Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Vì sao người Việt hay chen ăn miễn phí?

Vì sao người Việt hay chen ăn miễn phí?
Và có phải từ khi du nhập “học thuyết đấu tranh” từ nước ngoài về thay thế cho truyền thống nhân hậu của ông cha ta ngày xưa mà con người dần dần có khoảng cách với nhau, dẫn đến người đấu với người, nghi kỵ, đề phòng, giành giật, và tinh thần đùm bọc ‘tối lửa tắt đèn’ không còn nữa? Câu nói của bạn Nguyên “mình không chen thì người ta cũng chen, như vậy thì mình thiệt thòi, không muốn thiệt thòi thì phải chen” đã phản ánh thực trạng của xã hội và con người ngày nay. Nó xuất phát từ việc bị ô nhiễm bởi “học thuyết đấu tranh” mà ra.
"Sóng thần mà xảy ra ở Việt Nam thì số người chết vì tranh giành nhau có khi lớn hơn số người chết vì thiên tai.” - Độc giả Lê Văn chia sẻ. Tối ngày 23/3 đến 24/3, một cửa hàng thức ăn nhanh tại đường Điện Biên Phủ (TPHCM) đã tổ chức phát thức ăn miễn phí như burger, khoai tây, nước ngọt và áo thun. Rất nhiều người đã xếp hàng chờ đến lượt mình, nhưng phải đợi rất lâu, dẫn đến thỉnh thoảng lại có đợt cãi nhau rồi chen lấn rất mất trật tự.

Đến trưa ngày 24/3, cửa hàng ném các đồ chơi từ trên lầu xuống như huy hiệu, râu giả, mắt kính, lập tức rất nhiều người đổ xô giành giật một cách hỗn loạn để lấy được quà.

Trước đó vào tháng 10/2013 tại phố Đoàn Trần Nghiệp (Hai Bà Trưng, Hà Nội), rất nhiều người xếp hàng chờ được ăn buffet Nhật miễn phí. Số người càng ngày càng đông dẫn đến ùn tắc giao thông. Do nhà hàng chỉ phát vài trăm suất nhưng cả hàng ngàn người kéo dến, kết quả là họ chen lấn giành giật để mong có được phần ăn.

Sau khi những hình ảnh giành nhau được đưa lên báo chí, nhiều độc giả đưa ra ý kiến cảm thấy bức xúc xen lẫn xấu hổ về việc này.

Anh Trần Hoạt là du học sinh từ Nhật sau khi xem cảnh chen ăn buffet Nhật ở phố Đoàn Trần Nghiệp đã cho Zing biết: “Tôi vô cùng ngạc nhiên vì không nghĩ 2013 rồi mà có cảnh cướp thức ăn như bà tôi vẫn tả về cảnh chết đói năm 1945. Còn ở Nhật thì kể cả như đợt thảm họa sóng thần tôi cũng chưa bao giờ thấy cảnh tương tự kể cả xem báo hay tivi.”

“Nhật là đất nước quy củ và tôn trọng văn hoá công cộng nên tôi chắc chắn kể cả có những chương trình khuyến mãi thì cũng không khi nào có việc chen lấn, tranh giành. Trẻ em từ 3 tuổi đã được rèn tính độc lập và tôn trọng quy tắc ứng xử khi ra ngoài”.

Nhiều du học sinh chia sẻ rằng, việc chen ăn như vậy chỉ có ở Việt Nam thôi, chứ nước khác chẳng hề có chuyện như vậy.

Giành giật ngay cả với chương trình do nước ngoài tổ chức

Ngay cả các chương trình tặng quà miễn phí do người nước ngoài tổ chức thì người Việt cũng thể hiện rõ nét ‘văn hóa giành giật’ của mình.

Vào chiều ngày 12/9/2013, tại UBND Quận Ba Đình đã tổ chức chương trình “đừng để ướt mưa”, phát miễn phí 3.000 áo mưa cho người qua đường. Đây là hoạt động nằm trong sự kiện chương trình kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan.

Mở đầu sự kiện, đại diện người Hà Lan có những lời chúc tốt đẹp tới người dân xung quanh đang có mặt tại đó.

Khi phát áo mưa lập tức không khí trở nên hỗn loạn, mọi người xô đẩy, hò hét, giành giật, cố lấy cho được phần quà về mình.

Thậm chí quà chưa được phát, nhiều người trèo lên cả sân khấu để cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán.

Trước đám đông la ó xông lên cả sân khấu để giành áo mưa khiến nhiều người sợ hãi, đặc biệt là các bạn người Hà Lan, có tình nguyện viên bị cướp áo mưa đến chảy cả máu tay.

Để giải tỏa bớt đám đông đang lao lên sân khấu, một số tình nguyện viên đã mang một thùng áo mưa sang bên kia đường để phát, nhưng mới đi được 10 bước, đám đông đã lao tới giật ngay thùng áo mưa.

Sự việc này đã để lại hình ảnh rất xấu về Việt Nam cho bạn bè thế giới.

Bạn Trần Lê Trúc nói: “Nhìn cảnh người Nhật trật tự xếp hàng thật dài nhận cứu trợ động đất (khi đứng giữa ranh giới của tồn tại – không tồn tại) và cảnh người Việt chen nhau cướp áo mưa (trong khi trời thậm chí đang không mưa), mới thấy buồn làm sao… Bạn bè quốc tế sẽ nghĩ gì về con người và “nghìn năm văn hiến” của chúng ta?!?”

Bạn Lê Văn chia sẻ ý kiến của mình: “Ôi, đây là chưa rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiêu thốn đấy. Giả sử như mất mùa, đói kém hay gặp phải thiên tai khiến các tổ chức quốc tế phải phân phát lương thực và các nhu yếu phẩm thì có lẽ người Việt sẽ giết nhau vì tranh giành. Sóng thần mà xảy ra ở Việt Nam thì số người chết vì tranh giành nhau có khi lớn hơn số người chết vì thiên tai.”

Vì sao người Việt hay chen ăn đến vậy?

Bạn Khánh Nguyên một du học sinh Úc nói với Đại Kỷ Nguyên rằng: “Ở nước ngoài thì người ta xếp hàng rất lịch sự, trong khi người Việt rất hay chen ngang. Sở dĩ người Việt hay chen ăn vì quan niệm rằng, mình không chen thì người ta cũng chen, như vậy thì mình thiệt thòi, không muốn thiệt thòi thì phải chen, và đến bây giờ việc chen lấn đã trở thành văn hóa của người Việt”.

Văn hóa truyền thống của người Việt xưa kia vốn là đoàn kết đùm bọc lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”. Vậy từ khi nào mà người Việt lại trở nên đấu tranh, giành giật và chỉ biết nghĩ tới lợi ích của cá nhân mình như thế? Đây có phải là hệ lụy từ cuộc sống quá cơ cực trong suốt những năm đói khổ trước đây? Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu giáo dục khiến bản chất của cả thế hệ thay đổi kéo theo sự thay đổi của những lớp thế hệ sau? Nhưng xét cho cùng, như sự so sánh được đề cập đến bên trên giữa Việt Nam và Nhật Bản, người dân Nhật trong hoàn cảnh thảm họa như vậy mà vẫn còn không hành xử lẫn nhau như chúng ta. Vậy nguyên nhân sâu xa là gì?

Có phải tâm lý luôn sống trong nỗi lo sợ bị cướp bóc, bị làm tổn hại, bị tước đoạt những thứ vốn thuộc về mình và không thể bám víu vào đâu để được bảo đảm cho sự an toàn là một nỗi ám ảnh quá sâu nặng?

Và có phải từ khi du nhập “học thuyết đấu tranh” từ nước ngoài về thay thế cho truyền thống nhân hậu của ông cha ta ngày xưa mà con người dần dần có khoảng cách với nhau, dẫn đến người đấu với người, nghi kỵ, đề phòng, giành giật, và tinh thần đùm bọc ‘tối lửa tắt đèn’ không còn nữa? Câu nói của bạn Nguyên “mình không chen thì người ta cũng chen, như vậy thì mình thiệt thòi, không muốn thiệt thòi thì phải chen” đã phản ánh thực trạng của xã hội và con người ngày nay. Nó xuất phát từ việc bị ô nhiễm bởi “học thuyết đấu tranh” mà ra.

Ngọn Hải Đăng

Những quan điểm được bày tỏ trong bài viết này là ý kiến của riêng (các) tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của Thời báo Đại Kỷ Nguyên.

(Đại Kỷ Nguyên VN)
https://daikynguyenvn.com/y-kien/vi-sao-nguoi-viet-hay-chen-an-mien-phi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét