Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

(2) DỰ BÁO BẰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG Ở VIỆT NAM

Bài viết cũ của tôi:
DỰ BÁO BẰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG – MỘT CÔNG CỤ MẠNH VÀ CÓ THỂ SỬ DỤNG TỐT Ở VIỆT NAM
Để thực sự phát huy được công cụ mô hình kinh tế lượng trong công tác phân tích và dự báo kinh tế ở nước ta, rất cần có sự tập hợp lực lượng để phát huy được sức mạnh tập thể vì từng cá nhân không thể xây dựng được mô hình kinh tế lượng có chất lượng.
Do vậy, đã đến lúc cộng đồng làm kinh tế lượng cần hợp sức cùng nhau xây dựng Hội khoa học kinh tế lượng Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan có nhu cầu sử dụng kết quả từ mô hình kinh tế lượng cần đầu tư hơn nữa cho công tác này và tài trợ cho các hoạt động của Hội Khoa học kinh tế lượng Việt Nam.
*****
II. Một số kinh nghiệm và vấn đề đặt ra để tiếp tục xây dựng, sử dụng các mô hình kinh tế lượng vĩ mô trong điều kiện Việt Nam
1. Vai trò của mô hình hoá kinh tế lượng
Trước hết, cần phải nhắc lại những ưu điểm nổi bật của công cụ mô hình hoá kinh tế lượng so với các nghiên cứu kinh tế bằng các phương pháp thông thường, đó là:
(1) Cho phép kết hợp cả phương pháp định lượng và phương pháp định tính để kiểm tra các kết luận kinh tế, tức là kiểm định lại xem các quan hệ kinh tế về mặt định lượng có phù hợp với những quan hệ rút ra từ lý luận và thực tiễn quản lý kinh tế không, từ đó cho phép đưa ra những kết luận kinh tế đúng đắn.
Ví dụ: Cùng là hiện tượng lạm phát, nhưng lạm phát ở mỗi nước lại có nguyên nhân khác nhau và diễn biến theo các chu trình kinh tế khác nhau. Hiện nay, phân tích kinh tế của chúng ta chủ yếu dựa trên lập luận lo gic, chưa có những phân tích định lượng kèm theo để khảng định lập luận đó là đúng. Trong khi đó, các quan hệ kinh tế thường rất phức tạp nên nếu chỉ dựa trên các lập luận lô gíc thì có thể gặp sai lầm.
Sử dụng công cụ kinh tế lượng cho phép làm tăng thêm tính tin cậy của các phân tích kinh tế vì một mặt, trước khi phân tích bằng kinh tế lượng, bao giờ cũng phải phân tích theo lập luận lô gíc thông thường. Mặt khác, sau bước này, sẽ dùng kỹ  thuật kinh tế lượng để kiểm định xem kết luận rút ra từ nghiên cứu định tính co phù hợp với định lượng không. Trong trường hợp này, phải phân tích lạm phát theo các lý thuyết kinh tế, chọn ra cách giải thích phù hợp nhất, rồi xây dựng mô hình, ước lượng thử mô hình và phân tích để có kết luận đúng đắn.
(2) Cung cấp các kết quả mô phỏng cho phép
a) Phân tích vai trò của các yếu tố trong quá trình sản xuất, tái sản xuất xã hội. Ví dụ ảnh hưởng của chính sách thuế, chính sách lương hoặc tổng hợp cả hai chính sách, tới sự phát triển của toàn hệ thống kinh tế.
b) Đánh giá ảnh hưởng của các chính sách kinh tế vĩ mô tới nền kinh tế:
- Đánh giá tác động của các chính sách trong quá khứ. Ví dụ muốn biết nếu năm 1985 không tiến hành cải cách giá lương tiền thì nền kinh tế sẽ thế nào ? Chỉ có sử dụng kỹ thuật mô phỏng mới cho phép có câu trả lời.
- Dự báo tác động của các chính sách kinh tế sẽ áp dụng trong tương lai: Có thể dự báo tác động của 1 chính sách, giải pháp cụ thể, hoặc dự báo tác động của nhiều biện pháp áp dụng đồng thời hoặc lần lượt qua các tháng, quý, năm (áp dụng không đồng thời). Chỉ khi thấy áp dụng trên mô hình có tác động tích cực thì mới đem áp dụng vào nền kinh tế.
- Ghép với mô hình tăng trưởng để nghiên cứu tăng trưởng và xây dựng kế hoạch phát triển; ghép với mô hình vào ra, mô hình cân đối để vừa phân tích dự báo ngắn hạn, vừa phục vụ cho xây dựng kế hoạch dài hạn.
c) Đưa ra nhiều kịch bản phát triển khác nhau dựa trên những giả thiết đầu vào khác nhau, trong đó có các đầu vào là chính sách kinh tế.
(3) Một số thế mạnh khác là:
- Đảm bảo sự khớp nhau về mặt kế toán giữa các cân bằng kinh tế;
- Có thể tính đến một lượng không hạn chế các cơ chế phụ thuộc lẫn nhau giữa các biến, chỉ tiêu kinh tế;
- Việc mô tả các quan hệ bằng các phương trình hành vi tường minh cho phép tất cả mọi người đều có thể thấy rõ ràng, có thể cho ý kiến đánh giá và có thể tự điều chỉnh theo ý kiến của mình để cải tiến chất lượng phân tích và dự báo;
- Có thể tính toán đồng thời, chính xác và cực nhanh các công thức liên quan, các kết quả dẫn xuất nếu cần;
- Có thể đưa vào dễ dàng những thay đổi cần thiết khi đổi mới lý thuyết phát triển kinh tế;
- Có thể so sánh với các mô hình khác để chọn mô hình phù hợp nhất với thực tế khách quan.
- Có thể sử dụng để dự báo trong nhiều năm nếu lý thuyết phát triển kinh tế không thay đổi.
2) Một số thuận lợi cơ bản của công tác mô hình hoá hiện nay so với trước đây
- Tiến bộ nhanh về lý thuyết kinh tế, cho phép mô hình hoá các cơ chế kinh tế ngày càng phong phú hơn và phù hợp với thực tế hơn;
- Tiến bộ của môn kinh tế lượng, gồm các phương pháp ước lượng ngày càng tinh vi hơn, cho phép thu được các phương trình ngày càng tin cậy và gắn với thực tế; các phương pháp kiểm định giả thuyết thống kê hoàn chỉnh hơn, phong phú hơn để có thể vận dụng phù hợp với từng hoàn cảnh...
- Thuật toán giải các mô hình lớn ngày càng nhiều, chuyên sâu...; khả năng giải ngày càng cao nên hạn chế được trường hợp các mô hình không hội tụ.
- Chất lượng, sức mạnh của các phương tiện tính toán đã rất tốt, nhất là công suất máy tính ngày càng lớn; điều này cho phép giải được những mô hình với kích thước ngày càng tăng và dùng các thuật toán ngày càng phức tạp với độ chính xác tốt hơn.
- Tiến bộ nhanh về kiến thức mô hình hoá và dự báo; cho phép người lập mô hình sớm thích nghi mô hình với vấn đề đặt ra, không quá khó khăn khi xây dựng các giải thuyết, giảm nhanh chi phí xây dựng các dự báo.
- Các phần mềm và công cụ tin học chuyên sâu trong lĩnh vực mô hình hoá ngày càng nhiều;
- Số liệu ngày càng đáng tin cậy hơn, phản ánh thực tiễn tốt hơn. Số chuỗi nhiều hơn, thời gian quan sát dài hơn...
- Lãnh đạo ngày càng quan tâm đến vai trò của công tác phân tích và dự báo cũng như vai trò của công cụ mô hình hoá.
3) Một số lưu ý với người làm công tác phân tích, dự báo dựa trên các mô hình kinh tế lượng
Qua kinh nghiệm trực tiếp làm công tác phân tích, dự báo dựa trên các mô hình kinh tế lượng, đồng thời tham gia giảng dạy, tham gia Hội đồng chấm các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến sử dụng công cụ mô hình kinh tế lượng, chúng tôi đề nghị khi sử dụng công cụ này cần lưu ý một số vấn đề sau:
(1) Phải nắm được bản chất của môn kinh tế lượng, đặc biệt phải hiểu rõ mô hình là một tập hợp các quan hệ phụ thuộc lẫn nhau cho phép phối hợp các giá trị của một số đại lượng, chỉ tiêu theo một hoặc một số lý thuyết nào đó đã được định trước. Hiện nay, có tình trạng ước lượng các quan hệ tràn lan, không có cơ sở lý thuyết nào cả; do đó quan hệ giữa các chỉ tiêu chỉ là quan hệ cơ học, không phải là quan hệ nhân quả, nên không có giá trị để mô phỏng chính sách và dự báo phát triển.
(2) Vai trò của các lý thuyết kinh tế là cực kỳ quan trọng. Các chuyên gia xây dựng mô hình phải nắm vững các lý thuyết kinh tế, đối chiếu với thực trạng kinh tế nước ta để xem lý thuyết nào giải thích tốt nhất bản chất tiến trình phát triển của nền kinh tế nước ta, rồi dùng chính lý thuyết đó để hình thành quan điểm lý luận cho mô hình và quan điểm phát triển của nền kinh tế. Điều này giống như một bác sĩ (Chính phủ) chữa cho người bệnh (một nền kinh tế). Khi người bệnh ốm, đến khám, bác sĩ sẽ liệt kê trong đầu triệu chứng của tất cả các loại bệnh (các lý thuyết kinh tế) và nghe bệnh nhân trình bày tình hình sức khoẻ (thực trạng kinh tế) để so sánh, sau đó rút ra kết luận bệnh nhân bị bệnh gì. Khi đã xác định được bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn một số loại thuốc trị (chính sách kinh tế) theo chỉ dẫn trong lý thuyết về bệnh đó (lý thuyết kinh tế) để chữa loại bệnh đó. Do vậy, phải nắm được các lý thuyết kinh tế, từ lý thuyết cổ điển, tân cổ điển, tân Keynes, hậu Keynes và các nhánh phát triển của chúng để vận dụng trong phân tích thực chất hoạt động của nền kinh tế nước ta, từ đó thiết kế được các mô hình phù hợp (trong Blog này đã có loạt bài bằng tiếng pháp tóm tắt nội dung hơn 150 lý thuyết kinh tế).
(3) Phải nắm chắc những kỹ thuật cơ bản của quá trình xây dựng mô hình. Những kỹ thuật tối thiểu là:
- Phân biệt rõ 1 biến kinh tế là biến nội sinh hay ngoại sinh;
- Phân biệt rõ ràng phương trình hành vi và phương trình kế toán.
- Đảm bảo mô hình phải giải được. Nhiều trường hợp do vô tình, chúng ta làm cho mô hình không thể có lời giải. Ví dụ ước lượng thực tế cho thấy tiêu dùng luôn luôn lớn hơn thu nhập và phải nhập khẩu để cân đối nhưng trong dự báo (ngắn hạn) lại đặt ra ràng buộc phải có thặng dư thương mại nên bài toán không giải được.
- Lựa chọn loại mô hình phù hợp với tầm dự báo. Dự báo ngắn hạn có thể dùng mô hình quý hoặc mô hình năm. Mô hình quý rất có giá trị trong điều hành để chống tính chu kỳ của các nền kinh tế. Tầm dự báo của các mô hình quý là từ 1 quý đến 2 năm, hiếm khi kéo dài tới 5 năm. Mô hình trung hạn được xây dựng theo chuỗi số liệu năm và có thể dùng để dự báo cho 4 đến 7 năm. Để xây dựng chiến lược, phải xây dựng các mô hình dự báo dài hạn với rất ít phương trình nhằm dự đoán một trục tăng trưởng khá dài, từ 10 đến 30 năm.
Tầm dự báo thường được xác định ngay khi xây dựng mô hình vì các cơ chế kinh tế ngắn, trung và dài hạn thường khác nhau. Mô hình dài hạn ít chú ý tới các hiện tượng tình thế, nhất thời, chỉ chú ý tới các xu hướng dài hạn. Ngược lại, mô hình ngắn hạn không chú ý tới những vấn đề dài hạn... Do vậy, gần như không thể xây dựng được các mô hình có thể sử dụng để dự báo đồng thời ngắn hạn và dài hạn.
- Đảm bảo tính kế toán (cân bằng) tổng thể, gồm đảm bảo tính kế toán giữa các biến nội sinh, đảm bảo quan hệ lô gíc theo chiều từ biến ngoại sinh đến biến nội sinh, đảm bảo không có quan hệ giữa các biến ngoại sinh với nhau, đảm bảo quan hệ lô gíc theo chiều từ biến nội sinh đến biến ngoại sinh...
- Đảm bảo tính đồng nhất (homogeneity). Hầu như các mô hình hiện nay đều mắc lỗi đơn giản này. Đó là để tồn tại quan hệ tuyến tính giữa các biến giá trị và các biến khối lượng, xây dựng quan hệ giữa các biến log và các biến tuyệt đối, Lẫn lộn giữa tỷ lệ tăng trưởng, tỷ lệ phần trăm và số tuyệt đối (ví dụ GDP phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát, vào tỷ lệ chi ngân sách cho đầu tư phát triển)...
- Không nên tham lam, dự báo quá nhiều vấn đề trong một mô hình. Thực tế mô hình chỉ chứa 1 số ít các biến giải thích trong khi nền kinh tế là một hệ thống ngày càng phức tạp và hành vi của các tác nhân kinh tế cũng rất biến động do họ luôn luôn có thông tin mới. Vì vậy, ôm đồm quá sẽ làm “loãng” mô hình, làm cho kết quả dự báo không chính xác.
Do vậy, không nên mở rộng quy mô mô hình mà chỉ nên xây dựng các mô hình có chất lượng hơn, nhằm vào những lĩnh vực mà công cụ này có khả năng dự báo tốt. Đặc biệt lưu ý khi tình hình kinh tế diễn ra đều đặn, ổn định và có tính bền vững thì nên dùng công cụ mô hình vì có khả năng dự báo tốt hơn là dự báo của các chuyên gia. Ngược lại, khi tình hình kinh tế không ổn định, nhiều bất thường, bấp bênh thì nên dùng dự báo theo phương pháp chuyên gia. Tuy nhiên, dự báo chuyên gia thường rời rạc; do đó cần nối các dự báo chuyên gia với mô hình để tạo ra dự báo tổng thể và đảm bảo tính hệ thống.
- Chọn chỉ tiêu đại diện phải phù hợp. Các lý thuyết kinh tế rất phức tạp vì thường đi từ vi mô; do đó thường cần nhiều chuỗi số liệu mà thực tế ở tầm vĩ mô không có được. Ví dụ trong mô hình thuế, phải tính thuế từ cơ sở thu thuế; song thực tế không thể xác định được chỉ tiêu này. Do đó phải dùng chỉ tiêu thay thế, ví dụ GDP. Khi đó, phải kiểm chứng xem GDP có thực sự là chỉ tiêu thay thế phù hợp không.
- Cần giới hạn tham vọng đặt vào mô hình và phải thuyết phục người sử dụng tự hạn chế tham vọng đối với mô hình. Đặc biệt, cần nhận thức rõ việc dự báo chính xác tất cả các chỉ tiêu là rất khó; trong trường hợp dự báo ngắn hạn, nhiều khi dự báo theo xu thế bằng các mô hình như VAR hay ARIMA có khi lại chính xác hơn so với dự báo theo mô hình kinh tế lượng. Việc dự báo xu hướng phát triển của một số chỉ tiêu chính thì khó vừa; trong khi dễ nhất là sử dụng mô hình kinh tế lượng để xác định các cơ chế chính sách tổng thể của nền kinh tế, xác định các quan hệ cơ bản có ảnh hưởng mạnh nhất trong nền kinh tế.
- Sai lầm hay gặp phải trong thực tế là: Khi tình hình kinh tế đang khó khăn, các dự báo kèm theo nhiều giải pháp thường cho rằng tình hình sẽ sớm được cải thiện... Thực tế không dễ như vậy. Hoặc khi kinh tế đang tăng trưởng cao, người ta ít khi dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại, thậm chí sẽ rơi vào khủng hoảng ngay trong 1 vài năm tới (nếu như không có biện pháp điều chỉnh cơ cấu kinh tế ngay từ giờ)...
(4) Phải nắm chắc những kỹ thuật cơ bản của quá trình dự báo, nhất là dự báo giả, dự báo theo kịch bản, dự báo xu thế, dự báo chuẩn và dự báo theo chênh lệch (variantes), dự báo trung tâm (còn được gọi là dự báo nền hay dự báo cơ bản làm cơ sở để đối chiếu với các phương án dự báo khác), phương án dự báo bi quan, phương án dự báo lạc quan...
Việc dự báo dài hạn thực chất là dự báo quỹ đạo tăng trưởng theo hướng hội tụ về một tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của từng chỉ tiêu. Quá trình hội tụ dần dần đó được gọi là trục dừng và điểm hội tụ cuối cùng được gọi là điểm dừng; đây cũng chính là dự báo quá trình đi đến điểm phát triển cân bằng dài hạn.
Tốc độ hội tụ dần về điểm cân bằng dài hạn được gọi là tốc độ điều chỉnh. Khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành quá trình điều chỉnh được gọi là thời gian điều chỉnh. Khi nền kinh tế hoạt động quá nóng thì phải được, hoặc sẽ bị tự phát điều chỉnh về điểm cân bằng để phù hợp với xu hướng phát triển tiềm năng. Ngược lại, khi nền kinh tế hoạt động quá chậm thì sẽ được điều chỉnh dần theo hướng tăng lên... Chính sách kinh tế có tác dụng rút ngắn thời gian điều chỉnh để làm cho hiệu quả kinh tế, xã hội tăng lên; nền kinh tế sớm đi vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững hơn.
Ngoài ra, cũng cần nắm chắc các kỹ thuật dự báo các biến ngoại sinh bao gồm dự báo các biến ngoại sinh thuần tuý và dự báo các biến ngoại sinh chính sách; Xây dựng các kịch bản cho biến ngoại sinh; dự báo các sai số, tức là ngoại suy chúng cho giai đoạn dự báo.
(5) Bảo dưỡng mô hình để sử dụng lâu dài: Nhìn chung, việc hoàn thiện một mô hình kinh tế lượng và thực hiện các dự báo cần nhiều thời gian và phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể là nhiều quý, nhiều năm nếu là mô hình lớn. Do đó, để có thể sử dụng mô hình lâu dài và cho những dự báo tốt, cần phải cập nhật mô hình định kỳ, trong đó có một số việc cần làm là:
- Định kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu của mô hình, trước hết là cơ sở dữ liệu cho các biến nội sinh và ngoại sinh;
- Ước lượng lại mô hình khi có những thông tin mới cập nhật; sửa chữa những phương trình không còn phù hợp;
- Cập nhật, sửa chữa các phương trình của mô hình theo đà phát triển (chuyển đổi cấu trúc) của nền kinh tế và các lý thuyết kinh tế;
- Định kỳ xây dựng lại các giả thuyết liên quan đến các biến ngoại sinh và biến sai số dự báo;
- Nếu mô hình đã thực sự tốt và nếu cần thiết, có thể mở rộng quy mô của mô hình bằng cách đưa thêm một số khối mới theo đà phát triển của kinh tế thị trường (khối cán cân thanh toán quốc tế, khối tiền tệ, khối thị trường trong nước...), mở rộng một số khối cũ, chi tiết thêm một số ngành, khu vực, nội sinh hoá một số biến trước đây là ngoại sinh...
- Khi Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành liên quan thay đổi định nghĩa một số chỉ tiêu hoặc tính toán lại toàn bộ chuỗi nào đó, cần cập nhật thông tin, sửa chữa và ước lượng lại mô hình. Đặc biệt, cần lưu ý là các số liệu gần nhất thường là số ước tính, do đó cần thường xuyên cập nhật.
- Sau khi ước lượng lại mô hình, cần kiểm tra các tính chất của nó để khẳng định mô hình vẫn chấp nhận được. Các kiểm tra tối thiểu phải làm là mô phỏng quá khứ để phân tích sai số, mô phỏng phân tích nhân tử, dự báo giả...
- Trong một số trường hợp, do không có thời gian, kinh phí nên người ta không thực hiện toàn bộ quy trình bảo dưỡng mô hình mà chỉ thực hiện một số bước. Khi đó mô hình sẽ không được tốt và các kết quả dự báo có thể không chính xác.
III. Kết luận vai trò của mô hình kinh tế lượng vĩ mô và phương hướng sử dụng trong điều kiện nước ta
1) Vai trò của mô hình kinh tế lượng vĩ mô
Từ các phân tích kinh nghiệm xây dựng và sử dụng mô hình kinh tế lượng vĩ mô tại Vụ Tổng hợp KTQD nêu trên, có thể khẳng định trong điều kiện thông tin số liệu còn hạn chế và chưa hoàn thiện của nước ta, nhưng với những gì có được, vẫn có thể xây dựng được các mô hình kinh tế lượng vĩ mô có chất lượng, đồng thời các mô hình kinh tế lượng vĩ mô vẫn cho các kết quả phân tích dự báo khá tốt, phản ánh được xu thế phát triển cũng như báo trước các nguy cơ mất cân bằng của nền kinh tế để giúp các nhà hoạch định chính sách phát triển lường trước và chủ động có giải pháp xử lý trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Vì vậy, vẫn có thể khẳng định mô hình kinh tế lượng vĩ mô là một công cụ mạnh và có thể sử dụng tốt ở nước ta.
2) Phương hướng sử dụng trong điều kiện nước ta
(1) Trong giai đoạn đầu, nên ưu tiên sử dụng mô hình kinh tế lượng vĩ mô để chứng minh những vấn đề cụ thể, nhất là xác định các cơ chế chính sách trong từng lĩnh vực của nền kinh tế, xác định các quan hệ cơ bản có ảnh hưởng mạnh nhất trong nền kinh tế.
Ví dụ cần các mô hình giải thích những nhân tố gì đang tạo ra quá trình tăng trưởng của nền kinh tế nước ta hiện nay ? Những nhân tố gì làm cho sức hút vốn FDI, ODA vào nước ta ngày càng tăng ? Lạm phát tăng lên là do đâu ?... Tiếp theo, so sánh với tình hình quốc tế để thấy ta mạnh gì, yếu gì về cơ chế chính sách để phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu...
Các kết quả cần được công bố rộng rãi trong giới khoa học kinh tế để đánh giá, so sánh, tiếp tục hoàn thiện.
(2) Khi đã thành thạo trong việc sử dụng các phương trình kinh tế lượng rời rạc hoặc mô hình kinh tế lượng vĩ mô với rất ít phương trình, đồng thời xác định (thống nhất) được nguyên nhân của các hiện tượng riêng rẽ trong nền kinh tế nước ta, thì mới nên chuyển sang giai đoạn 2 là ghép nối chúng thành một hệ thống, đồng thời xác định lý thuyết kinh tế tổng quát giải thích chung sự vận động của hệ thống kinh tế nước ta, từ đó xây dựng thành mô hình để dự báo.
Hiện nay chỉ có rất ít cán bộ, cơ quan có thể thực hiện được giai đoạn này mặc dù đội ngũ cán bộ có hiểu biết về mô hình đã khá đông đảo.
(3) Để thực sự phát huy được công cụ mô hình kinh tế lượng trong công tác phân tích và dự báo kinh tế ở nước ta, rất cần có sự tập hợp lực lượng để phát huy được sức mạnh tập thể vì từng cá nhân không thể xây dựng được mô hình kinh tế lượng có chất lượng.
Do vậy, đã đến lúc cộng đồng làm kinh tế lượng cần hợp sức cùng nhau xây dựng Hội khoa học kinh tế lượng Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan có nhu cầu sử dụng kết quả từ mô hình kinh tế lượng cần đầu tư hơn nữa cho công tác này và tài trợ cho các hoạt động của Hội Khoa học kinh tế lượng Việt Nam.

http://vienthongke.vn/attachments/article/465/bai3-cs1-2009.pdf

2 nhận xét:

  1. 2012/3/2 hoai nguyen

    Em là một nhà báo, tình cờ lướt qua blog của anh, chao ôi, em thích quá. Cho em hỏi, anh về hưu chưa? Em rất muốn được gặp anh để được anh chỉ giáo những kiến thức về kinh tế vĩ mô. Em thích tầm tri thức của anh. Nhà em ở ngã tư sở, cơ quan em ở cầu giấy. nhận được thư này, anh trả lời em nha.
    ĐA tạ.
    Nguyễn Hoài

    Trả lờiXóa
  2. nguyenhoai2008@gmail.com

    Trả lờiXóa