Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Việt Nam đang làm từ thiện cho...nước ngoài?

Việt Nam đang làm từ thiện cho...nước ngoài?
(Thị trường) - Việt Nam đang làm nghĩa vụ quốc tế giữ an ninh lương thực cho thế giới bởi những chính sách trợ cấp giúp doanh nghiệp mua rẻ bán rẻ. Việt Nam đang trợ giá cho tất cả các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam như Philippines, Malaysia, châu Phi..., đặc biệt là Trung Quốc, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây", PGS.TS Vũ Trọng Khải phân tích. Thêm Vinafood 1 xuất khẩu gạo: Nông dân thêm... "chết"? / Thành tích nông nghiệp Việt: Nhập khẩu hết, trừ... đất, nông dân?

Theo PGS.TS Vũ Trọng Khải, Việt Nam đang làm 
nghĩa vụ quốc tế giữ an ninh lương thực cho thế giới
Đó là nhận xét của PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP.HCM (thuộc Bộ NN&PTNT) xung quanh những chính sách hỗ trợ sản xuất lúa gạo.

Việt Nam làm từ thiện cho nước ngoài?

Lâu nay, Nhà nước đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa mà các ngành nông nghiệp khác không có. Tiêu biểu như chính sách hỗ trợ người trồng lúa nước 500.000 đồng/ha/năm, chính sách miễn giảm thủy lợi phí, giảm thuế đất, hỗ trợ người sản xuất lúa hằng năm, hỗ trợ khai hoang cải tạo đất trồng lúa... Chưa kể những chính sách vĩ mô về thị trường cũng tập trung ưu đãi cho ngành trồng lúa như hỗ trợ mua tạm trữ lúa trong điều kiện khó tiêu thụ và giá lúa xuống thấp, chính sách đảm bảo người trồng lúa có lời tối thiểu 30%...

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng, thực tế, người nông dân không được hưởng lợi gì từ những chính sách này. Ông dẫn chứng một số chính sách cụ thể:

"Tiền dành cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiền cho người nghèo ăn tết còn bị xà xẻo, thậm chí đến tấm áo cũ gửi cho người nghèo còn bị bán làm giẻ lau ô tô thì thử hỏi 500.000 đồng tiền hỗ trợ trồng lúa nước kia đi qua một bộ máy cồng kềnh quan liêu còn lại bao nhiêu?

Hay như chính sách miễn giảm thủy lợi phí làm méo mó đầu vào của sản xuất lúa gạo. Người nông dân sẽ không tiết kiệm nước, thứ nữa nó làm nảy sinh cơ chế xin-cho, mà xin-cho thì làm nảy sinh tiêu cực.

Nông dân phải xin cung cấp dịch vụ tưới, tiêu nước từ các công ty thủy nông, còn công ty thủy nông phải xin cơ quan quản lý tài chính của nhà nước cấp bù kinh phí hoạt động. Vốn thường cấp vừa thiếu vừa không kịp thời do định mức thấp, bộ máy quan liêu, thiếu trách nhiệm. Khi ấy, người nông dân buộc phải "biết điều" đưa phong bì cho người có trách nhiệm của công ty thủy nông, nhất là lúc mùa vụ, ruộng nào cũng cần tưới, lúc úng lụt, ruộng nào cũng cần tiêu nước; còn công ty thủy nông cũng phải “biết điều” với cơ quan tài chính để nhận được vốn kịp thời.

Hậu quả là tưởng giảm bớt gánh nặng cho nông dân, trên thực tế là tăng chi phí, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh, không kiểm soát được.

Tương tự, chính sách tài trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo cũng gây lãng phí tiền thuế của dân mà nông dân trồng lúa không được hưởng lợi. Tài trợ lãi suất làm cho giá thành sản xuất lúa thấp một cách giả tạo, doanh nghiệp kinh doanh mua bán gạo ép được nông dân bán giá thấp để rồi họ lại xuất khẩu với giá rẻ, nghĩa là Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế giữ an ninh lương thực cho thế giới, nói cách khác, Việt Nam làm từ thiện cho nước ngoài trong khi nông dân - những người trực tiếp làm ra hạt lúa xuất khẩu thì bị lỗ, thiệt thòi và khốn khổ trăm bề.

Với chính sách này, Việt Nam đang trợ giá cho tất cả các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam như Philippines, Malaysia, châu Phi..., đặc biệt là Trung Quốc, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây", PGS.TS Vũ Trọng Khải phân tích.

Vị chuyên gia nông nghiệp độc lập này cũng thẳng thắn chỉ rõ bất cập của các doanh nghiệp nhà nước: "Với doanh nghiệp nhà nước bấy lâu nay, lợi nhuận sau thuế theo quy định đương nhiên do chủ sở hữu là nhà nước định đoạt, nhưng chế độ tài chính hiện hành lại giao quyền cho người đứng đầu doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Nhà nước không thu vào ngân sách lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước mà chỉ lấy phần thuế thu nhập doanh nghiệp giống như doanh nghiệp tư nhân mà thôi, lại dưới danh nghĩa phát huy quyền tự chủ của người đứng đầu doanh nghiệp, thế nên mới có đầu tư chéo, đầu tư ngoài ngành gây lãng phí".

Bởi vậy, theo PGS.TS Vũ Trọng Khải, những chính sách hỗ trợ nói trên chỉ làm méo mó thị trường và làm cho người nông dân thiệt thòi, chỉ có doanh nghiệp buôn bán trung gian là được lợi, từ đó họ sẵn sàng hạ giá xuất khẩu để dễ bán. Như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài cũng lại được lợi từ những chính sách này.

"Nông dân bị ăn chặn ở tất cả các khâu. Như hai tổng công ty lương thực nhà nước, lẽ ra phải chăm lo đầu tư cho nông dân, tạo chân hàng ổn định, đằng này lại ăn xổi ở thì, ký được hợp đồng xuất khẩu là thuê thương lái thu gom. Nhà nước yêu cầu mua tạm trữ khi giá xuống thấp thì họ lại không mua ngay mà để giá xuống thật thấp mới mua, xong rồi báo cáo nhà nước để xin tài trợ lãi suất. Thế nên dù thế nào, các tổng công ty lương thực vẫn được lời".

Tài trợ trực tiếp cho khâu sản xuất

PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng, Việt Nam đang làm ngược đời khi thay vì tài trợ trực tiếp cho khâu sản xuất của nông dân thì lại đi tài trợ cho khâu buôn bán, thương mại.

Để người nông dân thực sự là đối tượng hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ của nhà nước, theo ông Khải, trước hết phải trợ cấp cho nông dân lớn chứ hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ như hiện nay thì không thể làm nổi.

Tuy nhiên, chính sách trợ cấp tốt nhất cho nông dân, theo ông Khải chính là đào tạo người nông dân thành nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, có kỹ năng để tự làm chủ đồng ruộng cũng như có đủ kiến thức để quản lý hợp tác xã của họ.

"Có như vậy mới tạo ra được đối trọng với doanh nghiệp, mặc cả được với doanh nghiệp. Còn để nông dân nhỏ lẻ thì làm sao có thể mặc cả, doanh nghiệp muốn áp đặt thế nào cũng được", ông nói.

Ngoài ra, "nhà nước cần tài trợ kinh phí cho khuyến nông, lãi suất tín dụng, miễn hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản áp dụng công nghệ cao, đóng vai trò nhạc trưởng trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực, ở những vùng sản xuất hàng hóa lớn theo quy hoạch của nhà nước.

Tài trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản xuất theo GAP, nhất là GlobalGAP cho các hợp tác xã và trang trại trong 2-3 năm đầu.

Tài trợ kinh phí cho các hợp tác xã quy mô lớn thuê giám đốc và các nhà quản lý, kỹ thuật chuyên nghiệp có trình độ cao trong 2-3 năm đầu.

Đầu tư kinh phí cho các đề tài khoa học công nghệ và quản lý giúp cho việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các khâu hoạt động của chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực ở các vùng nông nghiệp sinh thái do nhà nước quy hoạch", PGS.TS Vũ Trọng Khải cho biết.

Thành Luân
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-dang-lam-tu-thien-chonuoc-ngoai-3119394/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét