Tan giấc mơ ô tô Việt-Bài 1:
'Đắp chiếu' nhà máy ô tô nghìn tỷ
TP - Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hình thành hơn 15 năm, nhưng vẫn chỉ gia công lắp ráp từ máy móc nhập khẩu. Cho đến khi, Hãng xe Toyota tuyên bố xem xét việc sản xuất tại Việt Nam (khi còn 3 năm nữa thuế nhập khẩu về 0%), nhiều cơ quan chức năng cần xem lại trách nhiệm của mình.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaxuki, tự tay cầm lái chiếc xe VG tốn nhiều tâm sức và tiền bạc nhưng vẫn thiếu nhiều bộ phận. Ảnh: L.H.V.
Cty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) là một trong số ít doanh nghiệp Việt đầu tiên tham gia sản xuất ô tô, và là đơn vị duy nhất tới nay sản xuất chiếc xe 4 chỗ “Made in Vietnam”. Vậy chiếc xe đó giờ thế nào, giấc mơ chiếc ô tô do người Việt tự sản xuất đã đi tới đâu?
Cty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) là một trong số ít doanh nghiệp Việt đầu tiên tham gia sản xuất ô tô, và là đơn vị duy nhất tới nay sản xuất chiếc xe 4 chỗ “Made in Vietnam”. Vậy chiếc xe đó giờ thế nào, giấc mơ chiếc ô tô do người Việt tự sản xuất đã đi tới đâu?
Nhà máy cỏ mọc, nuôi dê, thả lợn
Trong bữa ăn tại tư gia nằm trong khuôn nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô tại huyện Mê Linh (Hà Nội), ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaxuki kể: Khu nhà này trước đây được xây dựng cho 10 chuyên gia Nhật Bản ở để giúp sản xuất chiếc ô tô cá nhân đầu tiên gắn mác “Made in Vietnam”. Nhưng 3 năm qua, công ty phải dừng sản xuất, các chuyên gia cũng về hết. Trên bàn ăn, ông khoe các loại rau, thịt dê, gà, cá… đều được nuôi trồng trong khu nhà máy.
Hơn 3 năm qua, không có vốn, sản xuất của Vinaxuki teo tóp dần. Khu nhà máy rộng 12ha, vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng cỏ mọc xanh tốt. Thấy lãng phí, ông Huyên mua dê, bò, lợn về thả.
Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà máy rộng thênh thang, ông Huyên giới thiệu về các loại rô bốt tự động được nhập về để nội địa hóa ô tô, với giá hàng triệu đô la Mỹ, giờ bụi bám đen kịt. Khoảng 200 chiếc vỏ xe 4 chỗ đã thành hình hài, xếp hàng trong nhà máy im lìm. Đây là khung của những chiếc xe đầu tiên dự kiến được xuất xưởng từ những năm 2011-2012. Nhưng do Vinaxuki hết vốn, ngân hàng không cho vay thêm buộc phải dừng lại. Ở góc khác, vài công nhân đang hoàn thiện những chiếc xe từ số máy móc, thiết bị tồn kho vài năm trước. Thời kỳ hoàng kim (giai đoạn 2006 – 2009), nhà máy này xuất xưởng mỗi tháng hàng trăm xe tải lớn nhỏ cung cấp cho thị trường cả nước.Hơn 3 năm qua, không có vốn, sản xuất của Vinaxuki teo tóp dần. Khu nhà máy rộng 12ha, vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng cỏ mọc xanh tốt. Thấy lãng phí, ông Huyên mua dê, bò, lợn về thả.
Tình trạng “đắp chiếu” không chỉ xảy ra với nhà máy tại Hà Nội, các nhà máy khác của Vinaxuki tại Thái Nguyên, Thanh Hóa, Đắk Nông cũng lâm cảnh tương tự.
Theo ông Huyên, thời đỉnh cao, Vinaxuki chỉ nhập linh kiện về lắp ráp xe tải nhỏ, lãi thấp nhất cũng 90 tỷ đồng, năm cao nhất lên tới 160 tỷ đồng. Năm 2009, để thực hiện giấc mơ ô tô Việt, Vinaxuki đầu tư hơn 250 tỷ đồng để nghiên cứu và chế tạo ô tô cá nhân loại 4 và 7 chỗ. Để có vốn, ông Huyên vay 220 tỷ đồng vốn kích cầu sản xuất từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), thời hạn 3 năm, lãi suất năm đầu là 6%, năm tiếp theo 15% và năm cuối 17%. Khoản vay này dự kiến sẽ trả khi vay được 250 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho ngành cơ khí trọng điểm từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Nhưng VDB từ chối cho vay vì dự án đã vay của ngân hàng khác. Cuối năm 2012, Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng, mất khả năng trả nợ gốc và lãi nên các ngân hàng không cho vay thêm.
Từ đó đến nay, không có vốn, hoạt động sản xuất của Vinaxuki gần như dừng hẳn. Nhà máy cắt giảm dần công nhân, từ 1.000 người xuống còn 300. Để có tiền trả lương cho người lao động, Vinaxuki phải bán hơn 5.000 tấn sắt vụn, máy móc cũ.
“Duyên dáng Việt Nam” xếp xó
Chiếc xe cá nhân mẫu đầu tiên Vinaxuki cho ra lò là loại 4 chỗ ngồi, màu đỏ, tên gọi VG (viết tắt của từ Việt Nam Graceful - Duyên dáng Việt Nam). Nhìn xa, chiếc xe cũng khá bắt mắt, nhưng nội thất chưa có gì nhiều, ngoài động cơ, hộp số, phanh đủ để di chuyển được. Dù xe 4 ghế ngồi, nhưng mới có hai ghế trước được lắp đặt, hàng ghế sau vẫn chưa có và còn hàng loạt bộ phận thiếu khác, như: Cách âm, chốt mở cửa, điều hòa, DVD, loa, đèn… Qua những chỗ hở ở sàn để lắp đặt nội thất nhìn rõ mặt đất.
Ông Huyên say sưa giới thiệu, chiếc xe được trang bị động cơ 1.5L của hãng Mitsubishi (Nhật Bản), chỉ tốn 6 lít xăng/100km; bình xăng dung tích 45 lít; số sàn; lốp nhập khẩu từ Nhật; ghế và một số chi tiết nhựa, DVD, đèn nhập của Đài Loan; sơn tự động 5 lớp; tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 50%… “
Các chuyên gia Nhật sang bảo tôi sơn tốt quá, vỏ xe thiết kế cứng quá”, ông Huyên nói rồi lấy tay ấn mạnh vào vỏ xe để chứng minh không bị biến dạng.
Các chuyên gia Nhật sang bảo tôi sơn tốt quá, vỏ xe thiết kế cứng quá”, ông Huyên nói rồi lấy tay ấn mạnh vào vỏ xe để chứng minh không bị biến dạng.
“Nhìn vậy thôi nhưng xe đã chạy thử hơn 1.700km, về cả Quảng Ninh nhưng chưa có vấn đề gì. Xe gầm cao, máy khỏe rất phù hợp chạy đường nông thôn, miền núi của Việt Nam”, ông Huyên nói. Theo Chủ tịch Vinaxuki, để hoàn thiện xe mẫu và sản xuất đồng loạt cần thêm 20 tỷ đồng để nhập dây chuyền và máy móc, thiết bị. Đồng thời, cần thêm 50 tỷ đồng để làm vốn lưu động. Nếu xuất xưởng, giá xe dự kiến là 350 triệu đồng với bản số sàn, và 390 triệu đồng với bản số tự động.
Sau khi giới thiệu chi tiết về chiếc xe, ông Huyên mời chúng tôi lên xe chạy thử một vòng quanh sân. Ngồi trong xe nghe rõ tiếng máy chạy ầm ầm (chưa có cách âm), mỗi khi phanh lại nghe tiếng két kéo dài. “Xe để lâu chưa chạy nên phanh bị kẹt”, ông Huyên nói to để át tiếng máy. Khi xe dừng, ông Huyên phải xuống trước để mở cửa xe từ phía ngoài cho chúng tôi, vì “xe chưa lắp tay kéo chốt”.
Không thể trông chờ vào hỗ trợ vốn từ ngân hàng để đưa nhà máy sản xuất trở lại và hoàn thành giấc mơ chiếc xe Việt, ông Huyên đang đàm phán bán 50% cổ phần nhà máy để lấy tiền trả nợ và sản xuất trở lại. “Công ty được định giá hơn 3.000 tỷ đồng, đã được một số nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm. Nay mới đàm phán vòng một, dự kiến phải đàm phán 10 lần mới xong”, ông Huyên nói.
(Còn nữa)
http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/dap-chieu-nha-may-o-to-nghin-ty-847513.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét