Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

“Không có nước nào nhiều khoản phí như ở ta”

Ông Nguyễn Văn Giàu: 
“Không có nước nào nhiều khoản phí như ở ta”
NGỌC QUANG (GDVN) - Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã nói thẳng như vậy khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự luật phí, lệ phí.
Theo tờ trình của Chính phủ sau khi rà soát hiện nay còn 51 khoản phí. Trong đó, có 36 khoản phí kế thừa Danh mục phí hiện hành và 15 khoản phí đang được quy định tại các Luật chuyên ngành. Danh mục lệ phí hiện còn 39 khoản, trong đó lệ phí hiện hành 30 khoản và bổ sung 9 khoản lệ phí quy định tại Luật chuyên ngành.

Băn khoăn về các khoản phí, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế - ông Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị cần có sự rà soát lại về thuế, giá, lệ phí theo tinh thần Hiến pháp 2013 và các luật tiếp tục cụ thể hóa như Luật đầu tư sửa đổi, để làm thế nào tạo điều kiện hiệu quả nhất cho doanh nghiệp và người dân.

“Cần rà soát lại danh mục phí, lệ phí, trong 51 danh mục tôi thấy nhiều cái không cần thiết, không có nước nào nhiều khoản phí như ở ta”, ông Giàu nói.

Theo ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, Thường trực Ủy ban nhất trí chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí và thực hiện theo cơ chế giá, các quy định này đã được thể hiện tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá. Theo quy định này, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí mà có mức thu thấp, chi phí hành thu cao (như Lệ phí hải quan...) nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành thu; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố...).

Đối với Lệ phí môn bài (là khoản lệ phí mới, chuyển từ Thuế môn bài sang): Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, thuế môn bài được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1983 do Hội đồng nhà nước (nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội) quy định, về bản chất thuế môn bài là khoản lệ phí thu hàng năm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm quản lý, kiểm kê, kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đang hoạt động. Dó đó, nhất trí việc chuyển thuế môn bài là khoản lệ phí như dự thảo luật.

Đối với lệ phí trước bạ: Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Nhà nước thu lệ phí trước bạ nhằm thực hiện xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân. Do vậy, việc thu lệ phí chính là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân về sở hữu, sử dụng tài sản. Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí quy định khoản thu lệ phí trước bạ trong danh mục lệ phí như quy định của dự thảo luật.

Tuy nhiên hiện nay, cơ chế thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ % trên giá trị tài sản và giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định với tỷ lệ thu khác nhau, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu trên toàn quốc. Do đó, cần quy định tỷ lệ thống nhất về một mức đối với mỗi loại tài sản, đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này.

Đối với phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao: Dự thảo luật quy định, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thu là phí: “Phí áp dụng tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài”, còn các khoản thu của cơ quan ngoại giao ở trong nước là lệ phí: “Lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực xuất cảnh, nhập cảnh, giấy tờ nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam”.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc quy định như dự thảo luật chưa cụ thể, chưa rõ về nội hàm là không hợp lý và thiếu thống nhất. Do đó, đề nghị Chính phủ cần chi tiết các khoản thu áp dụng cho cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, đồng thời xác định rõ khoản thu nào là phí, khoản thu nào là lệ phí để đảm bảo thống nhất, rõ ràng trong hệ thống pháp luật.

Ngoài một số các khoản phí, lệ phí nêu trên, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, quy định như dự thảo luật chưa thực sự hợp lý và chưa bao quát được hết các đối tượng cần miễn, giảm trong thực tiễn (như người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam...). Do vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát lại các đối tượng để đảm bảo tính bao quát, phù hợp và khả thi trong thực tiễn. phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo: Phuocbeo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét