Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Đừng tự giết mình nhưng... đừng đổ lỗi cho nông dân

Đọc đoạn cuối này thấy buồn quá, tư duy như vậy thì bao giờ mới thay đổi được tình hình. Đừng bao giờ đổ lỗi cho người dân, nhất là nông dân. Trong thể chế này, dù họ có đầu độc người khác và chính mình bao nhiêu thì họ cũng vẫn không bao giờ đủ sống cả. Làm như kiến nghị của tác giả thì sẽ tiếp tục "ác với dân", và càng đẩy người dân tới những hành động sai trái. Mấy chục năm qua thể chế này đã đối xử với người dân, nhất là nông dân, tàn ác thế nào; và hậu quả đang sờ sờ ra đó còn định tiếp tục ác với dân nữa hay sao ? Bản thân thể chế này hãy đổi mới đi, hãy thực sự vì người dân đi, thì mới thoát được cảnh này. Đoạn cuối bài như sau: "Để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì ngoài việc phải làm cho người chăn nuôi ý thức được rằng, đấy không phải chỉ là sinh kế của cá nhân gia đình họ mà là vấn đề sức khỏe của cả xã hội, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư công nghệ, sản xuất sạch. Và một biện pháp cực kỳ quan trọng, đó là chế tài thật nặng; thậm chí phải đưa vào bộ luật Hình sự việc sử dụng chất cấm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng". Đừng đem tù đày ra dọa nông dân nữa; tấm gương anh Đoàn Văn Vươn chưa đủ thuyết phục hay sao. Càng đẩy người dân vào tù, họ càng căm thù thể chế và càng dám làm tất cả chỉ để tồn tại và chống đối thể chế dã man này.
Đừng tự giết mình
An Nguyên - Cơn bão salbutamol – chất tạo nạc được trộn vào thức ăn nuôi heo còn chưa được giải quyết, thì nay Thanh tra Bộ NN-PTNT lại phát hiện loại chất cấm mới (được gọi là vàng ô) tiếp tục được sử dụng trong chăn nuôi gà để tạo màu sắc đẹp. Cũng giống như chất tạo nạc, vàng ô gần như không bị đào thải khỏi cơ thể vật nuôi và nó là chất gây ung thư.
Câu chuyện bây giờ không còn là của mấy hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất tham lợi nhuận, bất chấp việc gây hại cho sức khỏe cộng đồng, mà là của cả ngành chăn nuôi nói riêng và nền kinh tế nông nghiệp nói chung. Với những chất cấm sử dụng tràn lan, với những mặt hàng thịt gia súc, gia cầm mất an toàn vệ sinh như vậy, chúng ta có gì để mà cạnh tranh khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết? Khi mà ai cũng biết, chăn nuôi vốn được xem là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất khi VN gia nhập TPP.

Ngành chăn nuôi vốn đã nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sức cạnh tranh do công nghệ lạc hậu, lại bị mang tiếng triền miên về việc sử dụng chất cấm tràn lan trong chăn nuôi. Đừng hỏi tại sao thịt bò, thịt heo, thịt gà ngoại nhập có thể đầy ắp các siêu thị, giết chết sản xuất chăn nuôi trong nước.

Người nông dân chăn nuôi nông hộ có thể chưa biết, nhưng các doanh nghiệp thì buộc phải biết, nếu không thay đổi cách làm để tìm kiếm hướng tồn tại bằng cách sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh, thì không sớm thì muộn sẽ bị xóa sổ trước các đại gia nước ngoài, sẵn sàng đổ công nghệ và tiền bạc vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi béo bở.

70% nông dân theo đuổi chăn nuôi nông hộ, đang sản xuất ra 60% tổng sản phẩm chăn nuôi cả nước có thể chưa biết nhưng quản lý nhà nước thì không thể thờ ơ với các điều khoản TPP đối với ngành chăn nuôi.

Nhưng đáng buồn, hầu như chúng ta chưa có những chuẩn bị cần thiết cho việc hội nhập đang trước mắt. Chưa nói đến việc to tát như chiến lược liên kết sản xuất quy mô mới, ngay chuyện không xử lý được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo, gà đang gia tăng ở mức báo động, chứng tỏ điều đó.

Cơ quan chức năng, ngoài việc thi thoảng có những đợt kiểm tra, phát hiện việc sử dụng chất cấm ở chỗ này chỗ kia, rồi xử phạt hành chính vài triệu đến vài chục triệu, chưa có những kiến nghị chính sách đủ mạnh để giải quyết triệt để tình hình.

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì ngoài việc phải làm cho người chăn nuôi ý thức được rằng, đấy không phải chỉ là sinh kế của cá nhân gia đình họ mà là vấn đề sức khỏe của cả xã hội, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư công nghệ, sản xuất sạch. Và một biện pháp cực kỳ quan trọng, đó là chế tài thật nặng; thậm chí phải đưa vào bộ luật Hình sự việc sử dụng chất cấm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét