Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

BỆNH CHÙM BAO thời Phùng Xuân Nhạ

BỆNH CHÙM BAO
FB Chu Mộng Long - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa lên diễn đàn yêu cầu thanh niên "tránh tuyên truyền giáo dục không trong sáng". Nghĩa là những tiêu cực trong giáo dục cần được giấu kín, ủ kín? Lời khuyên của ông bất giác làm tôi nhớ đến "bệnh chùm bao" mà dân quê tôi hay dùng. Nó là bệnh ghẻ bị ủ dòi có từ thời thực dân và phát triển mạnh trong thời Việt Minh rồi tái phát trong những năm hợp tác xã.
Một lần rời chiến trường Tây Nam về phép, tôi mang về cho ba tôi một miếng cao khỉ. Ngâm rượu xong, tôi bảo ba uống đi, có thể chữa được bệnh khớp kinh niên cho ông. Ba tôi vừa ngửi đã lộn mửa và hỏi tôi: "Mày cho tao uống nước chùm bao à?" Tôi hiểu ông muốn nói đến mùi ghẻ lở ủ dòi mà bọn trẻ con chúng tôi thời hợp tác xã từng mắc phải. Lần đầu tiên tôi hỏi: "Tại sao gọi là chùm bao?" Có lẽ ba cũng không hiểu nên nói đại: "Chùm bao là chào bum, là hé lô bum bum đấy!". Mẹ tôi nguýt ba tôi và bảo tôi: "Đừng nghe ông ấy. Bọn Mỹ mất nết thường hay dùng câu tục tĩu ấy". Ba tôi cãi: "Chùm bao là vui mừng bao che sự thối tha, không đúng sao?".

Ông kể thời thực dân, nhà nghèo hay bị mắc bệnh chùm bao. Bắt đầu từ cái mụn nhỏ rồi nó sưng to, ruồi bu đến lở loét ra, cứ thế to dần to dần, mủ ứ lại xanh lè, mỗi lần vỡ ra là dòi bò lổm ngổm. Thường bị nhất là ở chân. Nhà có chó thì cho chó liếm, không thì rịt đất vào. Chẳng biết bao giờ lành. Có cái ghẻ to như cái chén con. Những người da thịt lành thì chịu đựng một thời gian rồi may ra khỏi, nhiều người chết chỉ vì ghẻ. Thời Việt Minh bắt đầu có sáng kiến lấy cái lon đục lỗ xỏ dây cột vào chân để che đậy cái ghẻ đó. Cái lon đó có tác dụng chống ruồi và ngăn mùi hôi thúi.

Tôi bất giác nhìn xuống chân mình, có hai cái sẹo to bằng cái đít tô. Và cũng hiểu vì sao thời hợp tác xã, trừ khi ở không ngồi đuổi ruồi, mỗi khi đi chăn bò, đi học tôi đều phải mang lon. Ba tôi làm cho tôi cái lon khá đẹp, vừa vặn. Bọn trẻ con chúng tôi gần như đứa nào cũng mang lon, cho nên tự phong cho nhau hàm trung tá, đại tá khi được lên lon. Có đứa lên đến cấp tướng vì mỗi chân đeo đến dăm ba cái lon. Trong lớp học chúng tôi thời ấy, mỗi lần có đứa ngứa ngáy tháo cái lon ra là như thể cả lớp được uống rượu cao khỉ. Cả lớp bốc mùi cao khỉ, nhưng ngửi lâu thành quen. Vì gần như đứa nào cũng mang lon rồi lên lon nên không ai còn tâm tư. Bệnh này chỉ hết nhờ tự kháng thể và điều trị bằng kháng sinh. Kháng sinh thời ấy hiếm, may mà kháng thể trong bọn trẻ chúng tôi tốt nên... chỉ vài đứa chết trong tỉ lệ cho phép.

Đấy, "chùm bao" có nghĩa là cả chùm bao che cho ghẻ lở, cho dòi và cho sự hôi thúi.

Sau này khoa học chứng minh trị ghẻ bằng đeo lon như vậy là phản khoa học, chỉ có tác dụng ủ dòi, nuôi dòi.

Tôi hiểu, hàng loạt những tiêu cực giáo dục diễn ra trong thời gian ngắn vừa rồi: tiêu cực thi cử, thầy cô giáo dâm ô, bạo hành trẻ em... tràn lan mà báo chí, dư luận phanh phui làm cho Bộ trưởng nhức đầu như ngửi mùi chùm bao.

Tôi là người gắn bó trọn đời mình với giáo dục. Hàng năm đào tạo ra hàng ngàn thầy cô giáo, tôi cũng nhức đầu như ông. Nhưng quan điểm của tôi trái ngược với ông. Tôi từng viết bài đề nghị ông, rằng tiêu cực không chỉ phanh phui, mổ xẻ trước công luận mà còn phải tổ chức sinh hoạt thường xuyên ở các cơ sở giáo dục thay cho hàng tháng, hàng tuần sinh hoạt báo cáo thành tích. Cách làm đó vừa tạo kháng thể vừa tạo kháng sinh chống tiêu cực hữu hiệu chứ không chơi trò chùm bao nữa!

Xem ra ông Bộ trưởng có tuyên bố chống bệnh thành tích nhưng không thể chữa được bệnh thành tích trong con người của mình. Giấu kín tiêu cực chẳng khác gì ủ bệnh để nuôi vi rút, nuôi dòi cho đến khi nó bùng vỡ ra cho cả làng ngửi. Và sự thực là nó đang bùng vỡ sau mấy chục năm ủ kín mà ông đang gánh chịu nặng nề, mặc dù bệnh đó được các bộ trưởng tiền nhiệm nuôi dưỡng và nhường lại cho ông.

1 nhận xét:

  1. Cu tuong tac gia bai viet la nguoi nuoc ngoai --chum ,bum ,la .

    Trả lờiXóa