Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

TQ: Nhiều thách thức để khai trương Ngân hàng AIIB

TQ đối mặt với nhiều thách thức để khai trương Ngân hàng AIIB vào cuối năm
Bill Ide BẮC KINH—Việc Trung Quốc có thể vận động 57 nước tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu AIIB được nhiều người xem là một thắng lợi lớn của nước này. Nhưng giờ đây, khi những công việc cụ thể bắt đầu được tiến hành, các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đối mặt với những thách thức lớn để khai trương ngân hàng vào cuối năm nay. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA tường thuật từ Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đại biểu các nước dự lễ ký kết AIIB
Chỉ trong vòng 6 tháng, danh sách thành viên sáng lập của AIIB đã tăng hơn gấp đôi và bao gồm các nước ở Trung Đông, Nam Mỹ, Âu châu, Phi châu, và Á châu. Hoa Kỳ và Nhật Bản từ chối tham gia vì những mối quan tâm đối với tính chất minh bạch và quản trị công bằng của AIIB, cũng như khả năng của ngân hàng này trong việc thực thi các tiêu chuẩn cao về môi trường và lao động.

Á châu có nhu cầu vô cùng to lớn về cơ sở hạ tầng: ước chừng 800 tỉ đô la mỗi năm. AIIB muốn giúp các nước này xây dựng mọi thứ, từ hải cảng, đường sá cho tới các dự án năng lượng.

Ngoài những khó khăn thường đi kèm với việc thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng qui mô lớn và tốn kém ở các nước đang phát triển, ngân hàng này còn phải xác định cách thức chia sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên.

Các thành viên dự kiến có quyền hạn và nhiệm vụ tương đương với khoản tiền mà họ đầu tư.

Kinh tế gia Barry Naughton cho biết Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn duy trì quyền sở hữu để có tiếng nói chế ngự trong quá trình làm ra quyết định của ngân hàng:



Chúng ta có thể dự kiến là họ sẽ có ít nhất từ 25% đến 30% phần hùn, đủ để cho họ có được tiếng nói có tính chất lấn áp. Nhưng đồng thời, họ sẽ có nhiều phần chắc là không có tỉ lệ phần hùn cao hơn mức đó, cho nên họ sẽ phải lắng nghe và phối hợp với những thành viên sáng lập khác của ngân hàng.

Trung Quốc tuyên bố không nước nào có quyền phủ quyết tại ngân hàng này, nhưng quyền lợi của các nước trong khu vực sẽ được đặt làm ưu tiên để bảo đảm là họ có tiếng nói đầy đủ trong sự vận hành của ngân hàng.

Theo tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc, gần 75% của số vốn 100 tỉ đô la sẽ do các nước Á châu đóng góp, trong đó Trung Quốc là nước đóng góp nhiều nhất, và phần còn lại đến từ các nước bên ngoài khu vực.

Tuy nhiên, thư ký trưởng ban thư ký AIIB, ông Kim Lập Quần, nói rằng điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ kiểm soát quá trình làm ra quyết định của ngân hàng hay có những đặc quyền:

Trung Quốc sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế hiện có và không hành xử như một ông chủ lớn. Trung Quốc sẽ làm việc với các thành viên khác trên cơ sở bình đẳng để đạt đồng thuận đối với các quyết định thông qua hiệp thương và không dựa vào quyền phủ quyết để làm ra quyết định.

Một số người xem việc Trung Quốc thành lập ngân hàng này là một sự thách đố cho các định chế hiện có do Hoa Kỳ khống chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á châu. Họ nói rằng đó chính là lý do Hoa Kỳ và Nhật Bản từ chối tham gia.

Về phần mình, Trung Quốc nói họ không tìm cách thay thế những định chế khác và hoan nghênh sự gia nhập của Hoa Kỳ và Nhật Bản khi hai nước sẵn sàng làm như vậy.

Kinh tế gia Barry Naughton nói rằng Trung Quốc muốn thế giới xem ngân hàng khu vực này là có ích cho cơ sở hạ tầng toàn cầu:

Trung Quốc muốn có công cụ này, trong đó họ có quyền kiểm soát tối hậu, nhưng quyền này được hành sử với một cách thức mềm mỏng để gia tăng quyền lực mềm của họ. Đó là mục tiêu của họ. Dĩ nhiên họ có thể thất bại, có thể bị chệch hướng.

Trung Quốc có tiền bạc và kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và trong trường hợp ngân hàng này thành công trong việc đóng góp cho sự kết nối và thịnh vượng của khu vực, nó sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo ông Giả Khánh Quốc, giáo sư chính trị học của Đại học Bắc Kinh, cơ hội để nắm giữ một vai trò tích cực không phải là không có rủi ro:

Trung Quốc phải học hỏi rất nhiều vì thiếu kinh nghiệm trong việc thiết lập các định chế và tổ chức tài chánh quốc tế. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ có được rất nhiều lợi ích, nhưng nếu không thì sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

Ông Giả cho rằng trong số các khó khăn đó có vấn đề làm thế nào để bảo đảm phẩm chất của các dự án, cân bằng các mối quan hệ với tất cả các thành viên sáng lập và bảo đảm là họ cũng được hưởng lợi và có tiếng nói trong sự vận hành của ngân hàng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét