Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Hồ Giáo - Người từ chối làm quan để được chăn bò

Khâm phục anh Hồ Giáo. Mỗi người có một năng lực, sở trường, niềm đam mê riêng nên sẽ chọn nghề nghiệp phù hợp cho mình. Nếu làm thật tốt nhiệm vụ của mình thì cũng xứng đáng là anh hùng rồi. Tiếc rằng ở Việt Nam số anh hùng dành tâm huyết cả đời cho công việc quá ít (một phần vì nguyên nhân khách quan là tiền lương quá thấp), mà ra ngõ gặp toàn anh hùng được phong vì say mê bắn giết đồng bào mình.
Hồ Giáo - Người từ chối làm quan để được chăn bò
Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi Hồ Giáo lên, có mặt cả Viện trưởng Viện Chăn nuôi, ông nói: “Đưa tôi vào làm chăn nuôi trực tiếp thì tôi làm, chứ còn lãnh đạo thì tôi không làm đâu”. Biết là ông trọng bệnh, nhưng khi nhận được tin ông trút hơi thở cuối cùng (lúc 15h30' ngày 14/10/2015), tôi vẫn bàng hoàng. Anh hùng Hồ Giáo ra đi mãi mãi, để lại cho hậu thế một tấm gương tận tụy, giàu lòng nhân ái như huyền thoại về một người chăn bò có “một không hai” trong lịch sử ngành Chăn nuôi - “Người chăn bò vĩ đại”.
Hồ Giáo, làm quan, chăn bò
Anh hùng Hồ Giáo chăm sóc bê con tại Trại trâu sữa Murrah ở Hành Thuận (Quảng Ngãi)
“Anh cười: vui thú đời đi chăn bò”
Tôi biết về anh hùng Hồ Giáo trước khi gặp ông trong đời thực rất lâu. Khi đọc Cỏ non của nhà văn quân đội Hồ Phương tôi đã mê anh chăn bò mẫn cán, thật thà và đam mê. Đến khi chép được bài thơ Gặp anh Hồ Giáo của “Cây đại thụ làng văn nước nhà”- Tố Hữu: “Lần trước gặp anh/ Chăn bò trên Tam Đảo/ Sáng nay lại gặp anh Hồ Giáo/ Chăn bò ở Ba Vì/ Hỏi anh: Có thú vui gì?/ Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò”, thì tôi thực sự khâm phục.

Hồ Giáo, làm quan, chăn bò
Anh hùng Lao động Hồ Giáo. Ảnh: Phương Triều
Suốt 50 năm, chỉ mỗi một công việc chăn bò mà tới hai lần được phong tặng Anh hùng Lao động, thì trường hợp của Hồ Giáo là “độc nhất vô nhị”.
Hồ Giáo sinh năm 1930, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quãng Ngãi. Ông có tuổi thơ hết sức cơ cực. Là anh cả của năm đứa em, 12 tuổi, chưa biết đọc chữ, Hồ Giáo đã phải đi ở đợ, chăn trâu cho một gia đình giàu có trong làng. Ăn không đủ no, nhưng luôn “no” đòn.
Năm 17 tuổi, Hồ Giáo và ba người bạn cùng thôn đã bỏ làng trốn lên rừng theo Vệ quốc đoàn. Một thời gian sau, Hồ Giáo được phiên vào lực lượng chủ lực của tỉnh đội Quảng Ngãi, rồi bổ sung cho bộ đội chủ lực Trung đoàn 148, Quân khu 5. Sau đó, Hồ Giáo được điều về Trung đoàn 210, Quân khu 5, hoạt động tại Mặt trận Tây Nguyên. Năm 1954, Hồ Giáo tập kết ra Bắc, phiên vào Trung đoàn 94, rồi tiếp theo là Sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô.
Ông phục vụ quân đội cho tới năm 1960 thì chuyển ngành và được điều lên Ba Vì xây dựng nông trường chăn nuôi. Nuôi bò, chăm sóc bò, vắt sữa bò... việc gì Hồ Giáo cũng làm, nhưng công việc mà ông đam mê nhất vẫn là đỡ đẻ cho bò và chăm sóc bê con. “Đây là công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu vất vả và đặc biệt phải có lòng yêu thương con vật. Phải coi con bò như là con người vậy”, có lần ông Hồ Giáo nói với tôi như vậy.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, “một hôm khi vừa cho đàn bò ăn xong, thì Hồ Giáo được thông báo về Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sáng ngày hôm sau, có mặt tại Phủ Thủ tướng. Nhìn thấy ông, Thủ tướng Đồng nói ngay: “Ấn Độ vừa tặng ta 500 con trâu Murrah. Giáo phải vào Nam và xây dựng trại trâu trong đó nhé” - Hồ Giáo lại lên đường vào Nam, lên đường với tấm Huân chương lấp lánh, danh hiệu Anh hùng Lao động.
Từ nuôi bò, Hồ Giáo chuyển sang nuôi trâu. Ông làm ở Nông trường Sông Bé đến năm 1991 thì nghỉ hưu. Thế là sau 43 năm theo cách mạng, trong đó có 31 năm chăn bò, Hồ Giáo nhận sổ hưu về Quảng Ngãi với danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai. “Vừa chân ướt chân ráo về Quảng Ngãi thì Cụ Đồng lại gọi ra Hà Nội. “Ấn Độ tặng tôi 15 con trâu Murrah. Số trâu này tôi tặng lại đồng bào Quảng Ngãi, Giáo không được nghỉ đâu. Về quê tiếp tục nuôi trâu đi. Từ 15 con này lai tạo, nhân ra nhiều, thật nhiều để lấy sữa và sức kéo cho nhân dân Quảng Ngãi”. Cụ Đồng vừa cười vừa giao nhiệm vụ cho ông Hồ Giáo.
Trại trâu sữa Murah ở Hành Thuận (Quảng Ngãi) ra đời. Anh hùng Lao động Hồ Giáo lại tiếp tục nghề chăn trâu.
Từ chối làm quan để được… chăn bò
Đầu những năm 2000 tôi có nhiều dịp được gặp ông Hồ Giáo. Lúc thì ở Hội nghị Thi đua yêu nước tại Hà Nội, lúc thì ở Quảng Ngãi quê ông. Rồi có dạo tôi đã từng sống ở Trại nuôi trâu của ông đến cả chục ngày. Cứ sáng dậy, 5h, tôi lại cùng ông lóc cóc đi bộ chừng 5 km tới Trại trâu sữa Murrah ở Hành Thuận nằm bên dòng kênh Thạch Nham nước trong xanh ngắt. 17h lại từ Hành Thuận về nhà ông ở trung tâm thành phố. Có lần tôi tò mò hỏi ông: “Hai lần Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội ba khóa liền (khoá III, IV, V) mà gần như cả cuộc đời chỉ là anh hùng chăn bò “binh nhì”, ông có cảm thấy như vậy là bất công không?“.
Hồ Giáo cười hiền khô: “Hai lần tôi được đề bạt làm Phó giám đốc nhưng tôi đều từ chối. Tôi chỉ nuôi trâu thôi. Hồi ở Ba Vì tôi nuôi bò, làm Đội trưởng Đội 1, lãnh đạo bảo tôi làm Phó giám đốc, tôi nói: “Tôi lớn tuổi rồi, trình độ quản lý lại không có, để người trẻ có trình độ làm”. Về Sông Bé cũng bảo tôi làm Phó giám đốc, tôi cũng khước từ.
Trước khi về Sông Bé, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi tôi lên, có mặt cả ông Viện trưởng Viện Chăn nuôi nữa. Tôi nói: “Đưa tôi vào làm chăn nuôi trực tiếp thì tôi làm, chứ còn lãnh đạo thì tôi không làm đâu”. 
Có thể nói, tình yêu của ông Hồ Giáo đối với đàn trâu là vô bờ bến. Có tận mắt chứng kiến cái cảnh ông chăm chút từng ngọn cỏ, miếng ăn cho những con bê con, xoa đầu âu yếm chúng, ánh mắt ông rạng ngời, mới hiểu với ông trâu, bò không chỉ là những vật nuôi, mà chúng còn là tri kỷ.
Chị công nhân cùng ở Trại trâu sữa Murrah kể rằng, một lần con Murrah Sơn Tịnh (Hồ Giáo lấy tên các địa danh của Quảng Ngãi để đặt tên cho từng con trâu - PV) sắp đến ngày sinh nở thì bị ốm. Đêm đông rét như cắt vào da thịt, bác ấy phải đem chăn chiếu ra ngủ cạnh nó, đốt lửa cho nó sưởi và vỗ về, trò chuyện với nó suốt đêm. “Trâu bò cũng như con người, chúng cũng biết vui, buồn, giận hờn”, Hồ Giáo nói, rồi kể cho tôi nghe chuyện về hai con bê  Song Kiều ở Ba Vì: “Hồi ấy có con bò giống tên là “Mười tám” đẻ một lúc hai con bê cái. Khó đẻ lắm!. Tôi thức suốt đêm để vỗ về an ủi nó, động viên nó hãy cố lên.
Cuối cùng con “Mười tám” cũng nghe ra. Vì là sinh đôi nên hai con bê yếu lắm. Tôi phải cho chúng uống sữa, chăm theo chế độ đặc biệt. Hai chị em chúng càng lớn càng yêu thương nhau, kỳ lạ là con chị bao giờ cũng nhường nhịn con em. Ăn cũng nhường em ăn no, rồi còn lại mới ăn. Nằm trong chuồng cũng nhường em chỗ khô ráo, ấm áp hơn”. Dừng lại hồi lâu Hồ Giáo đột ngột quay sang tôi nói như hỏi: “Thế cậu bảo chúng có giống hai đứa trẻ không nào?”.
Chuyện tình ông Hồ Giáo
Năm 1982, ở tuổi 52, ông Hồ Giáo mới lập gia đình. Cuối năm 1983, ông bà sinh con gái Hồ Thị Tuyết Minh (hơn chục năm nay Hồ Giáo đã lên chức ông ngoại - PV). “Tôi đã định không lập gia đình, nhưng Cụ Đồng cứ hối thúc hoài. Gọi ra Hà Nội, Cụ cứ dặn đi dặn lại, ngoài việc nuôi trâu là phải cưới vợ đấy nhé”, Hồ Giáo kể. Một lần trong lúc “trà dư tửu hậu” tôi đã hỏi ông: “Thế từ trước đến nay ông không yêu ai à?”.
Ông Hồ Giáo ngồi yên, mắt nhìn xa xăm, rồi ông nói: “Trước khi lên rừng tôi có hẹn ước với một người con gái cùng làng. Hôm chia tay cô ấy khóc: “Anh cứ đi, em sẽ chờ”. Cô ấy đã chờ tôi, chờ đến 20 năm trong tuyệt vọng. Sau này một người bạn cùng quê kể với tôi rằng, năm 1968 cô ấy mới đi lấy chồng vì tưởng tôi đã chết”.
Lại lặng đi hồi lâu. Hồ Giáo kể tiếp: “Trước khi vào Sông Bé một người bạn giới thiệu cho tôi cô thanh niên xung phong chuyển ngành. Gặp nhau một lần. Tôi vào Sông Bé, cô ấy viết thư bảo về để tìm hiểu. Tôi viết thư trả lời, tôi bận công tác không về được. Cô ưng, tôi về cưới, không thì thôi. Cô ấy không chịu”.
“Thế còn bà xã bây giờ thì sao?” - Tôi tò mò. Hồ Giáo tủm tỉm cười: “Một hôm thằng cháu tôi (vợ hắn công tác cùng cơ quan với cô ấy) dắt tôi tới giới thiệu. Nhìn thấy cô ấy, chào hỏi xong, tôi đặt vấn đề liền: “Tôi  muốn cưới em làm vợ, em ưng không?”. Cô ấy đỏ mặt, nhìn xuống đất, khẽ gật đầu”…
Năm 2010, ở tuổi 80, “Người chăn bò vĩ đại” Hồ Giáo chính thức “rửa tay gác kiếm”, sau khi đã tìm được cho mình một truyền nhân - Hồ Ngọc Tâm, người cháu họ của mình. Tâm là con út trong một gia đình nông dân ở thôn Phước Bình, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Tâm tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Nam. Năm 2004, anh ra trường, về phụ giúp cho ông Hồ Giáo, đến cuối năm 2010, thấy Tâm đã cáng đáng được mọi việc, ông Hồ Giáo đã bàn giao lại toàn bộ công việc cho Tâm. Và 15h30 ngày 14/10 ông đã thanh thản ra đi.
“Anh Hồ Giáo ơi!
Tôi nghe tiếng khèn pi yêu thương giữa lòng anh
Say mê những đàn bê, vâng theo anh Hồ GiáoTôi nghe núi Ba Vì với sông Đà hòa tiếng ca…”.
(“Bài ca anh Hồ Giáo” - Nhật Lai).Tôi nghe như đâu đây giọng hát vàng một thời - Quốc Hương đang vang lên đưa tiễn ông Hồ Giáo về trời…Thanh thản ra đi nhé Hồ Giáo - “Người chăn bò vĩ đại” ơi!.
Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, chiều 14/10, Anh hùng Lao động Hồ Giáo qua đời tại nhà riêng ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Ông được Nhà nước 2 lần phong danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông là nhân vật từng xuất hiện trong sách giáo khoa phổ thông, ở đoạn trích “Đàn bê của anh Hồ Giáo”.
Đoạn văn dạy cho chúng ta về tình thương và lòng tận tụy mà một con người có thể dành cho loài vật.
(Theo Lê Thọ Bình/ Báo Giáo thông)
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/268126/ho-giao---nguoi-tu-choi-lam-quan-de-duoc-chan-bo.html

1 nhận xét: