Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Cả nước có 63 nền kinh tế, mạnh ai nấy làm.

Cả nước có 63 nền kinh tế, mạnh ai nấy làm.
(HQ Online)- Các địa phương không mặn mà liên kết với nhau để phát triển kinh tế mà vẫn mang nặng tính cục bộ địa phương. Phát triển kinh tế theo vùng sẽ hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan cảng biển, sân bay... Ảnh: Internet.
Chia cắt không gian kinh tế
Tại Hội thảo về "Liên kết phát triển vùng" ngày 26-11, ông Lê Viết Thái, Trưởng Ban Thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kể: Trước đây, những ý tưởng về việc phát triển Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi (Bắc Nghệ An) gắn với khu kinh tế Nghi Sơn ở Nam Thanh Hóa đã được đưa ra. Tất cả nghe đều hợp lí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tỏ ý đồng tình.

Thế nhưng theo ông Thái, khi chủ trương này về đến hai tỉnh Nghệ An - Thanh Hóa thì họ đều không đồng ý, tỉnh nào cũng muốn làm riêng. Cuối cùng khu vực Hoàng Mai- Đông Hồi không gắn được với Nam Thanh Hóa mà buộc gắn với vùng Đông Nam Nghệ An.

"Tôi muốn đưa ví dụ ra để nói việc chúng ta chia cắt không gian kinh tế theo địa giới hành chính đã tạo tâm lý sắm tài sản riêng của các địa phương, tính liên kết vùng bị phá hủy"- ông Lê Viết Thái nói.

Đánh giá dẫn chứng của ông Lê Viết Thái là "rất đúng", ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM đúc kết: Người Việt Nam ít có văn hóa liên kết. Đây là thói quen rất khó thay đổi. Tư duy đơn vị hành chính kiểu làng, xã, huyện, tỉnh của nước ta rất mạnh. Mặc dù đã hội nhập quốc tế, nhưng tư duy đơn vị hành chính hầu như vẫn không thay đổi được.

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Trưởng ban Thể chế kinh tế của CIEM nhận xét: Sự liên kết giữa các địa phương rất manh mún, chưa dựa trên tính chuyên môn hóa hay sự phân công lao động theo chuỗi giá trị.

Nguyên nhân là quan điểm, định hướng phát triển vùng chung chung và thiếu ưu tiên rõ ràng; chính sách vùng còn nhiều bất cập; công cụ thực hiện chính sách kém hiệu quả; thể chế liên kết vùng kém hiệu quả.

Theo các chuyên gia, tính liên kết kém đã khiến 63 địa phương giống như 63 nền kinh tế riêng biệt.

Liên kết để đi xa

Ông Trần Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Cần xác định phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực then chốt, quan trọng trên địa bàn vùng; lựa chọn phương án tổ chức kinh tế-xã hội trên lãnh thổ vùng...

"Nếu thực hiện nghiêm túc quy hoạch vùng thì không có tình trạng tỉnh nào cũng muốn có cảng biển, sân bay. Bởi vì quy hoạch vùng đã nêu rõ khu vực nào cần cảng biển, địa bàn nào cần sân bay." - ông Trần Hồng Quang nói.

Trong khi đó, đại diện Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Ban Kinh tế Trung ương xác định phát triển vùng là công việc trọng điểm của Ban để báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Ngày xưa vấn đề liên kết vùng không ai bức xúc vì quy mô kinh tế nhỏ. Nhưng hiện nay trước xu thế phát triển, hội nhập sâu rộng, không gian kinh tế đã vượt không gian hành chính.

Chẳng hạn việc sản xuất cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long đòi hỏi liên kết vùng để vươn ra thị trường quốc tế, không phụ thuộc không gian hành chính. Hiện nay không gian hành chính đang cản trở không gian kinh tế. Như vậy phải xây dựng không gian kinh tế vùng để nền kinh tế vận hành với chi phí thấp nhất.

"Trong lĩnh vực công nghiệp, trình độ phát triển của vùng Đông Nam Bộ vượt nhiều vùng khác, đòi hỏi chính sách cho vùng này phải hoàn toàn khác các vùng khác. Các tỉnh bảo chúng tôi không cần tiền, chúng tôi cần chính sách thích hợp với sự phát triển của chúng tôi" - đại diện Ban Kinh tế Trung ương nói.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổng kết: Người ta thường nói đi một mình thì đi nhanh, nhưng nếu liên kết lại chúng ta sẽ đi xa hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn.

Lương Bằng
_____________

Nhóm lợi ích vây quanh một số cá nhân

Báo cáo chỉ rõ do chưa được luật hóa nên nhóm lợi ích ở Việt Nam rất đa dạng, phức tạp. “Nhóm lợi ích ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển… Những người này có thể ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã phường hay ở cấp sở, phòng, thậm chí cá nhân thanh tra, cảnh sát hay ở DNNN, tập đoàn, dự án...” - báo cáo cho hay.
Theo báo cáo, nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc, vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân, có thể đặt quan hệ trực tiếp hay qua con cái, thân quen mà chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh. Luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi ích hoạt động càng trắng trợn, liều lĩnh.
Xem thêm:
Những khuyến nghị nổi bật của Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012
Bàn về thể chế vùng ở Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét