát triển sản xuất khi cầu tăng lên do chính sách kích cầu của chính phủ... Chính vì lý thuyết Keynes nguyên gốc còn thiếu khả năng giải thích được những vấn đề tăng trưởng dài hạn như vậy nên các nhà kinh tế hậu Keynes đã đi sâu nghiên cứu, phát triển lý thuyết Keynes theo hướng này.
1) Quan điểm tăng trưởng của thuyết cơ cấu :
Trường phái phân tích cơ cấu của thế hệ sau Keynes đi ngược với quan điểm truyền thống của thuyết tân cổ điển. Những nhà hậu Keynes phân tích quá trình tăng trưởng với cách nhìn rộng hơn, theo đó tăng trưởng kinh tế là một quá trình biến đổi cơ cấu sản xuất cần thiết để phù hợp với thay đổi của cầu và trình độ sử dụng công nghệ cao hơn. Do tính không hoàn hảo của thị trường và khả năng di chuyển vốn bị hạn chế, quá trình dịch chuyển cơ cấu trên thường diễn ra trong điều kiện phi cân bằng. Từ đặc điểm này, việc mô hình hoá lý thuyết tăng trưởng của trưởng phái này không rõ ràng như cách mô hình hoá của lý thuyết cân bằng tổng quát. Mặt khác, trái với quan điểm tân cổ điển, tiếp cận cơ cấu không giả định có sự phân bố hoàn toàn tối ưu các nguồn lực vì cho rằng nhiều điều kiện không được thoả mãn để quá trình này có thể thực hiện được, nhất là hệ thống kinh tế không đủ mềm dẻo để duy trì hệ thống giá luôn luôn cân bằng.
          Hirschman (1958) là một trong những đại diện tiêu biểu của lý thuyết cơ cấu, và cũng là đại diện tiêu biểu của thuyết tăng trưởng phi cân bằng (unbalanced growth), một nhánh của thuyết cơ cấu. Theo ông, vốn không phải là nhân tố duy nhất tạo ra quá trình tăng trưởng mà có thể khai thác những mối quan hệ bên trong và vào ra của quá trình sản xuất để tạo ra tăng trưởng. Khác với các nhà kinh tế theo thuyết tân cổ điển, ông và những nhà kinh tế thuộc trường phái này đi theo tiếp cận cơ cấu để giải quyết bài toán tăng trưởng. Các nhà kinh tế thuộc trường phái cơ cấu cố gắng nhận dạng những điểm trì trệ (rigidities) đặc biệt, những điểm trễ, những lĩnh vực thiếu hụt và dư thừa, độ co dãn thấp của cung và cầu, và những đặc thù khác về mặt cơ cấu của các nước đang phát triển có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế để xây dựng các chính sách tác động vào đó nhằm giảm những lệch lạc, méo mó và điểm thắt nút, mở đường cho tăng trưởng. Khác với trường phái tân cổ điển coi kinh tế thị trường luôn luôn mềm dẻo và sự luân chuyển giữa các yếu tố diễn ra thông suốt, quan điểm cơ cấu nhấn mạnh độ co giãn thấp của cung và tính không hoàn hảo của thị trường, do đó hạn chế khả năng huy động các nhân tố tăng trưởng.
          Các giả thuyết cơ bản của tiếp cận cơ cấu là: (i) Thay đổi cầu nội địa có liên quan chặt với thu nhập; (ii) Thị trường bên ngoài bị ràng buộc và có thời gian trễ trong điều chỉnh; (iii) Dịch chuyển cơ cấu sản xuất tạo ra phi cân bằng trên các thị trường nhân tố.
          Từ các giả thuyết này, các nhà kinh tế hậu Keynes cho rằng các nhân tố xác định tăng trưởng dài hạn bao gồm các nhân tố như của thuyết tân cổ điển và những nhân tố về cơ cấu như phân bố lại các nguồn lực từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cao, vai trò quan trọng của kinh tế quy mô và kiến thức kỹ năng, và giảm các trở ngại, khâu hẹp bên trong và ngoài. Giải thích cơ bản của thuyết này dựa trên mô hình tăng trưởng phi cân bằng.
          Một trong những mô hình tiêu biểu của thuyết cơ cấu là mô hình của Chenery (1986). Đây là mô hình gộp phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới tăng trưởng kinh tế. 7 nhân tố được đưa vào mô hình, trong đó có ba nhân tố giải thích theo quan điểm của thuyết tân cổ điển và 4 nhân tố giải thích theo quan điểm cơ cấu. Mô hình cụ thể như sau:
GY = a0 + a1 (I/Y) +  a2 GL + a3 X3 + a4 XA + a5 XE + a6 XF + a7 XD
trong đó GY là tỷ lệ tăng trưởng GDP. Ba nhân tố tăng trưởng theo thuyết tân cổ điển là:
I/Y     = tỷ lệ đầu tư trên GNP (đại diện cho nhân tố tăng trưởng tổng vốn cố định);
GL      = tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động;
X3      = tỷ lệ tăng trưởng chất lượng lao động (hoặc giáo dục);
và bốn nhân tố tăng trưởng theo thuyết cơ cấu là:
XA      = thay đổi tỷ trọng vốn hoặc lao động của nông nghiệp trong nền kinh tế;
XE      = tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu;
XF      = tỷ lệ thâm hụt cán cân vãng lai;
XD      = chỉ tiêu đại diện cho trình độ phát triển hoặc công nghiệp hoá.
          2) Mô hình tăng trưởng của Kaldor
          Mô hình tăng trưởng của Kaldor là một trong những mô hình Keynes tiêu biểu nhất của trường phái Cambridge. Theo Kaldor, mục tiêu của các lý thuyết tăng trưởng kinh tế dài hạn là chỉ ra bản chất của các biến phi kinh tế nhưng lại xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dài hạn, từ đó trả lời được câu hỏi tại sao nền kinh tế này lại tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế khác. Vì quan niệm như vậy nên mô hình của ông luôn luôn nhấn mạnh vai trò của tiến bộ kỹ thuật và khả năng ứng dụng các thành tựu kỹ thuật trong đời sống kinh tế. Ông cũng đề cao vai trò của các phát minh sáng chế, tức là những tri thức mới đang còn trong giai đoạn thử nghiệm. Từ những nghiên cứu này, ông đã nhận thấy tăng trưởng kinh tế có một quan hệ tỷ lệ thuận rất chặt với tiến bộ kỹ thuật; khi trình độ áp dụng tiến bộ kỹ thuật thấp thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ thấp. Tuy nhiên, khi nghiên cứu nguồn gốc của tiến bộ kỹ thuật, ông đã trở lại quan điểm của các nhà kinh tế trước: đó là tiết kiệm và đầu tư.  Theo ông, xã hội có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao sẽ tương ứng có trình độ công nghệ và kỹ thuật cao, từ đó có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao. Như vậy, tiết kiệm và đầu tư đóng vai trò rất quan trọng tới tăng trưởng kinh tế.
          Mô hình tăng trưởng của Kaldor bao gồm hai phương trình cơ bản. Phương trình thư nhất là hàm tiến bộ kỹ thuật, trong đó sản xuất phụ thuộc vào mật độ vốn trên 1 lao động. Phương trình thứ hai phản ánh quan hệ giữa tăng trưởng sản xuất và tăng trưởng vốn cố định. Giao điểm của hai đường cong này sẽ xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cân bằng phù hợp với tiến triển của tiến bộ kỹ thuật.
          Về đầu tư, Kaldor cho rằng đầu tư là một hàm đồng thời của hai nhân tố là thay đổi kết quả sản xuất của thời kỳ trước và thay đổi của tỷ suất lợi nhuận đầu tư của vốn cố định cũng của thời kỳ trước vì theo ông người đầu tư chỉ tiết hành đầu tư khi dự báo năng suất, sản lượng và lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng lên; trong khi dự báo này dựa trên tình hình năm trước. Phương trình đầu tư của Kaldor như sau:
                    It     =  Kt+1 - Kt                                                                 (1)
                    Kt    =  a . Yt-1  +  b . (Pt-1 / Kt-1) . Yt-1                                         (2)
Các tham số ước lượng a và b đều phải lớn hơn 0.
trong đó I là vốn đầu tư; K là vốn cố định; P là lợi nhuận,
          Về tiết kiệm, Kaldor cho rằng tiết kiệm vừa phụ thuộc vào lợi nhuận của nhà đầu tư (P), vừa phụ thuộc vào tiền lương trả cho người lao động (Y-P); do đó phương trình xác định tiết kiệm như sau:
                    St    =   c . Pt  +  d . (Yt -  Pt)                                           (3)
                    1 >  c  >  d  >  0
          Kaldor cũng giả thiết tiết kiệm bằng đầu tư; do đó phương trình xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế như sau:
                    (Yt+1 - Yt) / Yt  =  e + f . (It / Kt)                                        (4)
          Phương trình (4) cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng của vốn cố định hay là vào số vốn đầu tư mới. Như vậy, tiết kiệm và đầu tư vẫn được xem là nhân tố trung tâm trong mô hình Kaldor.
          3) Mô hình tăng trưởng của Robinson
Mô hình tăng trưởng của Robinson cũng là một trong những mô hình Keynes tiêu biểu của trường phái Cambridge. Mô hình này xem xét quá trình tăng trưởng dưới cả hai góc độ cung và cầu. Về phía cung, mô hình tăng trưởng của Robinson lặp lại các nhân tố tăng trưởng trong mô hình cổ điển, với hàm sản xuất phụ thuộc vào vốn và lao động. Về phía cầu, Robinson sử dụng tiếp cận của Keynes, trong đó kết quả sản xuất được sử dụng vào hai mục đích tiết kiệm và tiêu dùng. Phương trình cân bằng  cung và cầu cho phép xác định được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
Trong các phương trình chi tiết của mô hình Robinson, có hai đặc điểm khác biệt quan trọng so với các mô hình khác là: Thứ nhất, đầu tư tăng lên nếu tỷ suất lợi nhuận của vốn đầu tư cao hơn hệ số ICOR; và thứ hai, tiết kiệm phụ thuộc trực tiếp vào vốn cố định hiện có và tỷ suất lợi nhuận của vốn. Ngoài ra, mặc dù mô hình có tính đến nhiều nhân tố mới như bổ sung các chỉ tiêu tài chính, nhưng về bản chất, quá trình tăng trưởng được phản ánh trong mô hình vẫn là quá trình tích luỹ vốn; do đó vai trò của tiết kiệm và đầu tư tiếp tục được khảng định.
          4) Mô hình tăng trưởng nội sinh
          Mặc dù có những điểm khác nhau, nhưng nhìn chung trong suốt 4 thập kỷ cuối của thế kỷ XX, lý thuyết tăng trưởng dài hạn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc mô hình Solow; theo đó tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dài hạn phụ thuộc vào tiến bộ kỹ thuật (được xem là yếu tố độc lập ngoài mô hình) và vốn đầu tư. Ngược lại, cũng trong khoảng thời gian trên, lý thuyết tăng trưởng ngắn hạn chịu ảnh hưởng mạnh bởi mô hình Keynes trong đó cầu đóng vai trò trung tâm trong điều chỉnh kinh tế. Tuy nhiên, ngay từ giữa những năm 80, các nhà kinh tế đã đặt vấn đề xem xét lại hai mô hình này vì chúng không còn khả năng giải thích được nhiều hiện tượng mới phát sinh[1]. Chính từ những nghiên cứu này, nhiều nhà kinh tế đã cho rằng các lý thuyết kinh tế cũ không còn phù hợp nữa; một lý thuyết tăng trưởng mới ra đời vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước: lý thuyết tăng trưởng nội sinh.
          Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, về cơ bản, tăng trưởng xuất phát từ những nỗ lực đổi mới trong sản xuất; trong đó đổi mới mang tính nội sinh, thể hiện ở chỗ doanh nghiệp phân tích đánh giá hiệu quả đạt được từ những nỗ lực đổi mới của bản thân so với phương thức sản xuất truyền thống, từ đó lựa chọn các phương thức sản xuất mới và các loại sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiềm năng. Sự lựa chọn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như lãi suất, quy mô dân số, trình độ công nghệ hiện tại và khả năng đổi mới công nghệ trong tương lai của doanh nghiệp. Như vậy, sự tăng trưởng về cơ bản sẽ đạt được từ những yếu tố ngoại sinh, nhưng lại được tạo ra trong quá trình tác động qua lại lẫn nhau giữa các cải tiến và đổi mới của các đơn vị sản xuất. Khác với nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp có được trong quá trình đổi mới thường được xem là sở hữu cá nhân hoặc của doanh nghiệp; chỉ có một số ít được đem cho người khác, doanh nghiệp khác sử dụng; dĩ nhiên tỷ lệ loại vốn tri thức được đem ra sử dụng chung có xu hướng tăng lên.
          Những quan điểm trên cho thấy lý thuyết tăng trưởng nội sinh đã trở lại với lý thuyết phát triển của Schumpeter (1911), trong đó ông coi đổi mới là động lực của sự phát triển. Theo các nhà kinh tế hậu Schumpeter và những người theo thuyết tăng trưởng nội sinh, các sáng kiến cải tiến thường có xu hướng tập trung theo ngành công nghệ và theo hình thức tổ chức sản xuất, nên nhiều khi chỉ một sáng kiến mang tính đột phá căn bản, chẳng hạn tạo ra một sản phẩm mới, một công nghệ mới có khả năng áp dụng rộng rãi, thì có thể đem lại một quá trình tăng trưởng dài hạn. Trường hợp phát minh ra máy hơi nước, đường sắt, ô tô, máy bay, máy tính và hệ thống internet hiện nay là những ví dụ điển hình. Như vậy, hai khía cạnh tạo ra sáng kiến và phổ biến rộng rãi sáng kiến tự chúng đã hoà hợp với nhau tạo thành một thuyết kinh tế nội sinh hoàn chỉnh.
          Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, nền kinh tế của mỗi quốc gia có những đặc thù riêng nên mức độ tiếp cận các luồng tri thức, mức độ tham gia trao đổi hàng hoá, sản phẩm sẽ khác nhau. Do vậy, các quốc gia không có cùng một nhịp độ tăng trưởng kinh tế dài hạn giống nhau và con đường dẫn đến sự tăng trưởng cũng rất đa dạng, phong phú; chính ở đây, các chính phủ có thể đề ra đường lối chính sách phát triển của mình cho phù hợp với đặc điểm mỗi nước. Mô hình tăng trưởng nội sinh cũng chỉ ra nhiều kênh ngoại sinh qua đó cho phép chính phủ có thể tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả tích cực tới tăng trưởng kinh tế.
          Một trong những kênh quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh là vốn đầu tư. Thậm chí thuyết này còn cho rằng vốn sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất tới tăng trưởng và là nhân tố cơ bản tạo cơ sở cho sự ra đời và tích tụ các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, nguồn gốc của tăng trưởng (Boyer và Didier, 2000). Đặc biệt vai trò của đầu tư vào trang thiết bị rất lớn nên các chính phủ phải có chính sách khuyến khích loại đầu tư này. Các công cụ chính sách kinh tế có hiệu quả nhất, theo khuyến nghị của lý thuyết tăng trưởng nội sinh là miễn giảm thuế lợi tức, hỗ trợ đầu tư, tổ chức thị trường tài chính và đảm bảo tính dự báo được của chính sách kinh tế (ví dụ chính sách kinh tế rõ ràng, nhất quán theo một hướng dài hạn). Tóm lại, ngay trong những lý thuyết tăng trưởng gần đây, vai trò của vốn đầu tư vẫn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.


[1] Ví dụ mô hình Solow đặt ra giả thiết đủ việc làm, điều này có thể chấp nhận được đến những năm 70, nhưng sau đó thì giả thiết này không đứng vững nữa. Hoặc mô hình Solow cho rằng về mặt dài hạn, sự tăng trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào những tác động ngoại sinh, chủ yếu là thay đổi tiến bộ kỹ thuật; trong khi đó, những kiến thức về khoa học và công nghệ lại được xem là tài sản công cộng mà mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp đều có quyền tiếp cận, sử dụng mà không cần biết nguồn tài trợ cho các hoạt động khoa học và công nghệ đó được lấy từ đâu; do vậy xét về dài hạn, tất cả các nước sẽ đều hướng về một con đường phát triển chung, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá các hoạt động khoa học và công nghệ như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra khác xa với lập luận của mô hình Solow vì con đường phát triển, năng suất và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại các nước rất khác nhau. Đối với mô hình Keynes, do những bất cập của nó nên đã phát sinh nhiều biến động kinh tế xuất phát từ những can thiệp không phù hợp của các chính phủ. Chính vì vậy mà trong những năm 70 và 80, người ta đã phải nhấn mạnh đến vai trò của tính rõ ràng và thống nhất của hệ thống các chính sách ưu đãi, nhưng tình hình không được cải thiện bao nhiêu nên chính sách kinh tế có xu hướng quay trở lại quan điểm cổ điển, tức là giảm mạnh vai trò can thiệp của nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét