Trung Quốc: trước và sau năm 1949, người dân mất những gì?
Năm 1949, ĐCSTQ Trung Quốc (ĐCSTQ) có lực lượng hùng mạnh nhờ tránh được cuộc đại chiến với quân Nhật để tích lũy binh lực và nhận được sự yểm trợ của Liên Xô. Sau khi vừa kết thúc cuộc chiến tranh với Nhật họ tranh thủ cơ hội cướp chính quyền đại lục trong tay Quốc Dân Đảng. ĐCSTQ tuyên bố nhân dân Trung Quốc “đã được đứng thẳng”, “đã được giải phóng”.
Bắc Kinh năm 1948 (Ảnh: Monsieur Cartier-Bresson)
Nhưng sự thực là cùng với tấm màn sắt màu đỏ, cuộc sống người dân càng ngày càng bị áp bức nhục nhã, không còn sự tôn nghiêm, bao nhiêu quyền lợi trước đây có thì đều bị ĐCSTQ tước đoạt. Sau năm 1949, ĐCSTQ nắm quyền, người dân Trung Quốc đại lục đã bị mất những quyền lợi gì? Xin liệt kê sơ bộ như sau:
1. Tự do ngôn luận
Trước năm 1949 (1912 – 1949), mọi người bàn luận việc nước vô cùng hăng hái, nói chung không bao giờ phải lo lắng bị những hậu quả nghiêm trọng vì lời nói. Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, vừa mới khởi đầu là mọi người tố giác lẫn nhau, gia đình bất hòa, đến nay mọi người có thể chỉ vì vài lời nói nhạy cảm là bị “Quốc bảo”, “Quốc an” mời “uống trà”, không chỉ hạn chế quyền tự do thân thể mà còn bị chửi rủa, tra tấn, tạm giam.
2. Tự do biểu tình, thị uy
Trước năm 1949, các hoạt động biểu tình, thị uy, kháng nghị do mọi người tổ chức mỗi khi người dân bất đồng với chính phủ là chuyện thường xuyên, đến cả trong các tác phẩm điện ảnh mà ĐCSTQ tô vẽ cho mình gọi là lịch sử “cách mạng” cũng sử dụng nhiều hình ảnh biểu tình, thị uy quy mô lớn. Có thể thấy thời đó mọi người được hưởng quyền tự do biểu tình, thị uy đầy đủ. Trong nhiều phim tư liệu lịch sử có thể thấy rất nhiều hoạt động biểu tình thị uy diễn ra ngay bên cạnh phủ Tổng thống và được đích thân Tổng thống ra gặp gỡ đối thoại.
Nhưng sau khi ĐCSTQ nắm quyền, mọi người còn dám biểu tình, thị uy không? Sau hơn 60 năm, cho đến tận thế kỷ 21 ngày nay nhưng giấc mơ này với người dân thật xa vời.
ĐCSTQ vì biết họ giành quyền một cách phi pháp nên lo ngại hoạt động kháng nghị của mọi người sẽ lật đổ họ, vì thế mà xưa nay bất cứ hoạt động biểu tình thị uy nào cũng bị đàn áp dữ dội. ĐCSTQ áp dụng chính sách lấy cớ “gây bất ổn định để dập tắt ngay từ trong trứng nước”, vì thế đừng nói đến biểu tình thị uy, chỉ cần thoáng thấy có biểu hiện là những người liên quan lập tức bị bắt bớ và bức hại.
Cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 1919 tại Bắc Kinh (Ảnh: Wiki)
3. Tự do lập hội
Trước năm 1949, các đảng phái mọc lên như rừng, ngay cả tổ chức được xem là phản loạn khi đó là ĐCSTQ cũng có thể tồn tại, từ đó cho thấy thời đó người dân có đầy đủ quyền tự do lập hội. Nhưng sau khi ĐCSTQ nắm quyền, ngoài mấy tổ chức tồn tại mang tính trang điểm hòng che tai mắt đánh lừa mọi người thì không có bất cứ tổ chức nào khác. Chỉ cần trong dân vừa xuất hiện khuynh hướng lập hội là ĐCSTQ lập tức khẩn trương, nhanh chóng huy động cảnh sát bắt bớ những nhân sĩ liên quan và xử tội. Hài hước là nhiều thành viên của những tổ chức lập nên làm bình phong để che tai mắt thiên hạ thì lãnh đạo đều là Đảng viên ngầm của ĐCSTQ.
4. Tự do xuất bản:
Trước năm 1949, hoạt động tự do xuất bản sách, báo của giới trí thức là chuyện bình thường, khi đó xã hội có nhiều tác phẩm văn chương xuất sắc. Hồ Thích, Lỗ Tấn đều là những người nổi bật thời đó. Họ có thể xuất bản các sách “ý kiến khác biệt” với chính phủ mang bán công khai. Báo chí của tổ chức ĐCSTQ như «Tân Hoa nhật báo» cũng công khai phát hành ở hai trung tâm lớn của cả nước khi đó là Nam Kinh và Trùng Khánh. Đây có lẽ là việc mà ngày nay không thể tưởng tượng được! Nhưng là một sự thực.
Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, quyền tự do xuất bản đều bị triệt tiêu, các tác phẩm xuất bản tự do bị tiêu hủy, không chừa một ai. Vô số trí thức trước đây từng ủng hộ ĐCSTQ, sau khi trải qua các loại vận động chỉnh đốn của Đảng nhiều người hoặc tự sát, hoặc bị xử bắn, hoặc phát điên dại… tóm lại là không chết cũng bị thương tích. Một số ít tồn tại được thì sống thoi thóp, không còn dám phát biểu gì thẳng thắn nữa. Ngày nay có báo hay tạp chí nào ở Trung Quốc đại lục nằm ngoài kiểm soát của ĐCSTQ không? Có bản “sách cấm” nào được tự do phát hành không? Những nhà báo, biên tập viên vì nói “không cẩn thận” mà bị chỉnh đốn có ít không?
(Ảnh: flickr)
5. Tự do học thuật
Trước năm 1949, đại học không bị chính phủ điều khiển mà quyền này thuộc về các giáo sư, học giả, thậm chí là sinh viên. Chính phủ ngoài chi tiền ra, còn những mặt khác họ không xen vào nhiều. Vì thế mà mới có sự tranh đua về học thuật. Thậm chí trong 8 năm kháng Nhật, giới học thuật vẫn đạt được nhiều thành quả to lớn. Khi đó các giáo sư, học giả là lương tâm của học thuật, được các giới tôn trọng. Nếu họ không đồng tình với chính phủ là họ tự do bãi khóa kháng nghị. Thời đó công dân được tự do mở trường, vì thế xuất hiện nhiều trường tư nổi tiếng trên tất cả các cấp học.
Sau khi ĐCSTQ nắm quyền thì kết quả như thế nào? Nhiều giáo sư học giả bị hạ nhục nhân cách. Học trò bị nhồi nhét, tẩy não về chính trị. Ngày nay ĐCSTQ nói rằng phải xây dựng đại học hàng đầu thế giới, nhưng các giáo sư học giả nếu không phải cam chịu làm “khuyển nho” để tô vẽ cho ĐCSTQ thì cũng là bận rộn chạy theo các hạng mục, tìm tài trợ, hoặc bận bình bầu, chạy quan chức…
Còn học sinh bị kiểm soát chặt chẽ trong nhà trường, họ không thể tổ chức được hội học sinh cũng như các đoàn thể chân chính khác, họ không có nhân cách và tư tưởng độc lập, nếu không phải nói chuyện với nhau về yêu đương thì là vào Đảng, họ không hiểu mấy về quyền kháng nghị, biểu tình, thị uy, bãi khóa. Để họ có tư duy độc lập trong học tập trở thành việc vô cùng khó khăn.
6. Tự do tín ngưỡng:
Trước năm 1949, mọi người theo Phật, Đạo, hay bất cứ tôn giáo nào cũng không ai can thiệp, gây trở ngại. Các chùa chiền, đạo quán, giáo đường đâu đâu cũng có. Còn sau khi ĐCSTQ giành chính quyền? Về vật chất, ĐCSTQ áp dụng thủ đoạn như “Phá tứ cựu” (tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ – ND), “Đại cách mạng văn hóa”, khiến nhiều tôn giáo bị hủy hoại; về tinh thần, ĐCSTQ tiến hành cưỡng chế giáo dục “vô thần luận”, khiến mọi người chỉ còn biết học thuyết Mác-Lênin, không biết Như Lai, Giêsu. ĐCSTQ còn dùng cơ quan chuyên trách là Cục Quản lý Tôn giáo và thông qua thành lập cái gọi là “Hội Phật giáo”, giáo hội yêu nước “Tam tự” để khống chế tín đồ tôn giáo. Những tín đồ không chịu để cho ĐCSTQ quản lý thì sẽ bị quấy nhiễu, bắt bớ.
7. Quyền tư hữu tài sản:
Trước năm 1949, đất đai, nhà cửa và những tài sản tư hữu khác của mọi người đều được chính phủ và xã hội bảo vệ; chỉ cần mình không bán, không tặng cho người khác là tài sản luôn là của mình, có thể thừa hưởng nhiều đời.
Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, mọi tài sản tư hữu đều bị dùng danh nghĩa “quốc gia” để tước đoạt; những tòa nhà có giá trị lợi dụng đều bị “trưng thu” mà không có bất cứ bồi thường nào; nhiều loại tài sản khác nhau của mọi người cũng đều bị ĐCSTQ lấy các loại danh nghĩa khác nhau để tước đoạt, tịch biên. Cho đến ngày nay, người dân đi mua nhà ở nhưng cũng bị hạn chế “quyền sở hữu 70 năm”, sau 70 năm lại bị ĐCSTQ tịch thu… Không chỉ thế, bất kể khi nào Đảng cần nhà của bạn thì bạn không thể từ chối, nếu không sẽ bị cưỡng chế di dời. Nhiều tài sản khác cũng khó được bảo đảm an toàn, chỉ cần Đảng ngắm tài sản của bạn là bạn có thể bị quy vào các loại tội danh, sau đó dùng các loại thủ đoạn để làm “hợp pháp” hòng trưng thu tài sản của bạn (pháp luật do ĐCSTQ tùy ý làm ra). Hiện nay đang có phong trào di dân mới, một trong những nguyên nhân chính là vì mọi người phải tìm cách để bảo vệ tài sản của mình.
8. Tự do buôn bán, không có quản lý đô thị:
Trước năm 1949, mọi người tự do lập quầy hàng của mình, dùng lao động vất vả của mình để kiếm sống mà không bị bất kỳ sự khống chế nào, không có tồn tại cái gọi là “quản lý đô thị”. Ngay cả Đài Loan ngày nay, nhiều quầy hàng ven đường vẫn là điểm sáng hấp dẫn vô số du khách.
Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, để che giấu sự thực về cuộc sống khó khăn của người dân, vì lo ngại sự phát triển của tự do thương mại sẽ uy hiếp quyền thống trị của mình, vì thế mà tự chế ra vô số các loại thuế trút vào người buôn bán, thành lập các loại tổ chức, nuôi một bọn thổ phỉ lưu manh gọi là “quản lý đô thị”, sách nhiễu cản trở hoạt động buôn bán kiếm sống của người dân, thậm chí còn hành hung, tước đoạt hàng hóa của họ tùy tiện.
Tự do buôn bán (Ảnh: internet)
9. Làm giàu công bằng, tự do chọn nghề kinh doanh:
Trước năm 1949, chỉ cần chăm chỉ làm việc, cơ hội để mọi người trở nên giàu có là ngang nhau, con đường tiến thân lên thượng tầng xã hội không có trở ngại gì, mọi người có thể tự do chọn nghề kinh doanh, không bị xét duyệt qua vô số danh mục phức tạp. Nhưng sau khi ĐCSTQ nắm quyền, ban đầu là làm cơm tập thể, người giàu cũng biến thành người nghèo, còn người nghèo thì mãi mãi là người nghèo, không có cơ hội vươn lên, mọi người ăn không đủ no. Sau này xoay chuyển xu hướng chính trị và thực hiện cái gọi là cải cách mở cửa, nhưng có lợi nhất trong cải cách mở cửa cũng vẫn là giai cấp đặc quyền ĐCSTQ, người dân bình thường có rất ít cơ hội. Ngoài ra, ĐCSTQ vì kiểm soát mạch máu kinh tế quốc dân nên họ khống chế giới kinh doanh toàn xã hội, không có quyền tự do chọn lựa lĩnh vực kinh doanh. Những ngành nghề béo bở đều bị ĐCSTQ độc quyền thao túng, người dân thường chỉ có thể làm được những nghề vừa kiếm được ít tiền lại vừa khổ cực.
10. Tự do làm việc thiện:
Trước năm 1949 có rất nhiều tổ chức từ thiện thuộc giáo hội, nhà chùa, phú hào, danh nhân, thân hào nông thôn. Người quá nghèo gặp bế tắc có thể tìm đến nhờ họ giúp đỡ. Nhưng sau khi ĐCSTQ nắm quyền, họ lo sợ các tổ chức từ thiện sẽ khiến ánh sáng của “Đảng và Chính phủ” bị lu mờ, vì thế mà họ đuổi cùng diệt tận. Vào thế kỷ 21 ngày nay, một người giàu có lòng lương thiện muốn mở một tổ chức từ thiện còn khó hơn lên trời. Đa số những quyên góp từ thiện phải thông qua chính quyền của Đảng và cái gọi là Tổ chức từ thiện chính phủ do ĐCSTQ thao túng. Bạn cảm thấy thế nào? Dưới sự thống trị biến thái như thế, ngay cả việc hành thiện cũng trở nên vô cùng khó khăn.
11. Tự do đi lại và hành nghề:
Trước năm 1949, mọi người có thể tự do di dời, không phải làm giấy tạm trú, không có kiểu hộ khẩu nông thôn hay đô thị. Nông dân chỉ là một nghề nghiệp chứ không phải là biểu hiện của thân phận. Sau khi ĐCSTQ cầm quyền, vì muốn kiểm soát và theo dõi người dân một cách tối đa, họ đã bào chế ra cái gọi là “chế độ hộ tịch”, phân chia cao thấp sang hèn. Nông dân không còn là một nghề nghiệp mà biến thành vấn đề thân phận, từ đó họ phải chịu đủ loại kỳ thị. Hiện đã vào thế kỷ 21 rồi thế mà chế độ phi nhân tính này vẫn còn tồn tại, nguyên nhân chính là ĐCSTQ lo sợ sau khi bỏ đi sẽ ảnh hưởng đến sự thống trị của mình.
Trước năm 1949, mọi người cũng vô cùng tự do về nghề nghiệp, có thể tự do thay đổi, không có chế độ hồ sơ theo dõi công dân, không có kiểu quản lý hồ sơ biến thái này, không có cái gọi là “quan hệ tổ chức”. Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, một mặt, nếu không có cái gọi là “bố trí của tổ chức” mà muốn chuyển công tác thì khó hơn lên trời, ngoài ra còn có cái gọi là “hồ sơ” cả đời bám theo bạn, mãi mãi bạn không thể thoát khỏi bàn tay quỷ dữ của ĐCSTQ. Ở thế kỷ 21 ngày nay, sau khi bạn tốt nghiệp cao đẳng hay đại học xong bạn cũng vẫn phải đối diện với vấn đề hồ sơ kỳ dị này, ngoài việc nó khiến cuộc sống của bạn vô cùng bất tiện, hàng năm bạn còn phải tốn kém tiền do lao động khổ cực của bạn mới có được để chi phí cho nó.
12. Tự do lập công đoàn, bãi công:
Trước năm 1949, việc bãi công là rất bình thường, trong đó có nhiều cuộc bãi công do chính ĐCSTQ âm mưu xúi giục. Ở các nước phương Tây ngày nay, chuyện bãi công của công nhân cũng là bình thường. Khi đó công nhân có thể tự do tổ chức công đoàn cho mình, không có chuyện chính phủ can thiệp vào. Sau khi ĐCSTQ cầm quyền, họ cũng lập “công đoàn” tại tất cả các đơn vị, nhưng thứ “công đoàn” này không phải là “công đoàn”. ĐCSTQ biến cái gọi là “công đoàn” thành một thứ công cụ của chính trị, mục đích tồn tại của nó chỉ đơn giản là để che mắt thiên hạ, lừa bịp công nhân và xã hội. Vì thứ công đoàn này không có công nhân thật sự được tham gia, miễn bàn đến bầu cử, xưa nay chưa bao giờ chúng ta được nghe nói đến thứ công đoàn này tự giác lộ diện đấu tranh vì lợi ích của công nhân.
Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, chuyện bãi công của công nhân là chuyện “phù vân” xa xôi, trong tầm kiểm soát nghiêm mật của ĐCSTQ. Công nhân muốn bãi công sợ rằng chưa kịp hành động đã bị bắt nhốt toàn bộ! Người công dân khởi xướng hoặc do được chọn ra làm đại biểu sẽ phải đối diện với cực hình tàn khốc. Khi ĐCSTQ giành chính quyền, họ dùng những lời dối trá để được giới công nhân ủng hộ, nhưng sau khi giành được chính quyền họ lộ hoàn toàn bộ mặt thật, chưa bao giờ người công nhân phải khổ như hiện nay.
Trên đây chỉ là vài thống kê sơ bộ, thực sự so với hiện tại, vào thời đó những quyền lợi mà bách tính được hưởng không chỉ dừng lại ở đây. Việc liệt kê ra ở đây không phải để chứng minh hơn 60 năm trước có bao nhiêu thứ tốt đẹp, mà để mọi người thấy được, hơn 60 năm trước, tuy Trung Quốc cũng chưa phải hoàn thiện gì, nhưng ít nhất thời đó người Trung Quốc cũng còn có những quyền lợi như phần trên vừa kể. Ngoài ra, các hệ thống như lập pháp, hành chính, tư pháp là hoàn toàn độc lập với nhau; công lộ không có trạm thu phí; trường học và doanh nghiệp không có “Đảng ủy” và “chi bộ Đảng”, Đảng không thể bao trùm lên quốc gia và dân tộc; thịt heo không có chất tạo nạc clenbuterol, gạo không có thạch lạp, nuôi cá không bỏ thuốc tránh thai, giá đỗ không có phân u-rê, rượu gạo không có methanol, bánh bao không có chất tạo màu…
Trải qua hơn 60 năm đến ngày nay, đáng lẽ Trung Quốc phải càng tiến bộ cùng với sự tiến bộ của nhân loại, giống như chuyên khu tự do Đài Loan ngày nay. Nhưng dưới sự cai trị ác nghiệt quái lạ của ĐCSTQ, toàn dân đều bị lừa dối, sau khi lợi dụng sự ủng hộ của mọi người để có thể đứng vững vàng, Đảng mới lộ ra bộ mặt thật của mình. Qua hơn 60 năm, xã hội Trung Quốc không những không tiến bộ mà còn thụt lùi nghiêm trọng.
Theo secretchina
Tinh Vệ biên dịch
(Đại Kỷ Nguyên VN)
https://daikynguyenvn.com/trung-quoc/xa-hoi-trung-quoc-truoc-va-sau-nam-1949-nguoi-dan-mat-nhung-gi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét