'Ghế ngồi' - nguồn tham nhũng lớn
Việc phải hối lộ để được nhận vào làm việc tại khu vực hành chính công không mới. Nhưng cái mới là ở chỗ: Nếu như trước đây, đó chỉ là tin đồn, tồn tại trong xã hội, thì nay, đó là một con số có cơ sở khoa học.
Ảnh minh họa (phunutoday.vn)
50% số người được hỏi, đã xác nhận phải hối lộ khi đi xin việc ở khu vực công. Đó là kết quả khảo sát về chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm công tác lý luận thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc thực hiện, vừa được công bố, khiến xã hội phải giật mình, suy gẫm.Việc phải hối lộ để được nhận vào làm việc tại khu vực hành chính công không mới. Nhưng cái mới là ở chỗ: Nếu như trước đây, đó chỉ là tin đồn, tồn tại trong xã hội, thì nay, đó là một con số có cơ sở khoa học, được thực hiện một cách nghiêm túc, do 3 cơ quan, trong đó có một cơ quan của quốc tế, tiến hành.
Xưa nay, để được nhận vào làm công chức, viên chức trong khu vực hành chính công, xã hội vẫn xếp là phải từ 1 trong 4 nguồn: Hậu duệ; Quan hệ; Tiền tệ; Trí tuệ. Nay, đã xác định được 50% là tiền tệ rồi. Nếu ước tính một cách khiêm tốn, hai nguồn đầu, mỗi nguồn khoảng 10% nữa, thì trên thực tế, số người trong khu vực hành chính công của ta hiện chỉ có 30% là có trí tuệ, tức đủ năng lực để gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ.
70% số người không đủ năng lực gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ, nhưng lại có mặt ở các vị trí trong nền hành chính công kia, đã tạo ra cho xã hội hai loại tham nhũng: Loại thứ nhất là những kẻ có quyền bán ghế để sách nhiễu. Thứ hai là bản thân họ tham nhũng ghế, tham nhũng quyền lực.
Đã bỏ tiền ra để có được ghế, có được quyền lực, thì đương nhiên là phải thu hồi vốn bằng lương từ ngân sách và từ nhũng nhiễu người dân hay tổ chức. Rồi từ ghế thấp, tìm mọi cách để leo lên ghế cao hơn, để đến lượt mình, lại được quyền bán ghế. Không chỉ thu hồi vốn, họ còn nhằm đến mục đích lãi. Kết quả là một nền hành chính trì trệ, mượn việc công mưu lợi riêng, ngáng đường phát triển của đất nước.
Tham nhũng, gây thất thoát trong các dự án, thì còn tính toán được qua kết quả điều tra: Dự án A bị tham nhũng bao nhiêu, gây thất thoát bao nhiêu? Dự án B bị tham nhũng bao nhiêu, gây thất thoát bao nhiêu…
Trên cơ sở đó còn truy cứu trách nhiệm hình sự được kẻ tham nhũng, gây thất thoát, còn thu hồi được tiền tham nhũng, tiền thất thoát về được cho ngân sách.
Còn tham nhũng ghế, tham nhũng quyền lực, thì thiệt hại là đặc biệt lớn: Đó là một nền hành chính công trì trệ, kém hiệu quả, người dân hay doanh nghiệp, tổ chức bị nhũng nhiễu, mất rất nhiều thời gian, nhiều lần đi lại để giải quyết những công việc lẽ ra chỉ một ngày là xong; những văn bản quy phạm pháp luật vi phạm luật, gây sự rối loạn trong xã hội; những chủ trương đầu tư công gây lãng phí lớn nhưng lại không ai điều tra, lượng định được hậu quả, không truy cứu trách nhiệm hình sự, không thu hồi được. Mà loại tham nhũng đó lại kéo dài.
Một người vô năng lọt vào khu vực hành chính công từ năm 25 tuổi chẳng hạn, thì thời gian để "làm việc" sẽ kéo dài tới trên 30 năm, cho đến đủ tuổi về hưu mới chấm dứt.
Đã đến lúc cả xã hội không thể khoanh tay với những con số này. Không thể làm như cách cũ. Nhưng vấn đề là nên bắt đầu từ đâu?
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét