Giáo sư, tiến sĩ đang dư thừa?
Nước ta có số lượng giáo sư, tiến sĩ cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, thế nhưng, xét về công trình nghiên cứu khoa học của họ thì lại khá hiếm hoi! Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, hiện nước ta có 101.000 thạc sĩ và 24.300 tiến sĩ với tỷ lệ đang tham gia giảng dạy 36%; 11.097 giáo sư và phó giáo sư với tỷ lệ đang giảng dạy chiếm 44%. Có người đã hỏi rằng, vậy số giáo sư, tiến sĩ còn lại họ làm gì và phải chăng nước ta đang thừa giáo sư, tiến sĩ?Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, việc học là một nhu cầu hết sức chính đáng cần được khuyến khích đối với mỗi cá nhân có điều kiện. Người học cao, hiểu rộng thì chắc chắn được xã hội trọng vọng. Họ là những trí thức đã, đang và sẽ đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước bằng công sức và trí tuệ của mình.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, phát triển, đặc biệt là trong xu thế hội nhập toàn cầu, nếu không học cao, hiểu rộng thì chắc chắn chúng ta sẽ bị lạc hậu và hiển nhiên sẽ là tụt hậu. Bởi khi đó, nguồn lực lao động trí thức của chúng ta không thể nào đáp ứng được những tiến bộ khoa học công nghệ trong thời đại mới.
Ngày nay, không chỉ riêng với giới tri thức mà ngay cả với nông dân cũng cần phải học. Nông nghiệp bây giờ đâu chỉ là “con trâu đi trước cái cày đi sau” mà hầu hết các hoạt động sản xuất đều được áp dụng bằng máy móc, kỹ thuật tiên tiến.
Hôm rồi, tôi có tham dự hội thảo “Nông nghiệp bền vững với công nghệ tiến tiến Nhật Bản” do Đạm Phú Mỹ tổ chức, cụ thể là đối với cây thanh long ở Bình Thuận. Hóa ra, người trồng thanh long bây giờ cũng phải biết làm thí nghiệm trên đất của mình như là một nhà khoa học thật sự để biết được chất lượng đất trồng thế nào mà bón phân cho phù hợp, từ đó mới giúp thanh long đạt năng suất cao.
Việc thí nghiệm đó khá đơn giản, đại thể là lấy mẫu đất trong vườn cho vào ống nghiệm, sau đó hòa tan vào lượng nước cất nhất định, lọc rồi cho vào máy đo và đọc kết quả. Thí nghiệm này được tiến hành ngay tại vườn và chỉ mất trong vòng khoảng 20 phút là biết đất trồng đang thừa, thiếu chất gì. Nói đơn giản như vậy, song nếu không học thì làm sao áp dụng được những kỹ thuật đó, hiểu được thông số kết quả đó nói lên cái gì?
Còn rõ ràng, nếu nói làm nông bây giờ mà chỉ biết “trông trời, trông đất, trông mây” là thất bại, bởi thiên nhiên đang biến đổi khôn lường do hậu quả của biến đổi khí hậu. Bằng chứng là vùng trồng thanh long Ninh Thuận, Bình Thuận vừa rồi phải đối diện với đợt hạn hán kéo dài kỷ lục khiến nhiều vườn trở tay không kịp, thanh long tàn rụi dưới nắng khô.
Và tất nhiên, cái sự học ở đây là khác hoàn toàn so với căn bệnh sính bằng cấp!
Quay lại câu hỏi, vậy nước ta có thừa giáo sư, tiến sĩ hay không? Và những giáo sư, tiến sĩ không tham gia giảng dạy đang làm gì? Hiện nay, có rất nhiều nhà khoa học không tham gia giảng dạy, họ làm việc trong các cơ quan Nhà nước, các sở, ban, ngành, viện nghiên cứu và có cả việc thất nghiệp! Ở đây, tôi cũng xin không bàn đến chuyện thừa hay thiếu giáo sư, tiến sĩ bởi chuyện học thì không thể xét như vậy, mà chỉ bàn đến khía cạnh những đóng góp thực tế của họ cho xã hội.
Trước hết, về số lượng thì so với các nước trong khu vực, nước ta có mật độ nhà khoa học rất cao, được xếp vào hàng bậc nhất. Tuy nhiên, nước ta lại là nước có nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế đời sống ở hàng rất thấp.
Mỗi năm trung bình ngân sách Nhà nước chi khoảng 2-3% GDP cho khoa học công nghệ, và mỗi năm nước ta cũng có tới hàng ngàn công trình nghiên cứu khoa học được công bố. Song, trong vòng 15 năm qua, trung bình mỗi giáo sư của chúng ta chỉ công bố được khoảng 0,5 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế. Theo một thống kê, con số này chỉ bằng khoảng 1/5 so với Thái Lan, 1/6 so với Malaysia và 1/10 so với Singapore. Điều đáng nói là hầu hết các nghiên cứu khoa học của Việt Nam không bao giờ được giới khoa học thế giới biết đến!
Có vài thực tế rất phũ phàng về giới khoa học nước ta, chẳng hạn như chuyện cách đây 1 năm, giới khoa học công nghệ đã từng gây thất vọng nặng nề với dân tình khi những linh kiện điện tử tưởng chừng rất đơn giản như sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe… vẫn “chưa làm được”.
Chuyện là lúc đó, Tập đoàn Samsung có đưa ra danh sách những phụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam có thể làm để cung ứng cho dòng sản phẩm Galaxy của họ như Galaxy S4, Tab. Theo tính toán sơ bộ thì đây là “miếng bánh rất ngon” vì nó sẽ giúp doanh nghiệp Việt kiếm được khoảng 200 triệu USD/năm.
Song, “bánh ngon” thì ngon thật nhưng doanh nghiệp chúng ta vẫn buộc phải từ chối với lý do là: Chưa làm được! Điều này đã làm người dân cảm thấy thất vọng bởi họ không thể tưởng tượng ra rằng, với đất nước có số lượng nhà khoa học lớn như vậy mà lại không làm nổi cái sạc pin!
Và thật ra, đây cũng không phải là lần đầu doanh nghiệp Việt không sao ăn được “bánh ngon” như vậy. Trước đó, họ cũng đã từng phải lắc đầu với đơn hàng sản xuất… ốc vít của Hãng Canon Nhật Bản.
Éo le hơn nữa, giới khoa học nước ta rất đông, nhưng rất nhiều nghiên cứu khoa học ứng dụng trong đời sống hiện nay lại ít khi ra đời từ tháp ngà của các viện nghiên cứu mà lại là từ các nhà khoa học chân đất - người nông dân!
Một vài năm trước, một nông dân ở An Giang tạo ra giống lúa có thể giúp bà con trồng mà không tốn một giọt thuốc trừ sâu nào; một nông dân khác ở Hưng Yên tự chế ra loại thuốc trừ sâu thân thiện với môi trường và con người, có thể “uống thử như nhấp rượu”; một bạn trẻ ở Bến Tre chế ra máy phong điện thắp sáng vùng quê biển Bình Đại; một anh “hai lúa” ở Cần Thơ chế tạo ra máy gặt đập…
Những nông dân này không phải là nhà khoa học, họ cũng không có bằng cấp học hàm, học vị nhưng rõ ràng những sáng chế của họ giúp ích cho cuộc sống rất nhiều. Trong khi đó, rất nhiều công trình của giới khoa học thì chỉ để trong ngăn bàn hoặc giá trị của nó lơ lửng trên mây!
Trong một lần trò chuyện với nhà khoa học, nhà giáo PGS.TSKH Lê Văn Hoàng, ông đã thẳng thắn nói với tôi rằng: “Rất nhiều viện nghiên cứu có một lượng không nhỏ các “viện sĩ” ăn lương và hoàn toàn không hoạt động nghề nghiệp. Trong khi đó, chi phí lương cho các viện cũng ngốn phần lớn kinh phí dành cho phát triển khoa học và công nghệ”!
Cuối cùng, câu chuyện giáo sư, tiến sĩ nhiều nhưng công trình khoa học hiếm liên quan trực tiếp đến thói tệ sính bằng cấp vốn đang trở thành một thứ bệnh dịch ở xứ ta. Bởi bằng cấp, lắm khi không hề liên quan đến công việc, nhiệm vụ hằng ngày nhưng nó lại là cái cớ để ai đó ngồi vào một chỗ nào đấy.
Có lẽ, không nơi nào trên trái đất này mà quan chức lại khốn khổ vì bằng cấp như ở Việt Nam! Vì bằng cấp mà nhiều quan chức đã biến nhiệm vụ phục vụ đất nước và nhân dân trong nhiệm kỳ của mình trở thành sự nghiệp chuẩn hóa bằng cấp. Thay vì họ phải dụng công nghiên cứu chuyên môn, sâu sát thực tế thì lại dùng thời gian quý báu đó theo học đủ loại chương trình để có trong tay những bằng cấp nhiều khi chẳng liên quan đến công việc hiện tại của mình. Để rồi đến cuối nhiệm kỳ, họ không thể để lại được dấu ấn gì tốt đẹp trong suốt chặng đường công vụ đã qua.
Vậy thì thử hỏi, giáo sư, tiến sĩ nước ta có thừa hay không?!
Lê Trúc
Nguồn: Năng lượng Mới 463
http://petrotimes.vn/giao-su-tien-si-dang-du-thua-332061.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét