Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

TPP sẽ trở thành một cái cùm dân tộc này nếu...

Nếu thể chế này không thay đổi thì tôi không tin là TPP sẽ làm cho đất nước phát triển. Nó sẽ làm kinh tế tăng trưởng mạnh hơn dựa trên bóc lột tàn nhẫn người lao động và tài nguyên đất nước để làm giàu cho một tầng lớp độc tài; còn nền văn hóa, đạo đức xã hội, cuộc sống của đông đảo người dân sẽ vẫn thảm hại, thậm chí càng ngày càng đi xuống. Nhìn xa hơn, sau khi nền kinh tế rơi vào tay tư bản nước ngoài, toàn thể dân tộc Việt sẽ trở thành người làm thuê, làm nô lệ trên chính mảnh đất quê hương mình để làm giầu cho tư bản nước ngoài và đám quan lại độc tài cam tâm làm tay sai cho tư bản nước ngoài. Tôi thích đoạn này trong bài: "Một suy nghĩ rất đơn giản, là Việt Nam cứ vào TPP được thì thoát Trung. Nhưng thực tế, chỉ cần Trung cấm vận kinh tế Việt Nam khoảng 6 tháng, là sụp đổ kinh tế. Nên việc tham gia TPP của Việt “Có” hay “Không” và nếu tham gia thì như thế nào, đều phải hỏi qua ý kiến của Trung". 
VN & TPP - THỰC TẾ TỔNG QUAN
KHANH LE·VENDREDI 9 OCTOBRE 2015
TPP, có hay không, chả liên quan gì đến cuộc đời tôi cả, cũng chẳng đem lại gì cho Việt Nam. Chỉ đem lại cơ hội tận dụng 6 triệu nhân công giá rẻ cho nhóm lợi ích mà thôi. Sự thay đổi của một quốc gia phải đến từ nội tại của người dân chính nước đó. Mọi tác động bên ngoài, có thể khiến Việt Nam thay đổi gì đó... nhưng sự thay đổi luôn diễn ra theo một cách méo mó. 
TPP nếu không có sự thức tỉnh của người dân, TPP sẽ trở thành một cái cùm dân tộc này. Một dân tộc chỉ sinh ra lao động chân tay, và được trả tiền công rẻ mạt.

TPP là một sự kiện lớn, nhưng góc nhìn thế nào mới là hợp lý, và còn nhiều câu hỏi chưa được đưa ra, cũng như bóc tách vấn đề một cách khoa học hơn. Đại đa số chỉ thể hiện được tinh thần với TPP, chứ không hiểu gì về TPP, hoặc sẽ làm gì đối với TPP. Bản thân cá nhân tôi, có thể cũng chẳng hiểu hết. Nhưng tôi sẽ viết 1 bài dưới dạng các câu hỏi, và tự trả lời. 

1. Việt Nam đóng vai trò gì trong thương mại toàn cầu?
Tăng trưởng của một quốc gia chính là sự thu nhập của người dân. Sự thu nhập được quyết định bởi năng suất hay kết quả của sức lao động con người. Mỗi một quốc gia đều có tính đặc trưng, và đặc thù riêng, nên kết quả lao động ở mỗi quốc gia tạo ra một vài loại hàng hóa có thế mạnh riêng. Để thúc đẩy tăng thu nhập của quốc gia, thì phải diễn ra quá trình trao đổi giữa đa quốc gia với nhau. Điều đó, dẫn đến một xu hướng chung là mở rộng hoạt động thương mại toàn cầu.

Việt Nam là nước đang phát triển, còn phương Tây là những nước phát triển. Điểm đặc trưng của các nước đang phát triển là tình trạng nghèo, mỗi người dân đều phải đối diện với đời sống cơm áo hàng ngày. Kèm theo đó là hệ thống quản trị nhà nước yếu kém, tình trạng tham nhũng, kéo theo nhiều hệ lụy... khiến một nước như Việt Nam thường không có nguồn vốn dồi dào để đầu tư. Nên thường sẽ không thể tạo ra hàng hóa giá trị cao, mà chỉ có con người đem ra trao đổi.

Vậy, nên hiểu hoạt động thương mại toàn cầu của Việt Nam như sau: Phương Tây đem hàng hóa (vật chất) đến Việt Nam, còn Việt Nam đem hàng hóa (con người) với giá thành thấp ra để trao đổi. Phương Tây có xu hướng đưa ra các điều kiện Bảo vệ trí tuệ (hàng hóa). Còn kèm các điều kiện về Bảo vệ con người - do hệ thống yếu kém của Việt Nam.

2. Việt Nam có thể thay đổi được gì từ TPP? 

TPP là một thể chế thương mại, hoạt động vì mục đích kinh tế. Các điều kiện của TPP đưa ra nhắm vào yếu tố "Kinh tế thị trường". Tức là hướng đến một mô hình quản lý kinh tế chung để dễ tương tác hơn cho hoạt động chung.

Tự do kinh tế ở đây, nó không đồng nghĩa với việc thay đổi Thể chế chính trị, từ Đơn nguyên tập quyền sang Đa nguyên tản quyền. Nó chỉ hướng đến việc thay đổi từ "Kinh tế tập trung" chuyển đổi sang nền "Kinh tế thị trường".

Nếu như Việt Nam, hay cụ thể hơn là CSVN nếu tuân thủ thỏa thuận với TPP thì đất nước cần khoảng 20 năm để chuyển đổi
. 3 năm cho đến hình thành hệ thống pháp lý của TPP. 5-7 năm cho thời gian thực hiện cam kết đối với TPP. 

Và cần thêm 10 năm, để chuyển đổi các lĩnh vực... giao cho nhân dân cho quyền kiểm soát nhiều hơn. Sự thay đổi, nếu như Đảng tuân thủ, thì sẽ có 4 yếu tố để đánh giá nếu như tôn trọng Tự do kinh tế. 

- Đảng coi trọng hoạt động kinh tế và tăng trưởng 

- Đảng có những giá trị nỗ lực hành động vì lợi ích của nhân dân (thay vì lợi ích nhóm hay chính lợi ích của họ) 

- Đảng có năng lực và hoạt động hiệu quả, đưa ra được những chiến lược tăng trưởng bền vững, có tính khả thi. 

- Đảng tôn trọng tự do kinh tế, và ủng hộ bằng cách tuân theo hệ thống pháp lý và chính sách quy định. 

Tương lai là những gì tô vẽ, quá khứ là một minh chứng, hiện tại là một thực tế. Đánh giá tính khả thi của vấn đề, người thực tế sẽ xem xét đến yếu tố quá khứ, và tình trạng hiện tại. Người lạc quan, nhìn về những giá trị đang biến đổi từng ngày, và mong mỏi ở tương lai. Người ngây thơ, hoặc không đủ kiến thức thì chỉ có mỗi sự hy vọng vào tương lai. Mỗi người đều có thể tự đưa ra được quan điểm cá nhân. 

3. Điều kiện đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam đối với TPP là gì?

TPP là một thể chế thương mại, các nước theo đuổi lợi ích kinh tế. Ở một nước dân chủ, các điều kiện của TPP được đem ra Quốc hội để thông qua. Quốc hội của các nước dân chủ là đại diện cho nhân dân. Quốc hội của VN là đại diện cho Đảng, đối với mô hình quản lý hiện nay. 

Con người đến vì lợi ích gì thì sẽ đi vì chính thứ đó, đối với TPP đó chỉ là việc tiền nong. Quyền lợi tiền nong ở đây, không được giao vào tay nhân dân, mà được Đảng nắm quyền. 

Đảng cần tiền để làm gì? Cần tiền để nuôi bộ máy của Đảng hoạt động, tức là hệ thống vận hành nhà nước. Một câu hỏi thực tế hơn, vậy "Cơ sở để thực hiện cam kết đối với TPP là gì? Đó là đủ tiền để nuôi bộ máy hoạt động. (*) Mỗi một quốc gia, đều không "độc lập - tự do - hạnh phúc" như những gì người dân trong nước đó thường nghĩ. Đó chỉ là sự độc lập về tên gọi, về lãnh thổ. Nhưng đối với các hoạt động Kinh tế toàn cầu, đó là sân chơi của phe nhóm, và TPP cũng như vậy. 

Hoạt động toàn cầu, dưới các bài diễn thuyết của chính trị gia, luôn được tô hồng về các giá trị nhân văn con người, kinh tế. Nhưng thực tế, mọi hoạt động kinh tế toàn cầu... đều chỉ có tính chất cục bộ, tính chất phe nhóm. Sự đau khổ của Việt Nam, là chúng ta lệ thuộc (đa phương diện) vào Trung Quốc quá nặng nề. Tinh thần bài Trung đều có trong mỗi con người Việt, và tôi cũng như thế. 

Một suy nghĩ rất đơn giản, là Việt Nam cứ vào TPP được thì thoát Trung. Nhưng thực tế, chỉ cần Trung cấm vận kinh tế Việt Nam khoảng 6 tháng, là sụp đổ kinh tế. Nên việc tham gia TPP của Việt “Có” hay “Không” và nếu tham gia thì như thế nào, đều phải hỏi qua ý kiến của Trung. 

Đất nước dải S, không có nhiều sự độc lập như mọi người thường nghĩ. Trong trường hợp Trung không đồng ý Việt tham gia TPP, và yêu cầu phải chọn lựa. Thì Đảng sẽ theo giải pháp (*), để cứu hệ thống quản lý nhà nước của Đảng mà thôi. Lợi ích tương lai không gánh được bữa cơm thực tế hàng ngày phải đối diện. Kể cả cam kết rồi, Việt Nam (có thể) vẫn phải phá cam kết bất cứ lúc nào. Vì đất nước không đủ cơ sở cho tính bền vững. 

4. Việt Nam được lợi ích kinh tế gì khi vào TPP?

Cần phải tách chữ Việt Nam ra, truyền thông luôn gắn chữ Việt Nam vào mọi vấn đề hoạt động kinh tế chung. Tăng trưởng GDP chẳng liên quan gì nhiều đến thu nhập nhân dân, GDP được tận dụng cho mục đích truyền thông là chính. 

Theo kinh tế học cần đặt: "Thành phần kinh tế nào được lợi khi vào TPP?". Còn giới cần lao vô học như tôi thì: "Đứa nào được lợi khi vào TPP?". Đáng kể nhất được nhắc tới mạnh mẽ, đó là "Ngành dệt may". Đây là một ngành mà Việt Nam, đáp ứng được khoảng 6 triệu lao động với giá rẻ. Đây là một lĩnh vực có tăng trưởng 12-15% trên toàn cầu, có tỷ lệ chiếm dụng lao động thuộc loại cao nhất trong các lĩnh vực. 

Các nghiên cứu hiệu quả kinh tế chỉ ra, khi nào Bình quân thu nhập đầu người đạt 5000 USD, thì hiệu quả kinh doanh không còn. Vào thập niên 60 là các nước Hàn Quốc, Hồng Kông, sang thập niên 80 chuyển sang Trung Quốc, Thái Lan. Còn đối với Bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam hiện tại 2000 USD thì tận dụng (không phải lợi thế) - khai thác được khoảng 17-20 năm nữa, nếu có sự tăng trưởng GDP hàng năm 5-7%. Theo quy luật kinh tế toàn cầu, lĩnh vực dệt may sẽ tự dịch chuyển sang các nền kinh tế yếu hơn để tận dụng nhân công giá rẻ, nhằm giảm chi phí giá thành. TPP chỉ mở ra thêm đầu cung cho thị trường Việt Nam. Nhưng ngành dệt may của Việt Nam lại nhập nguyên liệu từ 50-70% nguồn từ Trung Quốc.

Sự ràng buộc về cam kết của TPP, đối việc giảm hạn chế nguồn vào từ Trung Quốc. Chưa chắc đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn khi không vào TPP. Nếu Trung Quốc cấm giao thương, thì Việt Nam cũng chẳng có gì mà để sản xuất ra hàng hóa ở lĩnh vực này.

Còn nếu ngành dệt may, với nền Kinh tế tập trung khi vào TPP thì sẽ rơi vào nhóm lợi ích, thông qua SOE hay chỉ đứng đằng sau kiểm soát chi phối. Các thành phần kinh tế bên ngoài nhóm lợi ích sẽ không thể cạnh tranh được vì 4 lý do như sau:

- Lãi suất vay ngân hàng cho nhóm lợi ích chỉ từ 3-5%, còn bên ngoài từ 17-22%. 
Không lường trước các biến động về Chính sách tiền tệ.

- Không biết chính sách sẽ thay đổi ra sao, và cũng bị cản trở khó khăn khi thông qua các chính sách 

- Không biết chính sách giá cả năng lượng như; điện, nước, xăng dầu... thay đổi ra sao.

 - Bị chèn ép dưới nhiều hình thức, cũng không có bất kỳ thứ có thể bám víu vào để tự bảo vệ. 

Nên nguồn lợi từ 6 triệu nhân công giá rẻ, sẽ hoàn toàn nằm trong tay nhóm lợi ích khi gia nhập TPP. Còn các lĩnh vực khác ở thời điểm hiện tại của Việt Nam, đều không có khả năng cạnh tranh. Mức độ cạnh tranh càng gia tăng khó khăn theo thời gian khi hàng rào thuế quan sẽ giảm dần theo thời gian. 

5. Quan điểm cá nhân

TPP, có hay không, chả liên quan gì đến cuộc đời tôi cả, cũng chẳng đem lại gì cho Việt Nam. Chỉ đem lại cơ hội tận dụng 6 triệu nhân công giá rẻ cho nhóm lợi ích mà thôi. Sự thay đổi của một quốc gia phải đến từ nội tại của người dân chính nước đó. Mọi tác động bên ngoài, có thể khiến Việt Nam thay đổi gì đó... nhưng sự thay đổi luôn diễn ra theo một cách méo mó. 

TPP nếu không có sự thức tỉnh của người dân, TPP sẽ trở thành một cái cùm dân tộc này. Một dân tộc chỉ sinh ra lao động chân tay, và được trả tiền công rẻ mạt.

Lê Duy Khánh Hà Nội 9/10/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét