Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Vietjet Air: Chuyện trễ chuyến và thế lực bảo kê

Đọc bài này thấy tác giả chưa nắm vững thực tế VN: Thực tế là VN chỉ có 3 hãng hàng không, mới thêm Bamboo airways là hãng thứ 4. Các hãng này có sự thông đồng với nhau và đều chịu sự chi phối của VN airlines và Chính quyền, nên làm gì có "các lựa chọn khác cạnh tranh về giá". Thêm nữa, tác giả trích dẫn thông tư liên quan đến quyền lợi, bồi thường của hành khách khi máy bay chậm hoặc hủy chuyến. Thực tế các hãng liên tục vi phạm và cũng liên tục không bồi thường, hành khách kiện cáo cũng không giải quyết được việc, vì các hãng có thế lực chính quyền bảo kê đứng sau. Buồn nhất là người dân nếu đấu tranh thì chỉ quan tâm đòi được lợi ích riêng cho mình, không quan tâm tới lợi ích cộng đồng, nên tuyệt đại đa số các cuộc đấu tranh đã thất bại. Lưu bài này để ủng hộ cuộc đấu tranh của tác giả (vì bài này bị các thế lực bảo kê chi tiền để các ban quản trị các trang rút bỏ).
Vietjet Air – Câu chuyện trễ chuyến và hơn thế nữa
Nguyễn Trang Nhung 2019-04-09 - Tôi nghĩ rằng đối với những ai không muốn đi Vietjet Air, và nếu giá rẻ là một tiêu chí, thì ngoài Vietjet Air, không phải là không có các lựa chọn khác cạnh tranh về giá. Chốt lại một câu là: Nếu hành khách chỉ ca thán mà không thay đổi, không đòi hỏi, tất nhiên, theo một cách hiểu biết và chính đáng, thì khó mà khiến một dịch vụ nào hay một hàng hóa nào tốt lên, cũng như khó mà khiến doanh nghiệp nào tử tế và văn minh lên được.

Máy bay của Vietjet Air (Ảnh minh họa)
'VJ198 – Chuyến bay kinh hoàng của Vietjet Air' là tiêu đề của một bài viết của facebooker HT (tên viết tắt) về chuyện Vietjet Air trễ chuyến đến gần 7 tiễng rưỡi với nhiều chi tiết không hay về cách hành xử của hãng. Theo lời kể của HT, cô và vài hàng trăm hành khách đã đặt vé trên chuyến bay VJ198 khởi hành lúc 7h10 tối ngày 3/4 từ Sài Gòn đi Hà Nội nhưng mãi đến 2h30 sáng ngày 4/4 mới được cất cánh.

Không chỉ là trễ chuyến, chuyện còn tệ hơn như vậy. Sau hai lần hãng thông báo lùi giờ bay thì đến 9h50 tối, hành khách được lên máy bay. Tưởng như sắp bay đến nơi, hành khách hết cả kiên nhẫn khi khoảng 2 tiếng sau máy bay vẫn không cất cánh.

Khi thắc mắc với tiếp viên, hành khách được trả lời là do có chút sự cố nên máy bay sẽ chậm thêm mấy phút. Hết mấy phút là mấy chục phút nữa mà máy bay vẫn chưa bay. Lúc này, nhiều người đói, mệt, nhất là người già và trẻ em.

Đến gần 1h sáng mà không được ăn uống, một bà cụ đã ngất xỉu. Hãng buộc phải mở cửa máy bay đưa bà cụ đó xuống. Các hành khách khác nhân đó cũng xuống theo.

Xuống sân bay vạ vật thêm cả tiếng đồng hồ nữa thì hành khách mới được thông báo là máy bay sẽ cất cánh vào lúc 2h30...

Ngoài bài viết về sự việc, HT còn kèm theo video cho thấy một hành khách trung niên thể hiện bức xúc và nêu ý kiến với tiếp viên của hãng. Hành khách này nói rằng lý do ban đầu mà hãng đưa ra là "thủ tục không lưu chưa xong", đến khi lên máy bay rồi thì hãng lại giải thích lý do là "nhầm số hiệu chuyến bay". Hành khách này nói thêm rằng không còn đủ lòng tin vì hãng "nói dối liên tục".[1]

Chuyện về chuyến bay này của Vietjet Air hình như không được báo chí chính thống đăng tải. Tôi đã thử tìm kiếm qua Google theo một số từ khóa mà không tìm thấy tin tức về chuyện này trên mạng nói chung.

Điều "hay ho" là bài viết cùng video của HT sau nhiều tiếng đồng hồ kể từ sáng 6/4, đã mất dạng trong một group công khai nơi cô đăng tải, đó là group Góc nhìn Báo chí – Công dân.[2]

Tình cờ, qua một facebooker khác, tôi được biết rằng bài viết và video đã được đăng tải ở một số trang khác, như 'Chất lượng sống' (ngày đăng là 6/4), 'Người vận chuyển' (không rõ ngày đăng) và cũng mất dạng trên các trang này.

Có vẻ như cái thế lực mà ai cũng biết là ai đấy đã nhúng tay vào các vụ bốc khói của các status đó. Tuy nhiên, thế lực đó không thể truy cùng diệt tận cho bằng hết được, ít nhất là tính tới 9h tối ngày 7/4 (giờ Việt Nam), khi còn vài nơi khác mà bài viết và video đó vẫn tồn tại.

Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ, với tỷ lệ trễ chuyến có lẽ không phải, hay chưa phải là cao nhất (riêng trong quý 1 năm 2018 thì tỷ lệ trễ chuyến cao nhất thuộc về JetStar, với 21,1%, trong khi tỷ lệ này của Viejet Air là 16,6%[3]) song dường như bị ca thán nhiều nhất về chất lượng dịch vụ.


Hình minh họa. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc của Vietjet phát biểu tại một buổi họp báo ở Dubai hôm 10/11/2015. Vietjet ký hợp đồng mua 30 máy bay A321 của Airbus trị giá 3,6 tỷ đô la AFP

Cách đây không lâu, trong một chuyến bay từ Sài Gòn tới Huế, do sự cố, Vietjet Air đã hạ cánh xuống Đà Nẵng song chỉ bồi thường mỗi hành khách 100 ngàn đồng để hành khách tự đi xe khách đến điểm cuối.[4]

Trở lại với bài viết của HT, cuối bài viết của mình, HT tái bút rằng "Sẽ vẫn phải đi Vietjet nhưng tôi thực sự thấy sợ, quá sợ Vietjet rồi."

Tôi nghĩ rằng đối với những ai không muốn đi Vietjet Air, và nếu giá rẻ là một tiêu chí, thì ngoài Vietjet Air, không phải là không có các lựa chọn khác cạnh tranh về giá.

Vấn đề chủ yếu là hành khách có sẵn lòng từ bỏ thói quen đi riết một hãng (dù không muốn) hoặc có sẵn lòng đòi hỏi quyền lợi của mình thay vì chỉ ca thán hay không. Nếu câu trả lời là 'Có', hàng khách sẽ thấy có nhiều hơn một lựa chọn hãng bay, cũng như có nhiều hơn một lựa chọn cho hành xử để bảo vệ quyền lợi của mình.

Liên quan đến quyền lợi, hành khách nên biết rằng kể từ 1/1/2017, theo Thông tư 27/2017/TT-BGTVT,[5] mình sẽ được hưởng các quyền lợi khi máy bay chậm hoặc hủy chuyến như sau:


Từ 2 giờ, được phục vụ nước uống

Từ 3 giờ trở lên được phục vụ đồ ăn
Từ 6 giờ trở lên trong khoảng từ 7h sáng đến 10h tối được bố trí nơi nghỉ
Từ 6 giờ trở lên trong khoảng từ 10h tối đến trước 7h sáng hôm sau được bố trí chỗ ngủ, nghỉ hoặc thỏa thuận giải pháp thay thế với hãng
Được chuyển đổi hành trình trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hãng để đến được điểm cuối một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất

Ngoài ra, theo Thông tư 14/2015/TT-BGTVT,[6] hành khách còn được bồi thường chậm hoặc hủy chuyến là:
200 ngàn đồng/người đối với đường bay trong nước dưới 500 km
300 ngàn đồng/người đối với đường bay trong nước từ 500 km đến 1000 km
400 ngàn đồng/người đối với đường bay trong nước từ 1000 km trở lên
Đối với đường bay quốc tế, mức bồi thường từ 25 USD đến 150 USD tùy theo độ dài đường bay.

Cuối cùng, chốt lại một câu là: Nếu hành khách chỉ ca thán mà không thay đổi, không đòi hỏi, tất nhiên, theo một cách hiểu biết và chính đáng, thì khó mà khiến một dịch vụ nào hay một hàng hóa nào tốt lên, cũng như khó mà khiến doanh nghiệp nào tử tế và văn minh lên được.

Chú thích:

[1] Bài viết và video hiện còn tồn tại ở đây:
https://www.facebook.com/2022680201331337/videos/854822384849182

[2] Group Góc nhìn Báo chí – Công dân
https://www.facebook.com/profile.php?id=463268410729602

[3] Jetstar, Vietjet giữ kỷ lục chậm chuyến trong quý đầu năm 2018
https://news.zing.vn/jetstar-vietjet-giu-ky-luc-cham-chuyen-trong-quy-da...

[4] Video 'Máy bay Vietjet đi Huế lại hạ cánh xuống Đà Nẵng'
https://www.youtube.com/watch?v=YMI0qD-oW8k

[5] Thông tư 27/2017/TT-BGTVT
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Thong-tu-27-2017-T...

[6] Thông tư 14/2015/TT-BGTVT
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Thong-tu-14-2015-T...

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietjet-air-delayed-story-and-furthermore-04092019114114.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét