Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Xây Trung tâm giám sát trực tuyến BOT minh bạch

Xây Trung tâm giám sát trực tuyến BOT: Phải minh bạch
Muốn lấy lại lòng tin của người dân chỉ có một con đường duy nhất đó là minh bạch, công khai. Tôi nói thẳng, có những sai phạm tại các trạm thu phí BOT thời gian qua là có sự buông lỏng, yếu kém trong quản lý nhưng quan trọng hơn là có sự nể nang, nhượng bộ, làm chỉ mang tính hình thức. Đến mức người dân phải đúc kết là: "thanh tra, thanh mẹ, thanh gì... cứ có phong bì là hết thanh tra", tức là lòng tin của người dân với cơ quan quản lý đang bị suy giảm nghiêm trọng, muốn lấy lại lòng tin của người dân chỉ có một con đường duy nhất đó là minh bạch, công khai, dân chủ", PGS.TS Nguyễn Đình Thám thẳng thắn.
Người dân tự kiểm đếm xe qua lại tại BOT Ninh Lộc. Ảnh: VNN
Vì sao bây giờ mới làm?
PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Khoa Công trình, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, lẽ ra Tổng Cục đường bộ phải lắp đặt, thực hiện dự án quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ (Trung tâm giám sát trực tuyến các trạm thu phí BOT) từ lâu rồi chứ không phải để sau khi có ồn ào về BOT rồi mới rục rịch tiến hành. 
Vị PGS nêu quan điểm như vậy dựa trên ý kiến của Tổng Cục đường bộ cho biết sẽ tiến hành thực hiện dự án trên trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm 2019.

Theo đó, dự án trên sẽ được triển khai song song với dự án thu phí tự động không dừng (ETC) giai đoạn 1 và sắp tới là giai đoạn 2 dự kiến tháng 3 tới đấu thầu chọn nhà đầu tư.

PGS Nguyễn Đình Thám cho biết, nếu Tổng Cục đường bộ quyết tâm thực hiện dự án trên sẽ giúp vấn đề quản lý, thu phí được minh bạch, không còn những lo ngại về tranh chấp, bức xúc trong thu phí giữa chủ đầu tư, người dân và các cơ quan quản lý.

"Đây là giải pháp đúng đắn trong quản lý và thu phí BOT, nhưng chỉ đạo là một việc còn có thực hiện được không và đến bao giờ mới thực hiện xong lại là vấn đề.

Tôi vẫn cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân vì sao đến tận bây giờ Tổng Cục đường bộ mới đề xuất thực hiện dự án này?

Đây là việc rất khó hiểu vì chi phí cho dự án không quá lớn, công nghệ, kỹ thuật không quá phức tạp, hoàn toàn có thể áp dụng đồng bộ, đồng loạt ngay một lúc", vị PGS nói.

Về cách thức thực hiện, PGS Nguyễn Đình Thám đề xuất nên chuyển dữ liệu phí đường bộ tại các trạm thu phí BOT trên cả nước về hai nguồn thay vì một nguồn như Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất.

Cụ thể là truyền dữ liệu trực tiếp về ban quản lý BOT để họ tự xử lý và chuyển song song tới Tổng Cục đường bộ để giám sát, soi chiếu, so sánh số liệu, nguồn thu.

Với cách làm này, Tổng Cục vừa có thể theo dõi trực tiếp vừa đồng thời có thể giám sát được lưu lượng xe cộ qua lại cũng như nguồn thu phí nộp về ngân sách của trạm BOT có khớp nhau hay không?

Qua đây, cũng có thể đánh giá được ngay hiệu quả đầu tư của dự án, từ đó sẽ xác định được mức phí và thời gian thu phí phù hợp, tránh tình trạng bị động, chỉ quản lý dựa trên báo cáo của nhà đầu tư.

Giữ lòng tin của dân
Vị PGS cho biết, câu chuyện mất cắp 2,2 tỷ xảy ra tại trạm thu phí TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hay chuyện gian lận tại trạm thu phí Trung Lương, Pháp Vân - Cầu Giẽ cho thấy sự yếu kém, lỏng lẻo trong quản lý, giám sát khiến người dân bức xúc, ngân sách thất thu.

Chính vì sự yếu kém của các cơ quan quản lý cộng với những phản ứng bị động, khó hiểu trong công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đã khiến người dân mất lòng tin.

Điển hình là trường hợp mất trộm tại trạm thu phí Dầu Giây, cho tới thời điểm này những giải thích cũng như kết quả thanh tra của Tổng Cục đường bộ vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.

Vì lý do trên mới có hiện tượng dân tự lập chốt kiểm đếm số xe qua lại trạm thu phí Ninh Lộc.

"Nếu có Trung tâm giám sát trực tuyến các trạm thu phí BOT cùng với việc quyết liệt yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện lắp đặt hệ thống thu phí không dừng thì đã không xảy ra những mâu thuẫn như thời gian qua.

Việc này cũng đồng thời ngăn chặn được tình trạng Ban quản lý tự ý can thiệp, chỉnh sửa số liệu, làm sai lệch báo cáo thu phí khiến ngân sách bị thất thu.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tôi cho rằng cần tăng cường thêm sự tham gia, giám sát cộng đồng.

Với sự tham gia của các tổ chức dân sự như các hiệp hội, đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp... sẽ giúp hạn chế tiêu cực, hạn chế những nghi ngờ có sự móc ngoặc, bắt tay giữa cán bộ quản lý với nhà đầu tư để trục lợi.

Tôi nói thẳng, có những sai phạm tại các trạm thu phí BOT thời gian qua là có sự buông lỏng, yếu kém trong quản lý nhưng quan trọng hơn là có sự nể nang, nhượng bộ, làm chỉ mang tính hình thức.

Đến mức người dân phải đúc kết là: "thanh tra, thanh mẹ, thanh gì... cứ có phong bì là hết thanh tra", tức là lòng tin của người dân với cơ quan quản lý đang bị suy giảm nghiêm trọng, muốn lấy lại lòng tin của người dân chỉ có một con đường duy nhất đó là minh bạch, công khai, dân chủ", vị PGS thẳng thắn.

Thái Bình
http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/xay-trung-tam-giam-sat-truc-tuyen-bot-phai-minh-bach-3376328/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét