Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Tập đoàn NN muốn được bơm tiền giải quyết thua lỗ

Tập đoàn nhà nước muốn được bơm tiền giải quyết thua lỗ 
HÀ NỘI (NV) - Tập Đoàn Cao Su Việt Nam vừa đề nghị nhà cầm quyền Hà Nội cho phép dùng vốn nhà nước cấp cho tập đoàn để giải quyết thua lỗ của Công Ty Tài Chính Cao Su. Công Ty Tài Chính Cao Su của Tập Đoàn Cao Su Việt Nam vừa được đề nghị giải thể sau khi vứt đi hàng ngàn tỷ.
Sơ chế mủ cao su (Hình: Tuổi Trẻ) 
Công Ty Tài Chính Cao Su vừa bị đề nghị giải thể sau khi lỗ 1,770 tỷ. Theo Thanh Tra Chính Phủ CSVN, Công Ty Tài Chính Cao Su có tài sản trị giá 1,630 tỷ. Công ty này đã đem 1,900 tỷ cho vay và có tới 1,625 tỷ đồng trên tổng số 1,900 tỷ đồng đó đã cho vay (83%) không thể đòi lại cả vốn lẫn lãi.

Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra bất bình khi Tập Đoàn Cao Su quốc doanh xem chuyện thua lỗ, mất trắng tài sản của Công Ty Tài Chính Cao Su là bình thường và tập đoàn này không trách nhiệm.

Trong văn bản gửi nhà cầm quyền trung ương CSVN, Tập Đoàn Cao Su Việt Nam chống chế, Công Ty Tài Chính Cao Su thua lỗ là vì Tập Đoàn Cao Su Việt Nam không có kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Bởi vậy, khi Công Ty Tài Chính Cao Su mở rộng quy mô không theo kịp diễn biến và chưa kiểm tra, giám sát kịp thời. Công Ty Tài Chính Cao Su thì còn “non trẻ” lại không được các cơ quan hữu trách “hỗ trợ, cảnh báo kịp thời.”

Tập Đoàn Cao Su Việt Nam chỉ là một trong hàng trăm tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm suy kiệt kinh tế Việt Nam. Theo một số thống kê, 13 tập đoàn và 96 tổng công ty của nhà cầm quyền CSVN đang nắm giữ khoảng 75% tài sản cố định của quốc gia, 60% tổng tín dụng ngân hàng và tổng vốn vay nước ngoài nhưng chỉ tạo ra khoảng 40% tổng sản phẩm trong nước.

Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục suy thoái nghiêm trọng. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản khiến hàng chục triệu người thất nghiệp, vật giá gia tăng, người nghèo càng ngày càng đông, càng lúc càng cơ cực, xã hội càng ngày càng hỗn loạn.

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhiều viên chức trong hệ thống đảng, hệ thống chính quyền, khẳng định là hệ quả của chủ trương sai, quản lý tồi, điều hành kém và gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia được dồn hết cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong khi hệ thống này chỉ gây thất thoát,...

Tuy nhiên bất chấp thực tế đó, giới lãnh đạo Đảng CSVN vẫn khăng khăng xác định kinh tế nhà nước phải giữ vai trò “chủ đạo” bởi Việt Nam đang xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Việt Nam vừa ủy quyền cho ba ngân hàng ngoại quốc giới thiệu chương trình phát hành trái phiếu trị giá một tỷ Mỹ kim với giới đầu tư trái phiếu quốc tế.

Đây là lần thứ ba trong vòng chín năm vừa qua, Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế. Một tỷ Mỹ kim thu về từ đợt phát hành trái phiếu này nhằm để trả khoản nợ xấp xỉ một tỷ Mỹ kim với lãi suất cao. Tuy việc vay một tỷ Mỹ kim thông qua chuyện phát hành trái phiếu như vừa kể không giúp giảm nợ nhưng Việt Nam hy vọng sẽ giúp giảm lãi.

Năm 2005, lần đầu tiên Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu Mỹ kim, với kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7.125%/năm và phải trả cả nợ gốc lẫn lãi vào năm 2016.

750 triệu Mỹ kim đó được giao cho Vinashin - một tập đoàn nhà nước. Vinashin vứt hết vào các dự án, kế hoạch vô bổ rồi phá sản nên nhà cầm quyền Hà Nội phải trả nợ thay.

Đến năm 2010, Việt Nam tiếp tục phát hành trái phiếu quốc tế tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore để vay 1 tỷ Mỹ kim với kỳ hạn 10 năm, lãi suất danh nghĩa 6.75%/năm. Khoản vay này tiếp tục được giao cho Tập Đoàn Dầu Khí, Tập Đoàn Điện Lực và Vinalines... Vinalines chẳng khác gì Vinashin. (G.Đ) 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=197853&zoneid=2#.VF8LqzTF92s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét