Làm thế nào để thoát khỏi lệ thuộc hàng hóa Trung Quốc?
Nếu như năm 2012 nhập siêu từ Trung Quốc là 16 tỷ đô la, thì năm 2014 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã là 43,7 tỷ đô la và nhập siêu là 28,9 tỷ đô la. Ngoài ra còn một lượng hàng lớn nhập khẩu qua biên giới nhưng không thống kê được, số lượng này rất nhiều. (Ảnh: internet)Nếu như năm 2012, nhập siêu từ Trung Quốc là 16 tỷ đô la, thì năm 2014 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã là 43,7 tỷ đô la và nhập siêu là 28,9 tỷ đô la. Ngoài ra còn một lượng hàng lớn nhập khẩu qua biên giới nhưng không thống kê được, số lượng này rất nhiều.
Con số trên cho thấy mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc rất lớn, và cứ đà này thì không biết tới khi nào Việt Nam mới ‘thoát Trung‘ được.
Nhiều người Việt dù không thích hàng Trung Quốc nhưng vẫn phải mua, anh Minh, một người chuyên kinh doanh mặt hàng công nghệ cho biết: “Không thích hàng Trung Quốc nhưng vẫn phải mua vì không có hàng khác mà lựa chọn, người ta toàn bán hàng Trung Quốc thôi”.
Nhiều người phát biểu rằng không thích dùng hàng Trung Quốc, nhưng so với hàng khác rẻ hơn nhiều lại dễ mua, nên vẫn phải mua.
Các ngành nghề sản xuất tại Việt Nam cũng bị phụ thuộc rất nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Ông Diệp Thành Kiệt Tổng Thư ký Hội May Thêu Đan TPHCM, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam từng cho RFA biết: “Chắc không cần lý giải nhiều cũng có thể thấy được những tác hại của nó. Vì lý do gì đó nếu nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc hoàn toàn ngưng trệ không qua Việt Nam được, thì có thể ảnh hưởng từ 30% tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may da giày. Nếu mất nguồn nhập khẩu thì chúng ta sẽ khó lòng tạo ra được một lượng xuất khẩu tương ứng được.
Chúng tôi cho rằng đây không phải là trường hợp đặc biệt của riêng Việt Nam vì hiện nay sự phát triển toàn cầu và có sự phân công của các nước trên thế giới, không có một nước nào có thể chủ động 100% vật tư nguyên liệu cho ngành xuất khẩu của họ, cho nên thường phải dựa vào nhau. Chúng tôi nghĩ rằng nếu quả thật nguồn nguyên liệu này vì lý do gì đó bị cắt ngang, thì rõ ràng chúng ta sẽ gặp khó và không thể cùng trong một lúc mà có thể xoay trở được ngay tìm nguồn nguyên liệu thay thế, dĩ nhiên có thể thay thế được một phần nhỏ thôi.”
Mặt khác có nhiều công nghệ máy móc là dùng hàng của Trung Quốc, thì kéo theo vật tư, nguyên vật liệu cũng chỉ có nhập từ Trung Quốc mới tương đồng với công nghệ đó, chứ không thể lấy từ nơi nào khác được. Dẫn tới việc phụ thuộc vào hàng Trung Quốc.
Các nhà thầu Trung Quốc cũng trúng thầu rất nhiều tại Việt Nam, và tất nhiên họ sẽ sử dụng các công nghệ máy móc Trung Quốc, cũng khiến Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc.
Xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam cũng lệ thuộc vào Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc chiếm hơn 40% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, 60% thị trường xuất khẩu cao su, 70% thị trường xuất khẩu thanh long v.v… Và khi những mặt hàng xuất khẩu này bị phụ thuộc vào Trung Quốc thì họ cũng sẽ đặt điều kiện để ép hạ giá cũng như kén chọn sản phẩm.
Vậy làm thế nào để thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc?
Thực hiện lộ trình trong Hiệp định tự do thương mại
Việc thực hiện lộ trình đã cam kết trong các Hiệp định tự do thương mại song phương cũng như đa phương là cơ hội để tránh phụ thuộc vào thị trường từ Trung Quốc.
Nhiều ngành của Việt Nam như dệt may, nhiệt điện phụ thuộc nguyên vật liệu giá rẻ nhập phần lớn từ Trung Quốc. Việc giảm thuế quan cũng như các rào cản kỹ thuật theo lộ trình sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn cung ứng vật liệu của các nước khác như Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Úc….
Đầu tư cho nông sản
Trong khi Việt Nam chịu ảnh hưởng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì hàng xuất khẩu nông sản lại chịu phụ thuộc từ thị trường Trung Quốc.
Do hàng nông sản của Việt Nam chất lượng không đạt yêu cầu để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hay Châu Âu, nên nhiều mặt hàng chỉ có thể xuất khẩu cho Trung Quốc, và do bị lệ thuộc nên thường phải chịu ép giá hay chất lượng sản phẩm, nên giá xuất khẩu cũng rất thấp.
Để tránh hàng nông sản phụ thuộc thị trường Trung Quốc cần có đầu tư thích đáng vào ngành này, nâng cấp chất lượng hàng nông sản để đạt được tiêu chí và xuất khẩu sang được các nước khác như Mỹ, Châu Â, Úc v.v….Xuất khẩu sang các nước này giá cao hơn và sẽ bù đắp lại dần chi phí đầu tư.
Chủ động sản xuất linh kiện phụ trợ trong nước
Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang có quan hệ tốt với Việt Nam và đã ngỏ ý hỗ trợ Việt Nam phát triển. Các công ty sản xuất linh kiện của Nhật cũng đang xây dựng và hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam cần có chính sách tốt để phát triển sản xuất linh kiện trong nước với sự trợ giúp về vốn và kỹ thuật của Nhật Bản và Hàn Quốc. Như thế sẽ chủ động tránh được việc phải nhập từ Trung Quốc.
Kiểm soát chặt chẽ việc mời thầu các công trình
Hiện nay các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam rất nhiều, điều này cũng dẫn đến các luồng ý kiến khác nhau, có nhiều ý kiến cho rằng Việc Trung Quốc trúng thầu nhiều thế không hẳn do phí bỏ thầu thấp, mà có một cơ chế giúp họ trúng thầu, đặc biệt là các dự án thuê đất 50 – 70 năm ở những vị trí chiến lược về quân sự như dự án khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), khai thác Bô xít ở Tây nguyên.
Các nhà thầu Trung Quốc thường bỏ thầu giá thấp, để rồi sau đó đội chi phí lên khi ký hợp đồng. Cần có biện pháp chế tài theo luật đấu thầu để loại các nhà thầu này mà không ký hợp đồng nữa.
Cần có cơ chế quản lý chặt việc đấu thầu các công trình, ưu tiên vào kinh nghiệm nhà thầu để tránh nhà thầu Trung Quốc trúng thầu.
Hiện nay ở Việt Nam đa phần người dân đều mong muốn thoát khỏi lệ thuộc hàng hóa từ Trung Quốc; Các doanh nghiệp cũng mong mỏi điều này, nhưng do bị lệ thuộc công nghệ của Trung Quốc nên cũng không thoát ra được; Chỉ riêng các lãnh đạo tại Việt Nam thì nhiều người vẫn chưa có tư tưởng muốn ‘thoát Trung’ do nền chính trị của Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
Để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc thì cần phải có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, đây là điều quan trọng nhất, đặc biệt là sự đồng lòng trong giới lãnh đạo thượng tầng. Nếu không có sự đồng lòng này thì không thể thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc.
Ngọn Hải Đăng
(Đại Kỷ Nguyên VN)
https://daikynguyenvn.com/viet-nam/lam-the-nao-de-thoat-khoi-le-thuoc-hang-hoa-trung-quoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét