Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Lan man về TPP: TPP “quây” đường lưỡi bò?

Lan man về TPP
TPP đã được ký nhưng phải đợi Quốc hội của 12 nước nhất trí giơ tay mới xong, trong đó Quốc hội Mỹ đóng vai trò quan trọng. Hai ứng viên là Donald Trump và Hillary Clinton đều không muốn TPP được ký kết. Đảng Cộng hòa vốn ủng hộ việc giao thương tự do hiện vẫn chia rẽ trong vấn đề TPP. Đối với Hoa Kỳ, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Giới thạo tin cho hay, các chính trị gia đang lo vụ bầu cử TT 2016, chẳng ai để ý đến TPP cho tới khi có TT mới ngồi vào Nhà Trắng vào tháng 2-2017. Còn hơn một năm nữa, nhiều chuyện có thể xảy ra.
Các Quốc hội còn lại dường như nhất trí 100%, Canada có khó khăn đôi chút nhưng kỳ bầu cử giữa tháng 10 sẽ ngã ngũ. Quốc hội Việt Nam thì 100% qua, vì các nhà lãnh đạo VN viếng thăm Mỹ đều bày tỏ mong muốn gia nhập liên minh kinh tế của 12 quốc gia chiếm tới 40% GDP thế giới. Nước mình có cái hay là Quốc hội chẳng bao giờ bỏ phiếu chống đảng.

Kinh tế: TPP bao vây kinh tế Trung Quốc?

Dù bị chựng lại mấy tháng gần đây, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ và có tiềm năng phát triển mạnh, thách thức vị trí siêu cường của Hoa Kỳ.

Mới đây Trung Quốc vừa cho thành lập nhà băng Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh để đối chọi với ADB (Asian Development Bank) do Nhật đứng đầu có trụ sở tại Manila. AIIB cũng nhắm vào World Bank nhằm lôi kéo khách hàng nghèo về phía Trung Quốc.

TPP là một đòn kinh tế nhắm vào Trung Quốc, muốn chia lại miếng bánh thế giới, dù trong mọi phát biểu, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật đều hoan nghênh nếu quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia tổ chức này.

Trong tuyên bố mới đây, Tổng thống Obama đã nói “Khi hơn 95 phần trăm khách hàng tiềm năng của Hoa Kỳ sống ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc viết ra những quy định của nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ nên viết ra những quy định đó, mở ra những thị trường mới cho những sản phẩm của Mỹ trong khi đặt ra những tiêu chuẩn cao bảo vệ người lao động và bảo tồn môi trường của chúng ta”.

Địa chính trị: TPP “quây” đường lưỡi bò?


Nếu nhìn về mặt địa chính trị, Trung Quốc tuyên bố đường lưỡi bò nhằm khống chế toàn bộ biển Đông và xa hơn là Thái Bình Dương. Việc chiếm quần đảo Hoàng Sa và đang nhòm ngó đảo Trường Sa của Việt Nam chính là kế lâu dài của nước lớn này.

Hoa Kỳ cũng có lợi ích về kinh tế, chính trị và quân sự trong khu vực này nên không thể ngồi yên nhìn Trung Quốc đưa giàn khoan bắt nạt Việt Nam, người em môi hở răng lạnh. Họ không bênh Việt Nam nhưng bênh quyền lợi của chính Hoa Kỳ.

Nếu nhìn trên bản đồ TPP kể từ Alaska, Canada, Hoa Kỳ, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Nhật Bản thì 12 quốc gia ven Thái Bình Dương này đã nuốt trọn đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Chưa kể nếu TPP thành công và đi vào hoạt động, không loại trừ Hàn Quốc, Philippines, Thailand sẽ tham gia. Và không ai có thể đoán Campuchia còn giữ Trung Hoa như là kẻ chống lưng vì tính thực dụng của họ.

TPP có hiệu lực thì các quốc gia phải lưu thông hàng hóa trên biển nhiều hơn, đặc biệt là biển Đông là huyết mạch Nam – Bắc. Hơn nữa, Trung Quốc không thể đứng ngoài và ôm đường lưỡi bò và đánh thuế thuyền bè qua lại như họ ôm mộng.

Nhìn trên bản đồ cũng thấy dường như TPP đang quây đường lưỡi bò.

Việt Nam hưởng lợi


Về địa chính trị, Việt Nam tham gia TPP để có đối trọng đối với đường lưỡi bò. Trong liên minh TPP, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực.

Mấy năm gần đây, Trung Quốc lộ rõ ý đồ bắt nạt Việt Nam thay vì đoàn kết, hợp tác hai bên cùng có lợi. Đó là cơ hội hiếm có cho Mỹ, Nhật, Úc và các đồng minh nhằm quây Trung Quốc. TPP không thể thiếu Việt Nam và ngược lại Việt Nam rất cần TPP.
Về kinh tế, khỏi phải nói nhiều. Việt Nam đang cố thoát Trung bằng mọi giá dù sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai láng giềng là một thực tế khó thay đổi. Nhưng thoát chút nào hay chút đó, câu cửa miệng của mỗi người Việt.

Tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải làm nhiều việc để thay đổi hình ảnh, hàng hóa Made in Vietnam phải có chất lượng cao cho thị trường Mỹ, Nhật, Úc, Singapore, Brunei. Việt Nam sẽ rời bỏ thị trường Trung Quốc một cách từ từ để trở thành đối tác bình đẳng theo đúng nghĩa. Đó chính là động lực phát triển cho Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên coi TPP là cơ hội ngàn năm có một để thay đổi và tạo nên tên tuổi trên thế giới. Các công ty nhà nước “lỗ là chính, lãi là phụ” bằng nguồn sữa nhà nước sẽ hết thời. TPP không cho phép nhà nước trợ giá vì gây ra sự bất bình đẳng cho thị trường chung. Cơ hội thay đổi lớn “sống hay là chết” cho các công ty nhà nước tại Malaysia và Việt Nam.

Hiện nay sự phản đối TPP cũng nhiều, nhất là nông dân Mỹ và Nhật. Lý do chính là với sự tham gia của sản phẩm nông nghiệp từ các nước như Mexico, Chile và đặc biệt là Việt Nam, nông dân mấy xứ này lo mất độc quyền vì sản phẩm của họ giá cao. Sự phản đối là hết sức bình thường.

Nhìn vào đó có thể thấy cơ hội vàng cho nông nghiệp Việt Nam, nhất là gạo chất lượng cao, rau quả tươi, thủy hải sản tươi sống an toàn mà người Nhật và Mỹ rất cần. Đây là lúc nông nghiệp Việt Nam phải bỏ tư duy số lượng thắng chất lượng.

Và điều cuối cùng, TPP giúp cải cách thể chế, kinh tế kéo theo chính trị và ngược lại, chính phủ minh bạch giúp cho kinh tế phát triển theo hướng thị trường đúng nghĩa. ­­

Luật pháp cũng phải thay đổi cho hợp với thế giới văn minh. Nếu bị thiệt hại do luật riêng theo kiểu “Việt Nam nó thế”, các công ty nước ngoài có thể kiện ngược lại chính phủ Việt Nam. Nếu thua thì thiệt hại không thể đong đếm.

Ngoài ra, yếu tố về nhân quyền, tự do lập hội, kể cả việc thành lập công đoàn độc lập (công đoàn) để bảo vệ người lao động là một trong những điều kiện quan trọng khi gia nhập TPP.

TPP cũng như nhiều tổ chức kinh tế khác, có người vui, có người buồn, nhưng một quốc gia có nhiều người vui hơn buồn thì đó là quốc gia chiến thắng.

Hình như Việt Nam là big winner (chiến thắng) như nhiều người nhận xét. Giữ được tư cách của winner không hề dễ.

HM. 6-10-2015

Blog http://hieuminh.org/2015/10/07/lan-man-ve-tpp/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét